HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2012/NQ-HĐND | Thái Nguyên, ngày 19 tháng 7 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
Xét Tờ trình số 51/TTr-UBND ngày 22/6/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Chương trình công tác dân tộc tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình công tác dân tộc tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2015 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, kiện toàn hệ thống chính trị, giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm dần khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa các vùng, miền, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể đến 2015:
- GDP bình quân đầu người /năm bằng 70% mức bình quân của tỉnh.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm vùng đồng bào dân tộc, miền núi bình quân từ 2,5%/năm trở lên.
- Có 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Phấn đấu cho 100% số hộ được sử dụng điện từ các nguồn.
- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phấn đấu đạt 65% số trường học vùng dân tộc, miền núi của tỉnh đạt chuẩn quốc gia.
- Có 100% số xã thuộc vùng dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 14%.
- Phấn đấu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 40%.
- Nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng, ổn định độ che phủ rừng đạt trên 50% vào năm 2015.
- Phấn đấu có 27 xã (trong 35 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh)/116 xã vùng dân tộc, miền núi của tỉnh đạt đủ các tiêu chí nông thôn mới.
- 100% hộ nghèo ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống được hỗ trợ phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
3. Nhiệm vụ công tác dân tộc.
3.1. Quản lý Nhà nước về công tác dân tộc:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác dân tộc hàng năm và dài hạn.
- Tổ chức rà soát, phân định vùng dân tộc theo trình độ phát triển theo tiêu chí và hướng dẫn của Trung ương.
- Xây dựng các chính sách, dự án đặc thù của địa phương đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh; chính sách hỗ trợ kịp thời dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt.
- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc.
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số.
- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị và cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp.
- Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.
3.2. Chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
- Mục tiêu: Đầu tư hỗ trợ cho xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhằm tạo sự chuyển biến trên nguyên tắc tập trung các nguồn vốn của Trung ương, của địa phương và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
- Đối tượng và phạm vi thực hiện chính sách:
+ Hỗ trợ đến hộ: Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo các dân tộc ở xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2015.
+ Hỗ trợ phát triển cộng đồng: Đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống có tỷ lệ hộ nghèo từ 45% trở nên.
- Nội dung đầu tư, hỗ trợ:
+ Hỗ trợ hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
+ Hỗ trợ cộng đồng gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu.
3.3. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc:
- Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực nhằm phát triển toàn diện và bền vững về kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
- Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, dân số.
- Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số.
- Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch vùng dân tộc thiểu số.
- Chính sách thông tin - truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
- Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh.
4. Các giải pháp chủ yếu:
4.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân tộc. Thường xuyên quán triệt trong cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.
4.2. Thực hiện tốt phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” và phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” trong công tác dân tộc; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
4.3. Thực hiện đồng bộ chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ và phát triển nguồn nhân lực.
4.4. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương; hàng năm bổ sung từ ngân sách tỉnh, huyện, huy động nguồn lực trong dân và các nguồn lực khác; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng miền núi.
4.5. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; xây dựng cơ chế sử dụng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng chuẩn hóa về trình độ học vấn phổ thông và kiến thức quản lý kinh tế; tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cho phù hợp với thực tế địa phương.
4.6. Tăng cường cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, am hiểu về công tác dân tộc ở các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh về công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng ở các xã vùng dân tộc miền núi. Chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.
4.7. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới.
4.8. Thường xuyên nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời và dứt điểm những vấn đề phát sinh ở vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Dân tộc, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2012./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc
- 3Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2014 triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 4Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2014 triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc đến năm 2020 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND về Chương trình công tác dân tộc tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2012 - 2015
- Số hiệu: 12/2012/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 19/07/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Vũ Hồng Bắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/07/2012
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết