Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2012/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 13 tháng 4 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG ĐỐI VỚI CÁC XÃ, THÔN, BẢN, VÙNG SÂU, VÙNG XA, VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ CÓ TỶ LỆ HỘ NGHÈO CAO

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 814/TTr-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2012 kèm theo Đề án "Về giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo cao”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án "Về giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo cao” với các nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, giảm tốc độ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng trong huyện, tỉnh. Ổn định chính trị - xã hội, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao dân trí, bảo đảm vững chắc an ninh - quốc phòng.

2. Chỉ tiêu cụ thể

- Thu nhập bình quân đầu người: Tăng gấp 2 lần năm 2010;

- Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm: Gấp 2 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện (khoảng 5% - 6%/năm) theo chuẩn nghèo từng giai đoạn;

- Có 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- Có 95% số hộ có hố xí hợp vệ sinh. Cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm;

- 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được vay vốn;

- 100% thôn, bản có lớp mẫu giáo;

- Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế cơ bản đáp ứng được công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân;

- 100% xã đạt phổ cập trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%;

- 60% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng;

- 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có yêu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý miễn phí;

- 60% trục đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông và thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa đáp ứng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân;

- Trên 95% các thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất;

- Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 90% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm có nhu cầu tưới và dân sinh.

3. Đối tượng

Hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Phạm vi

Các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên tính đến thời điểm 01 tháng 01 năm 2012 theo chuẩn nghèo mới (trừ huyện Đakrông thuộc diện đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo), bao gồm:

- 09 xã: A Túc, Xy, Hướng Lộc, Húc, Hướng Linh, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa); Linh Thượng, Vĩnh Trường (huyện Gio Linh); Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh);

- 23 thôn, bản thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh:

+ Huyện Hướng Hóa, gồm: Tà Đủ (xã Tân Hợp); Hà, Lệt (xã Tân Thành); Khe Đá (thị trấn Lao Bảo); Bản 8, Bản 9, Thanh 1, Thanh 4 (xã Thanh); Pa Roi, A Dơi Đớ (xã A Dơi); Xa Rê, Ruộng, Xa Rương (xã Hướng Tân); Chênh Vênh (xã Hướng Phùng); Chai (xã Hướng Việt); Cuôi, Ta Păng, Tri, Sê Pu, Cợp (xã Hướng Lập);

+ Huyện Vĩnh Linh, gồm: Bến Mừng, Khe Lương (xã Vĩnh Khê); Bãi Hà (xã Vĩnh Hà).

5. Thời gian thực hiện: Giai đoạn từ năm 2012 đến 2015. Kết thúc năm 2015, tổng kết để xem xét, tiếp tục đầu tư hoặc kết thúc chương trình.

6. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về phát triển sản xuất

- Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch:

+ Rà soát, hoàn thiện các loại quy hoạch, đặc biệt coi trọng và tập trung cho quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, trung tâm thị trấn, cụm xã; soát xét lại quy hoạch bố trí dân cư ở những xã vùng biên giới và một số vị trí chưa hợp lý theo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bảo đảm an ninh - quốc phòng vững chắc; quy hoạch ổn định định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số;

+ Thực hiện công khai quy hoạch các chương trình đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất:

+ Thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng cho người dân, đảm bảo cho người dân có diện tích đất sản xuất;

+ Rà soát, thu hồi một số diện tích đất đã cấp cho các tổ chức, các doanh nghiệp, nông trường, lâm trường nhưng không sử dụng đúng mục đích, không hiệu quả để cấp lại cho các hộ gia đình đảm bảo quỹ đất sản xuất;

+ Đẩy mạnh khuyến khích sản xuất ngành chăn nuôi, khoanh vùng chăn nuôi, đặc biệt là phát triển chăn nuôi gia cầm; khai thác nuôi cá nước ngọt ở những nơi có mặt nước, ao, hồ;

+ Mỗi thôn xây dựng mô hình điểm về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi;

+ Tăng cường hoạt động khuyến nông ở cơ sở, chú trọng hình thức chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “bắt tay chỉ việc” và khuyến khích phương pháp “nông dân huấn luyện nông dân” đối với những nơi trình độ người dân hạn chế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Giải pháp về nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp xã, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ; tiếp tục bồi dưỡng và từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành;

- Tập huấn kỹ thuật cho người dân về phát triển sản xuất: chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; tập huấn về kinh tế hộ; tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số mô hình sản xuất giỏi;

- Tuyên truyền, vận động nhân dân tự mình vươn lên xóa đói giảm nghèo.

c) Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng

- Ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: thủy lợi, đường liên xã, liên thôn, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, hệ thống trạm y tế, trường học, nhà ở cho giáo viên, nhà ở cho hộ nghèo;

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đối với các hoạt động sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và vốn đầu tư theo đúng mục tiêu của đề án và các chính sách của Nhà nước. Nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, chính quyền cấp cơ sở.

d) Giải pháp về huy động, quản lý và sử dụng vốn

- Tích cực huy động các nguồn vốn khác nhau cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở địa phương, bao gồm: các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của các tổ chức tín dụng, vốn tài trợ ODA, NGO và các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm, vốn huy động từ cộng đồng và bản thân của người lao động;

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dự án trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết “đầu ra” và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương;

- Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn ngay từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện;

- Thực hiện thống nhất một đầu mối về quản lý các nguồn vốn để thực hiện lồng ghép các chương trình một cách hiệu quả.

7. Nguồn vốn

Nguồn kinh phí để thực hiện đề án được cân đối từ ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình mục tiêu; nguồn tài trợ và nguồn xã hội hóa để thực hiện, trong đó:

- Vốn chương trình mục tiêu:

+ Vốn Chương trình 135 giai đoạn 2012 - 2015: 36.880,00 triệu đồng (hiện có 06 xã và 04 thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II);

+ Chương trình 134/CP theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đầu tư thực hiện các công trình nước sinh hoạt: 11.800,00 triệu đồng;

+ Chương trình mục tiêu giáo dục đào tạo: 18.500,00 triệu đồng;

+ Chương trình mục tiêu nông thôn mới: 20.000,00 triệu đồng.

- Vốn huy động các nhà hảo tâm, vốn tài trợ của các tổ chức: 30.000,00 triệu đồng;

- Vốn ngân sách địa phương: 29.094,00 triệu đồng;

- Vốn vay của các tổ chức tín dụng (các hộ vay): 30.914,00 triệu đồng.

Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp giám sát và động viên nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 4 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐND về giảm nghèo bền vững đối với các xã, thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo cao

  • Số hiệu: 06/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản