Hệ thống pháp luật

NGHỊ ĐỊNH THƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM VÀ BỘ GIAO THÔNG TRUNG QUỐC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA (1997).

Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giao thông nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ký bản nghị định thư này nhằm thực hiện "Hiệp định vận tải đường bộ" đã ký ngày 22/11/1994 giữa chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa để triển khai việc vận chuyển hành hoá, hành khách bằng ôtô giữa hai nước.

Điều 1. Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ hai nước, để định ra những quy định cụ thể trong bản nghị định thư này. Khi thực hiện vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa hai nước phải thực hiện nghị định thư này.

Điều 2. Khi vận chuyển hàng hoá, hành khách định kỳ, không định kỳ giữa hai nước, người thực hiện và phương tiện vận tải phải có giấy phép vận chuyển ôtô quốc tế (sau đây gọi tắt là giấy phép), các giấy tờ vận chuyển có liên quan và ký hiệu vận chuyển quốc tế đặc trưng, do bộ giao thông và các cơ quan quản lý có thẩm quyền của hai nước cấp phát.

Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của mỗi bên mà bản Nghị định thư chỉ định nếu không chỉ định gì thêm thì chính là các đơn vị sau đây:

Phía Việt Nam: Sở giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh.

Sở giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn.

Sở giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng.

Sở giao thông vận tải tỉnh Hà Giang.

Sở giao thông vận tải tỉnh Loà Cai.

Sở giao thông vận tải tỉnh Lai Châu.

Phía Trung Quốc: Ty giao thông khu tự trị Quảng Tây.

Ty giao thông tỉnh Vân Nam.

Điều 3. Trước mắt việc vận chuyển hành khách (bao gồm cả khách du lịch) và vận chuyển hàng hoá qua các cửa khẩu đã được thông qua dưới đây:

Việt Nam

Trung Quốc

1. Móng Cái

1. Đông Hưng

2. Hữu Nghị

2. Hữu Nghị Quan

3. Tà Lùng

3. Thuỷ Khẩu

4. Thanh Thuỷ

4. Thiên Bảo

5. Lào Cai

5. Hà Khẩu 

6. Ma Lu Thàng

6. Kim Thuỷ Hà

Nếu cần tiến hành vận tải hành khách và hàng hóa bằng ôtô qua những cặp cửa khẩu khác trong số những cặp cửa khẩu đã được hai chính phủ cho phép mở, thì do cơ quan chủ quản vận tải được uỷ quyền của hai Bên bàn bạc và báo cáo với Bộ giao thông và cơ quan hữu quan của mình phê chuẩn, và do Bộ giao thông hai nước xác nhận bằng hình thức văn bản rồi được thực hiện.

Điều 4. Các đường vận tải hành khách, hàng hoá giữa hai nước do cơ quan quản lý có thẩm quyền của hai bên ký kết phê chuẩn, hai bên làm các thủ tục cần thiết, thông báo cho Bộ giao thông của nước mình phê chuẩn và sau khi đã thông báo xong mới thực hiện.

Điều 5. Nhiệm vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa hai nước do các doanh nghiệp vận tải được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê chuẩn, đảm nhiệm. Hai bên phải thông báo cho nhau về các đơn vị vận tải, số đăng ký xe và trọng lượng thiết kế của các xe được phê chuẩn thực hiện vận tải quốc tế giữa hai nước Việt Nam -Trung Quốc.

Điều 6.

1/ Giấy phép vận chuyển được chia thành ba loại: A, B, C (Mẫu giấy phép có phụ pục kèm theo).

Loại A (màu hồng) dùng để vận chuyển hành khách (bao gồm khách du lịch) định kỳ, có hiệu lực 1 năm.

Loại B (màu lam nhạt) dùng để vận chuyển hành khách (bao gồm khách du lịch) không định kỳ và xe chở hành lý, có hiệu lực là một lần đi và về.

Loại C (màu vàng nhạt) dùng để vận chuyển hàng hoá, có hiệu lực là một lần đi và về.

2/ Hai bên căn cứ vào mẫu mã đã được bàn bạc, chuẩn bị mẫu giấy phép vận chuyển của mỗi bên. Giấy phép vận chuyển của Việt Nam, tiếng Việt ở trên, tiếng Trung ở dưới. Giấy phép vận chuyển của Trung Quốc, tiếng Trung ở trên, tiếng Việt ở dưới. Từng năm, hai bên biên soạn chủng loại và ký hiệu của giấy phép, do cơ quan quản lý đóng dấu, các ngành thực thi cụ thể sẽ thực hiện việc cấp phát và kiểm tra giấy phép vận chuyển.

3/ Cơ quan quản lý đóng dấu trên giấy phép vận chuyển về phía Việt Nam là Bộ giao thông vận tải nước CHXHCN Việt nam và các sở giao thông vận tải được uỷ quyền như sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, Sở giao thông vận tải Lạng Sơn, Sở giao thông vận tải Cao Bằng, Sở giao thông vận tải Hà Giang, Sở Giao thông vận tải Lào cai, Sở Giao thông vận tải Lai Châu. Phía Trung Quốc là Bộ giao thông nước CHND Trung Hoa và ty giao thông khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Ty giao thông tỉnh Vân Nam được uỷ quyền. Các ngành thực thi cụ thể, phía Việt Nam là các phòng quản lý vận tải do sở giao thông vận tải Quảng Ninh, Sở giao thông vận tải Lạng Sơn, Sở giao thông vận tải Cao Bằng, Sở giao thông vận tải Hà Giang, Sở giao thông vận tải Lào Cai, Sở giao thông vận tải Lai Châu đặt tại cửa khẩu. Phía Trung quốc là phòng quản lý xuất nhập cảnh ôtô và trạm quản lý giao thông vận tải đặt tại cửa khẩu của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Phòng quản lý vận chuyển cửa khẩu thuộc ty giao thông và Trạm quản lý giao thông vận tải đặt tại cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.

4/ Sau khi cơ quan quản lý của hai bên đóng dấu và các ngành thực thi cụ thể ký, đóng dấu xong giấy phép vận chuyển mới có hiệu lực.

5/ Giấy phép vận chuyển mỗi năm được trao đổi hai lần. Cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên căn cứ vào nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá, tôn trọng nguyên tắc đối đẳng sẽ bàn bạc số lượng trao đổi. Thời gian và địa điểm trao đổi cụ thể sẽ do Cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên bàn bạc vào dịp khác.

6/ Đối với "giấy phép đặc biệt" được đề cập trong Hiệp định vận tải đường bộ giữa chính phủ hai nước, hai bên sẽ bàn vào dịp khác.

Điều 7. Phương tiện vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa hai nước, phải có phù hiệu vận chuyển quốc tế đặc trưng do Bộ giao thông vận tải hai nước thiết kế.

Phù hiệu dặc trưng của Việt Nam là: VMT (Vietnam Motor Transportation).

Phù hiệu đặc trưng của Trung Quốc là: CMT (China Motor Transportation).

Điều 8. Hình thức, mẫu mã của các giấy tờ vận chuyển hành khách, hàng hoá sẽ do cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên bàn bạc.

Điều 9. Cơ quan quản lý vận tải đặt tại cửa khẩu của hai bên ký kết sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra giấy phép vận chuyển, phù hiệu đặc trưng của xe và các giấy tờ vận tải liên quan khác.

Điều 10. Khi phương tiện giao thông của một Bên ký kết đi vào lãnh thổ của Bên ký kết kia thì phải tôn trọng luật pháp và quy định về vận tải ôtô có liên quan khác của nước đó, nếu kích thước hoặc trọng lượng của xe chở hàng hoặc không chở hàng vượt quá quy định của nước sở tại và chở những hàng hoá nguy hiểm, thì người thực hiện vận chuyển phải có giấy phép đặc biệt mà cơ quan quản lý của nước sở tại cấp phát.

Điều 11. Điểm dừng xe, tuyến xe, thời gian biểu chạy xe của việc vận chuyển hành khách có định kỳ giữa hai nước sẽ do cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên ký kết bàn bạc bằng văn bản, khi thấy cần thiết có thể gặp gỡ bàn bạc giải quyết. Cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của một bên ký kết sau khi nhận được yêu cầu về những vấn đề trên của bên ký kết kia, thì phải trả lời trong thời gian là 30 ngày.

Điều 12. Vé vận chuyển hành khách định kỳ của hai bên được quy định như sau:

1/ Vận chuyển hành khách định kỳ thực hiện chế độ vé thống nhất, mẫu vé sẽ do cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên bàn bạc. Mẫu vé bao gồm hai thứ tiếng của hai nước. Mỗi bên tự in mẫu vé.

2/ Do lý do riêng, hành khách không thể đi đúng thời gian được thì phải trả vé trước khi xe chạy 2 tiếng nhưng bị thu phí trả vé là 10 % giá vé, nếu dưới 2 tiếng thì vé này sẽ hết hạn.

3/ Do đau ốm, có giấy chứng nhận của bệnh viện, không thể đi xe được hành khách phải trả lại vé trước khi xe chạy 1 tiếng nhưng vẫn bị thu phí trả vé là 10 % giá vé hoặc có thể đổi sang chuyến xe khác cùng tuyến trong vòng 3 ngày. Nếu giữa đường hành khách không đi tiếp nữa thì được trả lại tiền vé quãng đường không đi tiếp nhưng vẫn bị thu phí trả vé là 10 % giá vé của quãng đường chưa đi.

4/ Đối với việc trẻ em được miễn vé hoặc mua nửa vé sẽ căn cứ vào quy định hữu quan của từng bên ký kết.

5/ Thời hạn của vé tính từ ngày lên xe tới ngày kết thúc hành trình, nhưng nếu chuyến xe này phát sinh những tình huống đặc biệt như có sự cố, sau khi thông qua kiểm chứng, hành khách có thể miễm phí chuyển sang xe khác; Nếu hành khách yêu cầu trả vé thì có thể được giải quyết và không thu phí trả vé.

Điều 13. Những hành khách đi tuyến xe vận tải giữa hai nước chấp hành một số yêu cầu sau:

1/ Phải có vé còn thời hạn theo mẫu quy định thống nhất giữa hai nước và có giấy tờ xuất nhập cảnh cần thiết do Chính phủ hai nước chấp nhận.

2/ Những hành khách thần kinh không ổn định hoặc mắc bệnh truyền nhiễm mà không có người đi kèm hoặc có người đi kèm nhưng vẫn đe doạ sự an toàn và lây bệnh đến các hành khách khác thì không được đi xe.

Điều 14. Việc vận chuyển hành lý, hàng hoá (sau đây gọi tắt là hàng hoá) của hành khách giữa hai nước được quy định như sau:

1/ Hành khách được miễn phí hành lý xách tay 10 Kg.

2/ Hàng hoá của hành khách vượt quá trọng lượng miễn phí xách tay thì phải gửi hàng. Hàng hoá gửi phải đóng gói cẩn thận, buộc chặt, để thuận tiện cho việc bốc dỡ. Giá vé gửi hàng sẽ bàn vào dịp khác.

3/ Cấm gửi và xách tay những hàng hoá nguy hiểm, dễ nổ, dễ cháy có khả năng làm tổn hại, gây ô nhiễm và cản trở sự an toàn của các hành khách khác.

4/ Cấm gửi và xách tay những hàng hoá mà Chính phủ hai nước đã cấm xuất nhập cảnh và vận chuyển.

5/ Đối với những hàng hoá có nghi vấn, nhân viên ở tại các bến xe có thể yêu cầu hành khách có hàng khai báo để kiểm tra.

Điều 15. Chủ hàng có thể ký hợp đồng vận chuyển với các doanh nghiệp vận tải mà hai bên ký kết cho phép tham gia vận chuyển quốc tế.

Điều 16.

1/ Hai bên ký kết cung cấp dịch vụ cần thiết cho lái xe và nhân viên, hành khách, phương tiện giao thông khi đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển giữa hai nước. Phí dịch vụ sẽ theo quy định của từng nước.

2/ Phương tiện vận tải hành khách và hàng hoá của bất kỳ bên ký kết nào khi xảy ra sự cố giao thông trên lãnh thổ nước ký kết kia thì phải giải quyết theo quy định hữu quan của nước sở tại, đồng thời nhanh chóng thông báo cho đối phương biết. Bên có sự cố xảy ra phải có sự giúp đỡ cần thiết cho lái xe, nhân viên và hành khách.

Điều 17. Giá vé, loại tiền sử dụng phương thức thanh toán và chi trả... của việc vận tải hành khách, hàng hoá bằng ôtô giữa hai nước sẽ do cơ quan quản lý vận tải có thẩm quyền của hai bên ký kết gặp gỡ, bàn bạc. Sau khi báo cáo cho cơ quan chủ quản của nhà nước phê chuẩn và thông báo cho nhau xong mới thực hiện.

Điều 18. Những vấn đề liên quan đến việc vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng ôtô giữa hai nước mà nghị định thư này không đề cập tới sẽ được giải quyết theo quy định hữu quan của mỗi bên ký kết và theo Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.

Thời hạn của nghị định thư này có cùng thời hạn với Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.

Nghị định thư này ký tại Hà Nội - Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 1997 làm thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, hai bản đều có giá trị như nhau. Nghị định thư có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

ĐẠI DIỆN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
NƯỚC CHXH CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐẠI DIỆN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
NƯỚC CH NHÂN DÂN TRUNG HOA

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Hoa (1997)

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 03/06/1997
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản