Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 31 tháng 5 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2006-2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ/TU ngày 02 tháng 5 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về “ Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 875/TTr - UBND ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội, thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Đánh giá tình hình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2001 - 2005:

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, 5 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Hệ thống, mạng lưới đào tạo phát triển cả về hình thức và ngành nghề đào tạo; Quy mô, số lượng đào tạo tăng nhanh; Chất lượng đào tạo toàn diện được nâng lên. Nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo có sự đổi mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ cấu và trình độ đào tạo có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đào tạo đại học và công nhân kỹ thuật bước đầu được chú trọng. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được tăng cường về số lượng và từng bước được chuẩn hoá. Kết hợp với nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học; Xã hội hoá trong đào tạo bước đầu được quan tâm. Công tác quản lý đào tạo, dạy nghề được tăng cường. Số người đã qua đào tạo cơ bản có việc làm.

Tuy lao động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh nhưng chất lượng lao động còn thấp; Quy mô, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm chưa đào tạo cán bộ kỹ thuật công nghệ cao, quản trị doanh nghiệp, luật pháp quốc tế, kế toán trưởng, công nhân lành nghề. Mất cân đối trong đào tạo giữa cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là giảng viên khoa học tự nhiên, kỹ thuật và giáo viên dạy nghề trình độ cao. Nội dung, chương trình đào tạo chậm đổi mới so với yêu cầu; Ngành nghề đào tạo chưa hợp lý. Mạng lưới đào tạo phân bố không đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu và lạc hậu. Lao động có chất lượng cao chiếm tỷ lệ thấp. Chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

II. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015.

1. Mục tiêu:

Giai đoạn 2006 - 2010: Số lao động cần đào tạo là 189.150 người, trong đó: Đại học, trên đại học 19.500 người; Cao đẳng 17.150 người; Trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề 152.500 người. Cơ cấu đào tạo giữa đại học, trên đại học - cao đẳng - nghề nghiệp (1 – 0,87 – 7,82). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho 74.020 lao động có chất lượng cao, chiếm 27%.

Giai đoạn 2011 -2015: Số lao động cần đào tạo là 250.700 người, trong đó: Đại học, trên đại học 23.500 người; Cao đẳng 33.700 người; Trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề 193.500 người. Cơ cấu đào tạo giữa đại học, trên đại học - cao đẳng - giáo dục nghề nghiệp (1 - 1,4 - 8,06). Tỷ lệ lao động qua đào tạo 55%, trong đó đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho 136.300 lao động có chất lượng cao, chiếm 35%.

Phát triển mạng lưới và mở rộng qui mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo 3 trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, bảo đảm tốc độ tăng nhanh hơn đào tạo đại học, cao đẳng. Qui mô đào tạo tăng bình quân mỗi năm 14%, trong đó: Đại học, cao đẳng 29,9%; Trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp 61,58%; Sơ cấp nghề 9,32%.

Xuất khẩu lao động và chuyên gia đạt 5.000 người/ năm, trong đó có 50% lao động có nghề vào năm 2010 và 70% vào năm 2015, bảo đảm thường xuyên có 14.000 đến 15.000 lao động làm việc ở nước ngoài.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

a. Tập trung phát triển qui mô và mạng lưới đào tạo:

Phấn đấu năm 2015 có 5 trường đại học, trong đó: 01 trường đại học đa ngành, 04 trường đại học chuyên ngành; 07 trường cao đẳng; 11 Trường trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề công lập, tư thục. Thành lập Trung tâm Xuất khẩu lao động của tỉnh để trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động của tỉnh Phú Thọ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Trường Đại học Hùng Vương. Nâng cấp Trường Trung cấp nghề tỉnh thành Trường Cao đẳng nghề vào năm học 2007-2008. Mở rộng quy mô đào tạo các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề.

Tổ chức quy hoạch và đẩy nhanh các thủ tục để thành lập một số trường đại học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015: Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Công nghiệp (chuyên ngành), Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm.Thành lập một số trường cao đẳng: Cao đẳng Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Cao đẳng Kỹ thuật Dược. Rà soát đánh giá hoạt động của các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của các tổ chức đoàn thể để sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo. Nâng cấp mở rộng Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh thành Trung tâm Giới thiệu việc làm của vùng.

Đến năm 2010 tất cả các huyện, thành, thị đều có Trung tâm dạy nghề theo Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002 - 2010. Khuyến khích phát triển cơ sở dạy nghề trong các doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho công nhân.

b. Đẩy mạnh kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, liên thông giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Hình thành hệ thống đào tạo kép giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh, viện nghiên cứu, trung tâm thực nghiệm. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm thực nghiệm phải có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành nâng cao tay nghề.

Có cơ chế chính sách gắn kết giữa nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất, hình thành mối quan hệ giữa cơ quan nghiên cứu, thực nghiệm và các doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Lựa chọn một số công ty có năng lực xuất khẩu lao động nhiều ngành nghề với số lượng lớn đến nhiều nước để phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, đáp ứng yêu cầu tay nghề trước khi xuất khẩu lao động. Tiếp thu có chọn lọc chương trình dạy nghề của các nước tiên tiến; Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình dạy nghề theo hướng tiếp cận sản xuất, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; Xây dựng chương trình theo phương pháp phân tích nghề, vừa liên thông giữa các trình độ đào tạo trong hệ thống dạy nghề và liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tin học, ngoại ngữ tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và các trường phổ thông phục vụ cho chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chuẩn bị nhân lực trẻ có chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ sẵn sàng tiếp cận khoa học công nghệ tiến tiến và phân công lao động khu vực, quốc tế trong những năm tiếp theo.

Tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện chuyển giao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến với quy mô lớn để nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu lao động sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

c. Xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo và dạy nghề.

Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức khối Đảng, Nhà nước, đoàn thể về kiến thức hội nhập quốc tế, tin học, ngoại ngữ; Cán bộ quản lý doanh nghiệp về luật pháp quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp, tổ chức thị trường, xúc tiến thương mại. Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, kế toán, quản trị doanh nghiệp đạt trình độ quốc tế.

Lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất chính trị và chuyên môn giỏi tham gia đào tạo ở trong nước và nước ngoài để đào tạo thành các chuyên gia đầu ngành, quản lý giỏi đáp ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng chương trình dài hạn về đào tạo, đào tạo lại giáo viên, trước hết giáo viên đại học các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, giáo viên dạy nghề được tiếp cận với các chuẩn quốc tế cả về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên.

Bố trí cho giảng viên trường đại học, cao đẳng tham gia nghiên cứu một số đề tài khoa học hoặc tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn ở trong nước và nước ngoài. Đưa giáo viên dạy nghề thực tập tay nghề ở nước ngoài đối với những ngành, nghề trong nước chưa có kinh nghiệm đào tạo.

d. Đẩy mạnh xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực:

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và tư nhân đầu tư vốn thành lập trường tư thục ở các bậc: Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như trong Đề án số 1940 /ĐA -UBND ngày 04/10/2005 của UBND tỉnh về Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Chuyển một số trường công lập sang tư thục theo lộ trình của Chính phủ.Tạo quỹ đất, quy hoạch thành vùng ở cấp huyện, thành, thị để các tổ chức và cá nhân được cấp đủ đất xây dựng các trường phù hợp với quy mô phát triển.

Nghiên cứu cho thành lập trung tâm đào tạo chất lượng cao hoạt động theo hình thức tư thục.

Các trường chuyên nghiệp, dạy nghề chủ động liên doanh, liên kết với các trường, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong nước, nước ngoài để liên kết đào tạo nhân lực và chuyên gia công nghệ.

Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực cho đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, luật quốc tế, quản trị doanh nghiệp... tạo cơ cấu lao động hợp lý, lao động có kỹ năng thực hành, biết ngoại ngữ chiếm tỷ trọng cao. Phấn đấu có học sinh tham gia hội thi tay nghề ASEAN và hội thi tay nghề thế giới.

e. Tăng cường quản lý nhà nước.

Rà soát, bổ sung quy hoạch và xây dựng kế hoạch hàng năm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển mạng mạng lưới đào tạo, quy mô, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.

Xây dựng chương trình trọng tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ thực hiện đào tạo và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường, các cơ sở đào tạo. Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường phân cấp mạnh cho các cơ sở đào tạo, tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng, chống tiêu cực trong đào tạo.

Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chế độ thu hút nhân tài về giảng dạy và làm việc tại tỉnh; Chế độ nghiên cứu học tập, thực tập, nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài; Chế độ khen thưởng, tôn vinh các danh hiệu, các nhà quản lý, nhà giáo, các doanh nhân có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

g. Tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo:

Huy động đa dạng nguồn lực: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng nhanh nguồn vốn đầu tư cho đào tạo. Ưu tiên đầu tư các trường trọng điểm: Trường Đại học Hùng Vương, Trường Trung cấp nghề của tỉnh.

Lồng ghép nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Thu hút nguồn lực bên ngoài thông qua các dự án tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho dạy nghề. Có cơ chế quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài trợ và vốn vay.

Thành lập Quỹ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Dạy nghề.

Nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2006-2010 là 2.359.128 triệu đồng, bao gồm: Ngân sách tỉnh 716.972 triệu đồng (30,40%), Trung ương hỗ trợ 516.298 triệu đồng (21,89%), Huy động lồng ghép các chương trình 146.950 triệu đồng (6,23%), nguồn xã hội hoá 978.908 triệu đồng ( 41,48%).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; hàng năm báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình.

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ mười thông qua ngày 31 tháng 5 năm 2007./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 103/2007/NQ-HĐND về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 103/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 31/05/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản