Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2021/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI, MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI, ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ NHẤT

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Xét Tờ trình số 39/TTr-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng và chế độ cho một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng và chế độ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2021. Các chính sách trong Nghị quyết này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban TV Quốc hội; (để báo cáo)
- Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ LĐTBXH (để báo cáo)
- Bộ Tài chính; (để báo cáo)
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL); (để báo cáo)
- Ban Công tác Đại biểu; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo và CV VP ĐĐBQH & HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Hải Dương; Trung tâm CNTT Văn phòng UBND tỉnh, Trang TTĐT HĐND;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Xuân Thăng

 

QUY ĐỊNH

MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI, MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI, ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI, MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI

Điều 1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội

1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 380.000 đồng/tháng.

2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Một số chế độ trợ giúp xã hội; chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Chế độ quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây viết tắt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) được hỗ trợ bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quy định này.

2. Chế độ quy định tại Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hỗ trợ bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quy định này.

3. Chế độ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14; Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hỗ trợ bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quy định này.

Chương II

MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ BẢO TRỢ XÃ HỘI

Mục 1. ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI CỘNG ĐỒNG

Điều 3. Đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng

1. Đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, không có khả năng nuôi dưỡng.

2. Đối tượng người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, không có khả năng nuôi dưỡng.

Điều 4. Chế độ đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng

1. Mức hưởng

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Khoản 1, Điều 1 Quy định này nhân với hệ số tương ứng, cụ thể như sau:

a) Đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 3 Quy định này bao gồm:

- Đối tượng dưới 04 tuổi: hệ số 2,5 (950.000đồng/người/tháng).

- Đối tượng từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi: hệ số 1,5 (570.000 đồng/người/tháng).

b) Đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 3 Quy định này: hệ số 1,5 (570.000đồng/người/tháng).

2. Ngoài mức hưởng quy định tại Khoản 1 Điều này, các đối tượng còn được hưởng các chế độ theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Mục 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ TẠI CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

(Thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội)

Điều 5. Đối tượng và thời gian tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội

1. Đối tượng học văn hóa và nuôi dưỡng

a) Đối tượng:

Trẻ em khuyết tật nặng trở lên không có khả năng học tập theo phương thức giáo dục hoà nhập được vào học văn hóa theo phương thức giáo dục chuyên biệt và nuôi dưỡng trong nhiệm vụ được giao xét ưu tiên theo tiêu chí như sau: thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; có bố, mẹ là người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công; có ông, bà nội, ngoại là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, bị địch bắt tù đày; con của người thuộc lực lượng vũ trang, người đang công tác tại vùng kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo; trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; con của người khuyết tật nặng; con của người mắc bệnh hiểm nghèo theo danh mục bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế; là người dân tộc thiểu số và một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định (xét ưu tiên đối tượng có nhiều tiêu chí, trường hợp có cùng số tiêu chí thì xét ưu tiên đối tượng có độ tuổi cao hơn).

b) Thời gian:

- Khuyết tật nghe nói: 06 năm học.

- Khuyết tật trí tuệ: 07 năm học.

2. Đối tượng học nghề và nuôi dưỡng

a) Đối tượng

Người khuyết tật từ đủ 15 tuổi và trong độ tuổi lao động có sức khỏe phù hợp vào học nghề và nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc học nghề tại cơ sở liên kết.

b) Thời gian

- Đào tạo thường xuyên: dưới 03 tháng

- Đào tạo liên kết trình độ sơ cấp: 06 tháng.

Điều 6. Chế độ đối với đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội

1. Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng

a) Đối tượng học văn hóa và nuôi dưỡng:

- Khuyết tật đặc biệt nặng: hệ số 5 (1.900.000 đồng/người/tháng).

- Khuyết tật nặng: hệ số 4 (1.520.000 đồng/người/tháng).

Trong thời gian nghỉ hè, các đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng được hưởng mức trợ cấp hàng tháng, hệ số hưởng theo quy định tại Điều 6, Điều 20 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (do cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chỉ trả).

b) Đối tượng học nghề và nuôi dưỡng:

- Học nghề và nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội

Khuyết tật đặc biệt nặng: hệ số 5 (1.900.000 đồng/người/tháng).

Khuyết tật nặng và nhẹ: hệ số 4 (1.520.000 đồng/người/tháng).

- Học nghề tại cơ sở liên kết: Thực hiện theo khoản 2 Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

c) Việc thực hiện trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với các đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội tính theo thời gian thực tế.

Trường hợp về thăm gia đình vào ngày nghỉ hàng tuần (thứ 7, chủ nhật); nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật; nghỉ vì lý do bất khả kháng (dịch bệnh, lũ lụt, hỏa hoạn, ..) và trong thời gian nằm điều trị tại các cơ sở y tế thì được thanh toán tiền ăn bằng mức trợ cấp nuôi dưỡng, do cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chi trả (không áp dụng đối với đối tượng học nghề tại cơ sở liên kết).

2. Các khoản trợ giúp, trợ cấp khác (không áp dụng đối với đối tượng học nghề)

a) Mua tư trang, vật dụng sinh hoạt đời sống hàng ngày gồm: Các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, sách vở, đồ dùng học tập và các vật dụng sinh hoạt khác.

- Đối tượng dưới 4 tuổi: 1.000.000 đồng/người/năm.

- Đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên: 1.150.000 đồng/người/năm.

b) Tiền thuốc chữa bệnh

- Đối tượng tâm thần: 2.000.000 đồng/người/năm.

- Các đối tượng khác: 600.000 đồng/người/năm.

c) Vệ sinh cá nhân đối với đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: 30.000 đồng/người/tháng.

3. Đối tượng học văn hóa và nuôi dưỡng, ngoài các chế độ được hưởng nêu trên còn được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Điều 7. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp bảo đảm xã hội được bố trí trong ngân sách hàng năm của tỉnh.

Điều 8. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối tượng đang hưởng chế độ chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh quy định một số nội dung về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương được chuyển hưởng chế độ tương ứng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Quy định này kể từ ngày 01/7/2021.

2. Đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội (học văn hóa, học nghề và nuôi dưỡng)

a) Đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng đã được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội thì được chuyển hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng là 1.900.000 đồng/người và hưởng các khoản trợ giúp, trợ cấp khác theo Quy định này kể từ ngày 01/7/2021 cho đến khi hết thời gian được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội.

b) Đối tượng khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ đã được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội thì chuyển hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng là 1.520.000 đồng/người và hưởng các khoản trợ giúp, trợ cấp khác theo Quy định này kể từ ngày 01/7/2021 cho đến khi hết thời gian được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Đối với các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.