Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 173/2010/NQ-HĐND12

Lai Châu, ngày 17 tháng 5 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

V/V BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO VỆ RỪNG; CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TAM ĐƯỜNG VÀ THỊ XÃ LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2010 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 236/TTr-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và tăng cường cán bộ đối với các xã ĐBKK trên địa bàn huyện Tam Đường và thị xã Lai Châu giai đoạn 2010 - 2015;

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; cán bộ tăng cường đối với các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tam Đường và Thị xã Lai Châu giai đoạn 2010 – 2015.

I. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; cán bộ tăng cường đối với các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Tam Đường (xã Sùng Phài, xã Bản Giang, xã Nùng Nàng, xã Hồ Thầu, xã Nà Tăm, xã Bản Hon, xã Khun Há, xã Tả Lèng, xã Sơn Bình, xã Giang Ma) và chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn Thị xã Lai Châu (xã Nậm Loỏng; bản Xéo Lản Than, Bản Màng, Tổ dân phố 12, bản Nậm Loỏng 1, Nậm Loỏng 2, Nậm Loỏng 3 - Phường Quyết Thắng; bản San Thàng 1 - Xã San Thàng) giai đoạn 2010 – 2015.

2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Đối tượng đối với chính sách bảo vệ rừng:

a. Rừng được bảo vệ: Thực hiện đối với diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng.

b. Đối tượng được hưởng chính sách bảo vệ rừng: Áp dụng đối với 10 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tam Đường; 1 xã đặc biệt khó khăn và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II - Thị xã Lai Châu nhận khoán và bảo vệ rừng theo quy định.

2.2. Đối tượng đối với chính sách tăng cường cán bộ: Là cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được tăng cường cho các xã ĐBKK (đảm nhận các chức vụ chủ chốt) trên địa bàn huyện Tam Đường. Thời gian tăng cường cán bộ, công chức xuống cắm xã từ 3 đến 5 năm.

II. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng và chế độ đối với cán bộ, công chức được tăng cường:

1. Mức hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tam Đường và thị xã Lai Châu là: 200.000đồng/ha/năm và hỗ trợ thiết kế bảo vệ rừng 15.000đồng/ha/năm (cho năm đầu) từ nguồn ngân sách địa phương. Đối với rừng đang được đầu tư bảo vệ thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (đang hưởng mức 100.000đồng/ha/năm từ nguồn vốn Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng) được hỗ trợ thêm phần chênh lệch là 100.000đồng/ha/năm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

2. Chế độ đối với cán bộ, công chức được tăng cường cắm xã:

- Được giữ nguyên lương, phụ cấp trách nhiệm và các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi theo quyết định của UBND tỉnh. Trường hợp địa bàn các xã đến công tác có phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt cao hơn nơi cơ quan của cán bộ được tăng cường đang công tác thì được hưởng mức phụ cấp cao hơn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công việc ngay sau khi hết thời hạn tăng cường theo quyết định của UBND tỉnh.

- Trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng. Trợ cấp này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

- Được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình khi nghỉ phép năm, nghỉ các ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được hưởng lương theo quy định.

III. Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm. Kinh phí thực hiện chính sách tăng cường cán bộ cắm xã bố trí trong dự toán hàng năm của đơn vị quản lý cán bộ để chi trả cho cán bộ theo quyết định của UBND tỉnh. Kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ rừng được bố trí trong dự toán ngân sách huyện, thị xã.

Điều 2. Giao UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này tổ chức, triển khai thực hiện.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khoá XII, kỳ họp thứ 16 (kỳ họp bất thường) thông qua ngày 17 tháng 5 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Giàng Páo Mỷ

 

PHỤ LỤC

DIỆN TÍCH RỪNG BẢO VỆ VÀ NHU CẦU KINH PHÍ
(Kèm theo Nghị quyết số: 173/2010/NQ-HĐND ngày 17/5/2010 kỳ họp thứ 16 khoá XII của HĐND tỉnh)

STT

ĐƠN VỊ

Diện tích (ha)

Kinh phí thực hiện/năm
 (triệu đồng)

Tổng diện tích rừng BV (ha)

Diện tích đã được thực hiện theo nguồn 661

KP thực hiện bằng nguồn NSĐP

KP thực hiện bằng nguồn 661

 

TỔNG CỘNG

20.390,65

20.390,65

2.041,00

2.041,00

I

HUYỆN TAM ĐƯỜNG (10 xã)

18.825,15

18.825,15

1.884

1.884

1

Xã Sùng Phài

528,33

528,33

53

53

2

Xã Bản Giang

1.148,76

1.148,76

115

115

3

Xã Nùng Nàng

1.099,87

1.099,87

110

110

4

Xã Hồ Thầu + xã Giang Ma

2.915,56

2.915,56

292

292

5

Xã Nà Tăm

160,00

160,00

16

16

6

Xã Bản Hon

1.699,02

1.699,02

170

170

7

Xã Khun Há

4.095,16

4.095,16

410

410

8

Xã Tả Lèng

2.356,05

2.356,05

236

236

9

Xã Sơn Bình

4.822,40

4.822,40

482

482

II

THỊ XÃ LAI CHÂU (3 xã)

1.565,50

1.565,50

157,00

157,00

 

Xã Nậm Loỏng, phường Quyết Thắng (bản Xéo Lản Than, Bản Màng, Tổ dân phố 12, bản Nậm Loỏng 1, Nậm Loỏng 2, Nậm Loỏng 3); xã San Thàng (bản San Thàng 1)

1.565,50

1.565,50

157

157

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 173/2010/NQ-HĐND12 ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; cán bộ tăng cường đối với các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tam Đường và Thị xã Lai Châu giai đoạn 2010 - 2015

  • Số hiệu: 173/2010/NQ-HĐND12
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/05/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Giàng Páo Mỷ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản