Hệ thống pháp luật

NGHỊ ĐỊNH THƯ

VỀ VỊ THẾ CỦA NGƯỜI TỊ NẠN, 1967

(Được thông qua theo Nghị quyết 1186 (XLI) ngày 18/11/1966 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội và theo Nghị quyết 2198 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 4-10-1967, theo điều 8)

Các quốc gia thành viên của Nghị định thư này,

Xét rằng, Công ước về vị thế của người tị nạn được thông qua tại Giơ-ne-vơ ngày 28/7/1951 (sau đây gọi là Công ước), chỉ điều chỉnh đối tượng là những người trở thành người tị nạn do những sự kiện xảy ra trước ngày 01/01/1951,

Xét rằng, kể từ khi Công ước được thông qua, đã xuất hiện thêm những tình huống mới về người tị nạn, do đó những người này có thể nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước,

Xét rằng, mọi người tị nạn theo định nghĩa tại Công ước cần được hưởng quy chế người tị nạn mà không bị giới hạn ở mốc ngày 01/01/1951.

Điều 1. Điều khoản chung

1. Các quốc gia thành viên Nghị định thư này cam kết thi hành các điều khoản từ điều 2 đến điều 34 đã được ghi nhận trong Công ước về Vị thế của người tị nạn.

2. Trong phạm vi Nghị định thư này, thuật ngữ "người tị nạn", trừ trường hợp áp dụng khoản 3 của điều này, sẽ có nghĩa là bất cứ người nào thuộc định nghĩa tại điều 1 của Công ước, trong đó bỏ đi cụm từ "là nạn nhân của những cuộc xung đột diễn ra trước ngày 01/01/1951..." và "là nạn nhân của những cuộc xung đột như vậy..." trong điều 1 A(2) của Công ước.

3. Các quốc gia thành viên Nghị định thư sẽ áp dụng Nghị định thư mà không giới hạn về địa lý, tuy nhiên những giới hạn đã được các quốc gia thành viên Công ước tuyên bố phù hợp với điều I B (I) Công ước, nếu không được mở rộng theo điều I (B) (II) Công ước, sẽ có hiệu lực đối với Nghị định thư này.

Điều 2. Hợp tác giữa các cơ quan quốc gia và Liên Hợp Quốc

1. Các quốc gia thành viên của Nghị định thư này cam kết hợp tác với Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của Liên Hợp Quốc tiếp tục chức năng của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, trong việc thực hiện các chức năng của mình, và đặc biệt cam kết tạo thuận lợi cho các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thi hành các điều khoản của Nghị định thư này.

2. Để giúp Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của Liên Hợp Quốc tiếp tục chức năng của Văn phòng chuẩn bị báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên của Nghị định thư này cam kết cung cấp thông tin và các số liệu thống kê được yêu cầu dưới hình thức thích hợp, về:

a. Tình hình của những người tị nạn tại quốc gia đó;

b. Việc thi hành Nghị định thư này;

c. Các quy định pháp luật đã hoặc có thể được quốc gia đó ban hành về người tị nạn.

Điều 3. Thông tin về pháp luật quốc gia

Các quốc gia thành viên của Nghị định thư này sẽ thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về những quy định pháp luật mà họ thông qua nhằm đảm bảo thi hành Nghị định thư này.

Điều 4. Giải quyết tranh chấp

Bất cứ tranh chấp nào giữa các quốc gia thành viên của Nghị định thư này liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Nghị định thư này mà không thể giải quyết được bằng biện pháp khác, trong trường hợp có yêu cầu của bất cứ bên nào trong các bên tranh chấp, thì sẽ được chuyển tới Toà án Công lý quốc tế để giải quyết.

Điều 5. Gia nhập

Nghị định thư này để ngỏ cho các quốc gia thành viên Công ước và bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào khác, hoặc bất kỳ quốc gia thành viên nào của các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mời, gia nhập. Việc gia nhập Công ước sẽ được thực hiện bằng cách nộp lưu chiểu văn kiện gia nhập cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Điều 6. Điều khoản về liên bang

trường hợp quốc gia thành viên là một nhà nước liên bang hoặc không đơn nhất, sẽ áp dụng các điều khoản sau:

(a) Đối với những điều khoản của Công ước sẽ được áp dụng theo điều I, khoản 1 Nghị định thư này, nếu những điều khoản đó thuộc quyền tài phán lập pháp liên bang thì nghĩa vụ của chính phủ liên bang sẽ giống như trường hợp của Quốc hội và chính phủ các quốc gia không phải là quốc gia liên bang;

(b) Đối với những điều khoản của Công ước sẽ được áp dụng theo điều I, khoản 1 Nghị định thư này, nếu những điều khoản đó thuộc quyền tài phán lập pháp của từng bang, tỉnh tự trị trong liên bang mà theo hệ thống hiến pháp của liên bang không bắt buộc phải tiến hành lập pháp, thì chính phủ liên bang sẽ lưu ý các cơ quan thích hợp của các quốc gia, tỉnh hay bang về những điều khoản này với khuyến nghị thuận lợi vào thời điểm sớm nhất có thể.

(c) Theo yêu cầu của một trong bất cứ các quốc gia thành viên nào chuyển qua Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, quốc gia liên bang là thành viên của Nghị định thư này phải công bố pháp luật và tiễn của nhà nước liên bang cũng như của các thành viên hợp thành trong liên bang liên quan đến bất kỳ điều khoản cụ thể nào của Công ước được áp dụng theo quy định tại khoản 1 điều 1 của Nghị định thư này, nêu rõ mức độ thực hiện điều khoản đó thông qua hành động lập pháp hoặc hành động khác.

Điều 7. Bảo lưu và tuyên bố

1. Tại thời điểm gia nhập, các quốc gia thành viên có thể bảo lưu điều 4 và việc áp dụng điều 1 của Nghị định thư này với bất kỳ điều nào của Công ước, trừ các điều 1, 3, 4, 16 (1) và 23 , tuy nhiên đối với một quốc gia thành viên Công ước, bảo lưu theo điều khoản này không được áp dụng cho những người tị nạn được Công ước bảo vệ.

2. Trừ khi bị rút, các bảo lưu do các quốc gia thành viên của Công ước đưa ra theo quy định tại điều 42 của Công ước sẽ áp dụng đối với nghĩa vụ theo Nghị định thư này.

3. Bất kỳ quốc gia có bảo lưu theo như quy định tại khoản 1 của điều này có thể rút bảo lưu tại bất kỳ thời điểm nào bằng một thông báo gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

4. Các tuyên bố do quốc gia thành viên Nghị định thư này đồng thời là thành viên Công ước đưa ra theo quy định tại khoản I và 2 điều 40 của Công ước, sẽ áp dụng đối với Nghị định thư, trừ khi tại thời điểm gia nhập, quốc gia đó gửi một thông báo khác cho Tông thư ký Liên Hợp Quốc. Các quy định tại điều 40 khoản 2 và 3 và điều 44 khoản 3 của Công ước sẽ áp dụng cho Nghị định thư này, với những chỉnh sửa thích hợp và cần thiết.

Điều 8. Hiệu lực của Nghị định thư

1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực từ ngày văn kiện gia nhập thứ sáu được lưu chiểu.

2. Đối với quốc gia gia nhập Nghị định thư này sau khi văn kiện gia nhập thứ sáu được lưu chiểu, Nghị định thư này sẽ có hiệu lực từ ngày quốc gia đó gửi văn kiện xin gia nhập.

Điều 9. Tuyên bố rút khỏi Nghị định thư

1. Bất kỳ quốc gia thành viên nào đều có thể tuyên bố rút khỏi Nghị định thư này tại bất kỳ thời điểm nào bằng một thông báo gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

2. Thông báo rút khỏi Nghị định thư sẽ có hiệu lực đối với quốc gia liên quan sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo đó.

Điều 10. Thông báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho các quốc gia được đề cập đến trong điều 5 về ngày có hiệu lực, việc gia nhập, bảo lưu, rút bảo lưu cũng như việc rút khỏi Nghị định thư này và những tuyên bố, thông báo có liên quan đến những sự kiện trên.

Điều 11. Lưu trữ tại cơ quan lưu trữ của Ban thư ký Liên Hợp Quốc

Một bản của Nghị định thư này được viết bằng các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, các văn bản có giá trị như nhau, có chữ ký của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, sẽ được lưu chiểu tại Cơ quan lưu trữ của Ban thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các bản sao có chứng thực của Nghị định thư này tới tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác được đề cập trong điều 5 trên đây.