Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/NQ-HĐND | Nha Trang, ngày 02 tháng 02 năm 2007 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA IV, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 449/TTr-UBND ngày 24/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới Bưu chính, Viễn thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2015” với những nội dung chủ yếu sau đây:
- Bưu chính, Viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Mạng lưới Bưu chính, Viễn thông được phát triển đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và là điều kiện phát triển cho các ngành kinh tế khác.
- Phát triển cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông với công nghệ hiện đại, đa dịch vụ, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ rộng đến khắp các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
- Phát triển Bưu chính, Viễn thông đi đôi với việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.
- Bưu chính, viễn thông đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng GDP của tỉnh, chiếm tỷ trọng từ 6% đến 8% trong GDP.
1. Về Bưu chính
- Mạng bưu chính công cộng được phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh; Đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính công ích đến tất cả các điểm phục vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, và chính quyền các cấp. Đến năm 2010, chỉ tiêu phục vụ bình quân đạt 3.000 dân trên một điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân dưới 2 km; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính hoạt động; 100% bưu cục trên toàn tỉnh đều có cung cấp đầy đủ tất cả các dịch vụ giá trị gia tăng.
2. Về Viễn thông
- Phát triển viễn thông trở thành ngành kinh tế mạnh, có tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng đạt 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Đến năm 2010, các chỉ tiêu viễn thông đều đạt mức cao so với cả nước: Mật độ điện thoại toàn tỉnh phấn đấu ở mức 70 máy/100 dân, trong đó mật độ điện thoại cố định là 28 máy/100 dân và điện thoại di động là 42 máy/100 dân; Mật độ thuê bao Internet đạt gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; Hoàn thành phố cập dịch vụ viễn thông công ích cho toàn tỉnh. Đến năm 2015, các dịch vụ viễn thông và Internet đảm bảo đáp ứng đủ theo nhu cầu của xã hội.
- Quang hóa thay thế dần cáp đồng và ngầm hóa mạng cáp viễn thông tại các đô thị. Đến 2010, 100% số xã đều có cáp quang đến trung tâm; Ngầm hóa các tuyến cáp của thành phố Nha Trang và các trung tâm huyện, đối với các tuyến cáp treo không thể ngầm hóa thì thực hiện cải tạo theo các phương án kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.
- Cơ sở hạ tầng thông tin duyên hải đảm bảo phục vụ tốt các yêu cầu phát triển kinh tế biển và công tác phòng chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng.
1. Về Bưu chính
- Phát triển mạng bưu chính công cộng dưới hình thức đại lý đa dịch vụ nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí nhân công và huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội tham gia phát triển bưu chính.
- Để đảm bảo giảm bán kính phục vụ bình quân giảm theo xu hướng của tất cả các tỉnh trong cả nước, cần phát triển thêm 174 điểm đại lý bưu chính và 24 điểm bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh. Ngoài ra, tại các khu đô thị, trung tâm du lịch - thương mại, khu công nghiệp mới, cần phát triển thêm mạng lưới bưu cục dưới hình thức đại lý đa dịch vụ như sau: 2 đại lý đặt tại xã Vĩnh Phương - Nha Trang; 5 đại lý tại Ninh Thủy - Ninh Hòa; 2 đại lý ở Ninh Hải - Ninh Hòa; 4 đại lý đặt tại Vạn Thắng - Vạn Ninh; 5 đại lý tại các xã Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Hải Đông thuộc thị xã Cam Ranh; 2 đại lý ở khu vực Sân bay Cam Ranh; 2 đại lý ở khu kinh tế Vân Phong.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính hiện có và phát triển các dịch vụ bưu chính mới bao gồm các dịch vụ trọn gói hàng hóa (chia chọn, đóng gói, xắp xếp), dịch vụ kho bãi, dịch vụ quản lý chu trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ mua bán hàng hóa qua bưu chính tạo ra kênh phân phối và thanh toán hàng hóa phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
- Sử dụng mạng bưu chính công cộng để kinh doanh các dịch vụ tài chính, tiết kiệm, chuyển tiền, phát hành báo chí và các dịch vụ khác theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông.
- Chú trọng các dịch vụ công ích và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp tại các điểm bưu điện văn hóa xã.
- Ứng dụng công nghệ mới nhằm mục đích đổi mới hệ thống quản lý, khai thác để nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành như: Ứng dụng mã vạch trong việc chia chọn, các hệ thống truy tìm, định vị và các hệ thống thông tin quản lý Bưu chính, …
2. Về Viễn thông
a) Mạng viễn thông
- Mạng chuyển mạch: Từ năm 2007, thay thế các tổng đài vệ tinh bằng các thiết bị truy nhập đa dịch vụ băng rộng (Multi-service Access). Duy trì tổng đài trung tâm như hiện nay, đồng thời phát triển thêm 2 tổng đài đa dịch vụ băng rộng đặt tại Nha Trang và thị xã Cam Ranh.
- Phương án phát triển mạng:
+ Tại khu vực kinh tế trọng điểm Nha Trang, Diên Khánh, Vân Phong, Cam Ranh phát triển mạng theo phương án chuyển đổi sang công nghệ mới, loại bỏ hoàn toàn công nghệ mạng lõi cũ để xây dựng hệ thống mạng hệ thế mới (NGN) sử dụng công nghệ IP/MPLS;
+ Các khu vực còn lại trong tỉnh thực hiện dần chuyển đổi công nghệ trong giai đoạn 2007 – 2010, giữ nguyên công nghệ mạng lõi cũ đối với các thuê bao đã phát triển trước năm 2005, thuê bao mới sẽ được phát triển trên hệ thống mạng hệ thế mới (NGN) sử dụng công nghệ IP/MPLS.
- Đối với những khu vực trọng điểm như: Nha Trang – Diên Khánh, Vân Phong, Cam Ranh, hình thành mạng cáp quang đường trục của tỉnh có dung lượng lớn, xây dựng cấu trúc mạch vòng để tăng cường an toàn thông tin
- Mạng ngoại vi: Thực hiện ngầm hóa đến khu vực dân cư, cụm dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hóa. Tiến độ xây dựng tuyến cống bể theo dự án nâng cấp và xây dựng mới đường đô thị.
- Mở rộng vùng phủ sóng thông tin di động. Đến năm 2010, các mạng di động phủ sóng hầu hết các xã trong tỉnh, các đảo có dân cư sinh sống và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ; phát triển thêm 208 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên toàn tỉnh, nâng cấp dung lượng toàn bộ các trạm BTS hiện có trong nội thành, nội thị.
b) Dịch vụ viễn thông
- Ưu tiên phát triển các dịch vụ mới phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông và xu hướng hội tụ dịch vụ viễn thông cố định với viễn thông di động.
- Chú trọng phát triển mạnh các dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, dịch vụ giá trị gia tăng trên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.
- Nhanh chóng triển khai các dịch vụ ứng dụng trên Internet như chính phủ điện tử, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, giải trí v.v.. Triển khai các trạm truy nhập Internet tại các điểm công cộng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch trên môi trường mạng với chính quyền và góp phần thu hút khách du lịch.
3. Định hướng phát triển Bưu chính, Viễn thông đến 2015
a) Bưu chính
- Hoàn thành việc phát triển mạng lưới và phát triển rộng khắp các dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh, dịch vụ tài chính. Mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng rộng rãi cho mọi lĩnh vực và giải trí.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hóa trong khai thác, chấp nhận và tin học hóa các công đoạn Bưu chính.
- Phát triển kinh doanh từ các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng Bưu chính điện tử.
- Tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ mới. Doanh thu từ các dịch vụ truyền thống chiếm dưới 20% tổng doanh thu Bưu chính.
b) Viễn thông
- Phát triển dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng cho mọi lĩnh vực: Chính phủ điện tử, đào tạo, y tế, thương mại, nông nghiệp, …
- Phát triển mạng truy nhập quang trong toàn tỉnh theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ. Người dân được cung cấp dịch vụ băng rộng và truy nhập đa giao thức. Thay thế các tuyến cáp đồng bằng cáp quang đưa xuống cấp xã để dịch vụ viễn thông tại nông thôn có chất lượng và đa dạng ngang bằng với các dịch vụ tại thành thị.
- Các chỉ tiêu đến năm 2015:
+ Đảm bảo 100% nhu cầu về dịch vụ viễn thông được đáp ứng;
+ Bất cứ ai có nhu cầu đều có thể truy nhập Internet băng rộng;
+ Mật độ điện thoại cố định đạt 37 máy/100 dân, mật độ điện thoại di động đạt 50 máy/100 dân;
+ Phủ sóng di động, chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt cho 100% vùng dân cư.
- Các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng sẽ chiếm phần lớn doanh thu viễn thông, nhu cầu khách hàng giai đoạn này sử dụng dịch vụ giải trí, truyền hình theo yêu cầu và tiếp cận dịch vụ dễ dàng.
- Duy trì và mở rộng cung cấp các dịch vụ công ích:
+ Thông tin cứu hỏa, thông tin cứu nạn, cấp cứu y tế;
+ Thông tin khẩn cấp an ninh trật tự xã hội;
+ Thông tin hỗ trợ cấp cứu y tế tại chỗ;
+ Thông tin phòng chống thiên tai;
+ Thông tin tư vấn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thị trường nông sản;
+ Hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cung cấp dịch vụ cho khu vực khó khăn.
1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông
a) Hoàn thiện môi trường pháp lý
Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về bưu chính, viễn thông ở địa phương, trong đó tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Chính sách hỗ trợ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, viễn thông công ích và thực hiện các nhiệm vụ công ích khác; Phát triển thị trường chuyển phát thư; Quy chế xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet; Quy định về việc phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng lưới bưu chính, viễn thông; Quy định về công tác phối hợp phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, buôn lậu qua đường bưu chính, viễn thông; Quy định phối hợp, hỗ trợ trong công tác phòng chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn.
b) Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Nhanh chóng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
- Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông ở địa phương phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cạnh tranh và hội nhập.
- Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ với chất lượng tốt các chương trình, dự án đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường sự phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông với các quy hoạch phát triển của các ngành khác đặc biệt là ngành giao thông vận tải, xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
- Triển khai công tác chuẩn hóa quy trình hoạt động (ISO), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông.
2. Xây dựng cơ chế chính sách và thực thi pháp luật để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông
a) Tiêu chuẩn, chất lượng mạng lưới và dịch vụ
Tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng hoặc do các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng.
b) Kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet
- Tổ chức triển khai tốt quy định pháp luật về kết nối mạng viễn thông công cộng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc tham gia phát triển mạng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức quản lý chặt chẽ việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet bao gồm: Vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, ống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp, cột trụ ăng ten, thiết bị phụ trợ trong nhà và các phương tiện khác.
- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông thuê hạ tầng của các ngành khác như truyền hình, điện lực để thiết lập mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet ở địa phương.
c) Thực thi pháp luật
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh bưu chính, viễn thông và Internet, đặc biệt các hoạt động liên quan đến kết nối mạng, giá cước, chất lượng dịch vụ.
- Áp dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh lậu trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và Internet.
- Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và Internet theo quy định hiện hành.
d) Triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm
Triển khai các đề án, dự án đầu tư trọng điểm nhằm tạo động lực và nền tảng phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông của địa phương (Phụ lục số 1).
3. Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế
- Triển khai tích cực hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhằm phân định rõ việc kinh doanh và việc thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006 - 2010 nhằm từng bước nâng cao mức độ phổ cập dịch vụ và giảm khoảng cách phát triển về viễn thông và Internet giữa các vùng, địa phương trong tỉnh.
- Thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet cho các cơ quan Đảng, Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và độ an toàn thông tin đối với mạng viễn thông chuyên dùng của Đảng, Nhà nước; Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thắng lợi.
4. Huy động vốn đầu tư
- Vốn đầu tư từ ngân sách là nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển các dịch vụ công ích và phục vụ hoạt động của Đảng và Nhà nước. Tận dụng hiệu quả nguồn Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông nghiệp, ngư nghiệp tại các điểm Bưu điện văn hóa xã hoặc tại thư viện xã tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của địa phương.
- Huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư thông qua các hình thức: Vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn qua thị trường chứng khoán..., để đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông.
- Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng (điện, đường, trạm…) theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, sau đó cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thuê lại.
- Thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông phù hợp với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Nguồn vốn ODA được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ cho việc phát triển bưu chính, viễn thông ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ phát triển các dịch vụ công ích như Internet phục vụ y tế, giáo dục, ...
Tổng cộng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông đến năm 2010 là 1.238 tỷ đồng (Phụ lục số 2)
5. Phát triển khoa học và công nghệ
Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Định hướng tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và cung cấp nội dung.
6. Phát triển nguồn nhân lực
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương thông qua các cơ sở, các trường đào tạo theo đúng chuyên ngành bưu chính, viễn thông nhằm đảm bảo các cán bộ công nhân viên phục vụ trong ngành có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất, làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại và vững vàng về quản lý kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010, số lao động cần cho bưu chính sẽ là 620 lao động, trong đó 30% lao động có trình độ đại học, 50% lao động trình độ cao đẳng, còn lại là lao động trung cấp và lao động phổ thông; Số lao động viễn thông là 800, 50% tổng số lao động viễn thông đạt trình độ đại học và trên đại học, chủ yếu ở các chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, …, lao động trình độ cao đẳng chiếm 20%, còn lại là trình độ trung cấp và lao động phổ thông.
- Áp dụng các chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia quản lý, kinh tế, kỹ thuật giỏi đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.
- Điều chỉnh cơ cấu lao động trong ngành bưu chính, viễn thông theo hướng tăng cường thuê dịch vụ, nhân công bên ngoài để tận dụng lực lượng lao động xã hội và tăng năng suất lao động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Qui hoạch này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2007-2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2007/NQ-HĐND ngày 02/02/2007 của HĐND tỉnh Khánh Hòa)
1. Danh mục dự án đầu tư trọng điểm Bưu chính:
(Đơn vị tính: triệu đồng)
STT | Nội dung | Nguồn | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | Tổng |
1 | Phương tiện vận chuyển bưu chính | DN | 1.000 | 1.500 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2.500 |
2 | Thư viện tại các điểm BĐVHX | NST | 100 | 150 | 150 | 120 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 520 |
3 | Xây dựng mạng điểm phục vụ | DN | 1.500 | 750 | 750 | 600 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 3.600 |
4 | Điểm phục vụ tự động | DN | 345 | 345 | 1.075 | 1.075 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2.840 |
5 | Ứng dụng Công nghệ thông tin và Viễn thông trong Bưu chính | DN | 0 | 0 | 0 | 0 | 1.500 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 500 | 5.000 |
Tổng | 2.945 | 2.745 | 1.975 | 1.795 | 1.500 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 500 | 14.460 |
2. Danh mục dự án đầu tư trọng điểm viễn thông:
(Đơn vị tính: triệu đồng)
STT | Nội dung | Nguồn | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | Tổng | |
1 | Mạng ngoại vi | DN | 120.179 | 127.236 | 124.785 | 127.239 | 118.114 | 83.782 | 64.470 | 54.101 | 32.380 | 852.286 | |
2 | Thiết bị chuyển mạch | DN | 30.045 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 30.045 | |
3 | Internet | DN | 38.275 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 38.275 | |
4 | Mạng NGN | DN | 133.162 | 133.561 | 124.094 | 119.875 | 105.421 | 70.843 | 51.645 | 41.058 | 23.280 | 802.939 | |
5 | Điện thoại di động | DN | 38.275 | 36.973 | 27.096 | 26.825 | 26.557 | 13.146 | 9.938 | 6.977 | 4.312 | 190.098 | |
6 | Truyền dẫn | DN | 1.602 | 1.805 | 1.715 | 1.855 | 774 | 735 | 698 | 663 | 441 | 10.288 | |
7 | Trung tâm thông tin cơ sở | NST | 700 | 160 | 0 | 140 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1.000 | |
DN | 2.800 | 640 | 0 | 560 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 4.000 | |||
8 | Điểm truy nhập Internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã | NST | 223 | 154 | 5 | 5 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 387 | |
DN | 557 | 386 | 13 | 13 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 969 | |||
Quỹ dịch vụ VTCI | 1.447 | 1.003 | 34 | 34 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2.518 | |||
9 | Điểm truy nhập Internet tại các điểm công cộng | NST | 0 | 50 | 50 | 100 | 100 | 0 | 0 | 0 | 0 | 300 | |
10 | Mạng truy nhập Internet không dây tốc độ cao (wifi) | DN | 150 | 200 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 350 | |
11 | Hỗ trợ thiết bị cho thông tin duyên hải | Người dân | 150 | 300 | 600 | 450 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1.500 | |
NST | 50 | 100 | 200 | 150 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 500 | |||
Ngân sách TW | 300 | 600 | 1.200 | 900 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 3.000 | |||
Tổng | 367.915 | 303.168 | 279.792 | 278.146 | 250.966 | 168.506 | 126.751 | 102.799 | 60.413 | 1.938.456 |
PHỤ LỤC 2
TỔNG NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2007-2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2007/NQ-HĐND ngày 02/02/2007 của HĐND tỉnh Khánh Hòa)
(Đơn vị tính: triệu đồng)
Nguồn vốn | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | Tổng |
Doanh nghiệp | 367.890 | 303.396 | 279.528 | 278.042 | 252.366 | 169.506 | 127.751 | 103.799 | 60.913 | 1.943.191 |
Ngân sách tỉnh | 1.073 | 614 | 405 | 515 | 100 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2.707 |
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích | 1.447 | 1.003 | 34 | 34 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2.518 |
Ngân sách trung ương | 300 | 600 | 1.200 | 900 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 3.000 |
Người dân | 150 | 300 | 600 | 450 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1.500 |
Tổng | 370.860 | 305.913 | 281.767 | 279.941 | 252.466 | 169.506 | 127.751 | 103.799 | 60.913 | 1.952.916 |
- 1Quyết định 177/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2Quyết định 2036/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển Bưu chính - Viễn thông tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2020
- 3Quyết định 3563/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Quyết định 2021/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 390/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đắk Nông đến năm 2020,định hướng đến năm 2025
- 1Quyết định 236/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 32/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 251/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Quyết định 177/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 9Quyết định 2036/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển Bưu chính - Viễn thông tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2020
- 10Quyết định 3563/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 11Quyết định 2021/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 12Quyết định 390/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới bưu chính, viễn thông tỉnh Đắk Nông đến năm 2020,định hướng đến năm 2025
Nghị quyết 04/2007/NQ-HĐND về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới Bưu chính, Viễn thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2015
- Số hiệu: 04/2007/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 02/02/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Mai Trực
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/02/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra