Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/2016/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 13 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Xét Tờ trình số 251/TTr-UBND ngày 30/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2017 - 2020 (kèm theo kế hoạch, phụ lục, bảng biểu), với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, gắn với quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; chuyển dịch cơ cấu lao động; xây dựng nông thôn mới bảo đảm dân chủ, ổn định, bình đẳng; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

1.2. Chỉ tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020: 100% số xã và 100% số huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bình quân toàn thành phố mỗi năm tăng từ 1 tiêu chí trở lên. Giữ vững kết quả đã đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí với yêu cầu cao hơn.

- Tăng trưởng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP thành phố đạt 5,3%. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có gắn nhãn mác, thương hiệu cho trên 50% sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ cao tại các khu, vùng trọng điểm. Giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác tăng 1,37 lần trở lên so với năm 2015, ước đạt 106,2 triệu đồng/ha/năm (giá so sánh năm 2010).

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 - 2,0 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 2% (chuẩn nghèo đa chiều). 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên 90% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Tăng tỷ lệ cây xanh môi trường, chỉnh trang nông thôn sạch, đẹp.

2. Nhiệm vụ

- Giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tập trung cao phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, xã hội: tiêu chí số 10 (Thu nhập); tiêu chí số 11 (Hộ nghèo), tiêu chí số 12 (Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên); tiêu chí số 13 (Tổ chức sản xuất), tiêu chí số 14 (Giáo dục), tiêu chí số 15 (Y tế), tiêu chí số 16 (Văn hóa), tiêu chí số 17 (Môi trường - trọng tâm là cung cấp nước sạch và thu gom, xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tại bãi rác cấp huyện).

- Hoàn thành các tiêu chí hạ tầng: tiêu chí số 2 (Giao thông), tiêu chí số 3 (Thủy lợi), tiêu chí số 5 (Trường học), tiêu chí số 6 (Cơ sở vật chất văn hóa).

- Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội: tiếp tục tăng cường, củng cố hệ thống chính trị cơ sở (tiêu chí số 18). Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội ở nông thôn: có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 19.

- Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người nông dân, tập trung vào các nội dung: thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản gắn nhãn hiệu hàng hóa; sử dụng giống cây trồng, con vật nuôi năng suất, chất lượng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị tiên tiến; miễn thủy lợi phí nội đồng cho người nông dân.

- Tập trung nguồn lực đầu tư cho các giải pháp đột phá, phát triển mạnh sản xuất, xây dựng hạ tầng thiết yếu, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố, trên cơ sở rút kinh nghiệm việc triển khai của giai đoạn trước để đạt hiệu quả cao, phòng tránh thất thoát, lãng phí.

3. Nguồn lực thực hiện Chương trình

Kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là 21.276.550 triệu đồng:

3.1. Ngân sách: 6.382.965 triệu đồng (30%):

a) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: 3.040.000 triệu đồng, cụ thể:

- Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; giảm nghèo và an sinh xã hội; phát triển giáo dục nông thôn; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề.

b) Kinh phí trực tiếp xây dựng hạ tầng nông thôn mới: 3.342.965 triệu đồng, cụ thể:

- Ngân sách thành phố: 2.674.372 triệu đồng (80%).

- Ngân sách huyện, xã: 668.593 triệu đồng (20%).

3.2. Vốn tín dụng: 9.574.448 triệu đồng (45%).

3.3. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác: 3.191.483 triệu đồng (15%).

3.4. Cộng đồng tự nguyện đóng góp: 2.127.655 triệu đồng (10%).

Điều 2. Các nhóm giải pháp chủ yếu

Thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý quy hoạch; các cơ chế, chính sách chủ yếu; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức hiệu quả các thiết chế văn hóa, bảo đảm an ninh, chính trị; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; tăng cường quản lý, điều hành và đẩy mạnh hợp tác trong thực hiện Chương trình.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm trình Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố.

2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, quận tổ chức thực hiện Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị mình.

3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, CP;
- Bộ NN và PTNT;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư Pháp);
- TTTU, TT HĐND, UBND TP;
- Đoàn ĐBQH tại HP;
- UB MTTQVNTP;
- Các Ban HĐND TP;
- ĐB HĐND TP khóa XV;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- Các VP: TU, HĐND, UBND TP;
- Các quận ủy, huyện ủy;
- TT HĐND các quận, huyện;
- UBND các quận, huyện;
- C, PVP HĐND TP;
- Công báo TP, Báo HP, Cổng TTĐT TP (để đăng);
- CV VP HĐND TP;
- Lưu: VT, HS kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Lê Văn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 151/2016/NQ-HĐND thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 do thành phố Hải Phòng ban hành

  • Số hiệu: 151/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/12/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản