Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/2017/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 07 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Xét Tờ trình số 108/TTr-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra số 262/BC-HĐND ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018./.

 

 

Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (I, II);
- Ban Công tác Đại biểu;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH Tỉnh;
- UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh;
- Văn phòng UBND Tỉnh;
- TT/HĐND huyện, thị xã, thành phố;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp;
- Báo Đồng Tháp;
- Công báo Tỉnh;
- Văn phòng HĐND Tỉnh;
- Lưu: VT, KT-NS(Kh).

CHỦ TỊCH




Phan Văn Thắng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 138 /2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai được thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, trồng cây ăn trái, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Chính sách hỗ trợ cho vay phát triển một số ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai áp dụng cho đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại có thuê đất trồng lúa, trồng cây ăn trái trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

2. Chính sách hỗ trợ cho vay phát triển một số ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng áp dụng cho đối tượng gồm:

a) Bên vay: hộ gia đình, cá nhân, trang trại sản xuất thuộc các ngành hàng có tiềm năng (nuôi vịt, xoài, hoa kiểng, lúa, quýt, cam, chanh, bưởi, heo, nấm rơm sạch, bò, nhãn, rau sạch chuyên canh) và chủ vựa có liên kết tiêu thụ nông sản với người sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

b) Bên cho vay: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Tháp nhận uỷ thác nguồn vốn từ ngân sách, tổ chức thẩm định phương án/dự án sản xuất kinh doanh và cho vay theo quy định.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy mô xét hỗ trợ

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1, điều 2 của Quy định này phải có tổng diện tích đất canh tác (bao gồm đất thuê) tối thiểu từ 10 ha liền kề nhau đối với lúa và từ 03 ha liền kề nhau đối với cây ăn trái.

2. Các đối tượng quy định tại điểm a, khoản 2, điều 2 của Quy định này phải sản xuất với quy mô tối thiểu từ 05 ha đối với lúa, 1,5 ha đối với xoài, 02 ha đối với cây có múi (quýt, cam, chanh, bưởi), 02 ha đối với nhãn, 01 ha đối với rau sạch chuyên canh, 01 ha đối với hoa kiểng, 05 tấn/năm đối với nấm rơm; đối với chăn nuôi đạt quy mô sản xuất tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt, 50 con đối với bò thịt, 10 con đối với bò sinh sản, 4.000 con đối với vịt nuôi thịt và 2.500 con đối với vịt lấy trứng.

Điều 4. Điều kiện hỗ trợ

1. Các đối tượng tại khoản 1, điều 2 của Quy định này phải có phương án sản xuất phù hợp, có hợp đồng thuê đất với thời gian thuê tối thiểu từ 05 (năm) năm trở lên và đáp ứng điều kiện sau:

a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác phải được thành lập theo quy định của pháp luật.

b) Đối với cá nhân phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên (trừ cá nhân không có đủ hành vi năng lực dân sự theo quy định).

c) Đối với hộ gia đình phải có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Các đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điều 2 của Quy định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có phương án/dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ, bảo quản sau thu hoạch, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

b) Phải qua lớp đào tạo về kỹ thuật sản xuất (đào tạo nghề hoặc tập huấn của ngành nông nghiệp), hoặc có kinh nghiệm sản xuất và quỹ đất phù hợp với phương án/dự án sản xuất kinh doanh.

Điều 5. Nội dung hỗ trợ

Các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại điều 4 của quy định này được xét hỗ trợ như sau:

1. Đối với chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai

a) Hỗ trợ mở rộng diện tích

- Tổng diện tích hỗ trợ thí điểm là 2.500 ha. Trong đó:

+ Cây lúa: 2.200 ha.

+ Cây ăn trái: 300 ha.

- Thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm. Thanh toán hỗ trợ theo từng năm. Cụ thể:

+ Đối với thuê đất trồng lúa: Hỗ trợ theo từng năm với mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình, trang trại và tổ hợp tác trực tiếp thuê đất trồng lúa.

+ Đối với thuê đất trồng cây ăn trái: Hỗ trợ theo từng năm với mức hỗ trợ 13.600.000 đồng/ha/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình, trang trại và tổ hợp tác trực tiếp thuê đất trồng cây ăn trái.

- Kinh phí hỗ trợ: Tổng kinh phí hỗ trợ là 75.400 triệu đồng (bảy mươi lăm tỷ, bốn trăm triệu đồng) từ nguồn sự nghiệp kinh tế tỉnh.

b) Hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

- Mỗi đối tượng được hỗ trợ 01 lần cho 01 loại máy cơ khí (máy cày, máy xới, san phẳng đồng ruộng, máy cấy ...), thiết bị cơ giới hoá nông nghiệp, thiết bị bảo quản chế biến nông sản và công cụ nông nghiệp. Định mức hỗ trợ bằng 50% chi phí mua máy cơ khí, thiết bị, công cụ nhưng không quá 75 triệu đồng. Trường hợp định mức hỗ trợ bằng 50% chi phí mua máy cơ khí, thiết bị, công cụ nhưng dưới 75 triệu đồng thì hỗ trợ theo thực tế.

- Kinh phí hỗ trợ: Tổng kinh phí hỗ trợ là 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) từ nguồn sự nghiệp kinh tế tỉnh.

2. Chính sách hỗ trợ cho vay phát triển một số ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho vay theo quy trình Quỹ hỗ trợ nông dân đến 80% (nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án, phương án) với lãi suất cho vay không quá 6%/năm và thời hạn vay không quá 12 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn, không quá 36 tháng đối với các khoản vay trung hạn để đầu tư phát triển các ngành hàng. Cụ thể:

a) Dự án/phương án thuộc lĩnh vực trồng trọt: vay đầu tư hạ tầng, cải tạo đồng ruộng, hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước, máy xới gốc, máy phun xịt, tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

b) Dự án/phương án thuộc lĩnh vực chăn nuôi: vay đầu tư chuồng trại, đệm lót sinh học, máy - thiết bị chuyên dùng, phương tiện vận chuyển, công trình xử lý chất thải chăn nuôi và chi phí thức ăn tinh.

c) Dự án/phương án sản xuất nấm rơm, rau sạch chuyên canh: vay đầu tư công nghệ sản xuất meo giống, xây dựng nhà bao che, chi phí lắp đặt kệ phục vụ sản xuất nấm sạch.

d) Dự án/phương án kinh doanh nông sản: Cho vay đầu tư lắp đặt dây chuyền phân loại, hệ thống rửa trái cây, kho lạnh bảo quản, xe chuyên dùng, máy xông hơi, máy sấy trái cây.

Kinh phí thực hiện cho vay là 60 tỷ đồng (sáu mươi tỷ đồng) từ nguồn sự nghiệp kinh tế tỉnh.

3. Ngoài chính sách hỗ trợ theo Quy định này, các đối tượng còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác theo các văn bản quy định của Trung ương và của Tỉnh còn hiệu lực. Trường hợp các văn bản có cùng nội dung hỗ trợ thì được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 138/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 138/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phan Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản