Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2017/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM NHIỆM VỤ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

Xét Tờ trình số 7268/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 708/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này "Quy định về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh".

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết này thống nhất trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; Nghị quyết này thay thế nội dung quy định về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM NHIỆM VỤ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân sau:

1. Trụ sở tiếp công dân cấp Thành phố; địa điểm tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Trụ sở tiếp công dân cấp huyện; địa điểm tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; địa điểm tiếp công dân cấp xã.

2. Địa điểm tiếp công dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội cấp Thành phố; địa điểm tiếp công dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.

3. Địa điểm tiếp công dân tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố; địa điểm tiếp công dân tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Quyết định này được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

3. Cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc theo quy định đối với các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này.

2. Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với các đối tượng khác được quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Quyết định này.

Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng quy định.

Điều 4. Mức chi

1. Các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Quyết định này mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 120.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 96.000 đồng/1 ngày/1 người.

2. Các đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Quyết định này được bồi dưỡng 60.000 đồng/1 ngày/1 người.

Điều 5. Nguồn kinh phí chi trả

1. Đối với các cơ quan thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này: cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và bố trí trong dự toán nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ hàng năm của cơ quan để thực hiện.

2. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp: được ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành bảo đảm theo nguyên tắc ngân sách nhà nước cấp phần chênh lệch giữa dự toán chi theo quy định với các nguồn thu theo Điều lệ của các tổ chức này để thực hiện.

3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: cân đối từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện.

4. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 2 Quyết định này thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả.

5. Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Quyết định này do cơ quan có thẩm quyền mời, triệu tập phối hợp chi trả.

Điều 6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 14/2017/NQ-HĐND về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 14/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Quyết Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản