Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2009/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 20/2005/QĐ-BGDĐT ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005 – 2010”;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét Tờ trình số 1898/TTr-UBND ngày 15/7/2009 của Ủy ban nhân tỉnh Quảng Ngãi về Đề án thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính sau:

I. Mục tiêu chung

Huy động và phát huy mọi tiềm năng về nhân lực, tài lực của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục; làm cho tất cả mọi người có nhu cầu đều được hưởng thụ thành quả giáo dục trong những điều kiện tốt nhất. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của xã hội hóa giáo dục, từ đó xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ học tập và đóng góp sức người, sức của để phát triển sự nghiệp giáo dục. Tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển giáo dục ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo.

Đổi mới cơ bản chế độ học phí: ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy, học tập và có tích luỹ để đầu tư phát triển nhà trường; bước đầu đủ bù đắp chi phí thường xuyên. Xoá bỏ mọi khoản thu khác ngoài học phí.

Không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công. Chuyển các trường bán công sang loại hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương và các quy định của pháp luật.

II. Định hướng và mục tiêu phát triển xã hội hoá ở các cấp học và loại hình giáo dục

1. Giáo dục mầm non.

a) Ưu tiên ngân sách để đầu tư phát triển giáo dục mầm non công lập ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo. Từ nay đến năm 2012 thành lập mới các trường mầm non công lập ở các xã đặc biệt khó khăn (nơi chưa có trường mầm non công lập).

b) Khuyến khích phát triển trường mầm non ngoài công lập ở thành phố Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất và những nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Từ nay đến năm 2015 thành lập mới 12 trường mầm non tư thục, đến năm 2020 có ít nhất 27 trường mầm non tư thục. Khuyến khích mở các lớp, nhóm trẻ gia đình ở các xã, phường, thôn bản, tổ dân phố.

c) Định hướng đến năm 2020, tỷ lệ nhà trẻ ngoài công lập đạt 60 - 70%, tỷ lệ học sinh mẫu giáo ngoài công lập tối thiểu đạt từ 30 - 40% (riêng khu vực thành phố Quảng Ngãi phấn đấu đạt trên 50%).

2. Đối với giáo dục phổ thông.

a) Tiểu học:

- Thành lập mới các trường tiểu học công lập, trường phổ thông nhiều cấp học tại các xã đặc biệt khó khăn (nơi chưa có trường công lập).

- Khuyến khích thành lập các trường tiểu học ngoài công lập tại thành phố Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất và những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, đặc biệt khuyến khích thành lập trường tiểu học bán trú tư thục chất lượng cao. Định hướng đến năm 2015 có ít nhất 2 trường tiểu học ngoài công lập và đến năm 2020 có ít nhất 4 trường.

- Định hướng đến năm 2020 tỷ lệ học sinh tiểu học ngoài công lập đạt từ 0,5 đến dưới 1% .

b) Trung học cơ sở:

- Cùng với việc thành lập mới các trường trung học cơ sở công lập tại các huyện miền núi và các xã chưa có trường trung học cơ sở công lập, khuyến khích thành lập mới các trường trung học cơ sở ngoài công lập tại thành phố Quảng Ngãi và khu kinh tế Dung Quất theo hướng trường trung học cơ sở độc lập hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở). Định hướng từ năm 2015 đến năm 2020 có ít nhất 3 trường trung học cơ sở tư thục, đến năm 2020 tỷ lệ học sinh học trung học cơ sở ngoài công lập đạt tối thiểu 1%.

c) Trung học phổ thông:

- Khuyến khích thành lập mới các trường trung học phổ thông tư thục tại các huyện đồng bằng, thành phố và Khu kinh tế Dung Quất. Định hướng đến năm 2020 mỗi huyện đồng bằng và thành phố Quảng Ngãi thành lập mới ít nhất 01 trường tư thục.

- Định hướng đến năm 2020, tỷ lệ học sinh học trung học phổ thông ngoài công lập đạt từ 30 đến 40%.

3. Giáo dục thường xuyên.

a) Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010.

b) Tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng có nhu cầu đều được tham gia học bổ túc văn hoá, học các lớp ngoại ngữ, tin học. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh mở rộng đào tạo liên kết và đào tạo không chính quy.

c) Đến cuối năm 2010: 100% các huyện, thành phố đều có Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp - Dạy nghề; năm 2010 có 80%, năm 2015 có 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

d) Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt trên 98%; đạt tỷ lệ 80% số cán bộ cấp xã và cán bộ cấp huyện được học tập bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội; đạt tỷ lệ 100% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ; đạt tỷ lệ trên 85% số người lao động trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp được tiếp cận và hưởng thụ các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Giáo dục chuyên nghiệp.

a) Định hướng phát triển trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập ở Khu Kinh tế Dung Quất và những nơi có điều kiện thuận lợi.

b) Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp liên kết trong đầu tư và đào tạo với các xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn, các tổ chức trong và ngoài nước. Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn liên kết với các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo.

c) Định hướng đến năm 2015 tỷ lệ học sinh ngoài công lập hệ trung học chuyên nghiệp đạt 30%.

5. Cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập.

Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP đối với các trường công lập. Khi có chế độ thu học phí mới, chuyển các cơ sở giáo dục mầm non và trung học phổ thông có nguồn thu sự nghiệp ở thành phố Quảng Ngãi, thị trấn các huyện đồng bằng và những nơi có điều kiện kinh tế phát triển sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động thường xuyên. Chuyển các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của tỉnh, có nguồn thu sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

6. Loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông, đào tạo nghề nghiệp, các cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ giáo dục theo đúng quy định tại Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng chính phủ.

Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh Đề án và thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 18 tháng 7 năm 2009.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 09/2009/NQ-HĐND về Đề án thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 09/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Minh Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản