Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2007/NQ-HĐND

Bắc Giang, ngày 19 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003;

Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;

Căn cứ Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em;

Xét Tờ trình số 23/TTr-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Quy định chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Nghị quyết Quy định chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (có quy định kèm theo).

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 23/7/1999 của HĐND tỉnh khoá XIV về công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình; giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khoá XVI, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đào Xuân Cần

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠMTRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với tập thể (cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, văn phòng đại diện, đơn vị kinh tế; các xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố, khu phố) và cá nhân cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Trách nhiệm của tập thể và cá nhân

1. Trách nhiệm của tập thể:

a. Đưa chính sách Dân số - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước vào quy chế, quy định, điều lệ của cơ quan, tổ chức; hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, khu phố.

b. Xây dựng các chỉ tiêu về công tác Dân số - KHHGĐ trong quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tập thể; coi đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để xem xét và công nhận hoàn thành kế hoạch năm của tập thể đó.

c. Tổ chức các dịch vụ về Dân số - KHHGĐ đảm bảo chất lượng, thuận tiện và an toàn đến người dân. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền và tạo điều kiện cho người dân được cung cấp đầy đủ các thông tin về dân số và KHHGĐ.

d. Kiểm tra, đánh giá và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mục tiêu Dân số - KHHGĐ.

2. Trách nhiệm của cá nhân:

a. Thực hiện mục tiêu chính sách Dân số - KHHGĐ trên cơ sở chuẩn mực gia đình ít con (có 1 hoặc 2 con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển.

b. Thực hiện các quy định của pháp luật về Dân số - KHHGĐ; quy chế, quy định, điều lệ của cơ quan, tổ chức; quy ước, hương ước của thôn, bản, tổ dân phố, khu phố về Dân số - KHHGĐ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định đối với tập thể và cá nhân

Tập thể và cá nhân ngoài việc chấp hành Pháp lệnh Dân số, Nghị định 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, có trách nhiệm thực hiện một số quy định sau:

1. Cặp vợ chồng khi kết hôn đã có con riêng, nếu có nhu cầu thì được sinh một con chung.

2. Phụ nữ không muốn kết hôn hoặc không có khả năng và điều kiện để kết hôn thì có quyền làm mẹ, chỉ được sinh một con.

3. Trường hợp đã có một con, nếu sinh lần thứ hai từ sinh đôi trở lên thì không coi là vi phạm quy định này. Trường hợp sinh lần đầu mà sinh đôi trở lên thì không được sinh nữa.

4. Cặp vợ chồng đã có hai con, nếu có con bị tàn tật và mất khả năng lao động thì được sinh con thứ ba. Những cặp vợ chồng mắc bệnh có tính di truyền, nhiễm độc gây dị tật hoặc các bệnh ảnh hưởng xấu đến giống nòi không nên sinh con, khuyến khích nhận con nuôi.

Điều 4. Chế độ khen thưởng

1. Khen thưởng

a. Đối với tập thể:

- Các thôn, bản, tổ dân phố, khu phố trong năm không có người sinh con thứ ba trở lên được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Nếu đạt thành tích từ 3 năm liên tiếp trở lên được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Các xã, phường, thị trấn trong năm không có người sinh con thứ ba trở lên được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

b. Đối với cá nhân:

- Cá nhân có thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ tại thôn, bản, tổ dân phố, khu phố trong năm không có người sinh con thứ ba trở lên được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thành phố; nếu có thành tích từ 3 năm liên tục trở lên thì được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Cá nhân có thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Dân số- KHHGĐ ở xã, phường, thị trấn trong năm không có người sinh con thứ ba trở lên được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Cá nhân có thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ ở các huyện, thành phố giảm sinh con lần 3 trở lên trên 30% so với năm trước được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Khuyến khích

Ngoài các hình thức khen thưởng trên, HĐND tỉnh khuyến khích cho tập thể để hỗ trợ hoạt động trong công tác Dân số - KHHGĐ và phúc lợi xã hội (trường, lớp học, y tế, ...) và cá nhân như sau:

a. Đối với tập thể không có người sinh con thứ 3 trở lên:

- Các thôn, bản, tổ dân phố, khu phố loại I:

Năm thứ nhất: 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng)

Năm thứ hai liên tiếp: 800.000 đồng (tám trăm nghìn đồng). Năm thứ ba liên tiếp trở lên: 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

- Các thôn, bản, tổ dân phố, khu phố loại II:

Năm thứ nhất: 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng)

Năm thứ hai liên tiếp: 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng).

Năm thứ ba liên tiếp trở lên: 800.000 đồng (tám trăm nghìn đồng).

- Các thôn, bản, tổ dân phố, khu phố loại III:

Năm thứ nhất: 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng)

Năm thứ hai liên tiếp: 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng)

Năm thứ ba liên tiếp trở lên: 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng)

- Đối với xã:

Năm thứ nhất: 2.000.000 đồng (hai triệu đồng)

Năm thứ hai liên tiếp: 3.000.000 đồng (ba triệu đồng)

Năm thứ ba liên tiếp trở lên: 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)

- Đối với phường, thị trấn:

Năm thứ nhất: 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng) Năm thứ hai liên tiếp: 2.000.000 đồng (hai triệu đồng)

Năm thứ ba liên tiếp trở lên: 3.000.000 đồng (ba triệu đồng)

b. Đối với cá nhân:

Các cá nhân trong độ tuổi sinh đẻ nếu tự nguyện thực hiện triệt sản thì ngoài chế độ quy định của Trung ương còn được bồi dưỡng 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Điều 5. Xử lý vi phạm

1. Đối với tập thể:

a. Tập thể trong năm không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về Dân số - KHHGĐ thì năm đó không được công nhận là đơn vị hoàn thành kế hoạch và không được xét các danh hiệu thi đua.

b. Tập thể báo cáo sai kết quả thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ thì tập thể đó bị hạ mức thi đua trong năm và phải hoàn trả các khoản tiền thưởng và khuyến khích (nếu có).

2. Đối với cá nhân:

a. Đảng viên sinh con lần 3 trở lên bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng;

b. Đại biểu Hội đồng nhân dân sinh con thứ 3 trở lên phải kiểm điểm trước Hội đồng nhân dân và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo; nếu tái phạm thì phải chịu hình thức kỷ luật bãi miễn tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân.

c. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sinh con thứ 3 trở lên ngoài việc bị xử lý theo quy định của Chính phủ, còn bị xử lý theo hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, khu phố nơi cư trú.

d. Thành viên của các tổ chức, đơn vị kinh tế sinh con thứ 3 trở lên bị xử lý theo quy chế, quy định, điều lệ của tổ chức, đơn vị đó.

e. Người dân sinh con thứ 3 trở lên bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, khu phố nơi cư trú.

f. Người đứng đầu tập thể, địa phương báo cáo sai kết quả thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ hoặc trong năm có tỷ lệ người sinh con thứ ba trở lên tăng so với năm trước thì năm đó không được xét các danh hiệu thi đua.

Điều 6. Nguồn kinh phí

1. Kinh phí cấp huyện, thành phố: Chi khuyến khích đối với thôn, bản, tổ dân phố, khu phố.

2. Kinh phí cấp tỉnh: Chi khuyến khích cho các xã, phường, thị trấn.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, chỉ đạo, hướng dẫn các tập thể đưa Quy định này vào quy chế, quy định, hương ước, quy ước. Hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân về kết quả thực hiện.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định này.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên, nhân dân và phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND Quy định chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

  • Số hiệu: 13/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Đào Xuân Cần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản