Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;

Căn cứ Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 147/TTr-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo số 38/BC-KTNS ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có các nội dung chủ yếu kèm theo Nghị quyết này.

Điều 2. Hội đồng Nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện Quy hoạch theo quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII, Kỳ họp thứ Sáu thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu, UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTr. Tnh y, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tnh;
- Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII;
- TTr. HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Báo Hà Giang, Đài PT-TH tnh;
- Cổng TTĐT tnh, Trung tâm CB-TH tnh;
- Lưu: VT, HĐND(1b)

CHỦ TỊCH




Thào Hồng Sơn

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh Hà Giang)

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

1. Quan điểm:

Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Phát triển sản xuất nông nghiệp phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực được đào tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng. Phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tiến tới sản xuất theo các chuỗi giá trị. Phát triển sản xuất nông nghiệp phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Định hướng phát triển chung:

Quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh phải đảm bảo phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững theo hướng phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, tăng năng suất, tăng chất lượng và giá trị gia tăng, đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của tiêu dùng; đảm bảo cơ cấu tăng trưởng giữa các lĩnh vực trong nông nghiệp để phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường; gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với du lịch; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức sản xuất cho nông dân thông qua hình thành nhóm sở thích, Tổ hợp tác và Hợp tác xã.

2.2. Định hướng phát triển theo vùng:

2.2.1. Tiểu vùng thấp - vùng động lực của tỉnh:

Tiểu vùng gồm thành phố Hà Giang và các huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên chiếm 55% diện tích của tỉnh và 48% dân số. Định hướng sẽ hình thành các vùng trồng lương thực, chè, cây ăn quả có múi tập trung với mức đầu tư thâm canh cao để có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Phát triển chăn nuôi trâu, lợn, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản: nguyên liệu giấy và công nghiệp sản xuất giấy, công nghiệp chế biến chè, chế biến hoa quả. Phát triển nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch.

2.2.2. Tiểu vùng núi đất phía Tây:

Tiểu vùng gồm 2 huyện (Hoàng Su Phì và Xín Mần), chiếm 15,4% diện tích và 16% dân số của toàn tỉnh. Vùng có nhiều cảnh đẹp, trong đó có di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, có tiềm năng phát triển du lịch nhất là du lịch cộng đồng. Vùng có tiềm năng phát triển lâm nghiệp với diện tích chiếm 70% diện tích tự nhiên. Tập trung phát triển rừng nguyên liệu, cây công nghiệp như chè, đậu tương gắn với công nghiệp chế biến để có sản phẩm hàng hóa. Các xã vùng Tây Côn Lĩnh phát triển cây dược liệu. Chăn nuôi gia súc: trâu, bò, dê, lợn địa phương.

2.2.3. Tiểu vùng núi cao phía Bắc:

Tiểu vùng gồm các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và Yên Minh; diện tích tự nhiên trên 2.220 km2 (29,5% diện tích của tỉnh, 35,6% dân số), mật độ dân số trung bình 80 người/km2. Đây là tiểu vùng có 4 trong 6 huyện khó khăn nhất của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung về điều kiện sản xuất, sinh hoạt; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém; trình độ dân trí còn thấp. Phương hướng phát triển của vùng này là: Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là vùng tập trung phát triển cây dược liệu; trồng rau, hoa, quả ôn đới, chăn nuôi bò thịt, ong phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, về lương thực, tập trung phát triển cây ngô (phục vụ nhu cầu lương thực và thức ăn chăn nuôi tại chỗ) và tam giác mạch (phục vụ nhu cầu phát triển du lịch).

3. Mục tiêu phát triển:

3.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của nông dân, người lao động ở khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững đối với người dân nói chung và người nông dân nói riêng. Thay đổi phương thức sản xuất - tiêu thụ truyền thống sang phương thức liên kết chuỗi giá trị với sản phẩm chủ lực có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

3.2.1. Mục tiêu đến năm 2025:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2017-2020 là 6,1 - 6,2%, giai đoạn 2021-2025 là 5,6 - 5,7% trong đó:

+ Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng bình quân 4,34%/năm;

+ Lĩnh vực lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 10%/năm;

+ Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản tăng trưởng bình quân 6,1%/năm;

- Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản: Nông nghiệp chiếm 52,35%, lâm nghiệp chiếm 14,95%, chăn nuôi và thủy sản chiếm 32,70%.

- Tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 474 kg/ng/năm vào năm 2020; đạt 42,77 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 450 kg/ng/năm vào năm 2025.

- Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác: Năm 2020 đạt 50 triệu đồng/ha; năm 2025 đạt 80 triệu đồng/ha.

- Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 22 triệu đồng vào năm 2020; 40 triệu đồng vào năm 2025.

- Các sản phẩm hàng hóa chủ lực: Cây chè, cây cam, cây dược liệu, chăn nuôi trâu, bò và phát triển đàn ong mật bạc hà.

3.2.2. Định hướng đến năm 2030:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2026-2030 là 4,9- 5%. Tiếp tục phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực với mức độ tập trung cao hơn, phương thức chế biến sâu hơn.

- Giảm tỷ trọng của ngành trồng trọt xuống còn 48,35%; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản lên 32,77% GTSX của toàn ngành nông lâm thủy sản.

- Tổng sản lượng lương thực đạt 43,8 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 436 kg/ng/năm.

- Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 100 triệu đồng/ha.

- Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng vào năm 2030.

4. Nhiệm vụ phát triển ngành:

4.1. Bố trí sử dụng đất nông nghiệp:

Đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 730.342,45 ha (chiếm 92,11% diện tích tự nhiên), tăng 92.947,37 ha so với năm 2016. Trong đó: Đất trồng lúa 33.513,72 ha; đất trồng cây hàng năm khác 87.512,3 ha; Đất rừng các loại 570.406,4 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.897,7 ha. Đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 740.619,5 ha (chiếm 93,4% diện tích tự nhiên). Trong đó: Đất trồng lúa giữ nguyên 33.513,72 ha; đất trồng cây hàng năm khác 86.812,3 ha; Đất rừng các loại 581.191,8 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.938,5 ha.

4.2. Phát triển các lĩnh vực:

4.2.1. Nông nghiệp:

Giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đạt mức tăng trưởng bình quân 4,7%, giai đoạn 2021-2025 đạt 4,31%. Dự kiến giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt trên 7,06 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 và 8,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2025.

- Cây lương thực:

+ Lúa: Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phấn đấu đưa diện tích gieo trồng lúa từ 37,4 ngàn ha hiện nay lên khoảng 39,6 ngàn ha; năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 229,8 nghìn tấn. Xây dựng các chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, một số xã phía Nam của huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần với diện tích thành hàng hóa năm 2020 khoảng 4.000 ha, năm 2025 khoảng 5.000 ha.

+ Ngô: Tập trung sản xuất ngô với diện tích 53,6 ngàn ha, giữ ổn định mức này cho các năm tiếp theo. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ngô hàng hóa tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ với diện tích thành hàng hóa năm 2020 khoảng 15.000 ha, năm 2025 khoảng 17.000 ha. Đảm bảo tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 42 vạn tấn, năm 2025 đạt 42,7 vạn tấn. Bình quân lương thực đầu người dự kiến năm 2020 đạt 474 kg/người/năm; năm 2025 đạt 450 kg/người/năm; năm 2030 đạt 436 kg/người/năm.

Tiếp tục ổn định diện tích đậu tương hàng hóa khoảng 20 ngàn ha tại 07 huyện (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Xây dựng vùng sản xuất lạc hàng hóa với diện tích ổn định khoảng 8 ngàn ha tại 03 huyện (Bc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên). Đối với cây lạc khó khăn nhất là tiêu chuẩn đầu ra của sản phẩm vì vậy sẽ tập trung liên kết vùng sản xuất lạc thương phẩm theo tiêu chuẩn gắn với “cánh đồng mẫu” và áp dụng “5 cùng”.

Dự kiến diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn tỉnh Hà Giang tới năm 2020 là 19,4 ngàn ha; Sản lượng đạt 156 ngàn nghìn tấn. Năm 2025 diện tích đạt 20,2 ngàn ha, sản lượng đạt 174 ngàn tấn. Diện tích đất canh tác cho trồng rau an toàn tập trung đến năm 2020 là 480 ha và năm 2025 là 650 ha và diện tích gieo trồng RAT tập trung tương ứng 510 ha; 1.752 ha và 2.479 ha.

Để thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc, cần mở rộng diện tích trồng cỏ bằng biện pháp chuyển đổi mạnh một phần diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Khuyến khích hỗ trợ nông dân chuyển đổi một số diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để đáp ứng đủ lượng thức ăn thô xanh cho chăn nuôi. Sử dụng các loại thức ăn thô xanh sẵn có như: Cỏ Voi, Goatemala, VA06, thân cây ngô, đậu tương, rơm, cỏ, lá cây rừng…, làm thức ăn cho gia súc. Dự kiến đến năm 2025 diện tích cây thức ăn gia súc là 24.033 ha, trong đó trồng mới 3.730 ha, năm 2030 diện tích 27.763 ha, trong đó trồng mới 1.850 ha. Diện tích cỏ tập trung tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê, Vị Xuyên.

Tập trung vào sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng phương thức sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ, cụ thể: Đối với sản phẩm chè hữu cơ tập trung tại các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên với diện tích khoảng 2.000 ha. Đối với sản phẩm chè an toàn (VietGap) tập trung tại các huyện vùng thấp gồm; Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với diện tích 3.000 ha. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn (hướng thị trường trong nước) tại các vùng còn lại.

Dự kiến đến năm 2020 diện tích chè cho thu hoạch đạt 20.526ha, sản lượng 102,7 nghìn tấn. Năm 2025 diện tích chè cho thu hoạch đạt 21.400 ha, sản lượng 122 nghìn tấn; Năm 2030 diện tích chè cho thu hoạch đạt 22.180ha, sản lượng 142,6 nghìn tấn.

Dự kiến đến năm 2020 diện tích cây ăn quả có múi đạt 9.300 ha, sản lượng 52,8 nghìn tấn, Năm 2025 diện tích đạt khoảng 10.000 ha và giữ ổn định diện tích này trong các năm tiếp theo. Phát triển cây ăn quả có múi tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Đến năm 2020 hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa cam sành Hà Giang với diện tích kinh doanh khoảng 5.000ha; Năm 2025 diện tích đạt 6.000 ha, trong đó 70% diện tích theo VietGAP; Năng suất bình quân tăng từ 74,9 tạ/ha lên 95-100 tạ/ha. Thương hiệu cam sành Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh và của cả nước, về giá trị gia tăng phấn đấu giá bán sản phẩm cam VietGAP cao hơn cam thông thường 40-45%. Các cây ăn quả đặc sản có thế mạnh là: hồng không hạt (Quản Bạ, Yên Minh);(Đồng Văn, Hoàng Su Phì);

Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện 30a (Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần), tập trung cho quy hoạch vùng sản xuất giống và trồng thử nghiệm một số loài dược liệu đã được khẳng định về chất lượng, hiệu quả tại huyện Quản Bạ. Đến năm 2025, tổng diện tích cây dược liệu là 22 ngàn ha, trong đó có 17.664 ha diện tích cây dược liệu cho thu hoạch (chiếm 90,1% tổng diện tích); với tổng sản lượng đạt khoảng 40,5 ngàn tấn tươi.

4.2.2. Lâm nghiệp:

Giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 12%, giai đoạn 2021-2025 đạt 10%. Dự kiến giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 1.549,36 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2025 đạt 2.495,26 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58% năm 2020, 59% năm 2025, 60% vào năm 2030.

4.2.3. Chăn nuôi, thủy sản:

Giai đoạn 2016-2020 GTSX của ngành chăn nuôi và thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 9,03%, giai đoạn 2021-2025 đạt 6,97%. Dự kiến GTSX ngành chăn nuôi và thủy sản đạt trên 4.067,46 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2025 đạt 5.459,92 tỷ đồng.

a) Chăn nuôi:

Cơ cấu GTSX ngành chăn nuôi đến năm 2020 đạt 31,34% GTSX toàn ngành nông, lâm, thủy sản; Đến năm 2025 đạt 32,08% GTSX toàn ngành nông lâm thủy sản. Phát triển tổng đàn đại gia súc đến năm 2025 đạt 500 ngàn con (trong đó trâu, bò 404 ngàn con, trong đó trâu 234 ngàn con, bò 170 ngàn con). Trong đó tăng đàn tự nhiên từ 4-6% đạt khoảng 102.239 con; tăng cơ học 25.970 con. Bố trí vùng chăn nuôi trâu tập trung tại các huyện vùng thấp: Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình; bố trí tập trung phát triển đàn bò ở các huyện vùng cao núi đá các huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn. Phát triển trang trại chăn nuôi đại gia súc: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức trang trại, gia trại, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất là 300 trang trại, gia trại, (trong đó có 100 trang trại có quy mô từ 50 con trở lên; 20 trang trại có quy mô 30-50 con). Phấn đấu năm 2018 xây dựng được chỉ dẫn địa lý sản phẩm bò vàng Cao nguyên đá. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi đại gia súc (các cơ sở giết mổ, chế biến sâu sản phẩm thịt đại gia súc, xây dựng chợ đầu mối buôn bán đại gia súc, xây dựng nhà chẩn đoán bệnh động vật cho Chi cục Chăn nuôi, thú y).

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, công nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng và giá trị hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh. Dự kiến đến năm 2025, tổng đàn lợn đạt 639 ngàn con. Bố trí vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện vùng thấp và vùng núi phía Tây: Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Đổi mới chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bố trí vùng chăn nuôi gia cầm tập trung tại các huyện Bắc Quang, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Quang Bình. Dự kiến năm 2025 tổng đàn gia cầm đạt 4.727,4 ngàn con. Phấn đấu đạt tổng đàn ong và giữ ở mức ổn định khoảng 31.000 - 32.000 đàn. Sản lượng mật ong hàng năm đạt 300-320 nghìn lít.

Đến năm 2020, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh là 7 cơ sở, diện tích sử dụng đất khoảng 600-800m2, xây dựng theo hình thức giết mổ bán công nghiệp với tổng công suất giết mổ thiết kế bình quân đạt trên 50 con gia súc/ngày đêm. Đến năm 2025 xây dựng 2 cơ sở giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm thịt đại gia súc, công suất 2.000 tấn/ năm/cơ sở, vị trí dự kiến tại cụm công nghiệp Quyết Tiến, Quản Bạ và Nam Quang, Bắc Quang.

b) Thủy sản:

Giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 3%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,5%. Giá trị sản xuất ngành thủy sản dự kiến đạt trên 91,35 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2025 đạt 103,36 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020 sản lượng nuôi ước đạt 2.013 tấn, ở các huyện vùng thấp, chiếm 89,9% tổng sản lượng nuôi của toàn tỉnh. Đến năm 2025 sản lượng đạt 2.214 tấn.

4.3. Phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ:

Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức với cơ sở hạ tầng nhà nuôi cấy mô và trang thiết bị hiện đại đáp ứng cho việc sản xuất nhân giống và bảo tồn nguồn gen thực vật quý cho toàn tỉnh; có hệ thống, nhà lưới đầy đủ trang thiết bị, chủ động tưới tiêu đáp ứng được các nhu cầu sản xuất và nghiên cứu. Hiện Trung tâm đã làm chủ quy trình sản xuất khoai tây, chuối tiêu hồng, một số loại hoa và cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm KHKT giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý về cây con giống của địa phương và cung cấp một số dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu Nông nghiệp công nghệ cao (sau đây viết tắt là NNCNC) trong trồng trọt, chăn nuôi.

Ngoài các khu NNCNC hiện có, dự kiến các khu vực sau sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư khu NNCNC trong các lĩnh vực: Các khu NNCNC sản xuất rau; các khu NNCNC sản xuất hoa; các khu NNCNC chăn nuôi bò sữa; các khu NNCNC sản xuất, sơ chế dược liệu: tại các vùng sản xuất dược liệu tập trung tại 6 huyện 30a và các khu NNCNC sản xuất, chế biến bảo quản hoa quả: tập trung tại các vùng sản xuất cây có múi tập trung tại Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên.

4.4. Quy hoạch công nghiệp chế biến nông lâm sản:

4.4.1. Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

Đẩy mạnh phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu (rừng sản xuất) phù với quy hoạch ngành lâm nghiệp, nhu cầu của nhóm ngành, ứng dụng công nghệ tiên tiến hợp lý, sử dụng thiết bị hiện đại, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư mới và cải tạo nâng cấp trong sản xuất các sản phẩm từ giấy; triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành, trong đó, chú trọng đầu tư cho công đoạn xử lý chất thải, tái sử dụng nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và năng lượng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế giấy loại (OCC, DIP) nhằm tiết kiệm tài nguyên rừng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm: gỗ thanh, ván sàn, ván bóc, dăm gỗ; đa dạng hóa các sản phẩm từ giấy, nhất là từ các loại giấy có chất lượng và độ bền cao phục vụ thị trường nội địa và các ngành hàng xuất khẩu.

4.4.2. Chế biến chè:

Để nâng cao giá trị của ngành chè đi đôi với việc đưa vào trồng các giống chè chất lượng cao, cần đầu tư làm tốt khâu chế biến và quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến chè theo vùng. Đối với vùng sâu, vùng xa nên đầu tư xây dựng xưởng chế biến công suất 2 - 6 tấn tươi/ngày với công nghệ thiết bị phù hợp và hoàn chỉnh để sản phẩm đạt chất lượng cao có thể xuất khẩu (như mô hình chế biến chè xanh do Tổng công ty chè đặt tại Bắc Sơn, Thái Nguyên, thiết bị của Đài Loan, công suất 4 tấn tươi/ngày). Đối với những vùng địa bàn quá phức tạp và xa cơ sở chế biến công nghiệp, nên trang bị các máy sao, vò cỡ nhỏ từ 50 - 200 kg tươi/ngày để phục vụ nội tiêu và cung cấp cho các nhà máy đấu trộn, tinh chế. Đổi mới thiết bị chế biến chè mini ở các vùng sâu, vùng xa. Cần đầu tư thay thế toàn bộ hoặc từng phần, đặc biệt là các bộ phận như trống sao đầu bằng thép không gỉ, máy vò, lò sao sấy và quy trình chế biến, đặc biệt là chè vàng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

4.4.3. Chế biến dược liệu:

Trên cơ sở vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu, dự kiến xây dựng các cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh như sau: Nhà xưởng sơ chế (đạt tiêu chuẩn GAP): Là nơi phân loại, rửa, hong, cắt, thái và làm khô dược liệu tươi sau thu hoạch. Quy mô tối thiểu: 100m2. Dự kiến bố trí 63 xưởng, trong đó HTX quản lý 44 xưởng và doanh nghiệp quản lý 19 xưởng. Nhà xưởng sản xuất chế biến (đạt tiêu chuẩn GMP): Là nơi tiếp nhận các sản phẩm sau sơ chế để chế biến thuốc phiến hoặc phân loại đóng gói thành phẩm. Quy mô tối thiểu: 1.200m2. Dự kiến bố trí 63 xưởng, trong đó HTX quản lý 44 xưởng và doanh nghiệp quản lý 19 xưởng. Nhà xưởng chiết xuất dược liệu (đạt tiêu chuẩn GMP): Là nơi tiếp nhận dược liệu tươi để cất tinh dầu hoặc dược liệu khô để chiết xuất cao định chuẩn. Quy mô tối thiểu: 1.600m2. Dự kiến bố trí 3 xưởng, do doanh nghiệp quản lý. Nhà xưởng sản xuất thành phẩm cuối cùng (đạt tiêu chuẩn GMP): Là nơi tiếp nhận cao định chuẩn và các đầu vào khác để bào chế thành sản phẩm thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu, thực phẩm chức năng, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng khác. Quy mô tối thiểu: 1.200m2. Dự kiến bố trí 3 xưởng, do doanh nghiệp quản lý trong khu quy hoạch công nghệ cao dược liệu sẽ xây dựng tại thành phố Hà Giang.

4.4.4. Chế biến nông, lâm sản khác:

- Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại CCN Tân Bắc (Quang Bình), công suất 20.000 tấn/năm vốn dự kiến 60 tỷ đồng. Đầu tư nhà máy chưng cất tinh dầu hồi tại Bắc Mê, công suất 400 lít/năm, vốn dự kiến 2 tỷ đồng. Đầu tư các cơ sở ngành nghề nông thôn như xay sát (670 cơ sở), thủ công mỹ nghệ (90 cơ sở), dệt may, thêu ren (620 cơ sở), mây tre đan (900 cơ sở)...

- Giai đoạn 2021-2030: Đầu tư nhà máy chế biến thịt bò vàng, thịt trâu đặc sản vùng cao tại CCN Quyết Tiến (Quản Bạ), công suất 2.000 tấn/năm; nhà máy chế biến thịt trâu, bò tại CCN Nam Quang, Bắc Quang, công suất 2.000 tấn/năm.

4.5. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn:

Chỉ đạo tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng 5 cùng "cùng giống, cùng khung thời vụ, cùng chăm sóc, cùng bảo vệ thực vật, cùng thu hoạch" và liên kết 4 nhà "Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân"; để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng. Kiện toàn, củng cố các HTX nông nghiệp theo Luật năm 2012. Đồng thời khuyến khích thành lập mới các HTX nông nghiệp và các tổ hợp tác theo luật. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, trình độ sản xuất, điều kiện sản xuất, mỗi huyện lựa chọn 01 xã, mỗi xã lựa chọn 01 thôn để xây dựng thành mô hình điển hình, điểm sáng toàn diện về phát triển kinh tế (nông nghiệp) làm nơi cho bà con nhân dân các xã khác trong huyện, trong tỉnh đến thăm quan học tập kinh nghiệm và cách làm hay. Tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng "5 cùng - 4 liên kết"; sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù trở thành hàng hóa; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao được thu nhập cho người dân. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực đã được xác định (cam, chè, dược liệu, bò, mật ong bạc hà...); tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Đổi mới các hoạt động khuyến nông đáp ứng yêu cầu sản xuất; tổ chức tốt các dịch vụ về chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nông dân tiếp cận các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý sản xuất và thông tin thị trường.

4.6. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch:

Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Nông nghiệp - Công thương - Du lịch, liên kết chặt chẽ với các tour tuyến du lịch để có những dự báo sát thực về số lượng khách du lịch, nhu cầu thị hiếu, khối lượng tiêu thụ của khách du lịch về các sản phẩm nông lâm nghiệp. Phát triển đa dạng các mặt hàng nông lâm sản phục vụ nhu cầu du khách như cam sành, hồng không hạt, lê mận, đào, thịt bò khô vùng cao; một số hàng dược liệu (tam thất, thảo quả, giảo clam, mật ong bạc hà...); các mặt hàng cây công nghiệp (chè...). Ngoài ra cùng phát triển một số sản phẩm khác như rượu ngô men lá, thổ cẩm, hàng mây tre đan, khèn Mông. Phát triển cây tam giác mạch gắn với du lịch. Phát triển công nghiệp chế biến các nông lâm sản, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, hình thức bao gói... để có sản phẩm chất lượng cao, thuận tiện cho du khách lựa chọn, vận chuyển. Khôi phục và phát triển một số nghề thủ công truyền thống, các làng nghề, các làng văn hóa, các phiên chợ vùng cao... để đáp ứng được nhu cầu đa dạng về các hình thức du lịch đặc thù của du khách.

III. MỘT SỐ NHÓM NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa và bố trí nguồn lực thực hiện các quy hoạch chi tiết trong từng lĩnh vực (quy hoạch thủy lợi, quy hoạch làng nghề, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch dược liệu, quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch cây ăn quả có múi...); sơ tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình trọng tâm để bổ sung, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khác theo các chương trình, đề án, dự án cụ thể chủ yếu nhà nước hỗ trợ thông qua nguồn vốn tín dụng, đầu tư có thu hồi để tái đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

3. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiếp cận thị trường cả trong nước và quốc tế, tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa. Xây dựng thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tỉnh có ưu thế và sức cạnh tranh trên thị trường như: Cam sành, sản phẩm dược liệu, mật ong bạc hà, chè shan tuyết, sản phẩm thịt bò vàng, thịt lợn đen địa phương, rau, củ, quả sạch.... Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt mô hình liên kết từ việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Phát huy hiệu quả mô hình sản xuất đa canh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm có lợi thế. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những mô hình sản xuất mới, phù hợp với từng địa phương. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở phát triển các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.

5. Thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thực hiện các chương trình, đề án, dự án sản xuất các sản phẩm chủ lực, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Hệ thống các công trình thủy lợi; hệ thống giao thông nội đồng; hạ tầng bảo vệ sản xuất và hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao.

6. Tập trung thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp thích ứng trong trồng trọt. Cụ thể: Đối với Khu vực núi đất phía Tây thực hiện chuyển dịch mùa vụ kết hợp với thay đổi giống cây trồng để tránh khô hạn. Tăng cường xây dựng, cải tạo các công trình trữ nước để phục vụ tưới chống hạn vào mùa khô. Đối với khu vực cao nguyên đá phía Bắc, tập trung khắc phục tình trạng hạn hán hiện nay và tương lai trên cơ sở xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước về tới thôn, bản. Lựa chọn bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn. Khu vực các huyện vùng thấp cần đa dạng mùa vụ và giống đối với các cây trồng chính và bố trí phù hợp với khí hậu đối với từng giai đoạn sinh trưởng. Triển khai các mô hình nông, lâm kết hợp, tăng cường độ che phủ đất, thực hiện trồng xen các cây ngắn ngày và cây lâu năm.

7. Giải pháp về vốn đầu tư:

7.1. Nhu cầu vốn đầu tư:

Căn cứ vào yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, dự báo nhu cầu đầu tư của ngành đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khoảng 26.551 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.110 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 khoảng 10.839 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 8.601 tỷ đồng.

7.2. Dự báo nguồn vốn đầu tư:

- Vốn từ ngân sách nhà nước 8.989 tỷ đồng (bình quân 690 tđồng/năm), chiếm 33%. Vốn ngân sách tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ lãi suất, kinh phí thuê đất; đào tạo, chuyển giao TBKT; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp...

- Vốn doanh nghiệp 5.410 tỷ đồng, chiếm 20,4%;

- Vốn vay, tín dụng: 7.274 tỷ đồng, chiếm 27,4%

- Vốn đầu tư của người dân, tư nhân 4.292 tỷ đồng, chiếm 16,2 %

- Vốn khác 586,2 tỷ đồng, chiếm 2,2 %./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 113/NQ-HĐND năm 2017 về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 113/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Thào Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản