Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 91-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 91-CP NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1997 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế Đăng ký tầu biển và thuyền viên".

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 14/CP ngày 25 tháng 2 năm 1994 của Chính phủ.

Các quy định về đăng ký tầu biển và thuyền viên trái với Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện "Quy chế đăng ký tầu biển và thuyển viên" ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trường cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng có quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Trần Đức Lương

(Đã ký)

QUY CHẾ
ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy chế này quy định các nguyên tắc tổ chức thực hiện việc đăng ký tầu biển, thuyền viên tại Việt Nam và đăng ký tầu biển thuộc sở hữu Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 2.-

1. Các loại tầu biển dưới đây bắt buộc phải được đăng ký theo quy định của Quy chế này:

a) Tầu biển có trang bị động cơ với công suất máy chính từ 75/CV trở lên;

b) Tầu biển không có động cơ, nhưng có dung tích toàn phần từ 50 GRT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 DWT trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên;

c) Tầu biển khác nhỏ hơn các loại quy định tại Điểm a và Điểm b của Khoản này, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài;

d) Các tầu biển chuyên dùng đánh bắt, chế biến và vận chuyển trong nước thuỷ hải sản.

2. Các tầu biển chuyên dùng vào mục đích quân sự, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và thuyền viên làm việc trên các loại tầu đó được đăng ký theo quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 3.-

1- Chủ tầu chỉ được phép cho tầu hoạt động sau khi đã hoàn tất việc đăng ký tầu biển và thuyền viên theo quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Chủ tầu nói ở đây được hiểu là pháp nhân hoặc cá nhân sở hữu tầu đứng tên đăng ký tầu theo pháp luật Việt Nam.

2. Nhà nước Việt Nam bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp của chủ tầu đối với tầu biền kể từ khi tầu đã được đăng ký cho đến lúc xoá đăng ký.

3. Chủ tầu có nghĩa vụ quản lý, khai thác tầu biển đã được đăng ký tại Việt Nam trên cơ sở pháp luật Việt Nam và nộp lệ phí đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính và pháp luật hiện hành.

Điều 4.-

1. Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam) quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên trực thuộc; chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký đối với các loại tầu biển nói tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 2 của Quy chế này.

2. Bộ Thuỷ sản quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên trực thuộc; chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký đối với các loại tầu biển nói tại Điểm d, Khoản 1, Điều 2 của Quy chế này.

Điều 5.- Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên hoạt động ở từng khu vực theo quy định và phân cấp của Thủ tướng các cơ quan nói tại Điều 4 Quy chế này, gọi tắt là Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực; các cơ quan này phải lập và quản lý "Sổ đăng ký tầu biển khu vực", thực hiện những nhiệm vụ khác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước chuyên ngành được cấp có thẩm quyền uỷ quyền.

Chương 2:

ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN

MỤC A: CÁC ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN

Điều 6.- Tầu biển được đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" của Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Không còn mang đăng ký tầu biển nước khác;

2. Tầu đã được Đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ quan đăng kiểm tầu biển có thẩm quyền kiểm tra kỹ thuật, phân cấp tầu, đo dung tích và cấp các giấy chứng nhận cần thiết tương ứng với cấp tầu, loại tầu và mục đích sử dụng;

3. Nếu là tầu cũ mua của nước ngoài, lần đầu tiên xin đăng ký hoặc tái đăng ký tại Việt Nam thì không được quá 15 tuổi. Trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;

4. Thuộc sở hữu của tổ chức Việt Nam có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

5. Phải có tên gọi riêng do chủ tầu tự đặt, và được cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên chấp thuận. Trong trường hợp dùng tên các nhân vật lịch sử, sự kiện hoặc địa danh lịch sử để đặt tên tầu thì phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (nếu là tầu chuyên dùng ngành thuỷ sản) chấp thuận bằng văn bản;

6. Chủ tầu phải cam kết không sử dụng tầu vào các mục đích trái pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uỷ tín của Nhà nước Việt Nam.

Điều 7.- Tầu biển thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh hoặc của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 6 của Quy chế này cũng được đăng ký tại Việt Nam.

Điều 8.-

1. Tầu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được đăng ký tại Việt Nam nếu có đủ các điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 6 của Quy chế này.

2. Tầu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài mà tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp Việt Nam thuê theo Hợp đồng thuê - mua có thể được đăng ký tại Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều 6 của Quy chế này.

MỤC B: TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TẦU BIỂN

Điều 9.-

1. Chủ tầu có nghĩa vụ đăng ký tầu biển của mình tại Cơ quan đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực.

2. Trong cùng một thời điểm, mỗi tầu biển chỉ được phép đăng ký tại một cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên nhất định.

Điều 10.- Khi tiến hành thủ tục đăng ký, chủ tầu phải nộp và xuất trình bản chính (hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) các giấy tờ sau đây:

1. Các giấy tờ phải nộp (mỗi thứ một bản):

- Đơn xin đăng ký tầu biển có cam kết quy định tại khoản 6 Điều 6 của Quy chế này;

- Giấy chứng nhận xoá đăng ký cũ (nếu là tầu cũ) hoặc giấy xác nhận tạm ngừng đăng ký gốc trong thời gian cho thuê tầu trần hay cho thuê mua do cơ quan đăng ký nước ngoài của tầu đó cấp;

- Hợp đồng đóng tầu hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu tầu;

- Giấy phép mua tầu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (nếu là tầu mua từ nước ngoài);

- Giấy chứng nhận cấp tầu; giấy chứng nhận khả năng đi biển và giấy chứng nhận dung tích tầu biển;

- Giấy chứng nhận có liên quan đến hiện trạng về sở hữu của tầu biển;

- Giấy chứng nhận đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có).

2. Các giấy tờ phải xuất trình:

- Hồ sơ an toàn kỹ thuật của tầu do cơ quan đăng kiểm cấp;

- Giấy phép sử dụng đài tầu do cơ quan bưu điện có thẩm quyền cấp (nếu có trang bị trạm thu phát vô tuyến điện trên tầu);

- Các giấy chứng nhận khác về quyền sử dụng và khai thác tầu biển do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tầu.

Điều 11.-

1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Quy chế này, Cơ quan Đăng ký tầu biển và Thuyền viên khu vực có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký vào "Sổ đăng ký tầu biển khu vực" và cấp "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" (theo mẫu thống nhất trong cả nước) cho chủ tầu. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hoặc hồ sơ xin đăng ký tầu chưa hợp lệ, thì phải kịp thời thông báo cho chủ tầu biết.

2. Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển", tầu biển đó phải được ghi vào "Sổ đăng ký tầu biển Quốc gia" của Việt Nam.

3. Chủ tầu, thuyền trưởng của tầu biển có nghĩa vụ bảo quản và lưu giữ thường xuyên ở trên tầu "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" do cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên cấp. Trường hợp "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" bị mất, bị hư hỏng hoặc có sự thay đổi: Tên tầu, hô hiệu, các thông số kỹ thuật của tầu, thì chủ tầu phải làm ngay thủ tục xin cấp lại. "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" được cấp lại trong các trường hợp nói trên phải giữ nguyên số đăng ký và ngày đăng ký đã ghi trong "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" đã cấp trước đó.

Điều 12.- Ngay sau khi tầu biển đã được đăng ký, chủ tầu có quyền và nghĩa vụ treo cờ Quốc tịch của Việt Nam ở trên tầu; đồng thời, phải sơn kẻ tên tầu, địa danh nơi đăng ký tầu và biểu trưng tầu biển Việt Nam ở trên tầu. Biểu trưng tầu biển Việt Nam nói tại Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Cơ quan Đăng ký tầu biển và Thuyền viên.

MỤC C: THAY ĐỔI TÊN TẦU, TÁI ĐĂNG KÝ VÀ CHUYỂN ĐĂNG KÝ

Điều 13.- Trường hợp cần đổi tên tầu, chủ tầu phải làm đơn nói rõ lý do. Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên nơi tầu đó đăng ký xem xét để cấp lại "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển" cho tầu chậm nhất 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 14.-

1. Trường hợp tầu tái đăng ký tại cơ quan mà trước đây tầu đó đã được đăng ký, thì Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên đó căn cứ hồ sơ cũ, đơn và hồ sơ tái đăng ký của chủ tầu để cấp lại "Giấy chứng nhận đăng ký tầu biển".

2. Khi thay đổi chủ tầu trên cơ sở hợp đồng chuyển quyền sở hữu tầu hoặc chuyển đăng ký tầu từ cơ quan đăng ký này đến cơ quan đăng ký khác tại Việt Nam, thì trình tự và thủ tục đăng ký được tiến hành theo quy định tại Mục B, Chương II của Quy chế này.

MỤC D: THỦ TỤC XOÁ ĐĂNG KÝ

Điều 15.-

1. Tầu biển Việt Nam đương nhiên được xoá đăng ký trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" trong những trường hợp sau:

a. Tầu bị phá huỷ hoặc bị chìm đắm mà cơ quan điều tra tai nạn hàng hải có thẩm quyền xác nhận đã thực sự bị mất khả năng đi biển;

b. Tầu bị coi là mất tích khi tầu bị mất hoàn toàn liên lạc với chủ tầu trong một thời gian dài gấp hai lần thời gian cần thiết để tầu có thể đi từ nơi chủ tầu nhận được tin tức cuối cùng của tầu đến cảng đích trong những điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khoảng thời gian này không được ít hơn 30 ngày và cũng không được kéo dài quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được tin tức cuối cùng của tầu. Trong trường hợp do ảnh hưởng bởi chiến sự, thì thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 180 ngày;

c. Tầu hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả kinh tế khi các chi phí sửa chữa, phục hồi vượt quá giá trị thực tế của tầu trước khi bắt đầu chuyến đi hay khi việc sửa chữa tầu không thể thực hiện được tại chỗ và cũng không có khả năng đưa tầu đến nơi khác để sửa chữa;

d. Tầu không còn đủ cơ sở, điều kiện để mang Quốc tịch Việt Nam theo quy định của Quy chế này;

e. Tầu không còn tính năng tầu biển khi đã bị mất các đặc tính kỹ thuật cơ bản theo quy phạm về thiết kế - đóng tầu biển hiện hành.

2. Tầu biển Việt Nam có thể được xoá đăng ký trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" theo đề nghị của chủ tầu khi thực hiện việc chuyển quyền sở hữu hoặc chuyển đi đăng ký ở nước ngoài.

Điều 16.-

Chủ tầu phải làm đơn nói rõ lý do xoá đăng ký tầu biển theo quy định tại Điều 15 của Quy chế. Cơ quan Đăng ký tầu biển và Thuyền viên khu vực phải thẩm tra tính xác thực của việc xin xoá đăng ký trước khi cấp "Giấy chứng nhận xoá đăng ký" trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn; chậm nhất 3 ngày kể từ ngày cấp "Giấy chứng nhận xoá đăng ký" phải xoá tên tầu đó trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia".

MỤC E: THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VIỆC CẦM CỐ, THẾ CHẤP VÀ CẦM GIỮ HÀNG HẢI TẦU BIỂN

Điều 17.-

1. Thủ tục và trình tự cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

2. Việc cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển phải được đăng ký tại Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực nơi tầu biển đó đăng ký và phải được ghi vào "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia".

3. Sau khi đã đăng ký cầm cố, thế chấp hoặc cầm, giữ hàng hải tầu biển, Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực nơi tầu đó đăng ký sẽ cấp giấy chứng nhận về đăng ký cầm cố, thế chấp hoặc cầm giữ hàng hải tầu biển.

Điều 18.-

1. Trong trường hợp tầu biển bị cầm cố, bị thế chấp và bị cầm giữ hàng hải thì người nhận cầm cố, người nhận thế chấp hoặc người yêu cầu cầm giữ hàng hải tầu biển phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực nơi tầu biển đó đăng ký để ghi vào "Sổ đăng ký tầu biển khu vực".

2. Việc cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển chỉ chấm dứt hiệu lực theo quy định của pháp luật hoặc sau khi người nhận cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển đó có văn bản đề nghị huỷ bỏ.

3. Thứ tự đăng ký việc cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia" là cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

4. Khi có yêu cầu hợp pháp Cơ quan Đăng ký tầu biển và Thuyền viên có trách nhiệm cung cấp những thông tin về tình trạng sở hữu tầu biển đã được đăng ký cho tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu.

Điều 19.-

1. Tổ chức, cá nhân muốn đăng ký cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tầu biển phải nộp cho cơ quan đăng ký tầu biển và thuyền viên nơi tầu biển đó đăng ký các giấy tờ sau đây:

- Đơn xin đăng ký cầm cố, thể chấp hoặc cầm giữ hàng hải tầu biển;

- Hợp đồng cầm cố, thể chấp tầu biển hoặc văn bản cầm giữ hàng hải tầu biển (nếu là bản sao phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).

2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ các giấy tờ quy định ở Khoản 1 Điều này, Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên khu vực nơi tầu đó đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký cầm cố, thế chấp hoặc cầm giữ hàng hải tầu biển. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận do không đủ điều kiện hoặc chưa cấp được vì lý do chính đáng, thì phải kịp thời thông báo cho tổ chức hoặc cá nhân đó biết.

3- Cơ quan đăng ký tầu biển và thuyên viên được thu lệ phí đăng ký cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải theo quy định của Bộ Tài chính.

MỤC F: ĐĂNG KÝ Ở NƯỚC NGOÀI TẦU BIỂN THUỘC SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM

Điều 20.-

1. Tầu biển thuộc sơ hữu của tổ chức Việt Nam có trụ sở chính ở Việt Nam và của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có thể được phép đăng ký ở nước ngoài, nếu có đủ các điều kiện sau:

a) Tầu được khai thác trên cơ sở hợp đồng thuê tầu trần hoặc hợp đồng thuê - mua tầu được ký kết giữa chủ tầu Việt Nam với tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài;

b) Tầu được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp thuận việc đăng ký tầu biển ở nước đó, nhưng vẫn giữa nguyên quyền sở hữu của chủ tầu Việt Nam;

c) Chủ tầu phải cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ do pháp luật Việt Nam quy định.

2. Việc cho phép đăng ký ở nước ngoài tầu biển thuộc sơ hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (nếu là tầu biển chuyên dùng cho ngành thuỷ sản) quyết định.

Điều 21.-

1. Trước khi đăng ký ở nước ngoài mà tầu đã đăng ký tại Việt Nam, thì chủ tầu phải làm đơn xin xoá đăng ký hoặc xin phép tạm ngừng đăng ký trong "Số đăng ký tầu biển quốc gia".

2. Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên nơi tầu đó đăng ký thực hiện việc xoá đăng ký và cấp "Giấy chứng nhận xoá đăng ký" hoặc "Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký" cho các tầu biển Việt Nam để đăng ký ở nước ngoài; đồng thời kịp thời báo cáo cho Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên để xoá tên tầu đó trong "Sổ đăng ký tầu biển quốc gia".

Điều 22.- Việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề liên quan đến tầu biển quy định tại Điều 20 của Quy chế này phải thực hiện theo nguyên tắc sau:

1. Pháp luật Việt Nam áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tầu biển.

2. Pháp luật nước ngoài nơi tầu được phép đăng ký chỉ áp dụng để giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền khai thác và quản lý tầu trên cơ sở hợp đồng thuê tầu trần hoặc hợp đồng thuê - mua tầu.

Chương 3:

ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN

Điều 23.- Tầu biển Việt Nam chỉ được phép tiến hành các hoạt động hàng hải theo mục đích đã đăng ký khi định biên thuyền bộ của tầu được bố trí phù hợp với quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 24.-

1. Chỉ được phép bố trí những công dân Việt Nam có đủ điều kiện sức khoẻ và có chứng chỉ chuyên môn hàng hải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam để làm việc trên các tầu biển.

2. Thuyền viên nước ngoài được làm việc trên tầu biển Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam, nhưng tổng số không vượt quá 1/3 định biên của mỗi tầu và thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất phải là công dân Việt Nam.

3. Thuyền viên nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều này phải có đủ điều kiện sức khoẻ và chứng chỉ chuyên môn hàng hải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Các loại chứng chỉ chuyên môn hàng hải do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp cho thuyên viên nước ngoài chỉ được công nhận nếu có ghi rõ những chứng chỉ đó cấp theo quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 25.-

1. Chủ tầu chịu trách nhiệm bố trí định biên thuyền bộ cho tầu theo quy định của pháp luật và định biên thuyền bộ này phải được đăng ký tại cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên nơi tầu đó đăng ký.

2. Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên nơi tầu đó đăng ký có trách nhiệm kiểm tra việc bố trí thuyền bộ của chủ tầu và tiến hành thủ tục đăng ký vào "Sổ danh bạ thuyền viên" được cấp cho tầu. Trường hợp bố trí định biên thuyền bộ không phù hợp, phải kịp thời yêu cầu chủ tầu bố trí lại theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 26.-

1. Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên có trách nhiệm cấp Hộ chiếu thuyền viên cho thuyền viên là công dân Việt Nam làm việc trên tầu biển Việt Nam hoạt động tuyến nước ngoài.

2. Hồ sơ xin cấp Hộ chiếu thuyền viên bao gồm:

a) Đơn xin cấp Hộ chiếu thuyền viên của từng cá nhân;

b) Một bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của chủ tầu và 2 ảnh mầu cỡ 4x6;

c) Bản sao các chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

d) Quyết định của chủ tầu về việc cử thuyền viên làm việc trên tầu hoạt động tuyến nước ngoài;

3. Chủ tầu hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình về việc cử thuyền viên làm việc trên tầu hoạt động tuyến nước ngoài.

Điều 27.-

1. Thời hạn giá trị của Hộ chiếu thuyền viên được ghi trong Hộ chiếu thuyền viên. Việc gia hạn hộ chiếu thuyền viên, chuyển tên tầu và thay đổi chức danh trong Hộ chiếu thuyền viên do Cơ quan Đăng ký Tầu biển và Thuyền viên nơi tầu đó đăng ký thực hiện trên cơ sở quyết định điều động (hoặc thay đổi chức danh) thuyền viên của chủ tầu.

2. Việc sử dụng và bảo quản Hộ chiếu thuyền viên phải theo đúng quy định của pháp luật.

3. Chỉ có chủ tầu, thuyền viên và các tổ chức cho thuê thuyền viên tại Việt Nam mới được phép xin cấp Hộ chiếu thuyền viên.

Điều 28.- Bộ Thuỷ sản quy định thủ tục đăng ký thuyền viên làm việc trên tầu biển chuyên dùng của ngành thuỷ sản.

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 29.-

1. Mọi hành vi vi phạm chế độ đăng ký tầu biển và thuyền viên quy định tại Quy chế này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các khiếu nại, tố cáo của tổ chức và cá nhân liên quan đến vi phạm chế độ đăng ký tầu biển và thuyền viên quy định tại Quy chế này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 91-CP về Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên

  • Số hiệu: 91-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/08/1997
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Trần Đức Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 07/09/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 12/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản