Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2017/NQ-HĐND

Hà Nam, ngày 19 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Tỉnh ủy Hà Nam về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035;

Xét Tờ trình số 1743/TTr-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc đề nghị HĐND tỉnh thông qua quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận, thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp hợp lý, tăng tỷ trọng chế biến, dịch vụ; nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và mức sống của người lao động khu vực nông thôn nói chung, người nông dân nói riêng. Tập trung phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; thay đổi phương thức sản xuất - tiêu thụ truyền thống sang phương thức liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể (xác định trên cơ sở số liệu gốc do Tổng cục thống kê thông báo tháng 6/2017):

2.1. Đến năm 2020:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020: 3,3%/năm (theo giá so sánh 2010).

- Cơ cấu ngành: Trồng trọt - lâm nghiệp 35,2%; Chăn nuôi - thủy sản 57,8%; Dịch vụ nông nghiệp 7,0% (theo giá hiện hành)

- Giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác: Giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực trồng trọt đạt 250 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt 310 triệu đồng/ha (theo giá hiện hành).

- Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đến năm 2020 là 46.956 ha.

2.2. Đến năm 2025:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 4,0%/năm (theo giá so sánh 2010).

Cơ cấu ngành: Trồng trọt - lâm nghiệp 30,0%; Chăn nuôi - thủy sản 60,0%; Dịch vụ nông nghiệp 10,0% (theo giá hiện hành).

- Giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác: Giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực trồng trọt đạt 350 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt 500 triệu đồng/ha (theo giá hiện hành).

- Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đến năm 2025 là 43.550 ha.

2.3. Định hướng đến năm 2035:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2026 - 2035 đạt 3,5%/năm (theo giá so sánh 2010).

- Cơ cấu ngành: Trồng trọt - lâm nghiệp 25,0%; Chăn nuôi - thủy sản 64,5%; Dịch vụ nông nghiệp 10,5% (theo giá hiện hành).

- Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác: 500 triệu đồng/ha/năm (theo giá hiện hành).

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

1. Quy hoạch phát triển trồng trọt:

a) Sản xuất lúa: Đến năm 2020: sản lượng đạt 358.100 tấn. Đến năm 2025: sản lượng đạt 331.000 tấn. Tập trung phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng tăng dần về diện tích, đến năm 2025 đạt 27.500 ha; tập trung phần lớn trên địa bàn các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm và một số xã trên địa bàn huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Phủ Lý.

b) Sản xuất ngô: Phát triển theo hướng cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến và làm thức ăn tươi cho chăn nuôi bò sữa. Đến năm 2020: sản lượng đạt 49.700 tấn. Đến năm 2025: sản lượng khoảng 54.700 tấn. Tập trung trồng ngô vùng bãi ven sông ở các huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Bình Lục, Duy Tiên.

c) Rau, đậu thực phẩm: Tiếp tục xây dựng, mở rộng vùng rau chuyên canh có quy mô tập trung, tạo cơ sở thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hướng ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ, sản xuất rau an toàn, rau chất lượng cao. Đến năm 2020, diện tích gieo trồng là 8.900 ha, sản lượng đạt trên 170.000 tấn. Đến năm 2025: diện tích gieo trồng là 10.100 ha sản lượng đạt 209.800 tấn. Bố trí các vùng sản xuất tập trung tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục và Kim Bảng...

d) Cây ăn quả, hoa, cây cảnh và các loại cây trồng khác: Được bố trí ổn định, phù hợp theo thế mạnh vùng sản xuất của từng địa phương. Chú trọng phát triển một số loại sản phẩm có giá trị và nhu cầu cao trên thị trường.

2. Quy hoạch phát triển chăn nuôi:

a) Chăn nuôi lợn: Phát triển theo hướng ổn định tổng đàn song tăng dần về sản lượng thịt xuất chuồng. Đến năm 2020 đạt 720 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 85.300 tấn. Đến năm 2025 đạt 730 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 95.000 tấn. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại tập trung xa khu dân cư, chủ yếu tại huyện Bình Lục, Lý Nhân.

b) Chăn nuôi trâu, bò thịt, bò sữa:

Đến năm 2020: Đàn trâu toàn tỉnh là 3.580 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 155 tấn; đàn bò thịt 36.000 con, sản lượng khoảng 2.750 tấn; đàn bò sữa 15.000 con, sản lượng sữa khoảng 72 triệu lít/năm.

Đến năm 2025: Đàn trâu giảm còn 3.350 con, sản lượng khoảng 150 tấn; quy mô đàn bò thịt tăng lên 50.000 con, sản lượng khoảng 4.000 tấn; đàn bò sữa tăng lên 20.000 con, sản lượng sữa đạt khoảng 100 triệu lít/năm.

Quy mô đàn bò sữa tập trung phát triển tại các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh Liêm.

c) Chăn nuôi gia cầm: Đến năm 2020, tổng đàn gia cầm đạt 7,35 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 19.400 tấn. Đến năm 2025 đạt khoảng 8,05 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng là 22.000 tấn. Địa bàn trọng điểm chăn nuôi gia cầm tại các huyện: Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên; đến năm 2025 tỷ lệ gia cầm được chăn nuôi tập trung đạt trên 70%.

d) Các vật nuôi khác: Xây dựng một số mô hình con nuôi mới trên địa bàn các huyện: chăn nuôi ong ở Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng; rắn, baba ở Duy Tiên. Phát triển đàn dê, tiến tới xây dựng thương hiệu dê núi Hà Nam: Đến năm 2020 tổng đàn đạt 20.000 con; đến năm 2025 tổng đàn đạt 30.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm.

3. Quy hoạch phát triển thủy sản:

Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng thâm canh cao trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật nuôi, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, nhằm tăng năng suất và đa dạng hóa loài nuôi. Sản phẩm chủ lực là các loại cá truyền thống (trắm cỏ, chép lai...), các loại thủy đặc sản có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao, như cá Diêu hồng, Trắm đen, cá Lăng, Ba ba, Lươn... Đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng đạt 23.450 tấn. Đến năm 2025, sản lượng nuôi trồng đạt 24.500 tấn.

Phát triển các vùng nuôi cá Trắm đen cung cấp nguyên liệu chế biến đặc sản cá kho Nhân Hậu tại huyện Lý Nhân và một số xã của huyện Bình Lục. Nuôi cá lồng với các giống đặc sản tại các xã ven sông Hồng của huyện Duy Tiên và Lý Nhân.

4. Quy hoạch phát triển lâm nghiệp:

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thống nhất giữa bản đồ và thực địa, xây dựng khu bảo tồn; chú trọng công tác trồng mới, trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán...Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp năm 2020 là 4.888,86 ha, năm 2025 là 4.216,61 ha. Giai đoạn 2016 - 2020: bảo vệ 3.774,8 ha, khai thác và trồng lại 300 ha rừng sản xuất, trồng 1,5 triệu cây phân tán. Giai đoạn 2021 - 2025: bảo vệ 4.216,6 ha, khai thác và trồng lại 500 ha rừng sản xuất, trồng 1,5 triệu cây phân tán.

5. Quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao:

Giai đoạn 2016 - 2020: Quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 500 ha là hạt nhân, vùng điểm.

Giai đoạn 2021 - 2025: Tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (rau an toàn, chăn nuôi, thủy sản...). Phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC đạt bình quân trên 2,5 tỷ đồng/ha, đến năm 2035 đạt trên 3,5 tỷ đồng/ha.

Quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 khoảng 1.000 ha, đến năm 2025 nhân rộng ra khoảng 2.000 ha và định hướng đến năm 2035 với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, chủ yếu tại Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm.

III. MỘT SỐ NHÓM NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các quy hoạch chi tiết trong từng lĩnh vực (quy hoạch thủy lợi, quy hoạch làng nghề, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao....); sơ tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện các đề án, chương trình trọng tâm để bổ sung, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khác theo các chương trình, đề án, dự án cụ thể. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiếp cận thị trường cả trong nước và quốc tế, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa. Xây dựng thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tỉnh có ưu thế và sức cạnh tranh trên thị trường như: sữa sạch, thịt lợn sạch, rau, củ, quả sạch....Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt mô hình liên kết từ việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Phát huy hiệu quả mô hình sản xuất đa canh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm có lợi thế. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những mô hình sản xuất mới, phù hợp với từng địa phương.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở phát triển các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.

5. Thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thực hiện các chương trình, đề án, dự án sản xuất các sản phẩm chủ lực, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Hệ thống các công trình thủy lợi; hệ thống giao thông nội đồng; hạ tầng khung các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Danh mục các đề án, dự án ưu tiên đầu tư theo phụ lục đính kèm).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khóa XVIII kỳ họp thứ tư thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Tư pháp, NN&PTNT;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở NN&PTNT, Tư pháp;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Sỹ Lợi

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN, ĐỀ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

(Kèm theo Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

STT

Tên đề án

Thời gian thực hiện

1

Về lĩnh vực trồng trọt:

 

1.1

Đề án phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2017-2020

1.2

Đề án ứng dụng một số giống cây trồng mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2017-2020.

2017-2020

1.3

Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất màu, đất trồng lúa cốt cao khó khăn về nước tưới tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020.

2017-2020

1.4

Quy hoạch, lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.

2017-2020

1.5

Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước.

2017-2025

2

Về lĩnh vực chăn nuôi:

 

2.1

Đề án Phát triển chăn nuôi lợn xã Ngọc Lũ và các xã lân cận theo hướng VietGAHP, phát triển nhãn hiệu lợn sạch Ngọc Lũ

2017-2025

2.2

Đề án phát triển vùng chăn nuôi gắn với xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà Móng Tiên Phong.

2017-2025

2.3

Để án Phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao

2017-2020

2.4

Đế án phát triển bò sữa

2017-2020

2.5

Đề án xử lý môi trường trong chăn nuôi.

2020-2025

3

Về lĩnh vực Thủy sản:

 

3.1

Đề án Phát triển nuôi thâm canh tại các khu NTTS tập trung và các vùng ruộng trũng chuyển đổi

2017-2025

3.2

Đề án phát triển nuôi cá trắm đen hàng hóa và nguyên liệu đặc sản.

2017-2035

4

Về lĩnh vực Lâm nghiệp

 

4.1

Đề án Xây dựng một số khu vực làm dịch vụ từ rừng phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của xã hội (khu hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, chùa Ông, Chùa Bà Đanh- Kim Bảng; khu núi Kẽm Trống,...).

2025-2035

4.2

Đề án bảo vệ đàn Vooc Mông trắng tại khu rừng tự nhiên huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam diện tích khoảng 1.500-2.000 ha

2017-2025

4.3

Đề án nâng cao năng lực công tác quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Hà Nam

2017-2025

5

Về lĩnh vực khác

 

5.1

Đề án ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

2017-2035

5.2

Đề án tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất theo mô hình nhóm hộ, HTX kiểu mới.

2017-2025

5.3

Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

2017-2035

5.4

Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn.

2017-2025

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 15/2017/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035

  • Số hiệu: 15/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Phạm Sỹ Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản