Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 96-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 1978

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC CỦA NGÀNH VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;

Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 172-CP ngày 01/11/1973;

Căn cứ vào Quyết định số 99-NQ/QHK6 ngày 13/7/1977 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất Tổng cục thông tin và Bộ văn hóa thành Bộ văn hóa và thông tin.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Bộ văn hóa và thông tin là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác văn hóa và thông tin trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển ngành toàn diện, mãnh mẽ và vững chắc; góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối chính sách của Đảng; kịp thời hướng dẫn dư luận về những sự kiện quan trọng trong nước và ngoài nước; đấu tranh chống tư tưởng và văn hóa phản động, lạc hậu của các giai cấp bóc lột; góp phần nâng cao khiếu thẩm mỹ phố biến khoa học, kỹ thuật, và bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt cho nhân dân, tổ chức tốt đời sống văn hóa trong quần chúng; góp phần từng bước xây dựng xã hội nước ta thành một xã hội văn hóa cao.

Điều 2: Căn cứ vào chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, theo nguyên tắc kết kợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương, Bộ văn hóa thông tin có những nhiệm vụ chính như sau:

a) Nghiên cứu phương hướng xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin trong cả nước bao gồm các lĩnh vực văn hóa quần chúng, thư viện, bảo tồn, bảo tàng, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, xuất bản, mỹ thuật, nếp sống mới, thông tin và cổ động, v.v…Xây dựng quy hoạch và dự đoán phát triển ngành; hướng dẫn các địa phương xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm về văn hóa và thông tin, và tổng hợp trình Chính phủ xét duyệt. Đôn đốc và kiệm tra việc thực hiện những kế hoạch đó.

b) Sưu tầm và nghiên cứu vốn văn hóa nghệ thuật cũ và những thành tựu mới của các bộ môn văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước (âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh v.v…); xây dựng lịch sử phát triển của từng bộ môn, nhằm giữ gìn, phát huy, kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình, và áp dụng những kết quả nghiên cứu vào sáng tác, giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật.

c) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành những luật lệ, chính sách, chế độ bảo đảm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đi đúng đường lối của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền làm chủ tập thể về văn hóa của nhân dân, động viên nhân dân tham gia sáng tạo và hoạt động văn hóa, nghệ thuật thông tin.

d) Tổ chức và chỉ đạo sáng tác nghệ thuật và sản xuất, phân phối các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật (phim điện ảnh, phim đèn chiếu, sách, tranh, tượng, bản nhạc, đĩa hát, v.v…)đồng thời phát động quần chúng tham gia rộng rãi, đều khắp các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tin, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu thưởng thức và hoạt động văn hóa của nhân dân.

e) Tổ chức và chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhân viên của ngành văn hóa thông tin, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ mới.

g) Quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ về tổ chức, cán bộ, biên chế, tài sản, tài chính theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 3: Bộ trưởng Bộ văn hóa và thông tin chịu trách nhiệm trước Quốc hội và hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như Điều 2 quy định. Các Thứ trưởng Bộ văn hóa và thông tin giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và được Bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, nhằm thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ văn hóa và thông tin có quyền ra các chỉ thị, thông tư về công tác văn hóa và thông tin; hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thi hành những chỉ thị, thông tư ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Sở, Ty văn hóa và thông tin; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Bộ các cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các địa phương về công tác văn hóa và thông tin.

Điều 4: Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa và thông tin bao gồm:

A. CÁC VỤ TỔNG HỢP VÀ NGHIỆP VỤ:

- Văn phòng Bộ,

- Vụ tổ chức và cán bộ,

- Vụ kế hoạch và vật tư,

- Vụ tài vụ - kế toán - thống kê,

- Vụ đào tạo,

- Vụ đối ngoại,

- Vụ nghệ thuật sân khấu,

- Vụ âm nhạc và múa,

- Vụ bảo tồn, bảo tàng,

- Vụ mỹ thuật,

- Ban thanh tra.

B. CÁC CỤC QUẢN LÝ SỰ NGHIỆP:

- Cục văn hóa quần chúng (các đơn vị trực thuộc: Nhà văn hóa Trung ương, Nhà văn hóa quần chúng thành phố Hồ Chí Minh);

- Cục thông tin và cổ động (các đơn vị trực thuộc: Xưởng tranh cổ động, Xưởng phim đèn chiếu…);

- Cục xuất bản và báo chí;

- Cục xây dựng cơ bản (các đơn vị trực thuộc: Công ty xây dựng, Xưởng vật liệu xây dựng, xưởng phục chế, Xưởng thiết kế, các Ban kiến thiết…);

- Cục điện ảnh (các đơn vị trực thuộc: các Xưởng phim, Nhà máy in tráng phim, Công ty phát hành phim, Công ty Vật liệu điện ảnh, Viện tư liệu phim, Phòng nhiếp ảnh…)

C. CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP:

- Viện nghiên cứu âm nhạc

- Viện nghiên cứu sân khấu,

- Viện nghiên cứu mỹ thuật,

- Viên nghiên cứu lý luận và lịch sử nghệ thuật,

- Viên bảo tàng cách mạng,

- Viện bảo tàng lịch sử,

- Viện bảo tàng mỹ thuật,

- Nhà bảo tàng Việt Bắc,

- Thư viện quốc gia,

- Khu triển lãm Trung ương,

- Các nhà hát và các đoàn nghệ thuật,

- Các trường cao đẳng và trung học văn hóa, nghệ thuật.

D. CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT, KINH DOANH

- Liên hiệp các xí nghiêp in (các đơn vị trực thuộc: các nhà máy in, xưởng cơ khí in, xưởng vật liệu in, công ty vật tư in…);

- Tổng công ty phát hành sách và nhập khẩu sách báo (gọi tắt là Tổng công ty phát hành sách);

- Công ty sản xuất vật phẩm văn hóa nghệ thuật (các đơn vị trực thuộc: xưởng sản xuất đĩa hát, xưởng sản xuất nhạc cụ, xưởng mỹ thuật sân khấu…);

- Nhà xuất bản văn hóa;

- Nhà xuất bản văn học;

- Nhà xuất bản ngoại văn.

Điều 5: Tổ chức văn hóa và thông tin ở địa phương gồm có:

- Cấp tỉnh: Ty văn hóa và thông tin;

- Cấp thành phố trực thuộc Trung ương: Sở văn hóa và thông tin;

- Cấp huyện và đơn vị tương đương: Ban văn hóa và thông tin;

- Cấp xã: Ban văn hóa và thông tin.

Bộ Văn hóa và thông tin nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan văn hóa và thông tin các cấp tỉnh, thành phố, huyện và xã.

Điều 6: Nghị định này thay thế cho các văn bản trườc đây của Hội đồng Chính phủ về tổ chức bộ máy của ngành văn hóa và thông tin.

Điều 7: Các đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Bộ trưởng phụ trách văn hóa và giáo dục ở Phủ thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và thông tin; các đồng chí thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 96-CP năm 1978 về tổ chức của ngành văn hóa và thông tin do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 96-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/04/1978
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/05/1978
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 13/05/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản