Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG TIỀN GIẢ

Điều 4. Phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả

1. Trong các hoạt động, giao dịch có liên quan đến tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan thực hiện đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Trường hợp phát hiện tiền giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp phát hiện tiền nghi giả, thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả hoặc tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền giả trong trường hợp có yêu cầu giám định, lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền nghi giả theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện giám định.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thông báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.

4. Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Điều 5. Giám định tiền giả, tiền nghi giả

1. Việc giám định để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Việc giám định tư pháp về tiền Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này và nộp trực tiếp đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước bố trí người có chuyên môn thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả; thông báo công khai danh sách và địa chỉ liên hệ của các cơ quan giám định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.

2. Hồ sơ đề nghị giám định gồm:

a) Giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hiện vật là tiền giả, tiền nghi giả cần giám định.

3. Cơ quan giám định thực hiện giám định trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc đối với 01 tờ hoặc miếng tiền; trường hợp số lượng tiền cần giám định vượt quá 20 tờ hoặc miếng đối với 01 hồ sơ đề nghị giám định, thời gian tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp nhận thấy việc giám định sẽ vượt quá thời gian quy định nêu trên, cơ quan giám định có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định.

4. Việc giám định để xác định tính xác thực của đồng tiền theo quy định tại Nghị định này được thực hiện miễn phí. Chi phí giám định tư pháp về tiền Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

5. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.

Điều 6. Xử lý kết quả giám định

1. Trong thời gian tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định, cơ quan giám định thông báo kết quả giám định bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định.

Trường hợp kết quả giám định không phải tiền giả, cơ quan giám định hoàn trả hiện vật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị giám định.

Trường hợp kết quả giám định là tiền giả, cơ quan giám định thực hiện thu giữ hiện vật và xử lý theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định này. Trường hợp cơ quan, tổ chức đề nghị giám định là cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân, cơ quan giám định hoàn trả lại hiện vật cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu giám định.

2. Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, tổ chức đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả theo khoản 2 Điều 4 Nghị định này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có tiền giả, tiền nghi giả, kèm theo thông báo kết quả giám định của cơ quan giám định. Trường hợp kết quả giám định không phải là tiền giả, phải hoàn trả cho tổ chức, cá nhân.

Điều 7. Lưu giữ, đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền giả

1. Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước được giữ lại một số tiền giả làm tư liệu nghiên cứu. Tiền giả làm tư liệu nghiên cứu được phân loại, kiểm đếm để theo dõi, lưu giữ, bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng. Bộ trưởng Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng, chủng loại và việc quản lý, sử dụng số tư liệu này.

2. Tiền giả được phân loại, kiểm đếm, sắp xếp, đóng gói, bảo quản, vận chuyển đảm bảo nguyên vẹn, an ninh, an toàn, tránh nhầm lẫn. Việc giao nhận tiền giả thực hiện theo tờ hoặc miếng, được ghi đầy đủ nội dung và ký giao, nhận biên bản theo mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các cơ quan liên quan trong việc đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền giả theo chức năng, thẩm quyền quản lý.

Điều 8. Giao nộp tiền giả

1. Các tổ chức, cá nhân có tiền giả thực hiện giao nộp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất hoặc giao nộp cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan để chuyển về Ngân hàng Nhà nước.

2. Việc giao nộp tiền giả được thể hiện bằng văn bản trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao nộp tiền giả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9. Thu nhận, tiêu hủy tiền giả

1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận tiền giả để thực hiện tiêu hủy. Tiền giả được thu nhận phải được kiểm đếm theo tờ hoặc miếng và được thể hiện bằng văn bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp.

2. Việc tiêu hủy tiền giả của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả tiền giả liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật, được thực hiện theo quy định tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 10. Thông tin về tiền Việt Nam và thông tin về tiền giả

1. Ngân hàng Nhà nước thông tin công khai, rộng rãi về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước hoặc các phương thức truyền thông phù hợp khác.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, trao đổi thông tin về tiền giả xuất hiện trong lưu thông, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả bằng văn bản hoặc phương thức phù hợp khác để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

3. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an xem xét, quyết định việc thông báo công khai thông tin về tiền giả để các tổ chức, cá nhân biết, phòng ngừa. Bộ Công an xem xét, quyết định công khai thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả. Việc cung cấp, đăng tải thông tin liên quan đến tiền giả thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

1. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền giả, tiền nghi giả cho người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả thuộc Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước quản lý.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả, thông tin, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam và nghiệp vụ, chuyên môn có liên quan về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 12. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tiền giả

1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hoặc các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ đấu tranh, phòng, chống tiền giả và tội phạm tiền giả; xây dựng và thực hiện các kế hoạch, biện pháp để phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây làm, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán tiền giả xuyên quốc gia.

2. Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi thẩm quyền quyết định việc hợp tác với tổ chức quốc tế, Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan phát hành tiền các quốc gia trong trao đổi, hợp tác về các giải pháp phòng, chống tiền giả và bảo vệ đồng tiền quốc gia; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về nhận biết tiền thật, tiền giả; tổ chức hoặc tham gia hội nghị, hội thảo hoặc các hình thức hợp tác khác liên quan đến phòng, chống tiền giả.

Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

  • Số hiệu: 87/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1303 đến số 1304
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH