Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11g/2008/NQ-HĐND | Huế, ngày 11 tháng 12 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2008 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ V, KỲ HỌP LẦN THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển mạng lưới khám chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 5a/NQCĐ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4455/TTr-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu quy hoạch
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của
khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, có cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, là trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực.
b) Giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng được tập quán tốt về vệ sinh phòng bệnh, mọi người đều được sống trong môi trường và cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
c) Xây dựng, phát triển ngành y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào quá trình phát triển toàn diện con nguời, nâng cao mức sống, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững.
d) Xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức y tế trên địa bàn theo hướng Thừa Thiên Huế là một trong 3 Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Một số mục tiêu về sức khoẻ nhân dân:
- Tuổi thọ trung bình tăng lên 73 - 74 năm vào năm 2010 và 76 - 78 năm vào năm 2020.
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 17% năm 2010 và dưới 12% năm 2020, phấn đấu không có suy dinh dưỡng nặng.
- Giảm các nguy cơ có hại cho sức khỏe, tiến tới giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm. Không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh…
- Phòng chống tích cực và thực hiện quản lý tốt các bệnh không nhiễm trùng thường gặp như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp; bệnh do tai nạn thương tích, ngộ độc, bệnh tâm thần và các bệnh do lối sống không lành mạnh mang lại.
b) Mục tiêu về phát triển mạng lưới cơ sở y tế:
- Hoàn thành xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu Huế trước năm 2015 với hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành, cơ sở nghiên cứu hỗ trợ.
- Thời kỳ sau năm 2015, tiếp tục hiện đại hóa, hoàn thiện Trung tâm y tế chuyên sâu Huế, tập trung nâng cấp mở rộng Bệnh viện Quốc tế lên quy mô 500 giường cùng với Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa phía Bắc, Bệnh viện Chân Mây (bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam) và các bệnh viện chuyên ngành trở thành tổ hợp trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của cả nước, có trình độ kỹ thuật y học hiện đại tương đương các trung tâm y tế lớn trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời từng bước thực hiện di chuyển các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến khu vực thích hợp.
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh toàn diện trên tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật, tiên tiến, hiện đại. Mỗi cơ sở y tế là một trung tâm dịch vụ. Hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh có khả năng đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu về dịch vụ y tế khẩn cấp trong mọi tình huống xảy ra như thiên tai, thảm họa, ngộ độc hàng loạt; kịp thời chi viện y tế đột xuất phục vụ an ninh và quốc phòng.
- Kiện toàn cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng. Bảo đảm Trung tâm y tế dự phòng tỉnh có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2. Đến năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Tăng số giường bệnh đến năm 2010 đạt 39 giường trên 10.000 dân (phấn đấu có 5 giường của bệnh viện tư nhân) và đạt 45 - 46 giường trên 10.000 dân (phấn đấu có 10 giường của bệnh viện tư nhân) vào năm 2020.
- Đến năm 2010 tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải tự kiểm soát chất lượng các dịch vụ y tế.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc và vắc-xin phục vụ phòng bệnh, phòng chống dịch, phòng chống thảm họa, thiên tai và khám chữa bệnh.
- Phấn đấu đến năm 2011, tất cả các cơ sở bán buôn thuốc, nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành phân phối thuốc tốt; đến năm 2013, tất cả quầy thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành phân phối thuốc tốt; đến năm 2010, xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn IS 17025, thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP).
- Đảm bảo công bằng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến y tế.
- Đến năm 2010 có 80% và đến năm 2020 tất cả bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của Bộ Y tế. Nghiên cứu xây dựng các trung tâm xử lý rác thải bệnh viện cho các khu vực phù hợp với quy hoạch chung của Trung ương và của địa phương.
c) Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực:
Phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý. Bảo đảm đạt các chỉ tiêu cơ bản: có 12 bác sỹ trên 10.000 dân vào năm 2010 và 15 bác sỹ trên 10.000 dân năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có 20 - 30 chuyên gia y tế đầu ngành ở các lĩnh vực chuyên môn mũi nhọn; có 100 - 150 tiến sỹ, dược sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp II; 700 thạc sỹ và dược sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I; có 1.200 - 1.500 cán bộ y tế có trình độ đại học: y, dược, điều dưỡng và kỹ sư chuyên ngành trang thiết bị y tế. Bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh là 3,5 điều dưỡng viên trên 01 bác sĩ.
II. Các giải pháp tổ chức thực hiện
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; phổ biến, giáo dục người dân tự giác thực hiện pháp luật về khám, chữa bệnh.
2. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng, y học cổ truyền để thực hiện được các mục tiêu cụ thể đã đề ra.
3. Phát triển nguồn nhân lực y tế để đảm bảo cung cấp đủ nhân lực y tế, nhất là đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và đồng bộ hóa theo cơ cấu chuyên môn; đồng thời, tăng cường hợp tác với các Trung tâm đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo cán bộ có chuyên môn cao bổ sung cho các cơ sở y tế của tỉnh.
4. Huy động các nguồn tài chính để đầu tư cho phát triển y tế, đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên đến năm 2020 là 8.400 - 9.800 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
5. Quy hoạch quỹ đất để bảo đảm diện tích cho việc phát triển các công trình y tế.
6. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ y dược và bảo vệ môi trường; bảo đảm cung cấp các thiết bị y tế, thuốc, dịch truyền… cho các cơ sở y tế.
7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước một cách toàn diện về các hoạt động y tế gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính ở tất cả các tuyến y tế, trong đó có việc thực hiện phân cấp đầy đủ cho các tuyến y tế để chủ động trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, các dự án phát triển y tế của Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết; Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch. Cuối mỗi kỳ quy hoạch tổ chức đánh giá tình hình thực hiện để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đạt mục tiêu đề ra.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa V, kỳ họp lần thứ 11 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 255/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Quyết định 30/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 5a/NQCD-HĐND thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 7Nghị quyết 117/2008/NQ-HĐND phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành Y tế giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Điện Biên ban hành
Nghị quyết 11g/2008/NQ-HĐND thông qua quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008 - 2020
- Số hiệu: 11g/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/12/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/12/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra