Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/2009/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 20 tháng 4 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2003/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XV về xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin - thể thao tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 750/TTr-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị thông qua quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền văn hóa trên địa bàn tỉnh đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa về cội nguồn của cả nước. Bảo tồn, phát triển di sản văn hóa đi đôi với xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân trong tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về lĩnh vực văn hóa truyền thống:

+ Người xem trưng bày tại các bảo tàng và phòng truyền thống: Phấn đấu năm 2010 đạt 0,1 lần/năm; năm 2015 đạt 0,2 lần/năm; năm 2020 đạt 0,5 lần/năm; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Bảo tàng Hùng Vương vào năm 2010;

+ Số di tích xếp hạng được tu bổ: Năm 2010 đạt 30%, năm 2015 đạt 60% và năm 2020 đạt 80%, trong đó tập trung trùng tu, xây dựng các công trình tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các di tích liên quan đến thời đại Hùng Vương;

+ Năm 2010: Hoàn thành việc kiểm kê các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đến năm 2011: Di sản văn hóa "Hát Xoan" được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2015: 30% các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu được điều tra, phục dựng lưu trữ tại ngân hàng dữ liệu của Bảo tàng Hùng Vương; 33 lễ hội truyền thống tiêu biểu được đầu tư phục dựng bảo tồn. Đến năm 2020: 70% các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu được điều tra, phục dựng, lưu trữ.

- Về phát triển đời sống văn hóa cơ sở:

+ Đảm bảo mỗi người dân có 0,7 cuốn sách trong thư viện công cộng vào năm 2010; 1,5 cuốn sách vào năm 2015 và 02 cuốn sách vào năm 2020;

+ Người dân được xem phim nhựa: Đến năm: 2010 bình quân 0,8 lượt/người/năm, năm 2015 đạt 1,5 lượt/người/năm và năm 2020 đạt 3 lượt/người/năm;

+ Người dân xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Đến năm 2010 đạt 0,4 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,2 lượt/người/năm); năm 2015 đạt 0,6 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,4 lượt/người/năm); năm 2020 đạt 01 lượt/người/năm (trong đó, vùng sâu, vùng xa đạt 0,8 lượt/người/năm);

+ Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa: Đến năm 2010 đạt trên 80%; năm 2015 đạt trên 82% và năm 2020 đạt trên 85%.

+ Làng, bản, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa: Đến năm 2010 đạt trên 75%; năm 2015 đạt trên 80% và năm 2020 đạt 85%.

- Về xây dựng các thiết chế văn hóa:

+ Xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa đến năm 2010: Tập trung hoàn thành Bảo tàng Hùng Vương, Quảng trường Festival và các công trình tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Lạc Long Quân, sân trung tâm lễ hội, cổng Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đảm bảo 75% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa xã và 100% làng, bản, khu dân cư có nhà văn hóa;

+ Đến năm 2015: Hoàn thành xây dựng Trung tâm văn hóa - thông tin của tỉnh, Nhà thiếu nhi tỉnh, Quảng trường trung tâm thành phố Việt Trì, Bảo tàng ngoài trời - khu di tích Làng Cả và các công trình trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Cải tạo, sửa chữa các rạp chiếu phim, nhà tập luyện các đoàn nghệ thuật. Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh hiện đại hóa, tin học hóa, số hóa 20% tài liệu quý hiếm. 13/13 huyện, thành, thị hoàn thành xây dựng Trung tâm văn hóa - thông tin và thư viện đảm bảo theo tiêu chuẩn, 50% các huyện, thành, thị có Nhà thiếu thi; 100% các xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.

+ Đến năm 2020: Hoàn thành xây dựng các thiết chế từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đồng bộ, hiện đại, gồm: Hệ thống Nhà văn hóa (trung tâm văn hóa - thông tin), Thư viện, Bảo tàng: Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng ngoài trời - di tích xóm Rền - xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, di tích Gò Mun - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Nhà hát nghệ thuật truyền thống, các rạp chiếu phim, hệ thống tượng đài, quảng trường (tượng đài biểu tượng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, tượng đài Chiến thắng Tu Vũ, tượng đài Chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản); Vườn tượng điêu khắc và Nhà thiếu nhi.

- Kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ:

+ Đến năm 2010: Cán bộ văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học, trên đại học đúng chuyên ngành đạt 65%, cấp huyện đạt 45%, cán bộ văn hóa cấp xã có trình độ trung cấp trở lên đúng chuyên ngành đạt 30%;

+ Đến năm 2015: Cấp tỉnh đạt 85%, cấp huyện đạt 65%, cấp xã đạt 50%;

+ Đến năm 2020: Cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 100%.

2. Định hướng phát triển các lĩnh vực hoạt động văn hóa chủ yếu

a) Đối với lĩnh vực in, phát hành: Tăng cường xã hội hóa hoạt động in; phát triển các cơ sở in ngoài công lập; củng cố và xây dựng mạng lưới phát hành sách tại các huyện, thị, thành phố đảm bảo đạt tiêu chuẩn; xây dựng các siêu thị sách hiện đại, quy mô lớn; xây dựng Nhà xuất bản Phú Thọ theo mô hình kinh doanh khép kín (gồm các khâu: Xuất bản - in - phát hành).

b) Đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa:

- Kiểm kê, rà soát, phân loại toàn bộ di sản văn hóa vật thể, danh thắng của tỉnh. Tiếp tục khai quật các di tích khảo cổ để bổ sung những tư liệu mới, lựa chọn một số di chỉ tiêu biểu để nghiên cứu bảo tồn tại chỗ. Tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và phục dựng lễ hội tiêu biểu. Hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương. Đầu tư củng cố hệ thống thiết chế bảo tàng, phòng truyền thống từ tỉnh đến các huyện, thị, thành. Hoàn thành việc xây dựng hồ sơ di sản "hát Xoan" đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011;

- Triển khai xây dựng các hồ sơ khoa học xếp hạng và đưa vào lưu trữ dữ liệu các di tích trên toàn tỉnh; tổ chức thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và một số di tích chưa được xếp hạng; đăng ký, kiểm kê và làm hồ sơ hiện vật cho 100% di vật, cổ vật; thống kê và lưu trữ dữ liệu 100% di sản văn hóa; phục dựng 100% lễ hội cổ truyền tiêu biểu.

c) Đối với lĩnh vực thư viện: Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh mới tại trung tâm thành phố Việt Trì và đề nghị nâng cấp Thư viện tỉnh lên hạng I vào năm 2015. Đến năm 2020: Hoàn thành đầu tư xây dựng mới 09 thư viện cấp huyện và 100% số xã, phường, thị trấn có thư viện, phòng đọc hiện đại.

d) Đối với lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn: Củng cố, kiện toàn các đơn vị nghệ thuật; sáp nhập Đoàn Kịch nói và Đoàn nghệ thuật Chèo thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống. Phát triển một số loại hình nghệ thuật hiện đại như ca, múa, nhạc, kịch và các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập.

đ) Đối với lĩnh vực văn hóa cơ sở: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã, phường, thị trấn văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Phát động phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa.

e) Đối với lĩnh vực điện ảnh: Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp rạp chiếu phim ở thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ với trang thiết bị hiện đại; nâng cao chất lượng chiếu phim lưu động, đầu tư đồng bộ, trang bị hiện đại thiết bị chiếu phim và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hành và phổ biến phim.

g) Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh: Quy hoạch hệ thống tượng đài, hoàn thành xây dựng các tượng đài: Chiến thắng Tu Vũ, chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tượng đài danh nhân khác. Xây dựng tượng đài biểu tượng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Hoàn thành dự án phục hồi di tích lịch sử cột cờ Hưng Hóa. Hình thành và phát triển một số câu lạc bộ mỹ thuật. Tăng cường tổ chức các cuộc triển lãm, đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh khu vực, quốc gia và quốc tế.

h) Đối với lĩnh vực dịch vụ văn hóa: Khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ quảng cáo, kinh doanh karaoke, vũ trường và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, in, phát hành sách, dịch vụ tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội v.v…

i) Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu, gắn các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa với nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa.

k) Đối với lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số: Tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lựa chọn một số làng, bản còn bảo lưu được các giá trị văn hóa nguyên gốc, đặc sắc của từng dân tộc để bảo tồn, phát huy và phát triển du lịch văn hóa - sinh thái; giữ gìn, bảo lưu ngôn ngữ, chữ viết, văn nghệ dân gian, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

l) Phát triển văn hóa gắn với xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam (thành phố Việt Trì và vùng lân cận): Phát triển các khu vực không gian văn hóa như không gian sinh thái tự nhiên với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; khu vực không gian văn hóa tổng hợp đương đại với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, không gian văn hóa truyền thống gắn với các lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa mang đậm sắc thái cội nguồn.

m) Quy hoạch phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch: Tập trung đầu tư, khôi phục và phát triển các lễ hội tiêu biểu để xây dựng thành điểm du lịch lễ hội. Giai đoạn 2008 - 2020, lựa chọn đầu tư phát triển 10 lễ hội tiêu biểu thành điểm du lịch lễ hội để khai thác phục vụ phát triển du lịch.

n) Phát triển văn hóa theo vùng lãnh thổ:

- Vùng núi (các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng): Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thông tin, chiếu bóng lưu động. Đầu tư xây dựng để các huyện có đủ thiết chế văn hóa. Khai thác và phát huy giá trị các di tích cách mạng gắn với hoạt động giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển quy mô, nội dung các hoạt động lễ hội gắn với Chương trình "Du lịch về cội nguồn". Nghiên cứu, đầu tư phục dựng, bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, tổ chức phổ biến trong cộng đồng để bảo tồn vốn văn hóa truyền thống và khai thác phục vụ phát triển du lịch.

- Vùng giữa (thị xã Phú Thọ và các huyện: Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê): Phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đầu tư tu bổ các khu di tích gắn với các lễ hội tiêu biểu, phát triển làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

- Vùng đô thị, đồng bằng và không gian văn hóa vùng Đất Tổ Hùng Vương (thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, Phù Ninh): Phát triển văn hóa đô thị gắn với "Không gian văn hóa vùng Đất Tổ Hùng Vương" và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Tập trung đầu tư cho các lễ hội, thiết chế văn hóa hiện đại. Phát triển công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

p) Về quy hoạch đất cho văn hóa:

- Quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh tại thành phố Việt Trì, gồm: Trung tâm văn hóa - thông tin, Thư viện tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống. Tổng nhu cầu sử dụng đất (tối thiểu): 70.400m2;

- Quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa cấp huyện (đối với những huyện chưa bố trí), gồm: Trung tâm văn hóa - thông tin (diện tích tối thiểu 5.000m2/trung tâm), Thư viện huyện (diện tích tối thiểu 600m2/thư viện), Nhà thiếu nhi (diện tích tối thiểu 3.000m2). Tổng nhu cầu sử dụng đất (tối thiểu): 70.000m2;

- Quy hoạch đất bổ sung xây dựng nhà văn hóa cấp xã (đối với những nơi chưa có): Diện tích (tối thiểu): 600m2/nhà văn hóa. Tổng nhu cầu sử dụng đất (tối thiểu): 10.200m2;

- Quy hoạch đất xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa khu dân cư cho 18 khu dân cư chưa được quy hoạch đất, chưa có điểm sinh hoạt văn hóa (không tính những khu dân cư sinh hoạt chung với thiết chế khác): Diện tích đất (tối thiểu) 200m2/điểm sinh hoạt văn hóa. Tổng nhu cầu sử dụng đất: 3.600m2;

- Quy hoạch bố trí đất cho 11 di tích khảo cổ dự kiến xếp hạng quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tổng nhu cầu sử dụng đất là: 1.057.290m2.

Tổng nhu cầu sử dụng đất cần quy hoạch bổ sung hoàn thành vào năm 2010 là: 1.196.490m2.

3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch

a) Về huy động các nguồn vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn khoảng: 5.409 tỷ đồng. Trong đó: Khu di tích Đền Hùng: 1.500 tỷ đồng. Chia ra các giai đoạn:

+ Giai đoạn 2008 - 2010: Khoảng 912 tỷ đồng (bình quân 456 tỷ đồng/năm).

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Khoảng 1.812 tỷ đồng (bình quân 362 tỷ đồng/năm).

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Khoảng 2.685 tỷ đồng (bình quân 537 tỷ đồng/năm).

- Hướng huy động các nguồn vốn đầu tư:

+ Nguồn vốn từ ngân sách địa phương là: 1.757 tỷ đồng (bình quân 146,4 tỷ đồng/năm);

+ Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và chương trình mục tiêu là: 2.545 tỷ đồng (trong đó Khu di tích Đền Hùng: 1.000 tỷ đồng, bình quân 212 tỷ đồng/năm);

+ Nguồn vốn xã hội hóa, huy động các tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước là: 1.107 tỷ đồng (trong đó Khu di tích Đền Hùng: 500 tỷ đồng, bình quân 92,3 tỷ đồng/năm).

- Đối với nguồn vốn ngân sách: Huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thực hiện các dự án, đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; có chính sách phù hợp huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa.

- Đối với các nguồn vốn bên ngoài: Xây dựng, ban hành kế hoạch, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế để đầu tư cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số.

- Đối với nguồn vốn huy động của nhân dân và doanh nghiệp: Xây dựng, ban hành cơ chế và chính sách động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn vào các hoạt động, dịch vụ văn hóa. Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích nhân dân tham gia phát triển các dự án hạ tầng văn hóa theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

b) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Phát triển quy mô, tăng cường năng lực đào tạo của Trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, tiến tới thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đào tạo đa ngành, trong đó tập trung đào tạo các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, du lịch.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ưu tiên tuyển dụng cán bộ có khả năng nghiên cứu khoa học, tham mưu tổng hợp, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành văn hóa nghệ thuật về công tác tại tỉnh.

- Về cơ chế chính sách: Ưu tiên bố trí nguồn lực cho xây dựng hồ sơ khoa học: Di sản văn hóa "hát Xoan" để đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và khuyến khích sáng tạo các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

c) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa:

Tổ chức nghiên cứu, tổng kết, ứng dụng có hiệu quả các đề tài khoa học về văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian truyền thống vùng Đất Tổ, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu về văn hóa thời đại Hùng Vương. Tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa thế giới. Tiến hành trao đổi nghiên cứu khoa học với một số tổ chức văn hóa các nước có nền văn hóa tương đồng trong lĩnh vực nghiên cứu di sản văn hóa và nghệ thuật truyền thống. Hoàn thiện việc xây dựng ngân hàng dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về văn hóa, đặc biệt là văn hóa thời đại Hùng Vương. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học về văn hóa - nghệ thuật và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong hoạt động văn hóa.

d) Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa:

Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng tinh giản, gọn nhẹ. Đổi mới tổ chức và cơ chế, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động ngành văn hóa cấp tỉnh, huyện, xã. Củng cố, sắp xếp các tổ chức đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng Nhà nước quan tâm đầu tư tài chính đối với các đơn vị mang tính công ích và thúc đẩy phát triển các đơn vị công nghiệp phi công ích phù hợp với nền kinh tế thị trường.

e) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa:

Tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành phố trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Quan tâm giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa của tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Định kỳ 02 năm, 05 năm tổ chức đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ mười sáu thông qua ngày 15 tháng 04 năm 2009.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 179/2009/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020

  • Số hiệu: 179/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản