CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2004/NQ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2004 |
VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2004
Trong 2 ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2003 trên cơ sở đánh giá tình hình 10 tháng đầu năm và dự báo 2 tháng còn lại.
Hai tháng cuối năm 2003, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đều phát triển theo hướng tích cực, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2003 đạt thắng lợi tương đối toàn diện ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các vùng, miền và địa phương. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều thực hiện vượt mức so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Ngay từ cuối năm 2003, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2004; đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới và tập trung chỉ đạo thực hiện.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như dịch cúm gà, hạn hán kéo dài, giá cả biến động mạnh, nhưng tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm vẫn tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, kết quả giải ngân nguồn vốn ODA có bước tiến bộ nhất định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn so với cùng kỳ. Các biện pháp ổn định thị trường trong nước đã phát huy tác dụng, kích thích thị trường trong nước phát triển. Tuy nhiên, đã xuất hiện những khó khăn mới, diễn biến phức tạp như: tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước đạt thấp, việc triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản chậm, nợ tồn đọng xây dựng cơ bản lớn, tiến độ thu ngân sách 4 tháng đạt thấp, chỉ số giá tiêu dùng tăng...
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2004 theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chủ động kiểm soát và ổn định tình hình giá cả thị trường; thực hiện tốt các mục tiêu phát triển xã hội, xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi cộm về trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, chống phá giá rừng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình kiến cố hóa trường, lớp học, Chương trình 135 và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ...
Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2003, thực hiện nhiệm vụ năm 2004, trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI.
Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì giao ban sản xuất và đầu tư; Bộ trưởng Bộ Thương mại chủ trì giao ban xuất nhập khẩu và dịch vụ với các Bộ, ngành và địa phưong hàng tháng để kiểm điểm tình hình, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; tổng kết thực tiễn hoạt động bán đấu giá ở các địa phương; xác định rõ thêm phạm vi điều chỉnh và các định chế liên quan đến bán đấu giá tài sản để bổ sung, chỉnh lý dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét.
Nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi hệ thống chính sách điều tiết các hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta phải sớm phù hợp với các định chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc thực hiện các biện pháp chống trợ cấp là phù hợp với thông lệ quốc tế; là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước và là một trong những biện pháp giúp đàm phán thương mại có hiệu quả hơn, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy sản xuất phát triển; tạo môi trường pháp lý minh bạch, công khai.
Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; giao Bộ trưởng Bộ Thương mại thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.
Qua 4 năm thực hiện Nghị định số 03/2000/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp, cho thấy đã nảy sinh một số vướng mắc cần phải được tháo gỡ kịp thời để tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư.
Chính phủ nhất trí thông qua dự thảo Nghị định. Giao Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định này.
Giao Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các Bộ nghành có liên quan, hoàn chỉnh bản Đề án về Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010, trình Chính phủ xem xét.
Chính phủ nhất trí thông qua báo cáo này, yêu cầu các Bộ , ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay; tăng cường công tác tiếp dân, xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài; đẩy mạnh thanh tra việc đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai theo quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
Nghị quyết 05/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 05/2004/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/04/2004
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 6 đến số 7
- Ngày hiệu lực: 24/05/2004
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định