CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93-CP | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 1997 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thương mại,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này một số điều khoản sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996.
Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN
SỬA ĐỔI BỔ SUNG QUY CHẾ ĐẦU THẦU BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/CP NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 93/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ)
Điều 3.- Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức áp dụng.
Nay bổ sung thêm điểm g) vào khoản 2:
g. Mưa sắm đặc biệt: áp dụng cho các trường hợp đặc biệt (ngoài các phương thức nêu trên), chủ đầu tư phải xây dựng phương án thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Điều 8.- Thuyết minh và sửa đổi tài liệu đấu thầu.
Nay sửa đổi như sau:
Các nhà thầu không được phép thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã hết thời hạn nộp thầu. Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm sáng tỏ một số vấn đề dưới hình thức trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo tính công khai, bình đẳng và không làm thay đổi nội dung cơ bản hồ sơ dự thầu và giá bỏ thầu. Những đề nghị làm sáng tỏ của bên mời thầu cũng như những ý kiến trả lời của nhà thầu đều phải thực hiện bằng văn bản. Những giải đáp của nhà thầu dẫn đến sự thay đổi về giá bỏ thầu đã đề xuất sẽ không được xem xét. Bên mời thầu phải lưu trữ những tài liệu đề nghị làm sáng tỏ và những giải đáp liên quan.
Điều 9.- Thời hạn nộp thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu.
Nay sửa đổi như sau:
Trong hồ sơ mời thầu bên mời thầu phải ghi rõ thời hạn nộp thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Thời hạn nộp thầu sẽ tuỳ thuộc quy mô và sự phức tạp của gói thầu nhưng tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu. Trong trường hợp đặc biệt, bên mời thầu cần sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu khi chưa hết hạn nộp thầu, có thể gia hạn thời hạn nộp thầu. Bên mời thầu phải gửi nội dung sửa đổi bằng văn bản tới tất cả các nhà thầu tham gia trước khi hết thời hạn nộp thầu đã quy định ít nhất là 10 ngày để nhà thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu.
Thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là thời hạn kể từ ngày hết thời hạn nộp thầu đến ngày công bố kết quả trúng thầu. Trường hợp phải kéo dài thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu. Nếu nhà thầu không chấp nhận thì vẫn được hoàn trả tiền bảo lãnh dự thầu.
Điều 10.- Mở thầu, xếp hạn nhà thầu, xét chọn và công bố kết quả đấu thầu.
Nay sửa đổi khoản 1 như sau:
1. Mở thầu: những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn sẽ được bên mời thầu tiếp nhận và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ mật. Việc mở thầu được tiến hành công khai theo ngày, giờ và địa điểm ghi trong hồ sơ mời thầu. Đại diện của bên mời thầu và các nhà thầu tham dự (nếu có) phải ký vào biên bản mở thầu.
Biên bản mở thầu ghi rõ tên gói thầu, ngày giờ và địa điểm mở thầu, tên và địa chỉ các nhà thầu, giá bỏ thầu (trừ đấu thầu tuyển chọn tư vấn), bảo lãnh dự thầu (nếu có), các văn bản bổ sung hoặc sửa đổi và các chi tiết khác.
Những đơn dự thầu không hợp lệ theo quy định của hồ sơ mời thầu sẽ bị loại.
Điều 22.- Đáng giá, xếp hạng nhà thầu và trình duyệt kết quả đấu thầu.
Nay bổ sung khoản 4 như sau:
4. Đối với các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên, đấu thầu một túi hồ sơ, hai túi hồ sơ hoặc đấu thầu hai giai đoạn, khi đánh giá hồ sơ dự thầu đều phải thực hiện theo hai bước.
Bước 1: Đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn danh sách ngắn.
Bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật để bên mời thầu xem xét và đàm phán cụ thể với từng nhà thầu nhằm thống nhất về yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ kỹ thuật chính thức của mình.
Sau khi đã bổ sung, hoàn chỉnh nội dung kỹ thuật cho phù hợp với yêu cầu của bên mời thầu, các nhà thầu nộp hồ sơ chính thức về chào thầu kỹ thuật. Bên mời thầu chọn danh sách ngắn.
Bước 2: Đánh giá về mặt tài chính các hồ sơ dự thầu thuộc danh sách ngắn để so sánh và xếp hạng nhà thầu.
Các nhà thầu trong danh sách ngắn nộp hồ sơ chào thầu chính thức về tài chính. Bên mời thầu đánh giá kết quả chào thầu về mặt tài chính để so sánh và xếp hạng nhà thầu.
Bên mời thầu có thể yêu cầu các nhà thầu chào lại giá thầu. Bên mời thầu không đàm phán trực tiếp với nhà thầu mà gửi thư yêu cầu công khai đến các nhà thầu.
Nay sửa đổi như sau:
Hồ sơ dự thầu xây lắp bao gồm:
Đơn dự thầu.
Bản sao giấy đăng ký kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề.
Tài liệu giới thiệu năng lực nhà thầu.
Biện pháp thi công tổng thể và biện pháp thi công chi tiết các hạng mục công trình.
Tổ chức thi công và tiến độ thực hiện hợp đồng.
Bản dự toán giá dự thầu.
Bảo lãnh dự thầu.
Điều 42.- Trách nhiệm và quyền hạn của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Nay bổ sung sửa đổi như sau:
1. Xét duyệt hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và danh sách các nhà thầu được mời tham dự đấu thầu (danh sách ngắn).
2. Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
3. Kiểm tra, chỉ đạo bên mời thầu thực hiện đúng quy chế đấu thầu.
4. Phê duyệt hợp đồng.
5. Kiểm tra, chỉ đạo bên mời thầu ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện hợp đồng với bên trúng thầu.
Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thuộc nhóm A (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng), Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nội dung 1, 3, 4 và 5 của Điều này.
Điều 43.- Phê duyệt và uỷ quyền phê duyệt kết quả đấu thầu.
Nay bổ sung sửa đổi khoản 2 như sau:
2. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư Dự án sử dụng vốn Nhà nước thuộc nhóm B (theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng) sử dụng bộ máy chuyên môn giúp việc của mình và có thể mời thêm chuyên gia để tư vấn khi quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu tuyển chọn tư vấn có giá trị từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư. Các gói thầu tư vấn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên và các gói thầu mua sắm thiết bị hoặc xây lắp có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên, phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi phê duyệt kết quả đấu thầu. Các gói thầu còn lại có giá trị thấp hơn quy định trên được phép uỷ quyền cho cấp dưới mình một cấp phê duyệt.
Nghị định 93-CP năm 1997 sửa đổi Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 43/CP
- Số hiệu: 93-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 23/08/1997
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 19
- Ngày hiệu lực: 07/09/1997
- Ngày hết hiệu lực: 16/09/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực