Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2023/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRONG HỢP TÁC ĐÀO TẠO GIỮA TỈNH ĐIỆN BIÊN VỚI CÁC TỈNH BẮC LÀO, GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 24/2018/TT-BTC ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam.

Xét Tờ trình số 2867/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trong hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ trong hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bao gồm:

a) Chính sách đối với học sinh, cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Bắc Lào (gọi tắt là lưu học sinh Lào).

b) Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên tham gia bồi dưỡng tiếng Lào.

c) Chính sách đối với giáo viên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào.

d) Chính sách đối với các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Điện Biên.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với lưu học sinh Lào; cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên bồi dưỡng tiếng Lào; giáo viên giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, các cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ quản lí, đào tạo, nuôi dưỡng lưu học sinh Lào theo Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ

1. Kinh phí hỗ trợ được cấp cho cơ sở đào tạo, do cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo cho lưu học sinh Lào.

2. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Lưu học sinh Lào đào tạo hệ vừa làm vừa học (không tập trung, đào tạo theo kỳ) có mặt để học tại Việt Nam từ tháng nào thì thực hiện chi hỗ trợ từ tháng đó.

4. Lưu học sinh Lào đào tạo diện tự túc chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ phòng ở và đồ dùng sinh hoạt.

Điều 3. Hỗ trợ đối với lưu học sinh Lào thuộc diện đào tạo theo Chương trình hợp tác với tỉnh Điện Biên

1. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí

a) Lưu học sinh Lào đào tạo tại tỉnh Điện Biên được hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 1,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

b) Lưu học sinh Lào đào tạo trình độ đại học chính quy tại tỉnh Sơn La được hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 2,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

c) Trường hợp phát sinh dịch bệnh, lưu học sinh Lào phải học trực tuyến (học online) tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, người học không được thanh toán chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí.

2. Mức hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu bằng 1,2 lần mức lương cơ sở/người. Lưu học sinh đã được hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu khi tham gia đào tạo tiếng Việt để thi tuyển hoặc xét tuyển vào các bậc học thì sẽ không được hỗ trợ trang cấp cá nhân cần thiết ban đầu khi vào bậc học chính thức.

3. Hỗ trợ chi phí đi lại: Mỗi lưu học sinh Lào được hỗ trợ một lượt đi khi nhập học và một lượt về nước khi tốt nghiệp bằng mức giá vé niêm yết của Ban Quản lý bến xe trực thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên tại thời điểm thanh toán.

4. Hỗ trợ phòng ở và đồ dùng sinh hoạt: Lưu học sinh Lào được cơ sở đào tạo bố trí phòng ở và cho mượn một số đồ dùng sinh hoạt trong phòng như: quạt, ti vi và một số thiết bị khác trong điều kiện đáp ứng của cơ sở đào tạo.

5. Kinh phí đào tạo

a) Hỗ trợ kinh phí đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học tại tỉnh Điện Biên, đào tạo trình độ đại học chính quy tại trường Đại học Tây Bắc theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị chủ trì thực hiện với các các cơ sở đào tạo. Hỗ trợ kinh phí đào tạo ngắn hạn (đào tạo tiếng Việt; đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho lưu học sinh Lào; bồi dưỡng, tập huấn thực tế cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Bắc Lào tại Điện Biên) bằng 1,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo dài hạn (đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chính quy tại các trường Cao đẳng của tỉnh Điện Biên) bằng 0,67 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

b) Nội dung chi kinh phí đào tạo thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 24/2018/TT-BTC. Mức chi cụ thể của các nội dung chi kinh phí đào tạo áp dụng theo định mức của cơ sở đào tạo (nếu có) phù hợp với quy định của pháp luật; trường hợp không có định mức cụ thể, các cơ sở đào tạo chủ động chi tiêu. Tổng các khoản chi không vượt quá mức hỗ trợ nêu tại điểm a khoản này.

Điều 4. Hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Điện Biên tham gia bồi dưỡng tiếng Lào

1. Thời gian học tiếng Lào tại Việt Nam, người học được hưởng nguyên lương, phụ cấp lương trong nước và chế độ đi học theo quy định hiện hành, được cơ sở đào tạo bố trí chỗ nghỉ cho người học ở xa.

2. Thời gian đi thực tế cơ sở tại các tỉnh Bắc Lào, chi theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

Điều 5. Hỗ trợ đối với cơ sở đào tạo và chính sách đối với giáo viên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào

1. Chính sách đối với giáo viên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào

Giáo viên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào được hưởng lương và các khoản phụ cấp, chế độ chính sách khác (nếu có) theo quy định hiện hành.

2. Hỗ trợ các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Điện Biên

a) Các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lưu học sinh Lào được ký kết hợp đồng với người lao động là nhân viên phục vụ theo định mức 01 nhân viên/30 lưu học sinh. Trường hợp cơ sở đào tạo có dưới 30 lưu học sinh Lào được ký hợp đồng với 01 nhân viên phục vụ. Hợp đồng lao động do lãnh đạo cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Điện Biên trực tiếp ký kết với người lao động theo quy định.

b) Tiền lương đối với lao động hợp đồng được tính theo mức lương tối thiểu vùng ký kết trong hợp đồng lao động. Khi mức lương tối thiểu vùng có sự thay đổi thì được áp dụng theo quy định của pháp luật.

c) Các cơ sở đào tạo tổ chức nấu ăn tập trung được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư và không phải xây dựng đề án tô chúc nấu ăn cho lưu học sinh Lào.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thời điểm áp dụng chính sách: Từ ngày 01 tháng 8 năm 2023.

2. Khi các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Nghị quyết số 384/2015/NQ-HĐND tỉnh ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII về việc thông qua Đề án và chính sách hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2016 -2020 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XV, Kỳ họp thứ Mười một thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 7 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Vụ Pháp chế các Bộ: Nội vụ, Tài chính, GDĐT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, LĐ UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Cổng TTĐT Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Điện Biên Phủ;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lò Văn Phương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 07/2023/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ trong hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 07/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản