Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/2010/NQ-HĐND

Tam Kỳ, ngày 08 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 24

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm2003;

Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2120/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua đề án quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình với các nội dung như sau:

1. Mục tiêu quy hoạch:

Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục - đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bồi dưỡng nhân tài, tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường đầu tư của Nhà nước, thực hiện tốt liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư cho phát triển.

2. Các chỉ tiêu phát triển:

a) Giáo dục mầm non:

Thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ em 5 tuổi để chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1; đồng thời, từng bước phát triển giáo dục trẻ em dưới 5 tuổi.

Đến năm 2020, có 250 trường mẫu giáo. Huy động 75% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp, trong đó có 99,5% trẻ em 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1. Nhà trẻ có 7.340 học sinh với 489 lớp; mẫu giáo có 57.870 học sinh với 2.788 lớp.

b) Giáo dục phổ thông:

- Tiểu học: có 285 trường tiểu học; mỗi huyện có ít nhất 01 trường chất lượng cao; có 111.840 học sinh với 4.714 lớp.

- Trung học cơ sở: có 225 trường trung học cơ sở; có 81.500 học sinh với 2.650 lớp.

- Trung học phổ thông:

Có 63 trường trung học phổ thông; có 57.970 học sinh với 1.477 lớp.

Đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi; trên 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương.

c) Giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp:

Đổi mới hoạt động các trung tâm giáo dục thường xuyên gắn với đào tạo nghề nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Phấn đấu đạt tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98,5%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 60%.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị cho các trung tâm để mở rộng chức năng dạy nghề. Đảm bảo các huyện, thành phố đều có trung tâm giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề. Rà soát, bổ sung hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương.

d) Giáo dục cao đẳng, đại học:

Nâng tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học lên 350 sinh viên/01 vạn dân của tỉnh. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hiện có. Đến năm 2020, quy mô học sinh, sinh viên các trường đại học là 9.000, cao đẳng là 11.000 và trung cấp chuyên nghiệp là 6.000.

3. Các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo:

a) Đổi mới công tác quản lý giáo dục, có cơ cấu tổ chức hợp lý, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhất là các trường thuộc khối đào tạo. Đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao năng lực bộ máy quản lý. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, thực hiện chính sách; xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp.

b) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý và phát triển ngành, nhất là trong quản lý đào tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục ký hợp đồng với các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước làm quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Củng cố, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn quy định; có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ nhà giáo. Có kế hoạch đào tạo giáo viên cho các xã miền núi, vùng khó khăn; thực hiện tốt chính sách luân chuyển giáo viên miền núi.

c) Sắp xếp lại mạng lưới giáo dục tổng thể theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa, bảo đảm tính phân luồng và liên thông, xem xét, giải quyết các trường hợp có 2 trường trung học phổ thông trên cùng một địa bàn với cự ly quá gần nhằm thuận tiện cho nhu cầu học tập của học sinh. Đầu tư xây dựng trường trung học phổ thông chuyên phía Bắc sau khi hoàn thành việc đầu tư trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục: mầm non, nghề nghiệp, thường xuyên.

d) Tập trung đầu tư, xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cơ sở giáo dục công lập, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống tổ chức kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục. Thực hiện kiểm định và tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, công bố công khai kết quả kiểm định trên phương tiện truyền thông.

đ) Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho giáo dục:

- Có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục theo hai hướng: mở rộng cơ sở giáo dục hiện có hoặc xây dựng mới, để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đẩy nhanh tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học. Xây dựng đầy đủ các khu, phòng chức năng, trước hết là các phòng làm việc của bộ máy quản lý và giáo viên, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, công trình nước sạch và vệ sinh cho các cơ sở giáo dục.

- Bổ sung, thay thế, tăng cường và hiện đại hóa từng bước thiết bị dạy - học, phục vụ đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy. Xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn, từng bước xây dựng thư viện điện tử kết nối giữa các trường trong tỉnh, vùng, quốc gia và tiến tới kết nối quốc tế.

e) Đảm bảo diện tích đất cho xây dựng các cơ sở giáo dục - đào tạo:

Ưu tiên dành quỹ đất và vị trí thuận lợi cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo đến năm 2020. Trong quy hoạch các điểm dân cư, các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung cần quy hoạch xây dựng trường hoặc điểm trường, đảm bảo nhu cầu diện tích đất tương ứng theo quy định.

g) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn thu từ Quỹ bảo trợ giáo dục, động viên các khoản đóng góp tự nguyện, từ thiện cho giáo dục, mở rộng các Quỹ khuyến học; khuyến khích cá nhân, tổ chức đóng góp và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong nước, ngoài nước và sự đóng góp của nhân dân để đầu tư phát triển.

h) Khuyến khích phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập ở các thành phố và vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Ưu tiên đầu tư phát triển cho các cấp giáo dục cơ bản, các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế hỗ trợ về đất đai, tín dụng, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức thành lập trường ngoài công lập theo quy hoạch phát triển của tỉnh.

Phát huy vai trò, tác dụng tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng giáo dục các cấp; xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và cộng đồng xã hội trong việc tham gia làm chuyển biến chất lượng, phát triển giáo dục.

i) Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các trường phổ thông, các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực trong từng giai đoạn. Kết hợp đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo hợp đồng giữa tỉnh, huyện và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng trường đào tạo nghề ở một số lĩnh vực: cơ khí, xây dựng, du lịch và nông nghiệp.

k) Hoàn thiện cơ chế học bổng, học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên vùng miền núi và thuộc diện chính sách xã hội. Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người khuyết tật học tập.

l) Củng cố và mở rộng các trường chất lượng cao, trường chuyên để bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và cho đất nước. Xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực trên một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước, hướng đến đạt chuẩn quốc tế.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VII, Kỳ họp thứ 24, thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 162/2010/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020

  • Số hiệu: 162/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Sỹ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản