Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2016/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN; NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG CÂN ĐỐI TỪ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH CHO CẤP HUYỆN GIAI ĐOẠN 2017-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3745/TTr-UBND ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017-2020; Báo cáo thẩm tra số 57/BC-HĐND ngày 21/7/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017-2020 như sau:

A. Phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện

I. Nguyên tắc phân cấp

- Phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của từng cấp chính quyền địa phương, đúng các quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Kế thừa những ưu điểm của quy định phân cấp giai đoạn 2011-2015, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho các địa phương để các địa phương trên cơ sở nguồn lực thực có, chủ động sắp xếp lồng ghép cùng với các nguồn thu ngân sách được để lại, các chương trình mục tiêu từ tỉnh, đầu tư có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vì mục tiêu hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

- Nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo; ngân sách cấp tỉnh không chi thay, không hỗ trợ nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện; tỉnh không phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, đề án, chương trình thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của cấp huyện.

Các dự án Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất, gồm: (1) Hỗ trợ các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án trọng điểm mà tỉnh khuyến khích đầu tư; (2) Các dự án chưa xác định trong danh mục nhiệm vụ chi đầu tư cấp huyện và cấp tỉnh.

- Đối với một số địa phương được điều tiết các khoản thu lớn theo chủ trương của tỉnh, để đảm bảo hài hòa nhiệm vụ đầu tư trên địa bàn, tỉnh sẽ chỉ định danh mục nhiệm vụ chi đầu tư một số dự án.

- Việc phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, chương trình phải đảm bảo trong khả năng cân đối ngân sách của địa phương, không được phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và theo phạm vi được phân cấp.

II. Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về danh mục nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cụ thể của ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện để triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

III. Xử lý chuyển tiếp

Đối với các dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa bố trí vốn thực hiện đầu tư thì thực hiện theo nguyên tắc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển tại Nghị quyết này (Dự án tỉnh đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư chuyển về nhiệm vụ chi cấp huyện).

B. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ nguồn ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017-2020

I. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển

1. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; phải phục vụ cho thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh và phải phù hợp với các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bảo đảm tương quan hợp lý giữa việc phát triển các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; giữa các địa phương có số thu lớn, khu vực đô thị với việc ưu tiên phát triển các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác để góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển của các địa phương.

3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển; bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh phân cấp đầu tư, phù hợp với quy định về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư của từng cấp ngân sách địa phương.

4. Phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối không bao gồm nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết (nguồn thu xổ số kiến thiết phân bổ cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính).

5. Vốn đầu tư phát triển phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí chấm điểm bình quân giai đoạn 2017 - 2020 không thấp hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2016, hằng năm không thấp hơn 10% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách tập trung của tỉnh (bao gồm kế hoạch đầu năm và tăng thu hàng năm phần điều tiết về ngân sách tỉnh chi đầu tư phát triển).

II. Tiêu chí, hệ số điều chỉnh và mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối giữa các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2017 - 2020

1. Tiêu chí phân bổ vốn và hệ số điều chỉnh: Gồm 5 tiêu chí và hệ số điều chỉnh như sau:

1.1. Tiêu chí dân số, gồm: Số dân trung bình của các huyện, thị xã, thành phố và số người dân tộc thiểu số.

1.2. Tiêu chí về trình độ phát triển, gồm: Tỷ lệ hộ nghèo; số thu nội địa (không bao gồm số thu từ cấp quyền sử dụng đất); địa phương tự cân đối ngân sách.

1.3. Tiêu chí diện tích, gồm: Diện tích đất tự nhiên của các huyện, thị xã, thành phố và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên.

1.4. Tiêu chí về đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã; số xã miền núi; vùng cao, hải đảo; biên giới đất liền của từng huyện, thị xã, thành phố.

1.5. Hệ số điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm của từng địa phương.

2. Xác định số điểm của từng tiêu chí: Quy định tại Phụ lục kèm theo.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định số điểm cụ thể cho các địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí đã được thông qua tại Nghị quyết này.

3. Mức vốn đầu tư phát triển của từng huyện, thị xã, thành phố:

Tổng số vốn đầu tư phát triển của từng địa phương

=

Tổng nguồn vốn được phân bổ

x

Số điểm của địa phương

x

Hệ số điều chỉnh

Tổng số điểm toàn tỉnh

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 8 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

PHỤ LỤC

XÁC ĐỊNH SỐ ĐIỂM CỦA TỪNG TIÊU CHÍ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh)

1. Tiêu chí dân số

a) Điểm của tiêu chí dân số trung bình:

- Dân số trung bình của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố lấy theo Niên giám thống kê năm 2014.

- Cách tính: Lấy mốc bình quân dân số của các địa phương trong toàn tỉnh năm 2014 để làm căn cứ tính điểm, cụ thể:

Số dân trung bình

Điểm

Dưới 90.000 người

10

Từ 90.000 trở lên, cứ tăng thêm 20.000 người được thêm

2

b) Điểm của tiêu chí số người dân tộc thiểu số:

- Số liệu thống kê về dân tộc thiểu số của các huyện, thị xã, thành phố đến 31/12/2015 do Ủy ban nhân dân các địa phương cung cấp.

- Cách tính: Lấy mốc bình quân số người dân tộc thiểu số của các địa phương trong toàn tỉnh năm 2015 để làm căn cứ tính điểm, cụ thể:

Số người dân tộc thiểu số

Điểm

Cứ 12.550 người dân tộc thiểu số được

2

2. Tiêu chí về trình độ phát triển

a) Điểm của tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo:

- Tỷ lệ hộ nghèo được xác định căn cứ Quyết định 511/QĐ-UBND ngày 22/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2015.

- Cách tính: Lấy mốc tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh năm 2015 theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ tính điểm, cụ thể:

Tỷ lệ hộ nghèo

Điểm

Cứ 4,56% hộ nghèo được tính

1

b) Điểm của tiêu chí thu nội địa (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất):

- Số liệu căn cứ vào dự toán thu năm 2016 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các huyện, thị xã, thành phố tại Quyết định 4289/QĐ-UBND ngày 24/12/2015.

- Cách tính: Lấy mốc bình quân số thu nội địa (không bao gồm nguồn thu tiền sử dụng đất) của các địa phương trong toàn tỉnh năm 2016 để làm căn cứ tính điểm, cụ thể:

Thu nội địa

Điểm

Dưới 200.000 triệu đồng được tính

3

Trên 200.000 triệu đồng, cứ 100.000 triệu đồng tăng thêm được tính thêm

4

c) Điểm của tiêu chí tự cân đối ngân sách:

Tự cân đối

Điểm

Địa phương tự cân đối ngân sách

5

3. Tiêu chí diện tích

a) Điểm theo tiêu chí về diện tích tự nhiên:

- Diện tích tự nhiên của các huyện, thị xã, thành phố được lấy theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2014.

- Cách tính: Lấy mốc trung bình diện tích tự nhiên của các địa phương trong toàn tỉnh năm 2014 để làm căn cứ tính điểm, cụ thể:

Diện tích đất tự nhiên

Điểm

Đến 450 km2

6

Trên 450 km2, cứ 200 km2 tăng thêm được tính thêm

2

b) Điểm theo tiêu chí về tỷ lệ đất lúa trên tỷ lệ diện tích tự nhiên.

- Diện tích đất trồng lúa để xác định điểm tính căn cứ trên diện tích đất trồng lúa lấy theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2014.

- Cách tính cụ thể:

Tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên

Điểm

Cứ 1% diện tích được tính

1

4. Tiêu chí đơn vị hành chính

a) Điểm theo tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã:

- Số đơn vị hành chính cấp xã căn cứ vào số liệu cung cấp của Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tính đến 31/12/2014.

- Cách tính cụ thể như sau:

Đơn vị hành chính cấp xã

Điểm

Mỗi xã, phường, thị trấn được tính

1

b) Điểm của tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn: Vùng cao, hải đảo, biên giới, miền núi.

- Số liệu đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn: Vùng cao, hải đảo, biên giới, miền núi căn căn cứ vào số liệu cung cấp của Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tính đến 31/12/2014.

- Cách tính cụ thể như sau:

+ Điểm theo tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã miền núi:

Đơn vị hành chính cấp xã miền núi

Điểm

- Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn miền núi được tính

0,5

+ Điểm theo tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã vùng cao, hải đảo:

Đơn vị hành chính cấp xã vùng cao hải đảo

Điểm

- Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn vùng cao, hải đảo được tính

0,5

+ Điểm theo tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã biên giới.

Đơn vị hành chính cấp xã biên giới đất liền

Điểm

- Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn biên giới đất liền được tính

1

5. Hệ số điều chỉnh

a) Nguyên tắc áp dụng: Các địa phương chỉ áp dụng 1 lần hệ số điều chỉnh theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.

b) Hệ số điều chỉnh:

- Hệ số 0,5 áp dụng đối với các địa phương tự cân đối ngân sách và có tổng nguồn thu được tỉnh để lại đầu tư trên địa bàn (gồm: Phí hạ tầng cửa khẩu, phí bảo vệ môi trường, phí tham quan Vịnh Hạ Long…) lớn hơn tổng số dự toán vốn đầu tư phát triển ngân sách tập trung dự kiến hỗ trợ cho các địa phương theo tiêu chí chấm điểm.

- Hệ số 0,8 áp dụng đối với các địa phương tự cân đối ngân sách và có tổng nguồn thu được tỉnh để lại đầu tư (gồm: Phí hạ tầng cửa khẩu, phí bảo vệ môi trường, phí tham quan Vịnh Hạ Long…) lớn hơn 80% kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách tập trung dự kiến phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí chấm điểm.

- Hệ số 1,0 áp dụng cho các địa phương tự cân đối ngân sách.

- Hệ số 1,1 áp dụng cho các thành phố, thị xã chưa tự cân đối ngân sách nhưng có cơ sở hạ tầng phát triển, có tiềm năng và lợi thế trong thu hút đầu tư.

- Hệ số 1,2 áp dụng cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách và có nguồn thu được tỉnh để lại đầu tư (gồm: Phí hạ tầng cửa khẩu, phí bảo vệ môi trường, phí tham quan Vịnh Hạ Long…).

- Đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách và không có nguồn thu được để lại đầu tư (gồm: Phí hạ tầng cửa khẩu, phí bảo vệ môi trường, phí tham quan Vịnh Hạ Long), chia thành 3 vùng: Miền Đông (bao gồm: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ), miền Tây (bao gồm: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả), hải đảo (bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô):

+ Hệ số 1,3 áp dụng cho các địa phương thuộc vùng miền Tây;

+ Hệ số 1,4 áp dụng cho các địa phương thuộc vùng hải đảo;

+ Hệ số 1,5 áp dụng cho các địa phương thuộc vùng miền Đông.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/2016/NQ-HĐND về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 16/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản