Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2017/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 10 tháng 4 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2018 - 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 5 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở;

Xét Tờ trình số 18/TTr-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021, với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu chung

a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, hướng mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

b) Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.

c) Có những chính sách hỗ trợ phù hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến hết năm 2021, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phấn đấu đạt và duy trì các mục tiêu sau đây:

a) 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình; trên 90% người dân được tuyên truyền pháp luật chung và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến từng nhóm dân cư theo các địa bàn và đối tượng khác nhau;

b) 85% người lao động được phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người lao động;

c) 100% thanh niên được phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp tới đối tượng này;

d) 100% sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước có cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 100% xã, phường, thị trấn có đội ngũ tuyên truyền viên phổ biến, giáo dục pháp luật;

đ) 100% cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ trưởng Tổ hòa giải ở cơ sở được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

e) Tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 90% trở lên.

3. Chính sách hỗ trợ

a) Hỗ trợ hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện: 15.000.000 đồng/huyện/năm.

b) Hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cấp xã: 1.500.000 đồng/xã/năm.

c) Hỗ trợ hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở: 420.000 đồng/tổ/năm.

d) Hỗ trợ Sở Tư pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu nhiệm vụ của Đề án: 643.280.000 đồng/năm.

Chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

4. Về kinh phí

Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Đề án cho cả giai đoạn 2018 - 2021 là: 8.000.000.000 đồng (Tám tỷ đồng), trong đó:

- Năm 2018 là: 2.000.000.000 đồng.

- Năm 2019 là: 2.000.000.000 đồng.

- Năm 2020 là: 2.000.000.000 đồng.

- Năm 2021 là: 2.000.000.000 đồng.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

1. Hoàn chỉnh Đề án, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Hằng năm chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở, tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII - kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) thông qua ngày 10 tháng 04 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/2017/NQ-HĐND về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018-2021

  • Số hiệu: 16/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản