HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2007/NQ-HĐND | Phủ Lý, ngày 06 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 12
(Ngày 05 và 06/12/2007)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi nghe và thảo luận Báo cáo số: 1698/BC-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với báo cáo số: 1698/BC-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, phương hướng nhiệm vụ năm 2008.
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007.
Trong năm 2007, nhiều yếu tố bất lợi tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống như: khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh diễn biến phức tạp, giá cả vật tư, hàng hoá tăng cao, song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, chúng ta đã phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007.
Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị, chỉ tiêu dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 63/65% kế hoạch. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp được mùa. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng cao. Thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ. Thu ngân sách vượt dự toán. Các lĩnh vực dịch vụ, văn hoá xã hội tiếp tục phát triển. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế chưa có bước đột phá lớn, quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, nông nghiệp chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường. Ngành công nghiệp mũi nhọn có bước khởi động tích cực nhưng chưa có sự tăng tốc mạnh, công nghiệp trong KCN chậm phát huy hiệu quả đầu tư. Công tác GPMB các dự án lớn gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ đầu tư; quản lý khai thác nguồn thu ngân sách còn hạn chế. Một số vấn đề xã hội như: việc làm của người lao động nơi thu hồi nhiều đất nông nghiệp, môi trường, đảm bảo VSATTP, tai nạn giao thông còn bức xúc và một số vụ việc khiếu kiện phức tạp tồn đọng.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2008.
1. Mục tiêu chủ yếu:
Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu. Khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và tăng năng lực của các ngành, lĩnh vực then chốt; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực văn hoá xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội trên địa bàn, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2008:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng: 13,0%.
- GDP bình quân đầu người: 8,91 triệu đồng/người.
- Cơ cấu kinh tế:
+ Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 24,0%;
+ Công nghiệp - xây dựng: 44,0%;
+ Dịch vụ: 32,0%.
- Thu ngân sách NN từ kinh tế trên địa bàn: 547 tỷ đồng; Trong đó thu nội địa: 535 tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán TW giao.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng: 22%. Trong đó công nghiệp địa phương tăng 29,8%.
- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng: 4,4%.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu: 80 triệu USD, tăng 14,3%.
- Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng: 19,5%.
- Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 5.384 tỷ đồng.
- Số lao động được giải quyết việc làm: 13,5 nghìn người.
- Giảm tỷ lệ sinh dân số: 0,2‰.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 9,0%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 20,5%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch 66%.
- Tỷ lệ rác thải được thu gom trên địa bàn đạt 76%.
III. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NHẤN MẠNH MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO LÀ.
1. Tăng cường công tác tuyên truyền làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường phối hợp, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền với những nội dung cụ thể, thiết thực, đến từng địa phương cơ sở và người dân nhất là ở những nơi đang chuẩn bị thực hiện các dự án lớn của tỉnh.
2. Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Việc xây dựng quy hoạch phải đảm bảo tính tiên tiến, tính khả thi và có tầm nhìn xa hơn làm cơ sở định hướng cho KH 5 năm, xây dựng KH hằng năm và giới thiệu kêu gọi đầu tư. Trước hết phải rà soát bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi từng vùng phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp; điều chỉnh bổ sung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện, nước…phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; điều chỉnh QH sử dụng đất và quy hoạch các ngành, lĩnh vực có liên quan. Phát triển các KCN mới gắn với QH khu dân cư; sớm triển khai xây dựng các khu nhà ở và các khu dịch vụ tại các KCN. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
3. Tập trung sự chỉ đạo của các cấp các ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 13%, vượt thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình Đề án phát triển KT-XH của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết đồng bộ các điều kiện để thúc đẩy các dự án đã đầu tư tăng nhanh khối lượng sản phẩm: xi măng, bia, sữa, các DN trong KCN, các làng nghề… đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất các KCN, cụm CN, cụm TTCN, làng nghề.
Các cấp chính quyền tiếp tục "đồng hành cùng DN", thường xuyên trao đổi, đối thoại, phối hợp xử lý các vướng mắc, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; tôn vinh doanh nhân có tài năng.
Tiếp tục triển khai mạnh chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, chăn nuôi, thuỷ sản tập trung. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh tái phát, lan rộng.
Củng cố các HTX dịch vụ nông nghiệp để làm tốt các khâu dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiến tới đảm nhận các dịch vụ cho nông dân, nông thôn góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng hoá xuất khẩu với quy mô sản phẩm chủ lực lớn, chất lượng tốt, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Tạo điều kiện cho DN tiếp cận tốt hơn thông tin thị trường thế giới, tăng kim ngạch từ xuất khẩu trực tiếp.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ: điện, nước, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ tư vấn…phục vụ sản xuất đời sống, nhất là phục vụ thu hút đầu tư và đảm bảo các điều kiện nhà đầu tư thực hiện dự án. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng số lao động đi các nước có thu nhập khá.
Tập trung khai thác tốt nguồn thu từ kinh tế trên địa bàn, tăng thu từ các nguồn thu từ sản xuất kinh doanh nhất là các DN trong KCN, thu đấu giá QSD đất và các khoản thu từ đất, thuế khai thác tài nguyên trong khoáng sản…thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.
Chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính trong công tác quản lý thu thuế, xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong tổ chức thu thuế.
4. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cho việc chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận và thu hút các dự án đầu tư, tạo sự chuyển biến cho phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác GPMB, đáp ứng kịp yêu cầu tiến độ các dự án, đảm bảo: nhanh, đúng chính sách quy định, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tăng cường tuyên truyền giải thích vận động nhân dân hiểu thực hiện tốt chính sách, đảm bảo đời sống nông dân khi thu hồi đất. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh với các cá nhân vụ lợi, đòi hỏi quá mức quy định của Nhà nước, gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển chung. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng tuyển chọn nhà đầu tư. Các cơ quan chuyên môn phải nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình trong việc thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư và tính khả thi của dự án; thực hiện thường xuyên việc rà soát các dự án đã đầu tư trong KCN, kiên quyết thu hồi đất của nhà đầu tư nhận đất quá thời gian quy định nhưng không thực hiện đầu tư, hoặc sử dụng đất lãng phí, hoặc kinh doanh kém hiệu quả không đúng ngành nghề kinh doanh. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các DN. Đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho người nông dân ở nơi thu hồi đất phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.
5. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Phân lũ sông Đáy, đường giao thông vùng phân lũ, nút giao Đồng Văn, đường vành đai thị xã nối với đường cao tốc,…Hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư làm căn cứ kêu gọi đầu tư dự án xây dựng tuyến đường động lực của tỉnh từ Phủ Lý - đi Thái Bình. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị thị xã Phủ Lý: khu thương mại dịch vụ đô thị bờ đông sông Đáy, các khu đô thị mới… theo tiêu chí của thành phố trực thuộc tỉnh.
6. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, xây dựng quy hoạch và chính sách kêu gọi đầu tư xã hội hoá các lĩnh vực: văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, dạy nghề nhằm huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội.
Làm tốt công tác y tế dự phòng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm không để dịch bệnh lớn xảy ra; tiếp tục thực hiện cuộc vận động hai không trong ngành giáo dục, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo thực chất. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho người lao động nơi thu hồi nhiều đất nông nghiệp. Tăng cường quản lý giá cả và thị trường, bình ổn giá cả hàng hoá thiết yếu, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.
Tập trung xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải ở nông thôn.
7. Tập trung giải quyết có hiệu quả khiếu nại tố cáo của công dân, trọng tâm là các vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài. Tăng cường đối thoại trực tiếp, coi trọng hoà giải ở cơ sở, tăng cường kiểm tra việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Uỷ ban nhân dân các cấp nhất là cấp cơ sở; kiên quyết xử lý đối tượng lợi dụng dân chủ để khiếu tố sai sự thật, lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện đông người vượt cấp gây mất ổn định tình hình.
8. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về QP - AN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh làm giảm mạnh số vụ phạm pháp hình sự, tai tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước về hành lang an toàn giao thông, công tác giải phóng mặt bằng…Thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh, phấn đấu giảm vững chắc số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn.
9. Tiếp tục cải cách hành chính trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Triển khai có hiệu quả cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" ở cơ quan hành chính các cấp. Duy trì làm việc ngày thứ 7 ở các cơ quan nhà nước đối với bộ phận giải quyết các công việc có liên quan đến công dân và doanh nghiệp theo quy định tại QĐ 127 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và đưa hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả; tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham những, tiêu cực, lãng phí; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí.
10. Tiếp tục vay 150 tỷ đồng để đảm bảo chủ động kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trọng điểm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
- Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
- Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy kết quả đạt được trong năm 2007, nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành toàn diện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2008.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khoá XVI kỳ họp thứ 12 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 71/2008/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố năm 2008 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Nghị quyết 08/2007/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2007 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3Nghị quyết 14/2007/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 4Nghị quyết 110/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng cuối năm 2008 do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 5Quyết định 61/2008/QĐ-UBND điều chỉnh các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mê Linh nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 15/2008/QH12 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 6Nghị quyết 39/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2012 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 71/2008/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố năm 2008 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Nghị quyết 08/2007/NQ-HĐND về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2007 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 4Nghị quyết 14/2007/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 5Nghị quyết 110/2008/NQ-HĐND về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng cuối năm 2008 do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 6Quyết định 61/2008/QĐ-UBND điều chỉnh các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mê Linh nhập vào thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 15/2008/QH12 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 7Nghị quyết 39/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2012 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Hà Nam ban hành
- Số hiệu: 07/2007/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 06/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Đinh Văn Cương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/12/2007
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định