Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/NQ-HĐND

Quy Nhơn, ngày 19 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC GIẢM THỦY LỢI PHÍ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 53/TTr-UBND ngày 06/7/2007 của UBND tỉnh về việc thông qua Đề án miễn, giảm thủy lợi phí; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Chính sách giảm 50% thủy lợi phí cho hộ nông dân (diện tích trong mức hạn điền) tính từ năm 2007 trở đi (có Đề án kèm theo).

Điều 2. UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực HĐND, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Dương

 

ĐỀ ÁN

GIẢM THỦY LỢI PHÍ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 19/7/2007 của HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 9)

I. Mục tiêu của Đề án

- Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông dân;

- Giảm mức đóng góp của người nông dân, từng bước rút ngắn khoảng chênh lệch đời sống của nông dân và thành thị, giữa người lao động làm nông nghiệp với người lao động trong các lĩnh vực khác;

- Duy trì năng lực của hệ thống thủy lợi, chống xuống cấp hệ thống các công trình; sử dụng công trình có hiệu quả hơn.

II. Nội dung Đề án

1. Đối tượng áp dụng giảm thủy lợi phí

Các hộ gia đình cá nhân được Nhà nước giao đất, mặt nước vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối.

2. Mức và phạm vi giảm thủy lợi phí

2.1. Phạm vi giảm:

Thực hiện giảm thủy lợi phí cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làm muối nằm trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định Luật Đất đai.

Không giảm thủy lợi phí đối với:

- Diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân;

- Các đối tượng khác như: Các doanh nghiệp, hoạt động cấp nước cho các khu công nghiệp, nước cấp cho các nhà máy nước, thủy điện, kinh doanh du lịch, vận tải tàu thuyền.

2.2. Mức giảm: giảm 50% thủy lợi phí cho hộ nông dân (trong mức hạn điền) tính từ năm 2007 trở đi.

3. Nguồn kinh phí cấp bù do thực hiện giảm thủy lợi phí

- Tổng kinh phí cấp bù hàng năm 9.806 triệu đồng, trong đó phân ra:

Các công trình do Công ty KTCT thủy lợi quản lý thì ngân sách tỉnh cân đối cấp bù; ước kinh phí cấp bù nguồn thu TLP hàng năm cho Công ty KTCT thủy lợi (lấy số liệu năm 2006): 5.592 triệu đồng. Ngoài ra, để Công ty hoạt động trong điều kiện bình thường, hàng năm ngân sách tỉnh còn hỗ trợ thêm khoảng 2.800 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp công trình.

Các công trình kiên cố do huyện, xã, HTX quản lý, do ngân sách huyện, thành phố tự cân đối chi trả (đối với 03 huyện miền núi do ngân sách tỉnh cân đối); ước kinh phí cấp bù nguồn thu TLP hàng năm cho các tổ chức quản lý công trình thủy lợi ở địa phương (lấy số liệu năm 2006): 4.214 triệu đồng.

4. Khi có chính sách chung của Trung ương về giảm thủy lợi phí sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

III. Tổ chức thực hiện

UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết./.