Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

******

Số : 05/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2004

 

Nghị định thư tài chính giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp đối với Dự án xây dựng phân xưởng kiểm tra và sửa chữa điện tử trên máy bay có hiệu lực từ ngày 17 tháng 11 năm 2003.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ

TÀI CHÍNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP ĐỐI VỚI DỰ ÁN XÂY DỰNG PHÂN XƯỞNG KIỂM TRA VÀ SỬA CHỮA ĐIỆN TỬ TRÊN MÁY BAY.

Để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Chính phủ, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp thỏa thuận ký Nghị định thư này nhằm góp phần phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Điều 1. Tổng số tiền và đối tượng tài trợ.

Chính phủ nước Cộng hòa Pháp thỏa thuận dành cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một khoản tài trợ nhằm thực hiện dự án Xây dựng kiểm tra và sửa chữa thiết bị điện tử trên máy bay, được ghi trong lĩnh vực ưu tiên cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Khoản cho vay này của Chính phủ Pháp có giá trị tổng cộng tối đa là 2 737 275 Euros (Hai triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn hai trăm bảy mươi lăm Euros), dùng để mua hàng hóa và dịch vụ của Pháp liên quan đến việc thực hiện dự án này.

Điều 2. Thể thức cung cấp khoản tài trợ.

Khoản vay của Chính phủ Pháp có thời hạn 14 năm, trong đó 03 năm ân hạn trả gốc. Lãi suất là 0,35% mỗi năm. Nợ gốc được hoàn trả làm 22 bán niên liên tiếp với số tiền trả mỗi kỳ bằng nhau, lần trả đầu tiên sau 42 tháng vào cuối quý của năm thường mà vào quý đó trước đây đã tiến hành các đợt rút tiền. Lãi được tính dựa trên số dư nợ gốc; lãi này được tính kể từ ngày tiến hành mỗi lần rút tiền từ khoản vay của Chính phủ Pháp và được trả 6 tháng một lần.

Nếu ngày thanh toán nợ gốc hay lãi theo kỳ hạn trùng vào một ngày không làm việc tại Pháp, thì ngày thanh toán sẽ được chuyển sang ngày làm việc đầu tiên tiếp sau đó. Mọi khoản nợ gốc hay lãi không được trả đúng kỳ hạn sẽ phải chịu lãi chậm trả tính từ ngày để quá hạn trả nợ đến ngày thanh toán số nợ chậm trả. Lãi suất chậm trả là lãi suất hợp pháp của Pháp ấn định tại nghị định cấp Bộ cho năm 2003, tức là 3,29% được cộng thêm 1% năm. Bản thân lãi chậm trả tròn một năm cũng được tính lãi theo lãi suất xác định ở trên.

Cơ quan Phát triển Pháp, hành động nhân danh và vì lợi ích của Chính phủ nước Cộng hòa Pháp sẽ ký thỏa ước áp dụng với Bộ Tài chính Việt Nam, hành động nhân danh và vì lợi ích của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thỏa ước áp dụng sẽ xác định thể thức sử dụng và hoàn trả khoản vay của Chính phủ Pháp.

Điều 3. Đồng tiền để tính toán và thanh toán.

Đồng tiền để tính toán và thanh toán của nghị định thư này là đồng Euro.

Điều 4. Chi quỹ vay cho các hợp đồng.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp khẳng định tầm quan trọng về việc đấu tranh chống tham nhũng trong các giao dịch thương mại quốc tế và cùng thỏa thuận:

Các Bên trong Hội đồng chi quỹ vay của Nghị định thư này không có quyền đề nghị hoặc cho người thứ ba, đòi hỏi, nhận hoặc hứa, dù trực tiếp hay gián tiếp một khoản lời không đúng phép mà có lợi cho mình hoặc cho Bên khác bằng tiền hoặc hình thức khác, mà cấu thành hoặc có thể cấu thành hành động bất hợp pháp và tham nhũng.

Mỗi hợp đồng liên quan đến dự án nêu trong Điều 1, như đã nêu rõ ở trên, muốn được sử dụng quỹ vay phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:

-Hợp đồng phải phù hợp với nghiên cứu khả thi đã được các cấp chính quyền Việt Nam thông qua và các khuyến nghị của chuyên gia Pháp đã đánh giá trước đó;

-Dự án phải qua kiểm tra xem có phù hợp với các quy định của Thỏa ước OCDE liên quan đến tín dụng xuất khẩu được hưởng sự trợ giúp của Chính phủ không;

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải không có các khoản nợ không được thanh toán đúng hạn thuộc về các hiệp định củng cố nợ, các khoản vay của Chính phủ Pháp và các khoản vay Cơ quan Phát triển Pháp;

- Phải xem xét tình hình nợ không thanh toán đúng hạn thuộc các khoản tín dụng ngân hàng do COFACE bảo lãnh dành cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho lĩnh vực Nhà nước hoặc với sự bảo lãnh của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mỗi hợp đồng liên quan đến dự án nêu trong Điều 1, sau khi các cơ quan có thẩm quyền Pháp nhận thấy các điều kiện trên đây đã được đáp ứng đầy đủ, sẽ được cấp vốn từ nguồn vay theo Nghị định thư này thông qua trao đổi thư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tham tán Thương mại bên cạnh Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, hành động theo sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền Pháp.

Điều 5. Thời hạn khoản cho vay của Chính phủ Pháp.

Để được hưởng khoản vay của Chính phủ Pháp được xác định như ở điều khoản nêu trên, các hợp đồng giữa người mua Việt Nam và nhà cung cấp Pháp phải được ký trước ngày 31 tháng 12 năm 2005 và được cấp vốn từ nguồn quỹ vay chậm nhất không quá 3 tháng kể từ ngày đó.

Việc rút các khoản tài trợ vay của Chính phủ Pháp theo thỏa thuận bởi Nghị định thư này phải được thực hiện chậm nhất không quá ngày 31 tháng 12 năm 2007.

Điều 6. Các khoản thuế.

Khoản tài trợ từ Nghị định thư tài chính Việt – Pháp chỉ sử dụng để thực hiện dự án ghi tại Điều 1 của Nghị định thư này và không bao gồm các khoản thuế phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp Pháp tham gia thực hiện dự án thuộc Nghị định thư tài chính Việt – Pháp thực hiện nộp thuế theo quy định của Luật thuế hiện hành tại Việt Nam và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Pháp.

Việc trả nợ gốc và lãi, phí dịch vụ ngân hàng, các phí và phụ phí gắn liền với việc thi hành Nghị định thư này sẽ được thực hiện miễn mọi loại thuế tại Việt Nam.

Điều 7. Đánh giá lại việc thực hiện các dự án.

Chính phủ nước Cộng hòa Pháp bằng kinh phí riêng của mình, có thể cho đánh giá lại tình hình trước đây của dự án ghi trong Nghị định thư này về mặt kinh tế, tài chính và kế toán chủ yếu nhằm xem xét ảnh hưởng của dự án đến sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu mong muốn, có thể tham dự vào việc đánh giá này, theo thể thức sẽ được xác định sau để có thể trực tiếp thụ hưởng kết quả đánh giá. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết tiếp nhận đoàn đánh giá dự án do Chính phủ nước Cộng hòa Pháp cử sang và tạo thuận lợi cho đoàn tiếp cận các thông tin liên quan đến dự án.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị định thư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Để làm bằng, các đại diện của hai Chính phủ, được ủy nhiệm hợp pháp, đã ký và đóng dấu vào bản Nghị định thư này.

Làm tại Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2003 (thành bốn bản gốc, hai bản bằng tiếng Việt, hai bản bằng tiếng Pháp)

 

THAY MẶT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ




Võ Hồng Phúc

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
BỘ TRƯỞNG ĐẶC TRÁCH NGOẠI THƯƠNG




Francois LOOs

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định thư tài chính số 05/2004/LPQT về Dự án xây dựng phân xưởng kiểm tra và sửa chữa điện tử trên máy bay giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Pháp

  • Số hiệu: 05/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 17/11/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản