Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
Khóa 2 – Kỳ họp thứ 6
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 05 tháng 7 năm 1997

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẨY NHANH THỰC HIỆN CHUẨN PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC VÀ XÓA MÙ CHỮ; HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC THAM GIA XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

HỘI ĐỔNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 20/3/1996;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và "Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương II" của Tính uỷ Lào Cai về định hướng chiến lược giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000;

Sau khi xem xét Tờ trình của UBND tỉnh về huy động các nguồn lực tham gia xây dựng trường và phương án đẩy nhanh việc thực hiện chuẩn PCGDTH và XMC ở Lào Cai đến năm 2000; Sau khi xem xét báo cáo thuyết trình của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai,

QUYẾT NGHỊ :

Điều 1.

1. Nhất trí thông qua phương án của UBND tỉnh về: đẩy nhanh tốc độ phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ (PCGDTH & XMC), cơ bản đạt chuẩn PCGDTH & XMC vào năm 2000.

1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về: Huy động nguồn lực trong dân với mục đích xây dựng trường học.

Điều 2.

1. Về phương án đẩy nhanh tốc độ PCGDTH & XMC, HĐND tỉnh lưu ý một số nội dung sau :

1.1. Về mục tiêu:

- Phấn đấu đến năm 2000: Đạt chuẩn PCGDTH & XMC ở 145 xã; Đảm bảo có 8/10 huyện, thị xã đạt chuẩn PCGDTH & XMC.

- Mỗi năm, thanh toán mù chữ cho 10.000 người và chống tái mù chữ.

1.2. Về giải pháp:

- Tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức ở mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân về giáo dục - đào tạo nói chung và về PCGDTH & XMC ở Lào Cai nói riêng. Quán triệt Nghị quyết Trung ương II và chương trình hành động của Tỉnh Ủy Lào Cai: Tăng cường mọi nguồn lực cho giáo dục đào tạo để đến năm 2000, cơ bản đạt chuẩn PCGDTH & XMC ở Lào Cai.

- Tạo phong trào xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ. Đảm bảo huy động và duy trì tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp trên 80%. Huy động nguồn lực trong dân để cùng với Nhà nước giải quyết khâu xây dựng trường, lớp.

- Có đủ giáo viên để đảm bảo nhu cầu học và duy trì việc dạy và học đúng chương trình, đúng quy chế, có chất lượng.

- Phát triển mạnh các lớp phổ cập theo chương trình 100 tuần và 120 tuần; huy động tối đa trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1; phát triển mạnh các lớp tiểu học ở thôn bản; mở rộng loại hình trường bán trú; đổi mới tuyển sinh vào các trường dân tộc nội trú và sư phạm của tỉnh.

- Tăng cường nguồn kinh phí từ ngân sách tương ứng với việc đảm bảo thực hiện PCGDTH & XMC đến năm 2000; có chính sách động viên đối với giáo viên và phong trào xã hội hóa giáo dục ở cơ sở.

- Có kế hoạch cụ thể, giao kế hoạch chi tiết cho các huyện, thị xã hàng năm; thường xuyên đánh giá tình hình và kết quả công tác PCGDTH & XMC.

2. Về việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng phát triển trường lớp:

2.1. Về nguyên tắc:

- Việc huy động đóng góp phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng. Hình thức đóng góp cả bằng công lao động, bằng tiền, bằng hiện vật.

- Việc sử dụng nguồn này phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về quản lý - sử dụng kinh phí, công lao động huy động. Chỉ được chi nguồn này vào các công trình xây dựng trường, lớp học.

- UBND xã (phường, thị trấn) tổ chức thu trên địa bàn, dùng biên lai thu do Bộ Tài chính phát hành. Nguồn thu tập trung toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước. UBND xã xác nhận đối với các trường hợp đóng góp bằng công lao động và hiện vật.

- Việc chi dùng nguồn này phải tuân theo kế hoạch và định mức được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Về đối tượng huy động:

- Huy động theo lao động trong độ tuổi: Nam, từ 16 đến 60 tuổi. Nữ, từ 16 đến 55 tuổi (kể cả trường hợp đăng ký hộ khẩu tạm trú từ 1 năm trở lên) Trừ học sinh đang theo học ở các trường.

2.3. Về mức huy động (bằng công lao động hoặc tiền):

- Bằng công lao động: 3 công/năm/lao động.

- Bằng tiền: 30.000 đ/năm/lao động (10.000 đ/công).

Lưu ý:+ Đối với các xã khu vực III, chủ yếu huy động bằng công lao động và hiện vật.

2.4. Về chính sách miễn giảm: Giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể về chính sách và đối tượng miễn, giảm. Cần phân ra các mức miễn và giảm để đảm bảo công bằng và hợp [ý.

Điều 3.

1. HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh trách nhiệm sớm triển khai, tổ chức, thực hiện Nghị quyết này; hàng năm có báo cáo đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết này trước kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh.

2. HĐND tỉnh giao cho Thường trực HĐND, các ban HĐND, các Đại biểu HĐND trách nhiệm thường xuyên giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

3. HĐND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc Lào Cai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn Lào Cai nhiệt tình ủng hộ, thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh Lào Cai khóa 2 thông qua ngày 05/7/1997.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Đông

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 07/NQ-HĐND năm 1997 về đẩy nhanh thực hiện chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; Huy động các nguồn lực tham gia xây dựng trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 07/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/07/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Hà Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản