Điều 5 Nghị định 98/2025/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác
Điều 5. Lập dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị
1. Đề xuất nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị
a) Đối với tài sản, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật có liên quan, các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản xác định nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần bổ sung, thay mới hoặc sửa chữa, cải tạo nâng cấp tài sản, trang thiết bị và dự toán kinh phí thực hiện trong năm kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này để xem xét, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện.
b) Đối với tài sản, trang thiết bị không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực có liên quan, các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản thuyết minh chi tiết về tài sản, trang thiết bị còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức; sự cần thiết, lý do thực hiện; xác định nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị để bổ sung, thay mới hoặc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị và dự toán kinh phí thực hiện từ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước trong năm kế hoạch; trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này để xem xét, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện.
c) Các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản chịu trách nhiệm về việc xác định sự cần thiết và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, không gây lãng phí.
2. Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị phục Vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương
a) Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện dưới 45 tỷ đồng/nhiệm vụ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí.
b) Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện từ 45 tỷ đồng đến dưới 240 tỷ đồng/nhiệm vụ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí.
c) Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện từ 240 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên
Trường hợp không thể sắp xếp, bố trí hoặc điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao, các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm toàn diện xác định sự cần thiết, mục tiêu và dự toán kinh phí của nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị sử dụng kinh phí chi thường xuyên, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này để gửi Bộ Tài chính tổng hợp.
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị sử dụng nguồn chi thường xuyên lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và chuyển đổi số; bảo vệ môi trường: Các bộ, cơ quan trung ương đề xuất nhiệm vụ và dự toán kinh phí gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và chuyển đổi số), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường) để rà soát, tổng hợp, gửi Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin và chuyển đổi số và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt về chủ trương thực hiện nhiệm vụ (Mẫu Quyết định phê duyệt chủ trương tại Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Trên cơ sở quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm.
3. Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này chịu trách nhiệm về sự cần thiết, sự phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; chịu trách nhiệm về hồ sơ rà soát để ban hành theo thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, tiết kiệm, hiệu quả, không gây lãng phí (Mẫu Quyết định phê duyệt nhiệm vụ thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
5. Tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị:
a) Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền, căn cứ quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí của cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, cơ quan, đơn vị đề xuất dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của năm kế hoạch, tổng hợp vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
b) Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị, bao gồm: Quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Nghị định 98/2025/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác
- Số hiệu: 98/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 06/05/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước
- Điều 5. Lập dự toán kinh phí mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị
- Điều 6. Phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị
- Điều 7. Quyết toán kinh phí
- Điều 8. Lập dự toán đối với nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng
- Điều 9. Phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng
- Điều 10. Quyết toán kinh phí