Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1059/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 783/NQ-UBTVQH13 ngày 15/7/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2015; Nghị quyết số 827/NQ-UBTVQH13 ngày 22/10/2014 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ)”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 943/BC-ĐGS ngày 15/9/2015 của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo số 151/BC-CP ngày 07/4/2015 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ),

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành cơ bản nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, đề xuất kiến nghị và nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ khá nhanh đã tạo bước tiến rõ rệt về tăng trưởng kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống của Nhân dân được cải thiện, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính trị, xã hội ổn định, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường.

2. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể là:

- Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp về “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh” còn chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản quy định chưa sát với thực tế và khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến tính khả thi thấp.

- Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh chưa sâu; nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành chưa phù hợp với tình hình thực tế nên nhận thức của một bộ phận cán bộ, Nhân dân về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh còn hạn chế.

- Chất lượng, hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong xây dựng, thẩm định quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án chưa cao. Vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo về nội dung, thẩm quyền và cơ chế phối hợp. Liên kết nội vùng, liên vùng và liên kết ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập; việc chậm xây dựng chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược an ninh quốc gia cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các ngành, lĩnh vực cũng như theo vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Một số chính sách trong các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội đối với các địa bàn chiến lược, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế; một số chính sách còn bất cập, khó lồng ghép, triển khai chậm, thiếu nguồn lực, phân tán, kém hiệu quả; có chính sách chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao và chiếm phần lớn hộ nghèo của các địa phương. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới còn nhiều yếu kém; hiệu quả công tác bố trí dân cư dọc tuyến biên giới thấp so với mục tiêu đề ra. Thế trận biên phòng toàn dân một số khu vực còn hạn chế, nhất là khu vực biên giới Tây Nam Bộ.

- Tiềm lực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ tuy được tăng cường nhưng chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ ở một số nơi chưa bảo đảm yêu cầu. Năng lực tham mưu của một bộ phận cán bộ chuyên trách chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Điều 2. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Trong năm 2016, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm trình Quốc hội thông qua dự án Luật cụ thể hóa quy định về “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh” tại Điều 68 của Hiến pháp và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất quản lý của Nhà nước đối với việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.

2. Chỉ đạo khẩn trương xây dựng chiến lược quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia để bảo đảm căn cứ cần thiết cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng, an ninh; trước mắt, rà soát toàn bộ quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về kinh tế - xã hội và các kế hoạch, phương án quốc phòng, an ninh, tập trung nguồn lực cho những quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án trọng điểm trên đất liền và trên biển đảo; điều chỉnh, khắc phục những bất hợp lý, kiên quyết loại bỏ những quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án kém hiệu quả, vi phạm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

3. Có giải pháp cụ thể để hoàn thiện cơ chế quản lý và mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, vừa phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vừa phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng; sớm triển khai xây dựng một số khu kinh tế - quốc phòng biển, đảo gắn với thực hiện dân sự hóa các đảo, quần đảo, làm nòng cốt cho hoạt động quản lý, khai thác, phát triển kinh tế biển và làm chỗ dựa cho ngư dân bám biển, vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

4. Có giải pháp điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch bố trí dân cư dọc biên giới đất liền, trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới, tập trung vào hạ tầng giao thông (đặc biệt là đường vành đai biên giới và đường tuần tra biên giới), các cơ sở giáo dục, y tế gắn với chính sách thu hút người dân ra biên giới, tạo thế trận biên phòng trong thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên các địa bàn chiến lược.

5. Tăng cường quan hệ đối ngoại để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quản lý, bảo vệ và xây dựng khu vực biên giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thúc đẩy sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên biên giới đất liền, tiến tới đàm phán giải quyết vấn đề phân định biên giới biển với Campuchia; ký các hiệp định hợp tác đánh cá ở vùng biển chồng lấn; xây dựng chính sách đặc thù đối với vùng Tam giác phát triển - CLV để thực hiện có hiệu quả những cam kết giữa Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (đặc biệt là chính sách ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài). Tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên diễn đàn khu vực và quốc tế về lập trường của nước ta trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước liên quốc gia; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và môi trường biển đảo phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Điều 3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này và những kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 983/BC-UBTVQH13, ngày 02 tháng 11 năm 2015 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này tại phiên họp cuối năm 2016.

Điều 4. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 5. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thường trực Chính phủ;
- HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các vị đại biểu Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- VPTƯ Đảng, VPCP, VPCTN;
- UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- ĐĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thành viên Đoàn giám sát;
- Lãnh đạo VPQH;
- Lưu: HC, GS, QPAN;
- Số Epas: 75970

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng