Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2011/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 21 tháng 6 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA NỘI QUY CÁC KỲ HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA VIII, NHIỆM KỲ 2011 - 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 145/TTr-HĐND ngày 16/6/2011 và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua “Nội quy các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII” do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp.

Điều 2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nội quy này khi xét thấy cần thiết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa VIII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2011 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện thị;
- Công bao tỉnh;
- LĐVP, CV;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

NỘI QUY

KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA VIII
(Kèm theo Nghị quyết số 01/2011/NQ-HĐND ngày 21/6/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân là một hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và ra Nghị quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 2.

Hội đồng nhân dân tỉnh họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, kỳ họp giữa năm và kỳ họp cuối năm. Trường hợp không thể triệu tập kỳ họp thường lệ thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định triệu tập kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia.

Điều 3.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, đảm bảo cho kỳ họp được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, đạt hiệu quả theo chương trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khai mạc và bế mạc kỳ họp, chủ tọa các phiên họp, bảo đảm thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa trước triệu tập và chủ tọa đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa mới.

Điều 4.

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, được tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề được thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không tham dự được kỳ họp, phiên họp phải có lý do, báo cáo trước với Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Chủ tọa phiên họp.

2. Khi dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải đeo phù hiệu đại biểu và sử dụng trang phục theo quy định.

Chương II

CHUẨN BỊ KỲ HỌP

Điều 5.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định triệu tập và gửi dự kiến chương trình kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh đến đại biểu HĐND tỉnh chậm nhất là hai mươi ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường chậm nhất là mười ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tại kỳ họp phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chậm nhất là bảy ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu trả lời, giải trình những vấn đề bức xúc trước Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

Chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các tài liệu cần thiết khác; đồng thời thông báo ngày họp, nơi họp và dự kiến chương trình kỳ họp trên các phương tiện thông tin, báo chí ở địa phương để nhân dân biết.

Điều 6.

Chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trước khi khai mạc kỳ họp theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, nếu là kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khóa mới thì theo đề nghị của người triệu tập kỳ họp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp; việc sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tán thành.

Điều 7.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm gửi giấy mời và những văn bản cần thiết có liên quan đến kỳ họp tới Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ; gửi giấy mời đến đại biểu Quốc hội được bầu cử ở địa phương; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, người đứng đầu các đoàn thể nhân dân cùng cấp và đại diện cử tri.

Các cơ quan thông tin, báo chí ở địa phương được mời dự phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân tỉnh; phiên họp khai mạc, chất vấn và trả lời chất vấn, bế mạc có thể được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Các đại biểu khách mời tham dự kỳ họp được phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

Danh sách khách mời, chế độ sử dụng tài liệu tại kỳ họp do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 8.

Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được mời dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, được phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc theo đề nghị của thành viên đó khi được Chủ tọa phiên họp đồng ý.

Chương III

PHIÊN HỌP, CUỘC HỌP TẠI KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 9.

Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong chương trình kỳ họp đã được thông qua.

Tại kỳ họp, khi cần thiết, Chủ tọa kỳ họp có thể mời các Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các thành viên khác có liên quan trao đổi những vấn đề cần thiết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và quyết định.

Điều 10.

Hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định họp kín theo đề nghị của Chủ tọa kỳ họp hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 11.

Tại phiên họp toàn thể, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đăng ký với Thư ký để phát biểu ý kiến hoặc giơ tay đăng ký trực tiếp, Chủ tọa mời từng đại biểu phát biểu. Đại biểu phát biểu tập trung vào các vấn đề đang thảo luận, không phát biểu quá hai lần cùng một vấn đề; thời gian phát biểu tối đa không quá mười phút.

Trong trường hợp đại biểu đã đăng ký mà chưa được phát biểu hoặc đang phát biểu mà hết thời gian thì đại biểu ghi lại ý kiến của mình, gửi Thư ký kỳ họp để tổng hợp báo cáo Chủ tọa kỳ họp.

Điều 12.

1. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

a) Biểu quyết bằng giơ tay

b) Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền biểu quyết tán thành hoặc không tán thành.

3. Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tán thành, riêng Nghị quyết thông qua việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết tán thành.

Điều 13.

Thư ký kỳ họp của mỗi khóa Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ:

1. Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong cả kỳ họp;

2. Ghi biên bản kỳ họp;

3. Tổng hợp đầy đủ, chính xác, trung thực ý kiến phát biểu và thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại cuộc họp Tổ đại biểu và phiên họp toàn thể;

4. Giúp Chủ tọa kỳ họp trong việc điều hành thảo luận và biểu quyết;

5. Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị phiếu lấy ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết hoặc các văn bản khác để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 14.

Kỳ họp và các phiên họp của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải được ghi biên bản. Biên bản các phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, các phiên họp của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cuộc họp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải được ghi đầy đủ những ý kiến phát biểu, kết luận, kết quả biểu quyết, những ý kiến bằng văn bản của đại biểu và được chuyển đến Thư ký kỳ họp.

Biên bản của kỳ họp gồm: Bản ghi tổng hợp nội dung và quá trình diễn biến của kỳ họp, do Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đại diện Thư ký kỳ họp ký tên.

Biên bản các phiên họp Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh do Chủ tọa phiên họp và Thư ký phiên họp ký tên.

Biên bản các cuộc họp của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh do Chủ tọa cuộc họp và Thư ký của tổ ký tên. Thư ký của tổ có trách nhiệm chuyển biên bản họp tổ đến Thư ký kỳ họp ngay sau khi kết thúc cuộc họp.

Chương IV

QUYẾT ĐỊNH CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ

Điều 15.

Tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và Khoản 2, Điều 12 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

Điều 16.

Hội đồng nhân dân tỉnh bầu Ban kiểm phiếu (biểu quyết bằng hình thức giơ tay) theo quy định tại Điều 13 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005, để bầu cử các chức danh theo quy định tại Điều 51 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể bầu bổ sung các chức danh quy định tại Khoản 2, Điều 51 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thành viên của Ban kiểm phiếu không đồng thời là những người có tên trong danh sách bầu cử các chức danh nói trên.

Trưởng Ban kiểm phiếu thay mặt Ban kiểm phiếu hướng dẫn việc bầu cử và báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh biên bản kết quả từng cuộc bỏ phiếu bầu cử.

Điều 17.

Việc chấp thuận cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu và việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo quy định tại các Điều 86, Điều 87 và Điều 88 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

Chương V

XEM XÉT, THÔNG QUA BÁO CÁO, ĐỀ ÁN, TỜ TRÌNH VÀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

Điều 18.

Tại kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương; quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nghe Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, thông báo kết quả thực hiện chương trình và kế hoạch giám sát; nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị; xem xét báo cáo hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và báo cáo công tác của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; xem xét việc trả lời chất vấn. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét báo cáo của cơ quan nhà nước hữu quan, ra Nghị quyết về những vấn đề Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét.

Điều 19.

1. Tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thảo luận báo cáo công tác hàng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo công tác đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể xem xét, thảo luận.

Kỳ họp cuối nhiệm kỳ, được tiến hành chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới. Tại kỳ họp này, ngoài những nội dung của kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ hoạt động của mình.

Hội đồng nhân dân có thể yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo về những vấn đề khác khi xét thấy cần thiết.

2. Các báo cáo công tác quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ các báo cáo của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, phải được các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 20.

1. Đối với các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị, trình theo đúng Nghị quyết về Chương trình xây dựng Nghị quyết hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh; chỉ đạo cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo đúng trình tự thủ tục và gửi đầy đủ hồ sơ liên quan theo đúng thời gian quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26 và Khoản 2 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, để các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh từ chối thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết nếu cơ quan trình không gửi hồ sơ đầy đủ, đúng trình tự thủ tục theo luật định, thời gian quy định và báo cáo lý do với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 21.

Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan trình theo trình tự sau đây:

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trình các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết thuyết trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh;

2. Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh được giao thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình bày báo cáo thẩm tra;

3. Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận về các nội dung báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Trước khi thảo luận, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể tổ chức thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

4. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, Chủ tọa có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm.

Cơ quan, tổ chức trình báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ tọa hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể đề nghị kết thúc việc thảo luận, khi vấn đề được nêu ra để lấy biểu quyết thì việc thảo luận kết thúc;

5. Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Khi tiến hành biểu quyết, Hội đồng nhân dân không thảo luận lại nội dung các báo cáo, dự thảo Nghị quyết đã được thảo luận tại các phiên họp trước, chỉ biểu quyết thông qua hoặc không thông qua. Hội đồng nhân dân tỉnh có thể biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc nghe đọc toàn văn rồi biểu quyết toàn bộ một lần hoặc biểu quyết những vấn đề còn có ý kiến khác nhau rồi biểu quyết toàn bộ nội dung.

Chương VI

CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Điều 22.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh bằng cách ghi rõ nội dung chất vấn và gửi đến Chủ tọa kỳ họp.

Điều 23.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo trình tự sau đây:

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh ghi rõ nội dung chất vấn, người được chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để chuyển đến người bị chất vấn;

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định; trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân tỉnh có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Thời hạn trả lời bằng văn bản do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;

3. Việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Chủ tọa phiên họp nêu những vấn đề chất vấn và thứ tự trả lời chất vấn;

b) Người được chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ về các nội dung mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục;

c) Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể nêu thêm câu hỏi liên quan đến nội dung đã chất vấn.

Thời gian trả lời chất vấn của người được trả lời chất vấn do Chủ tọa phiên họp báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định; thời gian trả lời chất vấn về từng vấn đề không quá mười lăm phút, trong trường hợp đặc biệt do Chủ tọa phiên họp quyết định;

d) Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục thảo luận, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm của người bị chất vấn.

Căn cứ vào đề nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh biện pháp xử lý. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người được chất vấn thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân tỉnh;

4. Người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đã gửi văn bản trả lời chất vấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại kỳ họp trước. Báo cáo được gửi tới Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chậm nhất là mười ngày trước ngày khai mạc kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 24.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo trình tự sau đây:

1. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đến người được chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn;

3. Người được chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn bằng văn bản tới đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; trường hợp không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có thể đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra thảo luận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh gần nhất.

Chương VII

NHỮNG ĐẢM BẢO CHO KỲ HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN TỈNH

Điều 25.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm những quy định về việc sử dụng tài liệu trong kỳ họp, không được tiết lộ nội dung tài liệu mật và nội dung các phiên họp kín của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định những tài liệu được lưu hành trong kỳ họp.

Điều 26.

Tổ chức việc tiếp dân và tiếp nhận đơn thư của công dân trong thời gian diễn ra kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đảm nhiệm.

Điều 27.

Các điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc tổ chức kỳ họp do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐND về thông qua nội quy kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016

  • Số hiệu: 01/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/06/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/06/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản