Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 10 Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở

Mục 3. BÁN NHÀ Ở CŨ THUỘC TÀI SẢN CÔNG

Điều 68. Loại nhà ở cũ thuộc tài sản công không thuộc diện được bán

1. Nhà ở cũ thuộc tài sản công không thuộc diện được bán bao gồm:

a) Nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ, quy hoạch xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật;

b) Nhà ở đã có quyết định thu hồi đất, thu hồi nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện đang thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

d) Nhà ở gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công viên, công trình phục vụ mục đích công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Nhà ở;

e) Căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại, trừ trường hợp người thuê đã tự cải tạo trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc sử dụng độc lập, tự nguyện, có sự đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua;

g) Nhà biệt thự nằm trong danh mục không thuộc diện được bán mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và các nhà biệt thự khác mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Đối với nhà ở thuộc diện không được bán quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thực hiện xử lý nhà ở này thì người đang thuê được giải quyết bố trí tái định cư theo từng trường hợp tương ứng với chính sách xử lý về nhà ở, đất ở quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 69. Đối tượng, điều kiện được mua và điều kiện bán nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc tài sản công phải là người đang thực tế sử dụng nhà ở đó theo quy định tại Điều 62 của Nghị định này.

2. Điều kiện để được mua nhà ở cũ thuộc tài sản công bao gồm:

a) Người mua phải có đơn đề nghị mua nhà ở lập theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Có hợp đồng thuê nhà ở ký với đơn vị quản lý vận hành nhà ở và có tên trong hợp đồng thuê nhà ở này (bao gồm người đại diện đứng tên hợp đồng thuê nhà ở và các thành viên có tên trong hợp đồng thuê nhà từ đủ 18 tuổi trở lên); trường hợp có nhiều thành viên cùng đứng tên trong hợp đồng thuê nhà ở thì các thành viên này phải thỏa thuận cử người đại diện đứng tên ký hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở;

c) Đã đóng đầy đủ tiền thuê nhà ở theo quy định trong hợp đồng thuê nhà ở và đóng đầy đủ các chi phí quản lý vận hành nhà ở tính đến thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà ở (nếu có).

Trường hợp đã sử dụng nhà ở trước thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà ở hoặc có hợp đồng thuê nhà ở mà Nhà nước chưa thu tiền thuê nhà thì người thuê phải nộp truy thu tiền thuê nhà ở theo thời gian thực tế đã sử dụng nhà ở với giá thuê như sau: đối với thời gian sử dụng nhà ở trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì thu tiền thuê nhà ở theo quy định tại Quyết định số 118/TTg ngày 27 tháng 11 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về giá thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương; đối với thời gian sử dụng nhà ở từ sau ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì thu tiền thuê nhà ở theo Quyết định số 17/2008/QĐ-TT ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành giá chuẩn cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại, theo quy định của Nghị định này.

3. Điều kiện nhà ở được bán được quy định như sau:

a) Nhà ở phải không thuộc diện quy định tại Điều 68 của Nghị định này;

b) Nhà ở đang thuê phải thuộc diện được bố trí sử dụng từ trước ngày 19 tháng 01 năm 2007;

c) Đối với nhà ở thuộc diện phải xác lập sở hữu toàn dân theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và thực hiện ký hợp đồng thuê nhà ở theo quy định trước khi bán nhà ở này;

d) Đối với loại nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở từ trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì nhà ở này phải đảm bảo các điều kiện: khu đất đã bố trí làm nhà ở đó có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trụ sở, cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh; cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà ở này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng diện tích nhà ở quy định tại điểm này phải chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó quản lý để thực hiện bán theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp nhà ở đang do Bộ Quốc phòng đang quản lý;

đ) Trường hợp nhà ở do cơ quan, đơn vị có quỹ nhà ở tự quản chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà ở tiếp nhận, quản lý hoặc nhà ở tự quản không còn cơ quan, đơn vị quản lý nhưng tại thời điểm tiếp nhận, nhà ở này đã bị phá dỡ, xây dựng lại thì cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp nhận và căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện bán cho người đang thuê theo giá bán quy định tại Điều 71 của Nghị định này mà không phải lập thủ tục ký hợp đồng thuê nhà ở.

4. Đối với nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở từ trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 mà không đủ điều kiện được bán theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này và trường hợp bố trí sử dụng nhà ở kể từ ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì thực hiện quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 70. Cơ quan bán nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về việc bán nhà ở và giao cho cơ quan quản lý nhà ở thực hiện việc bán nhà ở cũ thuộc tài sản công theo quy định của Nghị định này.

2. Đối với nhà ở cũ thuộc tài sản công tại các địa phương nhưng đang do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu Bộ Quốc phòng có nhu cầu chuyển giao sang cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó quản lý và bán thì Bộ Quốc phòng thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận các nhà ở này. Sau khi tiếp nhận nhà ở từ Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở này và có trách nhiệm tổ chức quản lý, cho thuê hoặc bán theo quy định của Nghị định này.

Điều 71. Giá bán nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Giá bán nhà ở quy định tại Điều này bao gồm cả tiền nhà và tiền sử dụng đất trong khuôn viên của nhà ở đó.

2. Giá bán nhà ở cũ thuộc tài sản công áp dụng cho các trường hợp được bố trí sử dụng từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994, kể cả nhà ở thuộc diện xác lập sở hữu toàn dân theo quy định (không phân biệt trường hợp mua một hoặc mua nhiều nhà ở) được quy định như sau:

a) Tiền nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của nhà ở và hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng; giá trị còn lại của nhà ở được xác định theo tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở nhân (x) với giá nhà ở xây dựng mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và nhân (x) với diện tích sử dụng nhà ở.

Đối với nhà biệt thự có nhiều hộ ở mà có diện tích nhà sử dụng chung thì diện tích sử dụng chung này được phân bổ theo tỷ lệ sử dụng nhà ở (m2) cho mỗi hộ. Đối với nhà ở cấp IV nhưng đã bị phá dỡ và xây dựng lại trước ngày Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (sau đây gọi chung là Nghị định số 99/2015/NĐ-CP) thì giá trị còn lại của nhà ở này được tính bằng 0 (bằng không).

Đối với nhà ở cấp I, cấp II, cấp III nhưng đã bị phá dỡ và xây dựng lại trước ngày Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì xác định giá trị còn lại theo hiện trạng tại thời điểm bố trí ghi trong giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhà ở quy định tại Điều 62 của Nghị định này; trường hợp trong giấy tờ quy định tại điểm này có ghi cấp nhà ở nhưng không ghi chất lượng còn lại thì xác định tỷ lệ chất lượng còn lại bằng 50% giá trị của cấp nhà đó; nếu không ghi cấp nhà ở thì xác định tỷ lệ chất lượng còn lại bằng 50% giá trị của nhà ở cấp III để làm cơ sở tính giá bán nhà ở;

b) Tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong khuôn viên của nhà ở khi chuyển quyền sử dụng gắn với việc bán nhà ở đó được tính theo bảng giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà như sau:

Đối với nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở thì tính bằng 10% giá đất ở khi chuyển quyền sử dụng đất và phân bổ cho các tầng theo các hệ số tầng tương ứng.

Đối với nhà ở một tầng và nhà ở nhiều tầng có một hộ ở, nhà biệt thự có một hộ ở hoặc có nhiều hộ ở thì tính bằng 40% giá đất ở khi chuyển quyền sử dụng đối với phần diện tích đất trong hạn mức đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho mỗi hộ; đối với phần diện tích đất vượt hạn mức đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho mỗi hộ thì tính bằng 100% giá đất ở. Hạn mức đất ở quy định tại điểm này được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm trình giá bán.

Trường hợp nhà biệt thự có nhiều hộ ở thì diện tích đất để tính tiền sử dụng đất của mỗi hộ bao gồm diện tích đất sử dụng riêng không có tranh chấp; diện tích đất xây dựng nhà biệt thự được phân bổ cho các hộ theo diện tích sử dụng nhà của mỗi hộ tương ứng với hệ số tầng; diện tích đất sử dụng chung trong khuôn viên của nhà biệt thự được phân bổ cho các hộ sử dụng chung (tính theo số hộ đang sử dụng nhà biệt thự). Việc tính tiền sử dụng đất của mỗi hộ được thực hiện từ phần diện tích đất xây dựng nhà biệt thự có nhiều hộ ở trước, sau đó tính các phần diện tích khác sau.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc phân bổ phần diện tích đất khi bán nhà biệt thự cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương;

c) Trường hợp nhà ở cũ khi xây dựng có một phần tiền góp của cá nhân và của tập thể mà không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì tiền mua nhà được tính theo quy định tại điểm a khoản này nhưng người mua được trừ số tiền đã góp xây dựng nhà ở trước đây (tính trên tỷ lệ % số tiền đã góp so với giá trị quyết toán khi xây dựng công trình nhà ở); đối với tiền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp đã được cơ quan, đơn vị giao đất để tự xây dựng nhà ở mà kinh phí xây dựng nhà ở này không phải từ ngân sách nhà nước thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Trường hợp đã được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở theo quy định về chính sách thanh lý, hóa giá nhà ở trước đây nhưng Nhà nước mới chỉ thu tiền nhà, chưa tính tiền sử dụng đất khi thanh lý, hóa giá thì thực hiện thu tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản này;

đ) Trường hợp nhà ở cũ thuộc tài sản công đang bố trí cho thuê mà thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, nếu người thuê có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở sau khi được cải tạo, xây dựng lại thì giá thuê nhà ở được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Nghị định này; trường hợp người thuê có nhu cầu mua nhà ở sau cải tạo, xây dựng lại thì được mua phần diện tích sử dụng nhà ở ghi trong hợp đồng thuê nhà ở cũ trước đó theo giá quy định tại điểm a, điểm b khoản này hoặc điểm a, điểm b khoản 3 Điều này; trường hợp diện tích sử dụng nhà ở sau cải tạo, xây dựng lại lớn hơn diện tích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở trước đó thì người mua phải nộp tiền đối với phần diện tích lớn hơn theo giá bán nhà ở tái định cư tính theo m2 được xác định trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

e) Trường hợp nhà ở một tầng có nhiều hộ ở và nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở mà có diện tích nhà ở, đất ở sử dụng chung thì chỉ thực hiện bán phần diện tích sử dụng chung này cho các hộ đang sử dụng nếu được tất cả các hộ đồng ý bằng văn bản và xác định rõ việc phân bổ diện tích cho từng hộ; việc tính tiền nhà, tiền sử dụng đất đối với phần diện tích sử dụng chung trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Trường hợp các hộ không đồng ý phân bổ diện tích sử dụng chung thì cơ quan quản lý nhà ở không bán phần diện tích này và có trách nhiệm quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật về nhà ở.

Trường hợp nhà ở quy định tại điểm này có cả phần diện tích nhà ở thuộc sở hữu tư nhân và diện tích nhà ở cũ thuộc tài sản công thì việc phân bổ diện tích sử dụng chung cũng được xác định cho từng căn hộ; việc bán phần diện tích chung sau khi được phân bổ cho các căn hộ thuộc tài sản công được thực hiện theo quy định tại điểm này;

g) Trường hợp nhà ở nhiều tầng có nhiều hộ ở không phải là nhà chung cư mà Nhà nước đã bán một phần diện tích nhà ở cho người mua, phần diện tích nhà ở còn lại đang để trống nhưng bị hư hỏng và Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, nếu cá nhân, hộ gia đình đã mua một phần diện tích của nhà ở này có nhu cầu mua phần diện tích còn lại thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bán theo giá thị trường cho cá nhân, hộ gia đình đó. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình không có nhu cầu mua thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người đã mua theo quy định của pháp luật về đất đai và tổ chức bán đấu giá toàn bộ nhà, đất này theo quy định về bán tài sản công; tiền thu được từ việc bán đấu giá nhà đất này được nộp vào ngân sách của địa phương.

3. Giá bán nhà ở hoặc nhà ở không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để ở trong khoảng thời gian từ ngày 05 tháng 7 năm 1994 đến trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 (bao gồm cả nhà ở thuộc diện xác lập sở hữu toàn dân và không phân biệt mua một hay nhiều nhà ở) được tính bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tiền nhà được xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong khuôn viên của nhà ở khi chuyển quyền sử dụng đất gắn với việc bán nhà ở đó được tính bằng 100% giá đất ở theo bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và không phân biệt diện tích trong hạn mức đất ở hoặc ngoài hạn mức đất ở.

4. Phương pháp xác định giá trị còn lại của nhà ở, hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng nhà ở, hệ số phân bổ các tầng khi chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này; mẫu biên bản xác định giá trị còn lại của nhà ở cũ được thực hiện theo Mẫu số 01 của Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 72. Việc xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Việc xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công được quy định như sau:

a) Nhà ở được phân loại bao gồm: nhà ở riêng biệt hoặc nhà biệt thự hoặc nhà ở nhiều căn hộ (nhà ở tập thể, nhà ở nhiều căn hộ);

b) Diện tích sử dụng (m2) của mỗi căn hộ là tổng diện tích ở và diện tích phụ sử dụng riêng biệt; đối với nhà ở có nhiều căn hộ thì diện tích sử dụng của mỗi căn hộ là diện tích sử dụng riêng biệt của căn hộ đó cộng (+) với phần diện tích phụ dùng chung cho nhiều hộ được phân bổ theo tỷ lệ diện tích ở của từng căn hộ (nếu có);

c) Diện tích các phòng, các bộ phận sử dụng đều tính theo kích thước thông thuỷ (trừ tường, vách, cột, kể cả lớp trát nhưng không trừ bề dày lớp vật liệu ốp chân tường hay ốp tường);

d) Diện tích giao thông của buồng thang chung, hành lang chung cho các căn hộ; lối vào sảnh của nhà ở hoặc từng tầng đều không tính vào diện tích sử dụng nhà ở.

2. Diện tích sử dụng (m2) là tổng diện tích ở và diện tích phụ được tính như sau:

a) Diện tích ở là tổng diện tích các phòng chính dùng để ở, bao gồm phòng ở (ăn, ngủ, sinh hoạt chung, phòng khách...) trong căn hộ; phòng ở, phòng ngủ trong nhà ở tập thể; các tủ tường, tủ xây, tủ lẩn có cửa mở về phía trong phòng ở; diện tích phần dưới cầu thang bố trí trong các phòng ở của căn hộ (nếu chiều cao từ mặt nền đến mặt dưới cầu thang dưới 1,60 m thì không tính phần diện tích này);

b) Diện tích phụ là tổng diện tích các phòng phụ hoặc bộ phận sau đây: bếp (chỗ đun nấu, rửa, gia công, chuẩn bị) không kể diện tích chiếm chỗ của ống khói, ống rác, ống cấp, thoát nước; phòng tắm rửa, giặt, xí, tiểu và lối đi bên trong các phòng đối với nhà ở thiết kế khu vệ sinh tập trung; kho; một nửa diện tích lôgia; một nửa diện tích ban công; các hành lang, lối đi của căn hộ hoặc các phòng ở; các tiền sảnh, phòng đệm sử dụng riêng cho một căn hộ hoặc một vài phòng ở; các lối đi, lối vào, phòng đệm của khu bếp hay khu tắm rửa, giặt, xí, tiểu tập trung; các tủ xây, tủ lẩn của căn hộ có cửa mở về phía trong các bộ phận hay phòng phụ; trong nhà ở nhiều căn hộ xác định diện tích phụ dùng chung cho nhiều căn hộ để phân bổ tiền cho thuê theo tỷ lệ diện tích ở cho từng căn hộ thì không tính như phòng để xe, phòng sinh hoạt chung, phòng người quản lý hoặc bảo vệ.

3. Hồ sơ xác định diện tích sử dụng cho mỗi căn hộ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Bản vẽ mặt bằng, mặt cắt chính của căn hộ (ngôi nhà): tỷ lệ 1/100 - 1/50; đối với nhà ở nhiều căn hộ phải có mặt bằng của toà nhà, từng tầng, trong đó ghi rõ phần diện tích phụ chung để phân bổ cho từng căn hộ, có mô tả lối đi lại;

b) Báo cáo về các số liệu bao gồm diện tích ở, diện tích phụ riêng của từng căn hộ, diện tích phụ dùng chung cho nhiều hộ (đối với nhà nhiều căn hộ) phân bổ cho căn hộ;

c) Hồ sơ do bên cho thuê nhà ở lập, trong đó ghi rõ họ, tên và chữ ký của người thực hiện, của đại diện bên thuê nhà đứng tên hợp đồng và xác nhận, đóng dấu của cơ quan cho thuê;

d) Tờ khai xác định diện tích sử dụng nhà ở được thực hiện theo Mẫu số 02 của Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Hồ sơ quy định tại khoản này được lập thành 02 bản, trong đó 01 bản lưu tại cơ quan cho thuê nhà ở, 01 bản giao cho bên thuê nhà ở.

4. Việc phân cấp nhà ở cũ thuộc tài sản công làm cơ sở để thực hiện bán nhà ở cũ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục XPhụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 73. Nguyên tắc miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Tiền mua nhà ở cũ thuộc tài sản công, bao gồm tiền sử dụng đất và tiền nhà. Đối với tiền nhà ở cũ thì được giảm theo mức quy định tại Điều 74 của Nghị định này; đối với tiền sử dụng đất thì tùy vào từng đối tượng cụ thể để thực hiện miễn hoặc giảm theo quy định tại Điều 74 của Nghị định này.

2. Việc giảm tiền nhà ở cũ thuộc tài sản công phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Không được tính trùng về thời gian, đối tượng, mỗi đối tượng chỉ được giảm một lần khi mua nhà ở đang thuê;

b) Không thực hiện giảm tiền nhà đối với trường hợp được bố trí sử dụng nhà ở từ ngày 27 tháng 11 năm 1992 đến trước ngày 19 tháng 01 năm 2007, trừ trường hợp người mua nhà ở là người có công với cách mạng thì vẫn được thực hiện giảm tiền nhà;

c) Trong một hộ gia đình có nhiều thành viên có tên trong hợp đồng thuê nhà hoặc có cùng hộ khẩu thường trú tại địa chỉ nhà ở thuộc diện được giảm tiền nhà thì được cộng số tiền được giảm của từng thành viên để tính tổng số tiền mua nhà ở được giảm của cả hộ gia đình nhưng mức giảm tiền nhà không được vượt quá số tiền mua nhà phải nộp (không bao gồm tiền sử dụng đất) trong giá bán nhà;

d) Số năm được tính để giảm tiền nhà là số năm công tác thực tế trong các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước quản lý tính đến thời điểm ký hợp đồng mua nhà. Khi tính số năm công tác nếu có tháng lẻ từ sáu tháng trở xuống thì tính bằng nửa năm và trên sáu tháng thì tính tròn một năm.

3. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất gắn với nhà ở cũ thuộc tài sản công phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi bán nhà ở cũ thuộc tài sản công chỉ xét một lần cho người mua nhà ở; trường hợp một người được hưởng nhiều chế độ giảm thì chỉ áp dụng mức giảm cao nhất để tính. Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều người đang thuê thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất thì được cộng các mức giảm của từng người nhưng tối đa không vượt quá số tiền sử dụng đất mà người mua nhà phải nộp theo quy định;

b) Không thực hiện việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp được bố trí sử dụng nhà ở từ ngày 27 tháng 11 năm 1992 đến trước ngày 19 tháng 01 năm 2007;

c) Người đã được hưởng các chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc tài sản công hoặc đã được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất làm nhà ở hoặc đã được hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng tiền trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không được hưởng miễn, giảm tiền sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất gắn với mua nhà ở theo quy định của Nghị định này;

d) Nguyên tắc, mức miễn, giảm và các đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng khi mua nhà ở cũ thuộc tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 74. Đối tượng, giấy tờ chứng minh đối tượng và mức miễn giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Người mua nhà ở cũ thuộc tài sản công thuộc một trong các đối tượng sau đây thì được được giảm tiền nhà:

a) Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

b) Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Hạ sĩ quan, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí có thời gian hoạt động ở các chiến trường A, B, C, K;

d) Cán bộ công tác tại xã, phường hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc hưởng sinh hoạt phí theo định suất do Nhà nước quy định;

đ) Công nhân, viên chức làm việc thường xuyên từ một năm trở lên trong các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng và đoàn thể;

e) Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản này được cử sang làm việc trong các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các văn phòng đại diện kinh tế, thương mại được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình nước ngoài đặt tại Việt Nam và các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác;

g) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động trợ cấp tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, trợ cấp công nhân cao su, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp thôi việc trước và sau khi có Quyết định số 111/HĐBT ngày 12 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hoặc trước và sau khi có Bộ Luật lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành;

h) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng mà hưởng trợ cấp phục viên hoặc xuất ngũ; những người phục viên trước năm 1960;

i) Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

k) Người khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện được hưởng bảo trợ xã hội và các đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.

2. Người mua nhà ở cũ thuộc tài sản công thuộc một trong các đối tượng sau đây thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất:

a) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;

b) Hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét duyệt.

3. Mức miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc tài sản công được quy định như sau:

a) Đối với tiền nhà thì mức giảm được xác định theo quy định sau đây:

Mỗi năm công tác người mua nhà được giảm tương ứng với 0,69 lần mức lương tối thiểu dùng để áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo quy định của Chính phủ. Trường hợp người mua nhà ở có thời gian làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân thì mỗi năm công tác trong lực lượng vũ trang được giảm số tiền tương ứng bằng 1,24 lần mức lương tối thiểu quy định tại điểm này.

Trường hợp người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi có năm công tác để tính giảm nhưng tổng số tiền được giảm tính theo năm công tác nhỏ hơn 6,9 lần mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ thì được giảm bằng 6,9 lần mức lương tối thiểu cho một người; trường hợp không có năm công tác để tính thì được giảm bằng 6,9 lần mức lương tối thiểu.

Đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì thực hiện tính giảm cho cả hộ gia đình, không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình;

b) Đối với tiền sử dụng đất thì mức miễn, giảm được xác định theo quy định sau đây:

Đối với hộ nghèo, cận nghèo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được giảm 60% tiền sử dụng đất phải nộp; mức giảm này được tính cho cả hộ gia đình (không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình).

4. Người được miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc tài sản công phải có một trong các giấy tờ chứng minh sau đây:

a) Giấy xác nhận về số năm công tác của cơ quan, đơn vị nơi người mua nhà ở đang làm việc;

b) Giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nếu người mua nhà ở đang hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, hưởng trợ cấp ngành nghề theo quy định của pháp luật;

c) Bản sao có chứng thực quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp thôi việc trước và sau khi có Quyết định số 111/HĐBT ngày 12 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hoặc trước và sau khi có Bộ Luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành, trợ cấp phục viên hoặc xuất ngũ; trường hợp mất quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp thì phải có kê khai đầy đủ quá trình công tác và có xác nhận của cơ quan, đơn vị cũ;

d) Trường hợp người mua nhà ở thuộc đối tượng quy định tại điểm i, điểm k khoản 1 Điều này thì phải có giấy tờ chứng minh theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Nghị định này.

Điều 75. Hồ sơ, trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Hồ sơ đề nghị bán nhà ở cũ thuộc tài sản công bao gồm:

a) Đơn đề nghị mua nhà ở được lập theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chính hợp đồng thuê nhà ở; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh đã nộp đủ tiền thuê nhà ở và chi phí quản lý vận hành nhà ở đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mua nhà ở đối với loại nhà ở phải nộp chi phí quản lý vận hành nhà ở; trường hợp là vợ chồng thì phải có bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã xuất cảnh ra nước ngoài thì phải có văn bản ủy quyền (có xác nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực theo quy định) cho các thành viên khác đứng tên mua nhà ở; nếu có thành viên có tên trong hợp đồng thuê nhà ở đã chết thì phải có giấy chứng tử kèm theo.

Trường hợp có thành viên thuê nhà ở khước từ quyền mua và đứng tên trong Giấy chứng nhận đối với nhà ở thì phải có văn bản khước từ quyền mua, không đứng tên trong Giấy chứng nhận và cam kết không có tranh chấp, khiếu kiện về việc mua bán nhà ở này;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền mua nhà ở (nếu có).

2. Trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc tài sản công được thực hiện như sau:

a) Người mua nhà ở nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ cho đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở hoặc cơ quan quản lý nhà ở theo quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận, ghi giấy biên nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và lập danh sách người mua nhà ở;

c) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ mua nhà ở cũ thuộc tài sản công, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở để xác định giá bán nhà ở;

d) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh lập danh sách đối tượng được mua nhà ở kèm theo văn bản xác định giá bán nhà ở của Hội đồng xác định giá bán nhà ở trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định.

Đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị Hội đồng xác định giá bán nhà ở họp để xác định giá; sau đó trình Bộ Quốc phòng ban hành quyết định bán nhà ở;

đ) Trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, ban hành quyết định bán nhà ở cũ, trong đó nêu rõ đối tượng được mua nhà ở, địa chỉ nhà ở được bán, giá bán nhà ở cũ, giá chuyển quyền sử dụng đất và gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở biết để phối hợp thực hiện ký kết hợp đồng mua bán nhà ở;

e) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định bán nhà ở cũ, đơn vị quản lý vận hành nhà ở thông báo cho người mua nhà biết thời gian cụ thể để ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở;

g) Thời gian quy định tại khoản này không tính vào thời gian nộp nghĩa vụ tài chính và thời gian cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.

Việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải gửi danh sách người mua nhà ở đã được cấp giấy và sao 01 bản Giấy chứng nhận cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh lưu để theo dõi;

h) Trường hợp quá 90 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở có thông báo về thời gian ký hợp đồng mua bán nhà ở mà người mua chưa thực hiện ký hợp đồng, nếu có thay đổi về giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì cơ quan quản lý nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt giá mới trước khi ký kết hợp đồng mua bán với người mua nhà ở;

i) Trường hợp người mua không ký hợp đồng mua bán nhà ở theo thời hạn thông báo thì cơ quan quản lý nhà ở có văn bản thông báo lần hai để người mua nhà biết, trong đó ghi rõ thời hạn bên mua nhà phải thực hiện ký hợp đồng mua bán nhà ở là 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo lần hai. Trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo lần hai, nếu người mua không ký kết hợp đồng mua bán nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy bỏ quyết định bán nhà ở đã ký và tiếp tục thực hiện quản lý cho thuê nhà ở này theo quy định của Nghị định này.

Điều 76. Giải quyết phần diện tích nhà, đất sử dụng chung của nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Trường hợp nhà ở có nhiều hộ ở mà Nhà nước đã bán hết phần diện tích nhà thuộc quyền sử dụng riêng cho các hộ nhưng chưa bán phần diện tích nhà, đất sử dụng chung trong khuôn viên của nhà ở đó (diện tích nhà sử dụng chung bao gồm diện tích hành lang, cầu thang và các diện tích khác sử dụng chung trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc tài sản công đó), nếu tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu toàn bộ diện tích nhà ở mà Nhà nước đã bán có nhu cầu mua toàn bộ phần diện tích nhà, đất sử dụng chung này thì giải quyết như sau:

a) Tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền nhà và tiền sử dụng đất đối với phần diện tích sử dụng chung này;

b) Mức thu tiền nhà được xác định theo tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở nhân (x) với giá nhà ở xây dựng mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và nhân (x) với toàn bộ diện tích sử dụng chưa bán;

c) Mức thu tiền sử dụng đất được tính bằng 100% giá đất ở theo bảng giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán; không áp dụng hạn mức đất ở theo pháp luật về đất đai để tính thu tiền sử dụng đất trong trường hợp này;

d) Trước khi thực hiện bán phần diện tích nhà, đất sử dụng chung theo quy định tại khoản này, cơ quan bán nhà ở không phải ký hợp đồng thuê đối với phần diện tích sử dụng chung này.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc tài sản công hoặc trường hợp sử dụng đất liền kề với nhà ở cũ thuộc tài sản công thì thực hiện giải quyết quyền sử dụng đất này theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Đối với phần diện tích nhà, đất thuộc sử dụng chung quy định tại khoản 1 Điều này mà chủ sở hữu nhà không mua hoặc không đủ điều kiện được bán thì cơ quan quản lý nhà ở chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở để thực hiện quản lý theo quy định của Nghị định này, pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện đo vẽ, lập hồ sơ và thực hiện quản lý phần diện tích nhà đất thuộc sử dụng chung quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 77. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết bán phần diện tích nhà, đất sử dụng chung của nhà ở cũ thuộc tài sản công

1. Hồ sơ đề nghị bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Đơn đề nghị được lập theo Mẫu số 04 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đối với phần diện tích nhà, đất đã mua; nếu chưa có Giấy chứng nhận thì phải có hợp đồng mua bán phần diện tích nhà ở đã ký với cơ quan có thẩm quyền, giấy tờ chứng minh đã thanh toán hết tiền mua phần diện tích nhà đất theo hợp đồng đã ký; trường hợp là vợ chồng thì phải có bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận kết hôn.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết được thực hiện như sau:

a) Người đề nghị gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở hoặc đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và ghi giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, trong đó ghi rõ ngày nhận kết quả. Trường hợp hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận phải có văn bản đề nghị người có đơn bổ sung giấy tờ còn thiếu theo quy định.

Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ là đơn vị quản lý vận hành nhà ở thì trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, đơn vị quản lý vận hành nhà ở có trách nhiệm kiểm tra và lập danh sách kèm theo hồ sơ để báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh;

c) Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo của đơn vị quản lý vận hành nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở để tính tiền nhà, tiền sử dụng đất theo quy định và có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trường hợp cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thì trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải kiểm tra và tổ chức họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở;

d) Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành quyết định bán phần diện tích nhà, đất sử dụng chung trong khuôn viên nhà ở cũ cho ngưi mua. Quyết định này được gửi đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh và đơn vị quản lý vận hành nhà ở để thông báo cho người mua biết để thực hiện ký kết hợp đồng. Trường hợp người mua không thực hiện theo thông báo thì giải quyết theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 75 của Nghị định này;

đ) Sau khi người mua nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định, cơ quan quản lý nhà ở chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận cho người mua hoặc đăng ký biến động Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở

  • Số hiệu: 95/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH