Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TH
ÀNH PH HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2021/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN HÀNG HÓA TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm phát luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, b sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Xét Tờ trình số 186/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025; Báo cáo thm tra số 134/BC-KTNS ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng được quy định ở từng chính sách cụ thể tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị quyết.

b) Cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Chính sách chỉ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đồng thời các điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật và các điều kiện của từng chính sách cụ thể quy định tại Nghị quyết.

2. Trong cùng một thời gian, có nhiều chính sách hoặc có chính sách mới của Nhà nước được ban hành, cùng một nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn, áp dụng một chính sách hỗ trợ.

3. Kinh phí tổ chức các hoạt động chỉ đạo, triển khai (tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá) Nghị quyết thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung

1. Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp, thủy sản (gọi tắt là phương án) đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt được ngân sách thành phố hỗ trợ:

a) Hỗ trợ hàng năm 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để thực hiện phương án. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của phương án nhưng không quá: 600 triệu đồng/ha trồng trọt, 700 triệu đồng/trang trại chăn nuôi, 5.000 triệu đồng/cơ sở giết mổ, 1.000 triệu đồng/ha nuôi trồng thủy sản, 1.200 triệu đồng/tàu cá.

b) Thời gian hỗ trợ tối đa 03 năm (36 tháng) kể từ khi vốn vay được giải ngân.

c) Hạng mục đầu tư được hỗ trợ lãi suất vốn vay gồm:

- Đối với sản xuất trồng trọt: đầu tư mới nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống (máy, thiết bị) tưới tự động, kho lạnh bảo quản nông sản; mua máy làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy nông sản.

- Đối với trang trại chăn nuôi: xây mới hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi hoặc nâng cấp hạ tầng về chuồng trại, điện, nước, hệ thống làm mát, xử lý chất thải; xây mới kho bảo quản sản phẩm; mua máy, thiết bị chuyên dùng cho chăn nuôi.

- Đối với giết mổ gia súc, gia cầm: xây mới hoặc nâng cấp hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, kho lạnh bảo quản sản phẩm (cấp đông), xử lý chất thải; mua dây chuyền, thiết bị giết mổ.

- Đối với nuôi trồng thủy sản: xây mới hạ tầng ao nuôi, bể nuôi, nhà bạt, cấp nước, thoát nước, xử lý môi trường, kho lạnh bảo quản sản phẩm; lắp đặt giàn, lồng bè, máy, thiết bị quạt nước sục khí.

- Đối với tàu cá khai thác thủy sản: đầu tư mới ngư cụ; máy, thiết bị bảo quản sản phẩm và khai thác thủy sản, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt; hầm (buồng), thiết bị cấp đông; thùng (hầm), thiết bị bảo quản sản phẩm; cải hoán tàu cá.

2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Phương án được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

b) Quy mô tối thiểu: 01 ha đối với sản xuất trồng trọt, ao nuôi trồng thủy sản; giàn, lồng bè nuôi trồng thủy sản; 200 con lợn, 10.000 con gia cầm đối với trang trại chăn nuôi; công suất giết mổ một ngày đêm đạt 100 lợn hoặc 1.500 gia cầm hoặc 50 con trâu bò; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

c) Có cam kết thực hiện theo đúng phương án đầu tư sản xuất đã được phê duyệt; bố trí đủ vốn, điều kiện cần thiết để triển khai phương án.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

a) Đơn đề nghị hỗ trợ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Quyết định phê duyệt phương án của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Hợp đồng vay vốn với các Ngân hàng để thực hiện phương án.

4. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều này tới Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, quyết định phê duyệt danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hỗ trợ; tổng hợp danh sách, kinh phí đề nghị hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thống nhất danh sách tổ chức, cá nhân được hỗ trợ. Sở Tài chính đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí hỗ trợ về Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân cấp ngân sách hiện hành.

d) Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ về Ủy ban nhân dân cấp huyện để chi trả cho các đối tượng được hưởng theo quy định.

Điều 4. Hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thủy sản (cơ sở) được ngân sách thành phố hỗ trợ các nội dung sau:

a) Hỗ trợ một lần 100% kinh phí đánh giá chứng nhận đạt cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhưng không quá 45 triệu đồng/cơ sở.

b) Hỗ trợ hàng năm 300 đồng cho mỗi tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code (QR) gắn trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Thời gian hỗ trợ không quá 3 năm (36 tháng); số lượng tem được hỗ trợ phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh; mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/cơ sở/năm.

2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Phương án sản xuất áp dụng GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

b) Được cấp giấy chứng nhận GAP, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với chính sách quy định tại Điểm a khoản 1 Điều này.

c) Mã QR tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản đã được kích hoạt đối với chính sách quy định tại Điểm b khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ.

b) Phương án sản xuất áp dụng GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

c) Hợp đồng, hóa đơn chi phí đánh giá, chứng nhận GAP, hữu cơ, an toàn dịch bệnh. Hợp đồng, hóa đơn in ấn tem truy xuất nguồn gốc (hoặc bao bì, nhãn hàng hóa có in tem truy xuất).

d) Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận GAP, hữu cơ, an toàn dịch bệnh; danh mục (hình ảnh) mã QR đã sử dụng.

4. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân nộp đơn, phương án sản xuất áp dụng GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh tới Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Trong thời gian 10 ngày (mười ngày) làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, chấp thuận phương án đề xuất hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Trong thời gian 10 ngày (mười ngày) làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính về kinh phí hỗ trợ. Sở Tài chính chủ trì đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ kinh phí thực hiện.

d) Căn cứ Quyết định phân bổ kinh phí của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Điều 5. Quy định chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

1. Doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được ngân sách thành phố hỗ trợ phần lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành như sau:

a) Mức hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

b) Mức lãi suất vay thương mại là mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại được quy định trong Hợp đồng cho vay giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp thực hiện dự án.

c) Mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

d) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP: Tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

2. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Tối đa 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

b) Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm.

c) Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

3. Phương thức hỗ trợ phần lãi suất vay thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ;
- VP: Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Các Bộ: TC, NN và PTNT, KH và ĐT, TP;
- Vụ Pháp chế (Bộ NN và PTNT);
- Cục KTVBQPPL (Bộ TP);
- Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam;
- TTTU, TT HĐND, UBND TP;
- Đoàn ĐBQH HP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Các Ban của HĐND TP;
- ĐB HĐND TP khoá XVI;
- Các VP: TU, ĐĐBQH và HĐND, UBND TP;
- Các Sở: TC, NN và PTNT, KH và ĐT, TP;
- KBNN TP;
- Các Quận ủy, Huyện ủy;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện;
- CVP, các PCVP ĐĐBQH và HĐND TP;
- Công báo HP, Cổng TTĐT TP (để đăng);
- Báo HP, Đài PT và TH HP;
- Các CV VP ĐĐBQH và HĐND TP;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Lập

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 15/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Phạm Văn Lập
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản