Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2025/NQ-HĐND | Thái Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2025 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ VÀ VIỆC SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ ĐẤT TRỒNG LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Thực hiện Thông báo kết luận số 1285-TB/TU ngày 25 tháng 4 năm 2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
Xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Báo cáo thẩm tra số 12/BC-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2025 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp;
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.
2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan nhà nước; người sử dụng đất trồng lúa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Nguyên tắc và phạm vi hỗ trợ
1. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Nguồn kinh phí hỗ trợ bao gồm nguồn kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương;
b) Nguồn kinh phí hỗ trợ được thực hiện tại ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã theo nguyên tắc:
- Hỗ trợ kinh phí được tập trung tại ngân sách cấp tỉnh để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của tỉnh hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa (khuyến nông, hỗ trợ giống, máy móc thiết bị), sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ kinh phí tại ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã được lồng ghép trong định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã để thực hiện các sự nghiệp nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, vốn khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm, hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ diệt chuột, hỗ trợ tiêm phòng, mô hình chống hạn, chống úng, phòng chống dịch bệnh nông nghiệp, mục tiêu nông nghiệp khác.
2. Phạm vi hỗ trợ
Vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa.
Điều 3. Định mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ
1. Định mức hỗ trợ
a) Tại ngân sách cấp xã: Bố trí lồng ghép trong định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để thực hiện sự nghiệp nông nghiệp, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm, thủy lợi nội đồng, phòng chống dịch bệnh nông nghiệp tối thiểu 25 triệu đồng/xã/năm; 12 triệu đồng/phường, thị trấn/năm;
b) Tại ngân sách cấp huyện: Bố trí lồng ghép trong định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để thực hiện sự nghiệp nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, vốn khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm, hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ diệt chuột, hỗ trợ tiêm phòng, mô hình chống hạn, chống úng, phòng chống dịch bệnh nông nghiệp, mục tiêu nông nghiệp khác với mức tối thiểu 66 triệu đồng/xã, phường, thị trấn/năm;
c) Tại ngân sách cấp tỉnh
- Vốn khuyến nông: 9.500 triệu đồng;
- Kinh phí phòng chống dịch bệnh nông nghiệp, hỗ trợ giống, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (trong đó có bố trí kinh phí hỗ trợ giống, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến lúa, gạo, sản phẩm nông nghiệp): 34.421 triệu đồng;
- Kinh phí xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: 12.000 triệu đồng;
d) Phần kinh phí còn lại sau khi bố trí cho nhiệm vụ tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này để lại tại ngân sách cấp tỉnh và thực hiện:
- Bố trí tối thiểu 50% để hỗ trợ cho hoạt động tại điểm d khoản 2 Điều này;
- Phần còn lại để hỗ trợ cho hoạt động tại điểm a, b, c, đ khoản 2 Điều này.
2. Sử dụng kinh phí hỗ trợ
a) Hỗ trợ cho người sử dụng đất trồng lúa: Sử dụng giống lúa hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
b) Cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa;
c) Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 05 năm/lần;
d) Sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã;
đ) Hỗ trợ mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ.
3. Căn cứ dự toán kinh phí được Hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 06 tháng 5 năm 2025.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật;
b) Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVII Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2025./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2Nghị quyết 20/2025/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 3Nghị quyết 13/2025/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Nghị quyết 05/2025/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Số hiệu: 05/2025/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 26/04/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Nguyễn Tiến Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra