Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 18 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VÀ CƠ BẢN NHẰM GIẢM THIỂU TAI NẠN GIAO THÔNG, CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2005; Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Sau khi xem xét Tờ trình số 21/TTr-UB và Đề án số 3778/ĐA-UBND ngày 04/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành cơ bản Đề án của Ủy ban nhân dân thành phố về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu và một số nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhằm giảm tai nạn giao thông, giảm thiệt hại về người và tài sản trong tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông và vi phạm pháp luật giao thông trên địa bàn thành phố.

Nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông ở mọi lúc, mọi nơi, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông vận tải và bảo vệ các công trình giao thông, chống mọi hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đường bộ, đường sắt, đường thủy để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

2. Một số nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu.

a) Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thành phố và các hình thức khác, phải có chương trình thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật an toàn giao thông. Phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vận động từng gia đình cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi người cam kết về việc thực hiện nghiêm pháp luật giao thông. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cán bộ công chức, nhân viên của mình gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông. Triển khai chương trình giáo dục về trật tự an toàn giao thông trong nhà trường ở tất cả các cấp học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tuyên truyền triển khai việc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường từ ngày 01/9/2007, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện; tiến tới thực hiện đội mũ bảo hiểm và thực hiện triệt để, hiệu quả các quy định xử lý vi phạm theo lộ trình đã quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ.

- Tổ chức việc thông báo đến các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức đối với những người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để kiểm điểm giáo dục.

- Các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhất là Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố cần chủ động, tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Thành phố xem xét bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện các chương trình có tính khả thi và hiệu quả cao.

b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông

- Tập trung hoàn thiện các quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống giao thông, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy nội địa của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại (chú trọng hệ thống giao thông nông thôn) gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành quy hoạch điều chỉnh hệ thống mạng lưới đường sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

- Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các cầu, đường, nút giao thông trọng điểm theo Nghị quyết về kinh tế- xã hội của HĐND thành phố năm 2007. Đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu vượt qua các điểm giao cắt với đường sắt trong nội thành, nâng cấp mở rộng tuyến đường trục của các huyện, xã... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND12 khóa XII về lập lại trật tự an toàn giao thông vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị; phối hợp chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn giao thông với công tác bảo đảm trật tự đường hè, vệ sinh đô thị và tuyến đường kiểu mẫu.

- Rà soát bổ sung hệ thống cọc mốc chỉ giới, giải toả, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Hoàn thành Dự án đèn tín hiệu giao thông bằng nguồn vốn vay ODA trong năm 2007. Làm thí điểm việc lắp đặt hệ thống theo dõi giao thông tại các cửa ô ra vào thành phố và một số trục đường giao thông chính. Tiếp tục thực hiện dự án lắp đặt Camera tại 20 nút giao thông. Phấn đấu 100% các đường giao thông nông thôn có đầy đủ các biển báo hiệu giao thông. Xây dựng barie tại nút giao đường sắt, xóa bỏ và ngăn chặn kịp thời việc mở đường ngang trái phép qua đường quốc lộ và đường sắt trong năm 2009. Thực hiện báo hiệu giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, giải toả việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (cả đường sắt, bộ, đường thủy). Xóa bỏ 50% số đường đấu nối trái phép vào đường quốc lộ trước ngày 31/12/2008, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào những năm tới. Xử lý triệt để các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cao trên địa bàn thành phố trước ngày 31/12/2007; hoàn chỉnh hệ thống giảm tốc độ theo quy định của Cục Đường bộ Việt Nam đối với các đường giao cắt với đường quốc lộ, tỉnh lộ. Hoàn thành và đưa vào sử dụng khu tạm giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm.

- Tổ chức rà soát và tổ chức phân luồng giao thông đô thị hợp lý; có cơ chế khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các tuyến xe buýt nhằm giảm bớt phương tiện của cá nhân tham gia giao thông. Lập dự án sử dụng xe buýt để đưa, đón các cháu học sinh đến trường học.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, công tác cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến giao thông trọng điểm; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông. Có biện pháp kiểm tra, thu hồi giấy phép lái xe đối với những người nghiện ma túy.

- Các ngành chức năng quản lý Nhà nước về giao thông phải xem xét, trả lời những ý kiến, kiến nghị của công dân về an toàn giao thông trong vòng 15 ngày.

c) Về biện pháp xử lý vi phạm, bảo đảm thực hiện.

- Tăng cường các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát và xử lý vi phạm các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, giải quyết tình trạng mất trật tự tại các bến xe, tình trạng lấn chiếm vỉa hè và hành lang an toàn giao thông, hoạt động của các bến khách ngang sông, phương tiện chở khách và các cảng thủy nội địa trên địa bàn thành phố; giải quyết triệt để tình trạng các chợ cóc, chợ tạm đang làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

- Hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; kiên quyết thu hồi giấy phép lái xe đối với những lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; đình chỉ lưu hành ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm theo quy định.

- Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa trái phép. Đầu tư thiết bị kiểm tra và xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu cao hơn quy định. Thực hiện tạm giữ xe 90 ngày đối với trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe và 30 ngày trở lên đối với người điều khiển vi phạm một trong các hành vi sau: Chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.

- Chấn chỉnh và tổ chức quản lý tốt hoạt động của các tuyến xe buýt hiện có và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; cấm hoạt động của xe xích lô đạp trên các đường phố chính vào các giờ cao điểm; rà soát và điều chỉnh phân luồng giao thông nội thành cho phù hợp. Kiện toàn Ban chỉ đạo an toàn giao thông thành phố và các địa phương.

d) Hàng năm thành phố dành 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, tăng ngân sách đầu tư và huy động mọi nguồn lực cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để đạt được mục tiêu giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Nghị quyết sâu rộng trong đoàn viên, hội viên.

3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/7/2007.

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ




Nguyễn Văn Thuận

 

ĐỀ ÁN

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM GIẢM THIỂU TAI NẠN GIAO THÔNG, CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hải Phòng là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đô thị loại I cấp quốc gia, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, thành phố luôn chú trọng đến việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường không; gần đây đường bay Hải Phòng - Ma Cao được khai thông đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông của thành phố. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông là nhiệm vụ cấp thiết đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.

Trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, nhất là giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng. Năm 2006 đã xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông làm chết 181 người, bị thương 115 người. So với năm 2005 tăng 8 vụ (+ 4,7%) tăng 13 người chết (+ 7,7%), tăng 32 người bị thương (+ 38,6%) gây tổn thất lớn về người và tài sản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc tham gia giao thông còn yếu kém, vai trò quản lý nhà nước về công tác trật tự an toàn giao thông của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn hạn chế; cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị chậm phát triển so với tốc độ phát triển của số lượng phương tiện giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Đề án Một số biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ra Nghị quyết về vấn đề này, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mục tiêu đẩy lùi tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN

I. THỰC TRẠNG CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

1. Quốc lộ:

Tổng chiều dài 101 km, trong đó Quốc lộ 10 có 52km, Quốc lộ 5 có 29km mặt đường thảm asphalt; Quốc lộ 37 có 20km mặt đường đá nhựa; có 27 cầu các loại. Trong đó Trung ương trực tiếp quản lý 67km đường Quốc lộ và 13 cầu, số còn lại do địa phương quản lý.

2. Tỉnh lộ:

Tổng chiều dài 177,4 km trong đó có 110 km mặt đường thảm asphalt (62%); 67,4km mặt đường đá nhựa, 26 cầu các loại do thành phố quản lý.

3. Đường đô thị:

Tổng chiều dài 171,4 km đường phố; 64,0 km ngõ phố; 7 cầu do thành phố quản lý và hàng trăm km ngõ, ngách trong các khu dân cư do các quận, huyện, thị xã quản lý.

4. Đường huyện và đường giao thông nông thôn:

Có hơn 500 km đường huyện, hơn 2.000km đường xã và đường liên thôn, gần 500 cầu khẩu độ 3m - 25m do các địa phương quản lý.

5. Hệ thống bến xe: Thành phố có 04 bến xe khách liên tỉnh: Niệm Nghĩa, Cầu Rào, Lạc Long, Tam Bạc và trên 70 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Một số huyện có bến xe nhưng quy mô còn nhỏ.

6. Hệ thống giao thông đường sắt:

Trên địa bàn thành phố có gần 30 km đường sắt chạy qua 5 xã và gần 20 phường. Có 176 điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, 15 điểm có barie và trong nội thành có 6 điểm giao cắt chính chưa có barie.

7. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa:

Gồm 19 tuyến sông với chiều dài 414,3km. Trung ương quản lý 11 tuyến sông có tổng chiều dài 216,8km; thành phố quản lý 8 tuyến sông có tổng chiều dài 197,5 km. Có 7 bến phà, 3 cầu phao, 8 bến tàu khách, 56 bến đò khách ngang sông và 96 bến cảng thủy nội địa.

8. Hệ thống giao thông đường biển và đường hàng không:

Sân bay Cát Bi năm 2006 có 1.030 lượt máy bay hạ, cất cánh, chuyên chở 112.500 lượt người và 1.300 tấn hàng hóa. Hiện nay việc đưa đón hành khách, hàng hóa ra vào sân bay không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận tải đường bộ.

Năm 2006 hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố là 16,596 triệu tấn, tăng 11,7% so với năm 2005.

9. Về phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông:

Phương tiện đường bộ: Tính đến 31/5/2007 tổng số xe ô tô các loại hiện có là 29.112 xe và 498.633 mô tô, trên 2.000 công nông, trên 3.000 xích lô đạp và hàng vạn xe đạp.

Phương tiện đường thủy nội địa: Tính đến 31/5/2007 tổng số phương tiện thủy nội địa là 1.556 phương tiện, tổng trọng tải 248.498 tấn, tổng công suất 124.246 CV, tổng số khách là 14.301 khách.

Phương tiện đường sắt: Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có 4 đôi tàu khách/ngày đêm, 10 đôi tàu hàng/ngày đêm.

Đánh giá ảnh hưởng của phương tiện: Bình quân hàng tháng có khoảng 5.000 xe môtô, 200 ôtô được đăng ký mới. Thành phố Hải Phòng là một trong các thành phố có số lượng phương tiện cơ giới đường bộ phát triển nhanh trong toàn quốc. Với lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2006 là 16,596 triệu tấn trong đó khoảng 70% được vận chuyển trên đường bộ bằng những phương tiện lớn như đầu kéo chở container, sơ mi rơmooc và các xe siêu trường siêu trọng, các xe thường chở quá tải trọng cho phép nên phá hỏng mặt đường dẫn đến tuổi thọ của công trình ngắn. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua khu vực nội thành, gây ùn tắc giao thông cục bộ nhất là vào giờ cao điểm và trên những trục đường chính như: Trần Nguyên Hãn, Cầu Đất, khu vực Ngã 6.

II. CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG, CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG THỜI GIAN QUA

1- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

1.1- Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn trên địa bàn thành phố: Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 7/3/2003 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 742/KH-UB ngày 6/3/2003 và Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 07/3/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc giao chỉ tiêu giảm số thiệt hại về người do tai nạn giao thông trong năm 2007 cho các địa phương.

Công tác tuyên truyền giáo dục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền Luật giao thông, Nghị quyết, Nghị định, các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến chính quyền các địa phương. Sở Văn hóa thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng cùng các đơn vị liên quan đã tích cực tuyên truyền vận động để mọi người dân trên địa bàn thành phố hiểu và thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

1.2- Tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng, sửa chữa hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường và sơn gằn giảm tốc trên các quốc lộ, tỉnh lộ và các đường phố trong nội thành; duy tu sửa chữa hệ thống đường giao thông đô thị và các tuyến ngoại thành; xây dựng barie đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực giao cắt đường sắt và đường 2A, lắp đặt bổ sung các biển báo hiệu; sửa chữa bổ sung gần 30 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông trong thành phố, một số huyện và Quốc lộ 5. Nâng cấp cải tạo hầu như toàn bộ các tuyến tỉnh lộ. Bảo dưỡng, bảo trì, quản lý các bến phà, duy tu, sửa chữa hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.

1.3 Công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm tập trung trên cả tuyến đường bộ và đường thủy:

- Đường bộ: Kiểm tra hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ, giải quyết tình trạng mất trật tự tại các bến xe, tình trạng lấn chiếm vỉa hè và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

- Đường thủy: Thường xuyên tuần tra kiểm soát hoạt động của các phương tiện tham gia đường thủy nội địa, đặc biệt chú trọng việc hoạt động của các bến khách ngang sông, phương tiện chở khách và các cảng thủy nội địa.

2- Tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông:

2.1- Tình hình tai nạn giao thông:

- Từ năm 2003 đến tháng 5/2007 thành phố Hải Phòng đã xảy ra 818 vụ tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy làm chết 783 người, bị thương 388 người trong đó: Đường bộ xảy ra 752 vụ, chết 750 người, bị thương 383 người; đường sắt xảy ra 21 vụ, chết 21 người, bị thương 4 người; đường thủy, xảy ra 45 vụ, chết 12 người, bị thương 1 người. Thiệt hại tài sản: Hư hỏng 53 ô tô, 568 môtô, 39 tàu, thuyền cùng hàng hóa trên phương tiện và hàng trăm xe thô sơ, ước tính hàng chục tỷ đồng.

- Trong 752 vụ tai nạn giao thông đường bộ: Ôtô 260 vụ= 34,6%, mô tô 463 vụ= 61,6%, phương tiện khác 29 vụ= 3,8%; nguyên nhân: Do không làm chủ tốc độ 327 vụ= 43,5%; do tránh vượt sai quy định 279 vụ= 37,1%; do không chú ý quan sát 63 vụ= 8,4%; do vi phạm thể lệ 49 vụ= 6,5%, các nguyên nhân khác 34 vụ= 4,5%.

Như vậy tai nạn giao thông gia tăng chủ yếu trên đường bộ, chiếm trên 90% số vụ và số người chết, trong đó tai nạn do mô tô- xe máy chiếm gần 70%. Độ tuổi vi phạm luật giao thông phần lớn ở lứa tuổi 18 đến 30 chiếm gần 40%.

2.2- Tình hình ùn tắc giao thông:

Tình hình ùn tắc cục bộ diễn ra chủ yếu ở 2 khu vực: Các điểm giao cắt trong nội thành với đường sắt khi có tàu hỏa đi qua nhất là vào giờ cao điểm. Một số nút giao thông vào giờ cao điểm như: Ngã ba Hàng Kênh, Cầu Niệm, ngã tư Cột Đèn, ngã tư Tam Kỳ.

2.3- Nguyên nhân:

- Hệ thống giao thông cũ, mới đan xen, không đồng bộ, các điểm giao cắt với quốc lộ không có hệ thống đường gom; các điểm giao cắt với đường chính chưa đủ gờ giảm tốc và hệ thống tín hiệu giao thông; các điểm đường bộ giao cắt đường sắt chưa đủ hệ thống barie theo đúng quy định; tình trạng chiếm dụng trái phép hành lang an toàn giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt) để xây dựng các công trình chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, họp chợ, tập kết nguyên vật liệu vẫn diễn ra.

- Tình trạng khoanh vùng nuôi trồng thủy sản, khai thác cát, đổ phế thải xuống lòng sông làm ách tắc dòng chảy, dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn xảy ra.

- Số lượng điểm giao thông tĩnh quá ít, diện tích bến các bến xe hẹp và công tác quản lý chưa chặt chẽ nên có tình trạng xe chạy vòng vo đón khách; đậu đỗ không đúng quy định, dẫn đến ách tắc giao thông.

- Số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong khi chất lượng một số phương tiện không đảm bảo do những kẽ hở trong khâu đăng ký, kiểm định; chưa có biện pháp mạnh để xử lý triệt để số phương tiện quá hạn sử dụng và số phương tiện không đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn cố tình lưu hành.

- Chưa lập đủ hồ sơ để xác định và đề ra biện pháp xóa các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao (điểm đen).

- Công tác chỉ đạo về trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu bài bản, mang tính phong trào. Thậm chí có những địa phương còn biểu hiện buông lỏng quản lý nhà nước trong công tác trật tự an toàn giao thông chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thường xuyên liên tục. Ban chỉ đạo An toàn giao thông của một số quận, huyện hoạt động chưa hiệu quả, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý, dẫn tới việc nhiều đường ngang đấu nối trái phép với đường Quốc lộ, giao cắt trái phép với đường sắt, tình trạng phá hoại các công trình giao thông như lấy cắp biển báo hiệu, đập phá tấm đan, tháo dỡ lan can, các phụ kiện đèn tín hiệu, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

- Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; việc điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng một số vụ việc còn thiếu kiên quyết, tính giáo dục chưa cao.

- Các cơ quan chức năng như: Công an, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương chưa hoạt động đồng bộ và quyết liệt, nên hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa cao.

- Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng của phương tiện tham gia giao thông. Nhiều tuyến đường mặt đường còn hẹp không đủ điều kiện phân làn, phân luồng, các đường cong không đảm bảo tầm nhìn, bán kính nhỏ, các điểm đấu nối giữa đường nhánh với quốc lộ, tỉnh lộ có độ dốc lớn, các thiết bị phụ trợ phòng ngừa tai nạn giao thông chưa đầy đủ như biển báo, đèn tín hiệu, cọc tiêu. Hành lang an toàn giao thông còn chưa thông thoáng làm hạn chế tầm nhìn của lái xe.

- Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông chưa được thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt đối với thanh niên, học sinh, sinh viên và ở các vùng nông thôn.

3. Dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới:

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội, theo đó cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp, nếu không được làm tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhất là hình ảnh và môi trường đầu tư của thành phố. Cụ thể:

- Các đường giao thông, các khu đô thị, các khu công nghiệp mới được hình thành, phát triển sẽ làm tăng nhanh số lượng phương tiện giao thông, tác động mạnh đến kết cấu cơ sở hạ tầng các công trình giao thông do phát triển không đồng bộ; ý thức tham gia giao thông, thói quen về nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa kịp hình thành, thích nghi.

- Lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng sẽ tăng nhanh: từ 16,596 triệu tấn/năm 2006, dự kiến năm 2007 là 18 triệu tấn và 28 triệu tấn năm 2010 nên các phương tiện, nhất là tàu hỏa và phương tiện vận tải đường bộ (loại siêu trường, siêu trọng) tăng nhanh.

- Số lượng người nhập cư, khách du lịch, khách nước ngoài đến thành phố tham quan du lịch và tìm kiếm cơ hội làm ăn sẽ tăng nhanh, đòi hỏi cao hơn nhiều lần về số lượng, chất lượng phương tiện giao thông.

- Điều kiện kinh tế phát triển, dân số tăng thúc đẩy phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các vùng nông thôn tăng nhanh.

- Các dòng sông phục vụ giao thông đường thủy nội địa dễ bị sa bồi, khan cạn, tác động xấu đến hoạt động của các phương tiện thủy.

Dự báo trong năm 2008 và những năm tiếp theo, số phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng nhanh, riêng phương tiện giao thông đường bộ hàng năm tăng trên 50.000 xe mô tô, gần 2.000 xe ô tô. Vì vậy, nếu không có các giải pháp thích hợp, kịp thời ngay từ bây giờ, hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ bị quá tải, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ không thể tránh khỏi.

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông của thành phố theo hướng văn minh hiện đại gắn với quy hoạch của thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. MỤC TIÊU

1- Mục tiêu cấp bách:

- Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhằm giảm dần tai nạn giao thông: năm 2007 giảm 22 người chết và mỗi năm giảm 10% số người chết do tai nạn giao thông để đến năm 2010 số người chết vì tai nạn giao thông trên thành phố giảm 50% so với năm 2006.

- Trên địa bàn thành phố không có nạn đua xe, không ùn tắc giao thông.

- Nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về ý thức chấp hành Luật giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông vận tải và trong bảo vệ công trình giao thông, bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

2- Mục tiêu lâu dài: Mục tiêu cụ thể năm 2007:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu xây dựng đô thị mới văn minh, hiện đại.

- Đầu tư tăng số lượng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

- Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ý thức của mọi người dân khi tham gia giao thông, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông ở mọi nơi, mọi lúc.

II - GIẢI PHÁP

1- Những giải pháp cấp bách thực hiện trong năm 2007:

- Từ ngày 01/8/2007, phát động công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường để thực hiện lộ trình bắt buộc mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố kể từ ngày 01/1/2008.

- Từ 01/8/2007, kiên quyết xử lý đối với các hành vi: lạng lách trên đường; vượt đèn đỏ; đi vào đường một chiều, đường cấm; chở quá tải, quá số người quy định và các loại xe quá hạn sử dụng, xe tự chế lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố.

- Bắt buộc những người vi phạm Luật giao thông đường bộ học lại những điều luật mà người đó vi phạm và được kiểm tra trước khi xử phạt vi phạm hành chính.

- Đến 30/12/2007, xử lý triệt để các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cao trên địa bàn thành phố; hoàn chỉnh gờ cưỡng bức giảm tốc độ theo quy định của Cục Đường bộ Việt Nam đối với các đường giao cắt với đường quốc lộ, tỉnh lộ.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học phải cam kết với cấp trên về việc thực hiện Luật Giao thông trong đơn vị mình quản lý. Từ 01/8/2007 Công an thành phố chịu trách nhiệm thông báo hành vi vi phạm Luật Giao thông đến cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương người vi phạm để cùng phối hợp giáo dục, xử lý.

2- Những giải pháp cơ bản:

2.1- Công tác tuyên truyền giáo dục:

- Tập trung phổ biến các điều Luật giao thông đường bộ trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người, đặc biệt các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên. Xử lý nghiêm các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe sử dụng xe mô tô, xe gắn máy.

- Tổ chức mở diễn đàn nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và truyền hình Hải Phòng. Phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, vận động từng gia đình ký cam kết không vi phạm Luật giao thông; phối hợp đồng bộ các lực lượng thực thi pháp luật với các tổ chức, đoàn thể, đơn vị, cơ quan tham gia đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Có biện pháp chỉ đạo thực hiện đúng chương trình giáo dục về trật tự an toàn giao thông ở tất cả các cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; căn cứ tình hình để tổ chức học ngoại khóa hoặc tổ chức các hoạt động để tìm hiểu và giáo dục về về trật tự an toàn giao thông cho phù hợp.

2.2- Công tác quy hoạch giao thông:

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông của thành phố theo hướng văn minh hiện đại gắn với quy hoạch của thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành quy hoạch điều chỉnh hệ thống mạng lưới đường sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

- Hoàn thành quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy nội địa.

- Quy hoạch tổng thể đồng bộ các điểm giao thông tĩnh trong nội thành.

- Tranh thủ vốn Ngân hàng thế giới để lập Dự án đầu tư tổ chức vận tải hành khách công cộng và xây dựng đường vành đai 3.

- Hoàn thành quy hoạch điều chỉnh mạng lưới giao thông thành phố đến năm 2010 định hướng đến năm 2020. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn.

- Lập dự án sử dụng xe buýt để đưa, đón các cháu học sinh đến trường học.

2.3- Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông:

- Đối với cầu đường bộ: Khẩn trương xây dựng Cầu Khuể, Cầu Rào 2, nghiên cứu khảo sát lập dự án Cầu Niệm 2.

- Đối với quốc lộ: Nghiên cứu xây dựng đường gom Quốc lộ 10, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37. Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

- Đối với tỉnh lộ: Nâng cấp mở rộng đường 354, đường 352.

- Đường đô thị: Xây dựng đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, đường Quán Mau - Cầu Rào 2, đường Đông Khê 2, Lạch Tray - Hồ Đông và nghiên cứu phương án giao thông qua các điểm giao cắt với đường sắt trong nội thành.

- Đường giao thông nông thôn: Phấn đấu 100% các đường giao thông nông thôn có đầy đủ các biển báo hiệu giao thông.

- Rà soát bổ sung hệ thống cọc mốc chỉ giới, giải toả, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Hoàn thành dự án đèn tín hiệu giao thông bằng nguồn vốn vay ODA trong năm 2007; lắp đặt 25 cụm đèn tín hiệu giao thông, 40 cụm sơn gằn giảm tốc và lắp đặt 500 biển báo hiệu giao thông trên các điểm giao cắt khác. Tiếp tục dự án lắp đặt camera tại 20 nút giao thông.

- Phối hợp với Tổng Công ty đường sắt để xây dựng trước barie tại nút giao đường sắt với đường ngang xã Lê Thiện, huyện An Dương.

- Giải toả việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 10; đường 352; đường 354.

- Lắp đặt một số bảng điện tử tại các cửa ô thành phố và một số trục đường giao thông chính để tuyên truyền các nội dung về công tác bảo đảm an toàn giao thông.

- Đường sắt: Lắp đặt hệ thống barie tại tất cả các điểm giao cắt hợp lệ. Giải toả việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt qua Hải Phòng.

- Đường thủy nội địa: Đầu tư phương tiện cứu hộ phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường công tác bảo vệ, chống lấn chiếm, giải toả ngay việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy, nhất là trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Hoàn thành và đưa vào sử dụng khu neo đậu phương tiện thủy nội địa vi phạm.

2.4 - Công tác kiểm định phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe:

- Công tác kiểm định:

+ Làm tốt và nâng cao chất lượng kiểm định kỹ thuật phương tiện tham gia giao thông bằng việc tăng cường quản lý Nhà nước và giám sát việc đăng kiểm kỹ thuật phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy.

+ Phấn đấu 100% phương tiện tham gia giao thông đường thủy phải có đăng ký, đăng kiểm.

- Công tác đào tạo, cấp Giấy phép lái xe:

+ Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm sát hạch lái xe Nam Triệu và Trung tâm sát hạch lái xe Quân khu III trong 6 tháng cuối năm 2007, Trung tâm sát hạch lái xe Trường đào tạo nghề giao thông công chính (trước quý 1 năm 2008).

+ Có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm lái xe sử dụng các chất kích thích pháp luật nghiêm cấm hoặc các tệ nạn xã hội khác. Đổi mới hình thức đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa (đến hết năm 2007 số người điều khiển phương tiện thủy nội địa có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn đạt 70% và đến hết năm 2008 đạt 1

2.5 - Công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm:

- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các quốc lộ, tỉnh lộ khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; các bến xe, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, đường đô thị, các tuyến giao thông thủy nội địa; xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Phòng chống đua xe trái phép, kiểm tra, xử lý triệt để xe hết niên hạn sử dụng, xe tự tạo và các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia giao thông.

- Tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra kiểm soát; có thiết bị kiểm tra và xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu cao hơn quy định.

2.6- Về tổ chức quản lý giao thông:

- Chấn chỉnh và tổ chức quản lý tốt hoạt động của các tuyến xe buýt.

- Triển khai thực hiện đề án: Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng buýt theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 25/6/2007. Khuyến khích mở thêm tuyến xe buýt nội thành (nghiên cứu chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp mở tuyến xe buýt, nhất là các tuyến xe chạy qua các trường Trung học phổ thông). Cho phép xe bus nội đô được đi 2 chiều ở những tuyến đường 1 chiều dành cho ô tô.

- Hạn chế hoạt động của xe xích lô đạp (chỉ cho hoạt động từ 21 h đến 05h sáng hôm sau).

- Tiếp tục rà soát và điều chỉnh phân luồng giao thông nội thành cho phù hợp.

2.7- Kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn giao thông các địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương làm trưởng ban để thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn và chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân thành phố.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố tham mưu, đề xuất giúp Ủy ban nhân dân thành phố về các chủ trương, biện pháp để thực hiện các nội dung của Đề án.

2- SởVăn hóa thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường và đổi mới việc tuyên truyền các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các nội dung của Đề án đến với mọi cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư để mọi người dân cùng biết và thực hiện.

3- Các ngành: Giao thông công chính, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Công an thành phố; Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành các nội dung về: Quy hoạch giao thông, xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông, xác định và đề ra biện pháp xóa các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

4- Công an thành phố, Sở Giao thông công chính, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông.

5- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức các hình thức để tuyên truyền và vận động các gia đình Đoàn viên, Hội viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông và cam kết không vi phạm Luật giao thông.

Trên cơ sở các mục tiêu và giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các ngành, các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể quần chúng lập kế hoạch cụ thể về nội dung, thời gian, kinh phí để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Sở Tài chính cùng Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố cân đối nguồn kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông và các nguồn vốn khác, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chi kinh phí cho việc thực hiện nội dung, yêu cầu trên.

Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện và thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 04/2007/NQ-HĐND về một số biện pháp cấp bách và cơ bản nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 04/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/07/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản