Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2019/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Xét Tờ trình số 2590/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 -2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Thống nhất thông qua chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Chính sách này quy định hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2025.

2. Đối tượng áp dụng

Chính sách này áp dụng đối với đối tượng nhận hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập tại tỉnh Tây Ninh và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 2. Điều kiện chung

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này và phải thực hiện dự án đầu tư mới.

2. Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, các quy định khác có liên quan và những nội dung quy định tại Nghị quyết này.

3. Doanh nghiệp có văn bản cam kết thực hiện dự án đúng mục tiêu, tiến độ và là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện vào dự án. Trường hợp gia hạn tiến độ thực hiện dự án thì thời gian giãn tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, trong quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu dự án hoặc không thực hiện đúng tiến độ hoặc không đầu tư trực tiếp vào dự án sẽ phải hoàn trả toàn bộ phần hỗ trợ, kể cả phần lãi vay tính bằng lãi suất cho vay theo mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tại thời điểm hoàn trả.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ đầu tư

1. Những dự án được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư theo Chính sách này, doanh nghiệp không được chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ chấm dứt hoạt động dự án và doanh nghiệp phải trả lại toàn bộ phần hỗ trợ, kể cả phần lãi vay tính bằng lãi suất cho vay theo mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tại thời điểm hoàn trả.

2. Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước, dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư theo Chính sách này.

3. Dự án đầu tư có quy mô, điều kiện phù hợp với Chính sách này thì đăng ký hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh; dự án có quy mô và điều kiện phù hợp với Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì đăng ký hỗ trợ đầu tư theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp có dự án chỉ đăng ký một lần, không được đăng ký thay đổi nguồn vốn hỗ trợ.

4. Trong cùng một thời gian, nếu dự án đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có các mức ưu đãi của các chính sách khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của chính sách có lợi nhất.

5. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị quyết này phải triển khai và hoàn thành dự án trong thời gian đăng ký. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết với nông dân.

6. Doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư: Khi hạng mục đầu tư của dự án hoàn thành và nghiệm thu thì được giải ngân 70% mức vốn hỗ trợ theo hạng mục đầu tư; sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sản xuất, kinh doanh thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.

7. Phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không tính vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và được Nhà nước cam kết bảo đảm phần vốn này khi doanh nghiệp thực hiện vay vốn từ ngân hàng thương mại để thực hiện dự án.

Điều 4. Chính sách tín dụng

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục dự án kèm theo Nghị quyết này thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành như sau:

a) Mức hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ;

b) Căn cứ để xác định chênh lệch lãi suất hỗ trợ

Mức lãi suất cho vay làm cơ sở để cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đối với khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có cùng kỳ hạn tại thời điểm hợp đồng vay vốn được ký kết, do ngân hàng Nhà nước tỉnh cung cấp.

Mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước;

c) Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại Nhà nước

Tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư;

Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 06 năm;

Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm;

d) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: Theo mức dư nợ thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm xem xét hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 20 tỷ đồng/dự án.

2. Vốn cấp bù chênh lệch lãi suất bố trí từ ngân sách tỉnh theo quy định

a) Ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho doanh nghiệp chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ và được thực hiện theo hồ sơ thanh toán thực tế giữa doanh nghiệp với Ngân hàng thương mại Nhà nước trên cơ sở hợp đồng đã ký;

b) Không thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản dư nợ quá hạn từ thời điểm quá hạn.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng

1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong hàng rào dự án

a) Bảo quản, chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Doanh nghiệp có dự án đầu tư chế biến nông sản theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, giao thông, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án;

Doanh nghiệp có dự án đầu tư bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học) theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng không quá 01 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, giao thông, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án;

Doanh nghiệp có dự án đầu tư nhà máy, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, giao thông, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án;

b) Hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất cây ăn trái, rau quả đạt một trong các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ

Doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất cây ăn trái, rau quả đạt một trong các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 60% chi phí đầu tư nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, thủy lợi, thiết bị phục vụ cơ giới hóa và các thiết bị khác phục vụ cho sản xuất trong hàng rào dự án;

c) Hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi áp dụng đạt một trong các tiêu chuẩn VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ

Doanh nghiệp có dự án chăn nuôi áp dụng đạt một trong các tiêu chuẩn VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 60% chi phí đầu tư nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, thiết bị phục vụ cho chăn nuôi trong hàng rào dự án;

d) Hỗ trợ đầu tư dự án nông nghiệp: công nghệ cao; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa; dự án kỹ thuật canh tác, nuôi trồng

Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp: công nghệ cao; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa; dự án kỹ thuật canh tác, nuôi trồng theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì được hỗ trợ 60% chi phí đầu tư nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, thủy lợi, thiết bị phục vụ cơ giới hóa và các thiết bị khác phục vụ cho sản xuất trong hàng rào dự án.

2. Chính sách hỗ trợ ngoài hàng rào dự án

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Chính sách này nếu bên ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V đồng bằng, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí đầu tư và không quá 03 tỷ đồng để đầu tư để xây dựng các hạng mục trên (có thể lập dự án riêng).

Điều 6. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư và thời gian thực hiện

1. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư: Ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đảm bảo bố trí tối thiểu 100 tỷ đồng cho chính sách này trong giai đoạn 2020 -2025.

2. Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2025.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đúng quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa IX, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND cấp huyện;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, VP Đ.ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thị Điệp

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Kèm theo Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 6 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh)

I. DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI

1. Dự án trồng trọt, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định, không giới hạn diện tích tối thiểu

2. Dự án sản xuất cây trồng

- Dự án trồng cây ăn quả, có quy mô diện tích tập trung như sau:

+ Đạt tiêu chuẩn GlobalGAP: từ 05 ha đất canh tác trở lên;

+ Đạt tiêu chuẩn VietGAP: từ 10 ha đất canh tác trở lên.

- Dự án sản xuất rau - củ - quả thực phẩm có quy mô diện tích tập trung như sau:

+ Rau ăn lá đạt tiêu chuẩn GlobalGAP: từ 02 ha đất canh tác trở lên; đạt tiêu chuẩn VietGAP: từ 05 ha đất canh tác trở lên;

+ Rau ăn quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP: từ 05 ha đất canh tác trở lên; đạt tiêu chuẩn VietGAP: từ 10 ha đất canh tác trở lên.

3. Dự án hỗ trợ chăn nuôi

- Đạt tiêu chuẩn GlobalGAP: Dự án chăn nuôi bò thịt 200 con/năm trở lên, bò sữa có quy mô 100 con trở lên; Dự án nuôi thủy sản diện tích mặt nước từ 04 ha trở lên;

- Đạt tiêu chuẩn VietGAHP: Dự án chăn nuôi bò thịt 300 con/năm trở lên, bò sữa có quy mô 200 con trở lên; Dự án nuôi thủy sản diện tích mặt nước từ 06 ha trở lên.

4. Dự án đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

- Dự án nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô với quy mô tối thiểu từ 500.000 cây/năm trở lên;

- Dự án sản xuất giống cây trồng hoặc giống vật nuôi hoặc giống thủy sản có giá trị kinh tế cao với quy mô tối thiểu 50.000 cây giống/năm; 200-400 bò giống/năm; 3,5 triệu con giống thủy sản/năm.

5. Dự án trồng cây dược liệu với quy mô từ 05 ha trở lên

II. DANH MỤC DỰ ÁN HỖ TRỢ ĐẦU TƯ NHÀ MÁY, CƠ SỞ BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN NÔNG SẢN, CƠ SỞ GIẾT MỖ GIA SÚC

1. Dự án đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản

- Dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cây ăn trái, rau, củ, quả thực phẩm;

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản rau, hoa quả tươi;

- Dự án chế biến các phụ phẩm từ chế biến đường, phụ phẩm từ chế biến mì.

2. Dự án đầu tư nhà máy, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với công suất giết mổ 01 ngày.đêm đạt tối thiểu là 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm.

III. DANH MỤC DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Dự án công nghệ sinh học: Sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; Lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản tạo ra các giống cây, con mới có các đặc tính ưu việt; Ứng dụng công nghệ nhân giống; Sản xuất vắc-xin thú y, giống cây trồng, chế phẩm sinh học. Quy mô đầu tư tối thiểu 05 tỷ đồng/dự án./.