Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 09/2021/UBTVQH15

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHI PHÍ QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022 - 2024

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14;

Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13;

Sau khi xem xét Báo cáo số 56/BC-CP ngày 11/11/2021 và Báo cáo số 62/BC-CP ngày 01/12/2021 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 23/BC-UBXH15-m ngày 20/11/2021 và Báo cáo số 25/BC-UBXH15-m ngày 07/12/2021 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024

1. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 như sau:

a) Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội: trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%;

b) Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%;

c) Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, mức chi phí quản lý quy định tại điểm a và điểm b khoản này tính trên số thực thu, thực chi; trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm vượt dự toán, chi phí quản lý thực hiện theo dự toán đã được giao.

2. Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Thủ tướng Chính phủ:

a) Quy định việc giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được trích theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong quá trình xây dựng dự toán, thực hiện dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự toán, quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

c) Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan sử dụng chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, hiệu quả, triệt để tiết kiệm gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thuận lợi đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, phù hợp với nhiệm vụ được giao; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi chính sách; kịp thời ngăn chặn việc trốn đóng, gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hằng năm thực hiện kiểm toán việc giao dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo kết quả kiểm toán với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 6, ngày 08 tháng 12 năm 2021.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Vương Đình Huệ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 09/2021/UBTVQH15
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2021
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Vương Đình Huệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1067 đến số 1068
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản