Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2021/NQ-HĐND

An Giang, ngày 19 tháng 08 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC THU DỊCH VỤ GIÁO DỤC (HỌC PHÍ) MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐẠI TRÀ NĂM HỌC 2021 - 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Xét Tờ trình số 374/TTr-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) mầm non và phổ thông công lập đối với các chương trình giáo dục đại trà năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) mầm non và phổ thông công lập đối với các chương trình giáo dục đại trà năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang, như sau:

1. Mức thu

Đơn vị tính: đồng/học sinh/tháng

STT

Vùng (địa bàn)

Nhà trẻ

Mẫu giáo bán trú

Mẫu giáo 3, 4 tuổi

Mẫu giáo 5 tuổi

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

1

Các phường thuộc thành phố, thị xã trong tỉnh (thành thị)

120.000

180.000

120.000

60.000

60.000

75.000

2

Các xã thuộc thành phố, thị xã và thị trấn thuộc huyện trong tỉnh (thành thị)

75.000

135.000

65.000

60.000

60.000

60.000

3

Vùng đồng bằng khác (nông thôn)

40.000

75.000

45.000

0

30.000

30.000

4

Vùng kinh tế xã hội khó khăn (miền núi)

15.000

40.000

20.000

0

20.000

20.000

2. Các cơ sở giáo dục thường xuyên áp dụng mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) tương đương với mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn tỉnh.

3. Về chế độ miễn giảm và cơ chế miễn giảm dịch vụ giáo dục (học phí):

Thực hiện tương tự như năm học 2020 - 2021, cụ thể:

a) Đối tượng không phải đóng học phí:

Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập: Học sinh tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục.

b) Đối tượng miễn học phí:

Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP); người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang học phổ thông.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

Học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Học sinh người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

c) Các đối tượng được giảm 70% học phí:

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

d) Các đối tượng giảm 50% học phí:

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.

Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm theo quy định tại Nghị quyết này và đang học tại các cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học. Hàng năm việc cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm phải được quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch.

Mức cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chuyên ngành, nghề của chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư bằng mức quy định tại Nghị quyết này.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao ưu tiên cấp học bổng cho người học để trang trải phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường.

Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo mức học phí chương trình đại trà của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí của chương trình đại trà tại cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị quyết này tương ứng với các nhóm ngành và nghề đối với giáo dục nghề nghiệp.

4. Về hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế hỗ trợ chi phí học tập:

a) Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập:

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Định mức: 100.000 đồng/học sinh/tháng.

c) Thời gian hưởng: Theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Trong trường hợp có sự trùng lắp về đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị quyết này với các văn bản quy phạm pháp luật khác đang thực hiện có mức hỗ trợ cao hơn, thì được hưởng mức hỗ trợ cao hơn quy định tại văn bản pháp luật khác.

5. Về tổ chức thu, quản lý và sử dụng dịch vụ giáo dục (học phí):

a) Thu học phí:

Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.

Cơ sở giáo dục công lập có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng theo quy định như sau:

- Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, được nộp toàn bộ số thu học phí vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng. Toàn bộ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại được sử dụng để lập quỹ học bổng;

- Cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, nộp toàn bộ số thu học phí của các ngành nghề được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo vào Kho bạc Nhà nước để quản lý và sử dụng; nộp toàn bộ tiền thu học phí của các ngành, nghề không được ngân sách nhà nước hỗ trợ vào ngân hàng thương mại để quản lý, sử dụng.

b) Sử dụng học phí:

Cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

c) Quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo:

Cơ sở giáo dục công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định. Cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi toàn bộ số học phí thu được vào ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để đăng ký hoạt động.

Các cơ sở giáo dục thuộc mọi loại hình đều có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo các quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Thu, chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang Khóa X Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19 tháng 8 năm 2021, có hiệu lực từ ngày 29 tháng 8 năm 2021 và thay thế Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) mầm non và phổ thông công lập đối với các chương trình giáo dục đại trà năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể - VPCP;
- Vụ pháp chế: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Kiểm toán Nhà nước Khu vực IX;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan thường trú TTXVN tại An Giang, Báo Nhân dân tại An Giang, Truyền hình Quốc hội tại tỉnh Kiên Giang;
- Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang;
- Website tỉnh, Trung tâm Công báo - Tin học;
- Cổng Thông tin điện tử VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng Công tác HĐND-P.

CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND quy định về mức thu dịch vụ giáo dục (học phí) mầm non và phổ thông công lập đối với các chương trình giáo dục đại trà năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 13/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản