Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 91-BCN-QĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Chiếu Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ tháng 9 năm 1955 tách Bộ Công thương thành Bộ Công Nghiệp và Thương nghiệp;
Chiếu thông tư số 645 ngày 2/3/1956 của Thủ tướng Phủ về việc các Bộ ra nghị định tạm thời quy định nhiệm vụ quyền hạn cho các cơ quan trực thuộc;
Xét nhu cầu công tác, cần có những bộ máy làm việc tạm thời ngay, trong khi chờ đợi nghị định chính thức của Thủ tướng phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ công nghiệp như sau:

I. - NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN.

Điều 2. - Bộ Công nghiệp có nhiệm vụ:

- Căn cứ vào chủ trương chính sách và kế hoạch kinh tế tài chính của Chính phủ, nghiên cứu dự thảo chương trình kế hoạch sản xuất công nghiệp, kế hoạch phục hồi xây dựng và phát triển công nghiệp để trình Chính phủ xét duyệt.

- Lãnh đạo các bộ phần và các xí nghiệp của Bộ chấp hành chủ trương, chính sách kinh tế tài chính của Chính Phủ, đảm bảo thực hiện Kế hoạch Nhà nước về phần kế hoạch sản xuất công nghiệp, kế hoạch phục hồi, xây dựng, phát triển công nghiệp và quản lý các xí nghiệp quốc doanh, hợp doanh thuộc Bộ.

- Nghiên cứu về khoáng sản, thăm dò các mỏ, sưu tầm tài liệu đánh giá và bảo vệ tài nguyên về khoáng sản của quốc gia.

- Quy định quy cách sản phẩm, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật các xí nghiệp tư doanh.

- Đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp, trung cấp và công nhân chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp.

II. - TỔ CHỨC

Điều 3. - Bộ Công nghiệp gồm có:

1. Văn Phòng Bộ.

2. Vụ Kế hoạch.

3. Vụ Kỹ thuật.

4. Vụ Tài vụ.

5. Vụ Tổ chức cán bộ.

6. Ban Kiểm tra.

7. Cục Cung tiêu.

8. Cục Thiết kế.

9. Cục Khai khoáng.

10. Cục Điện lực.

11. Cục Công nghệ nhẹ.

12. Cục Vật liệu kiến thiết.

13. Viện nghiên cứu và thí nghiệm.

14. Sở Địa Chất.

15. Các trường Kỹ thuật.

Điều 4. - Văn Phòng Bộ:

Văn phòng có nhiệm vụ giúp Bộ tổ chức quản lý tài sản nội bộ cơ quan, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, vật liệu, tổ chức hội nghị tiếp tân và trông nom chuyên gia các nước bạn, phụ trách các việc của Bộ chưa có bộ môn nào phụ trách.

Điều 5. - Vụ Kế hoạch.

Vụ kế hoạch có nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Bộ:

- Làm kế hoạch phục bổ, xây dựng, phát triển công nghiệp theo dõi hướng dẫn và kiểm tra các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh thực hiện kế hoạch.

- Thống kê, tổng hợp tình hình sản xuất, tài vụ, cung tiêu, kỹ thuật, nhân lực điều chỉnh và làm các bản cân đối về kế hoạch.

Điều 6. - Vụ Kỹ thuật:

Vụ Kỹ thuật có nhiệm vụ giúp Bộ:

- Nghiên cứu khyến khích cải tiến và nâng cao kỹ thuật chuyên môn về mọi mặt để nâng cao hiệu suất lao động, nghiên cứu sử dụng và bảo vệ an toàn máy móc, thiết bị và lao động.

- Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Phối hợp với Vụ Kế hoạch làm tiền đề án thiết kế các xí nghiệp các công trường xây dựng mới.

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp, trung cấp và công nhân chuyên nghiệp.

Điều 7. - Vụ Tài Vụ:

Vụ Tài vụ có nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Bộ:

- Hướng dẫn việc làm kế hoạch tài vụ của các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh thuộc Bộ. Theo dõi kiểm tra, nắm tình hình tài chính và việc chấp hành chính sách, kế hoạch tài vụ của Bộ tại các xí nghiệp trên.

- Xét duyệt dự toán, quản lý tài vụ của các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh thuộc Bộ.

- Xét dự toán, quyết toán và giám sát việc chi tiêu của các công trường xây dựng mới.

- Theo dõi phân tích về giá thành, tổng kết tài sản và tổng kết kinh doanh các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh thuộc Bộ.

- Quản lý sự nghiệp chi của các Cục, Viện, Sở, Trường thuộc Bộ.

Điều 8. - Vụ Tổ chức cán bộ:

Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Bộ:

- Quản lý cán bộ, công nhân, công nhân; theo dõi tìm hiểu, đào tạo, bồi dưỡng, đề nghị cất nhắc, điều động, khen thưởng, trừng phạt cán bộ, công nhân, nhân viên.

- Nghiên cứu các chế độ lao động trong ngành công nghiệp.

- Tổ chức bộ máy lãnh đạo của Bộ, bộ máy quản lý các xí nghiệp, các trường kỹ thuật thuộc Bộ.

Điều 9. - Ban Kiểm tra:

Ban Kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành chỉ thị nghị quyết, chương trình kế hoạch, chính sách tài chính của Chính phủ, của Bộ về ngành công nghiệp.

Điều 10. - Cục Cung tiêu:

Cục Cung tiêu có nhiệm vụ:

- Thực hiện kế hoạch cung cấp và vận chuyển của Bộ về nguyên vật liệu máy móc, dụng cụ cho các xí nghiệp và các công trường quốc doanh và hợp doanh; tiêu thụ sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh; tiêu phụ sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh ra ngoài nước và trong nước.

- Bảo quản các kho tàng máy móc, nguyên vật liệu của Bộ, nắm tình hình tài sản kho tàng của các xí nghiệp và công trường quốc doanh để có kế hoạch đề nghị Bộ điều chỉnh và phân phối.

Điều 11. - Cục Thiết kê:

Cục Thiết kế có nhiệm vụ thiết kế các xí nghiệp, các công trường mới, theo dõi giám sát thực hiện xây dựng tại các công trường.

Điều 12. - Các Cục quản lý:

Cục: Khai khoáng, Điện lực, Công nghệ nhẹ, Vật liệu xây dựng chịu trách nhiệm trước Bộ trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc doanh hay hợp doanh do Bộ giao.

- Cục Khai khoáng: Quảng lý các xí nghiệp quốc doanh thuộc ngành Khai khoáng như các mỏ, than, thiếc, phốt phát, chì, kẽm...

- Cục Điện lực: Quản lý các xí nghiệp quốc doanh điện.

- Quản lý về mặt kỹ thuật các nhà máy điện nhỏ của các địa phương và của các xí nghiệp quốc doanh khác.

- Cục Công nghệ nhẹ: Quản lý các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh thuộc ngành công nghệ nhẹ và thực phẩm như: dệt, giấy, diêm, thuốc lá, cá, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng chế tạo nông cụ...

- Cục vật liệu xây dựng: Quản lý các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh sản xuất các vật liệu xây dựng như: gạch, ngói, xi măng, chai, kinh, sứ cách điện, gỗ dán, gỗ xẻ...

Điều 13. - Viện Nghiên cứu và thí nghiệm:

Viện có nhiệm vụ:

- Nghiên cứu các vấn đề về khoa học ứng dụng vào công nghiệp.

- Phân tách về mặt hóa lý cơ.

- Kiểm tra phẩm chất các sản phẩm về công nghiệp.

- Hướng dẫn và giúp đỡ việc xây dựng các Phòng thí nghiệm ở các xí nghiệp, các trường.

Điều 14. - Sở địa chất.

Sở địa chất có nhiệm vụ:

- Tập trung tài liệu nghiên cứu và lập bản đồ địa chất.

- Đánh giá và thăm dò nơi có khoáng sản.

- Sưu tầm đánh giá và bảo vệ tài nguyên.

Điều 15. - Các trường.

Các trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp và trung cấp và công nhân chuyên nghiệp cho Ngành công nghiệp.

Điều 16. - Một nghị định khác của Bộ sẽ quy định chi tiết tổ chức của mỗi bộ phận kể trên.

Điều 17. - Các điều khoản trước trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 18. - Ông Chánh Văn phòng, ông Trưởng ban kiểm tra, các ông Vụ trưởng, Cục trưởng và Giám đốc, Sở, Viện, Trường thuộc Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 91-BCN-QĐ năm 1956 về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của Bộ công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 91-BCN-QĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/03/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 12/04/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản