Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/2009/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 24 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI HỌC VÀ MỨC ƯU ĐÃI THU HÚT NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ CAO VỀ TỈNH CÔNG TÁC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20 tháng 11 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23 tháng 11 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1891/TTr- UBND ngày 03 tháng 7 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ công chức đi học và mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học và mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác như sau:

I. Mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học

1. Đối tượng

- Cấp tỉnh, huyện: Cán bộ do bầu cử; công chức hành chính nhà nước, viên chức sự nghiệp; cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ cơ quan Đảng, đoàn thể.

- Cấp xã: Cán bộ thuộc các chức danh quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ; cán bộ không chuyên trách; cán bộ dự nguồn các chức danh cán bộ chuyên trách.

Các đối tượng trên được cơ quan có thẩm quyền cử đi học các lớp ngắn hạn (3 tháng trở xuống) hoặc dài hạn (trên 3 tháng) với các hình thức: Đào tạo, bồi dưỡng tập trung, không tập trung, đào tạo sau đại học tại các học viện, các trường đại học, các trường quản lý ngành của các bộ, cơ quan ngang bộ; các trường của tỉnh được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cử đi học.

2. Mức hỗ trợ

a. Mức hỗ trợ chung: Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Mục 1, Phần I, Điều 1 được hưởng:

- Nguyên tiền lương và các khoản phụ cấp tiền lương theo quy định hiện hành.

- Được hỗ trợ tiền mua giáo trình học tập, tiền học phí, tiền đi thực tế theo mức quy định của trường.

- Tiền tàu, xe cho lượt đi và về:

+ Các lớp ngắn hạn 1 lần.

+ Các lớp dài hạn không tập trung, tại chức mỗi đợt 1 lần.

+ Các lớp dài hạn tập trung 3 tháng 1 lần.

+ Đối tượng cán bộ đi học tại thành phố Hồ Chí Minh nếu đi bằng máy bay do Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quy định cụ thể tại quyết định cử đi học.

 b. Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Mục 1, Phần I, Điều 1 được cơ quan quản lý trực tiếp và Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cử đi học sau đại học, ngoài mức hỗ trợ chung được quy định trên, còn được hưởng các khoản hỗ trợ sau:           

- Hỗ trợ tiền làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp:

+ Tiến sỹ khoa học: 30 triệu đồng;

+ Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II, Dược sỹ chuyên khoa II: 20 triệu đồng;

+ Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa I, Dược sỹ chuyên khoa I: 15 triệu đồng.

- Khi được cấp bằng hoặc phong học hàm, học vị được hưởng chế độ ưu đãi 1 lần:

+ Giáo sư, Tiến sỹ khoa học: 30 triệu đồng;

+ Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II, Dược sỹ chuyên khoa II: 25 triệu đồng.

+ Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa I, Dược sỹ chuyên khoa I: 15 triệu đồng.

c. Cán bộ nữ đi học: Ngoài chế độ hỗ trợ trên còn được hưởng thêm các khoản sau:

- Tiền trợ cấp:

+ Đi học ngắn hạn: 200.000đ/tháng.

+ Đi học dài hạn : 100.000đ/tháng.

- Tiền tàu, xe lượt đi và về cho cán bộ nữ có gia đình riêng: Các lớp ngắn hạn 1 tháng 1 lần.

- Tiền gửi trẻ cho cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi: 300.000đ/tháng đối với các trường trong tỉnh, 500.000đ/tháng đối với các trường ngoài tỉnh.

II. Mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh

1. Đối tượng thu hút

a. Giáo sư, Giáo sư - Tiến sĩ, Phó giáo sư - Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học có tuổi đời không quá 55 tuổi đối với nam; không quá 50 tuổi đối với nữ.

b. Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, Dược sĩ chuyên khoa II có tuổi đời không quá 50 tuổi đối với nam, không quá 45 tuổi đối với nữ.

 c. Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, Dược sĩ chuyên khoa I có tuổi đời không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ.

d. Đối tượng là sinh viên sau khi tốt nghiệp:

d.1. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hệ chính quy ở một số trường đại học công lập trong nước; sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi các trường đại học ở nước ngoài có chuyên ngành phù hợp với danh mục các trường đại học cần tuyển (quy định tại Phụ biểu số 01 kèm theo Nghị quyết này), được tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức. Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, nếu đơn vị hết chỉ tiêu biên chế thì được Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung từ nguồn biên chế dự phòng của tỉnh. Sau khi được bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức, viên chức được ưu tiên trong xét cử đi đào tạo sau đại học theo nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của tỉnh.

d.2. Người có bằng thạc sĩ (có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá, giỏi các trường đại học trong và ngoài nước) có ngành nghề phù hợp với danh mục các ngành, các trường cần tuyển của tỉnh, được đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức. Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Nếu đơn vị hết chỉ tiêu biên chế thì được Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung từ nguồn biên chế dự phòng của tỉnh. Sau khi được bổ nhiệm chính thức vào ngạch công chức được ưu tiên trong xét cử đi nghiên cứu sinh theo nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của tỉnh.

d.3. Người có bằng tiến sĩ được đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức. Được bố trí làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, nếu đơn vị hết chỉ tiêu biên chế thì được Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung từ nguồn biên chế dự phòng của tỉnh.

2. Mức ưu đãi

- Đối tượng quy định tại Điểm a, Mục 1, Phần II, Điều 1: 200 triệu đồng.

- Đối tượng quy định tại Điểm b, Mục 1, Phần II, Điều 1: 180 triệu đồng.

- Đối tượng quy định tại Điểm c, Mục 1, Phần II, Điều 1: 120 triệu đồng.

- Đối tượng quy định tại Tiết d.1, Điểm d, Mục 1, Phần II, Điều 1: 25 triệu đồng.

- Đối tượng quy định tại Tiết d.2, Điểm d, Mục 1, Phần II, Điều 1: 50 triệu đồng.

- Đối tượng quy định tại Tiết d.3, Điểm d, Mục 1, Phần II, Điều 1: 100 triệu đồng.

3. Thẩm quyền quyết định thu hút

- Thường trực Tỉnh uỷ quyết định thu hút các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b, Mục 1, Phần II, Điều 1 và các đối tượng thu hút về các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện.

- Chủ tịch UBND quyết định thu hút các đối tượng còn lại.

4. Thời gian phục vụ tại tỉnh

a. Đối tượng được cử đi học quy định tại Phần I, Điều 1 nếu có nguyện vọng xin chuyển công tác đến nơi khác không thuộc tỉnh quản lý biên chế quỹ tiền lương, phải có thời gian công tác sau đào tạo tối thiểu 10 năm và phải được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ (nếu thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh uỷ quản lý), của Chủ tịch UBND tỉnh (các đối tượng còn lại đã được hưởng mức hỗ trợ quy định tại Điểm b, Mục 2, Phần I, Điều 1). Nếu chưa đủ thời gian công tác quy định trên phải hoàn lại kinh phí đào tạo đã được hỗ trợ theo quy định.

b. Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi thu hút ở Phần II, Điều 1 sau khi về tỉnh công tác, nếu có nguyện vọng xin chuyển công tác đến nơi khác không thuộc tỉnh quản lý biên chế quỹ tiền lương, phải có thời gian công tác tại tỉnh Phú Thọ tối thiểu 15 năm đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi; 10 năm đối với các đối tượng còn lại (trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ) và phải được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ (nếu thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh uỷ quyết định thu hút), của Chủ tịch UBND tỉnh (nếu thuộc diện UBND tỉnh quyết định thu hút). Nếu chưa đủ thời gian công tác nêu trên phải hoàn lại số tiền ưu đãi đã nhận và kinh phí đào tạo đã được hỗ trợ theo quy định.

III. Kinh phí thực hiện

1. Các khoản kinh phí hỗ trợ quy định tại Điểm a, Điểm c, Mục 2, Phần I, Điều 1 do cơ quan có cán bộ công chức, viên chức đi học chi trả.

2. Các khoản kinh phí chi cho cán bộ, công chức được cử đi học quy định tại Điểm b, Mục 2, Phần I, Điều 1 và các khoản chi mức ưu đãi thu hút quy định tại Mục 2, Phần II, Điều 1 được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.

3. Các khoản kinh phí chi cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp được cử đi học quy định tại Điểm b, Mục 2, Phần I, Điều 1 và các khoản chi mức ưu đãi thu hút quy định tại Mục 2, Phần II, Điều 1 được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% và ngân sách sự nghiệp hỗ trợ 50%.

IV. Tổ chức thực hiện

Việc chi trả mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học và mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết này. Hàng năm công bố số lượng, danh mục các ngành thuộc các trường đại học cần tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh. Xây dựng và ban hành quy định mức ưu đãi, thu hút đối với người có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, nghệ nhân, người có tay nghề bậc cao về công tác tại tỉnh theo thẩm quyền;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ mười bảy thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2009./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 187/2009/NQ-HĐND về Quy định mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi học và mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu: 187/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản