Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/2015/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 125/2008/NQ- HĐND NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014; Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 9743/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với nội dung cụ thể như sau:

1. Điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu giai đoạn đến năm 2020 được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh như sau:

a) Các chỉ tiêu điều chỉnh:

- Chỉ tiêu “95 - 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt quy chuẩn môi trường” điều chỉnh thành “100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt quy chuẩn môi trường”.

- Chỉ tiêu “60 - 70% khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung” điều chỉnh thành “60 - 70% khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung trong đó tỷ lệ khu đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu là 70%”.

- Chỉ tiêu “100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch” điều chỉnh thành “100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT”.

- Chỉ tiêu “90% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 90% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường” điều chỉnh thành “95% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh, 95% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh; 80% hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường”.

- Chỉ tiêu “Nâng tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 52%” điều chỉnh thành “tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 52%, trong đó giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 29,76%”.

b) Các chỉ tiêu bổ sung:

- Tỷ lệ diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị, khu dân cư đến năm 2020 là 04 - 5,2 m2/người.

- Thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, trong đó, tỷ lệ chôn lấp không quá 15%.

- Tỷ lệ 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý chất thải.

- Tỷ lệ cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng.

2. Bổ sung nhiệm vụ bảo vệ môi trường đến năm 2020

a) Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật, các quy định mới của Trung ương về môi trường cho các tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tổng kết Chương trình liên tịch phối hợp hành động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cấp tỉnh; tiếp tục ký kết và triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình liên tịch giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các tuần lễ, sự kiện môi trường hàng năm.

- Đa dạng hóa nội dung, hình thức và tài liệu truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

b) Phòng ngừa, khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường:

- Tập trung thực hiện các dự án nhằm phòng ngừa, hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường: Các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, gắn kết với dự án ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 - 2015; triển khai Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

- Tăng cường đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về môi trường theo quy hoạch; tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và hệ thống khu xử lý chất thải rắn.

- Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ năng lượng mới; kiên quyết không cho phép đưa vào hoạt động, vận hành các cơ sở không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng diện tích đất lớn, tiêu hao nhiều năng lượng.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020 thay thế Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của UBND tỉnh.

- Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định công tác thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, các dự án về xử lý chất thải. Tăng cường việc quản lý, cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn thông thường và nguy hại, chất thải y tế).

- Công khai thông tin kết quả xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và cùng tham gia giám sát.

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc nhằm kịp thời giám sát diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực hiện quan trắc các thành phần môi trường đất, nước, không khí, nước dưới đất; quan trắc dioxin khu vực phụ cận sân bay Biên Hòa, khu vực Mã Đà, Hiếu Liêm huyện Vĩnh Cửu; quan trắc nước thải tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động.

- Vận hành hiệu quả và khai thác dữ liệu các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai quan trắc mở rộng các thành phần trầm tích, khí thải và chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường và xây dựng cơ chế chia sẻ, trao đổi dữ liệu thông tin về môi trường trong tỉnh, với trung ương và các tỉnh/thành lân cận.

- Phấn đấu 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành khắc phục ô nhiễm theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 và Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu hàng năm, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ trên địa bàn tỉnh vào năm 2018; thực hiện Đề án Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường hóa chất độc hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Tiếp tục thực hiện công tác thu phí về bảo vệ môi trường và hỗ trợ vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025”.

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát khí thải của các phương tiện giao thông.

c) Bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên

- Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

- Tiếp tục điều tra, đánh giá thực trạng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, bảo vệ các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận quản lý các hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông thuộc ranh giới hành chính.

- Thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy hoạch sử dụng đất.

d) Bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học:

- Lập và triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tiếp tục triển khai các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng, an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Điều tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát hạn chế sự phát triển các loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường. Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền, các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hoàn thành hồ sơ công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu di sản Thiên nhiên thế giới.

- Bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, phân tán; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm.

đ) Tăng cường công tác ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt để có các biện pháp thích ứng phù hợp; triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.

- Kiểm kê hiện trạng phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khi có hướng dẫn từ Trung ương, đề xuất biện pháp giảm thiểu trên cơ sở ưu tiên, tranh thủ nguồn tài trợ cho dự án từ nước ngoài.

- Triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch số 177-KH/TU ngày 18/4/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

e) Bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm

- Bảo vệ môi trường khu đô thị:

+ Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các đô thị; giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và chất thải y tế.

+ Tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại - dịch vụ để góp phần bảo vệ môi trường thành phố Biên Hòa và sông Đồng Nai.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo môi trường khu vực đô thị và các dự án cải tạo kênh mương, đoạn sông suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.

+ Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung.

- Tiếp tục triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn phù hợp với công nghệ xử lý chất thải.

- Bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp

+ Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động.

+ Tăng cường kiểm tra hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

+ Kiểm tra, giám sát 24/24 giờ chất lượng nước thải tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN có nước thải ổn định.

+ Thực hiện đánh giá, phân hạng về môi trường đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

+ Thực hiện Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 13/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (tập trung chỉ đạo hoàn thành lập thủ tục môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải theo quy định).

- Bảo vệ môi trường nông thôn

+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 11/01/2012 của UBND tỉnh.

+ Hỗ trợ việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu chất thải nguy hại (vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc...) từ các cơ sở kinh doanh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP và các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng các công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi.

+ Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH TW Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 80% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

+ Tăng cường công tác phòng chống dịch hại vật nuôi trên địa bàn tỉnh; phối hợp xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm theo quy định, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường; tiếp tục triển khai quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung, dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm (Lifsap) tỉnh Đồng Nai do Ngân hàng Thế giới tài trợ; tiếp tục triển khai Dự án “Chương trình Khí sinh học cho Ngành Chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện.

g) Tăng cường hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai:

Giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai phấn đấu đạt kết quả sau: Tổng nguồn vốn là 278 tỷ đồng; tiếp nhận và tổ chức thẩm định, duyệt cho vay 297 tỷ đồng/40 dự án; thu hồi nợ gốc 170 tỷ đồng/35 dự án; tiếp nhận, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền kỹ quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, số tiền ký quỹ còn tạm giữ tại Quỹ đến năm 2020 khoảng 25,89 tỷ đồng/26 dự án.

h) Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý tài nguyên môi trường:

- Tổ chức thu thập, cập nhật, thống kê hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường để phục vụ tích cực cho công tác quản lý của Nhà nước về tài nguyên và môi trường và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cổng thông tin điện tử để phục vụ công tác quản lý, điều hành qua mạng; triển khai và áp dụng mô hình văn phòng điện tử ở cấp tỉnh; xây dựng, ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, viễn thám trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giám sát khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải bằng công nghệ quan trắc tự động.

- Sử dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt nhằm dự báo, khoanh vùng khu vực bị ngập lụt do ảnh hưởng của nước biển dâng; kết hợp với công nghệ quan trắc tự động, liên tục, dữ liệu về khí tượng thủy văn để cập nhật tự động, liên tục bản đồ ngập lụt.

i) Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; công tác kiểm tra, thanh tra về tài nguyên và môi trường:

- Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân; tham mưu giải quyết tốt các tranh chấp về quyền sử dụng đất, các khiếu nại tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai; xử lý kịp thời các khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường; không để các vụ việc kéo dài, phát sinh điểm nóng.

- Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, kiểm tra sau thanh tra, kiểm tra sau cấp phép đối với hoạt động khoáng sản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; kiểm tra sau giao đất, cho thuê đất; kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp.

- Tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý về tài nguyên và môi trường của UBND cấp huyện, cấp xã.

- Hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

- Triển khai công tác thanh tra về bảo tồn đa dạng sinh học.

k) Tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế:

- Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo mục tiêu, yêu cầu, đến năm 2020 chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ.

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy theo hướng chuyên môn hóa, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện.

- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác vùng, hợp tác trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, hợp tác, đào tạo nhân lực phục vụ công tác quản lý nhất là về thông tin địa lý, môi trường, tài nguyên nước.

3. Điều chỉnh, bổ sung các dự án đến năm 2020

a) Tiếp tục triển khai các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể:

- Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

- Dự án tổng thể về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

- Dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học đến năm 2020.

b) Điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành thoát nước và quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

d) Các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: dự án chống ngập úng, nạo vét kênh thoát nước các khu dân cư, thị trấn, đô thị.

đ) Đề án nghiên cứu giải pháp quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Các nội dung còn lại của Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII - kỳ họp 16 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2015./. 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng: QH (A+B); CP (A+B);
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: Tư pháp; TNMT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai;
- Thường trực: Tỉnh ủy; HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Thư
ng trực HĐND; UBND cấp huyện;
- Trung tâm Công báo tỉnh (để đăng công báo);
- Báo Đồng Nai, LĐĐN; Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Tư