Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 87/2002/NĐ-CP về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN

MỤC A: CUNG ỨNG DỊCH VỤ TƯ VẤN

Điều 6. Điều kiện cung ứng dịch vụ tư vấn

1. Đối với tổ chức hoạt động tư vấn :

a) Là doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ hoặc tổ chức khác có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tư vấn, được thành lập và đăng ký hoạt động phù hợp với các quy định của pháp luật;

b) Có trụ sở và phương tiện làm việc;

c) Có ít nhất 02 người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với cá nhân hoạt động tư vấn :

a) Có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thuộc lĩnh vực hành nghề tư vấn hoặc có chứng chỉ hành nghề tư vấn trong trường hợp pháp luật có quy định;

b) Có tư cách đạo đức tốt;

c) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

d) Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư vấn.

đ) Phải hoạt động trong một tổ chức tư vấn nhất định.

3. Cán bộ, công chức được phép tham gia cung ứng dịch vụ tư vấn trong trường hợp sự tham gia đó không trái với Pháp lệnh cán bộ, công chức.

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động tư vấn

1. Tuân thủ pháp luật.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động nghề nghiệp của mình.

3. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

4. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan và khoa học của hoạt động tư vấn.

5. Giữ bí mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 8. Quyền của nhà tư vấn

1. Tham dự bình đẳng các cuộc tuyển chọn hoặc đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

2. Đàm phán và ký kết hợp đồng tư vấn.

3. Thu phí tư vấn theo thoả thuận trong hợp đồng tư vấn.

4. Hủy bỏ hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng tư vấn và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp người sử dụng dịch vụ tư vấn vi phạm những nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng tư vấn.

5. Yêu cầu người sử dụng dịch vụ tư vấn cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng tư vấn.

6. Thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài để thực hiện hợp đồng tư vấn.

7. Tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ tư vấn.

8. Thành lập tổ chức tư vấn theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

9. Tham gia các hiệp hội tư vấn trong nước, khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

10. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Nghĩa vụ của nhà tư vấn

1. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng tư vấn.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ tư vấn nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nhận được từ quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn, trừ trường hợp hợp đồng tư vấn có quy định khác.

3. Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ tư vấn khi vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng tư vấn.

4. Thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

5. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nguyên tắc tính phí tư vấn

1. Phí tư vấn được xác định thông qua thoả thuận của hai bên trên cơ sở sau đây :

a) Nội dung, khối lượng và tính chất công việc được xác định trong hợp đồng tư vấn;

b) Thời gian và điều kiện làm việc của nhà tư vấn;

c) Trình độ, kinh nghiệm và uy tín của nhà tư vấn.

2. Phí tư vấn được thỏa thuận theo các phương thức sau đây :

a) Theo thời gian làm việc trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn;

b) Theo vụ việc với chi phí trọn gói;

c) Theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá trị công việc được tư vấn.

MỤC B: SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN

Điều 11. Quyền của người sử dụng dịch vụ tư vấn

1. Đàm phán và ký kết hợp đồng tư vấn.

2. Yêu cầu nhà tư vấn thực hiện công việc tư vấn theo đúng khối lượng, chất lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác theo hợp đồng tư vấn.

3. Hủy bỏ hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của hợp đồng tư vấn trong trường hợp nhà tư vấn vi phạm những nghĩa vụ đã được cam kết trong hợp đồng tư vấn.

Điều 12. Nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ tư vấn

1. Cung cấp trung thực cho nhà tư vấn những thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện dịch vụ tư vấn.

2. Thanh toán đầy đủ phí tư vấn cho nhà tư vấn theo thoả thuận trong hợp đồng tư vấn.

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

MỤC C: NGUỒN KINH PHÍ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN

Điều 13. Nguồn kinh phí sử dụng dịch vụ tư vấn

1. Các cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước, thì chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn được tính vào kinh phí chuẩn bị, thực hiện chương trình, dự án và tuân thủ đúng Luật Ngân sách nhà nước về chi ngân sách.

2. Các cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị thì chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn được tính vào chi phí hoạt động hoặc chi phí sản xuất - kinh doanh của cơ quan, đơn vị.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nguồn kinh phí và phương pháp xác định chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này.

MỤC D: SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 14. Sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước

1. Các cơ quan, đơn vị được sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập bằng nguồn ngân sách nhà nước đối với các chương trình, dự án sau đây :

a) Các chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất hoặc dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo;

b) Các chương trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có mục đích đổi mới công nghệ hoặc nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức đào tạo;

c) Các chương trình, dự án xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, vùng; dự án nghiên cứu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoặc có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức đào tạo;

d) Chương trình, dự án khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Các chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng tư vấn cho các công việc sau đây :

a) Nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, chuẩn bị văn kiện chương trình, dự án hoặc cung cấp luận cứ để thẩm định, phản biện;

b) Lập thiết kế sau giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập tổng dự toán;

c) Giám sát, đánh giá đối với chương trình, dự án.

Điều 15. Nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước

Ngoài những nghĩa vụ chung của người sử dụng dịch vụ tư vấn quy định tại Điều 12 của Nghị định này, người sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước còn phải có những nghĩa vụ sau :

1. Tổ chức tuyển chọn nhà tư vấn theo đúng các nguyên tắc, thủ tục được quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

2. Giám sát, thúc đẩy công việc của nhà tư vấn, có giải pháp xử lý kịp thời khi nhà tư vấn không thực hiện đúng hợp đồng tư vấn.

3. Nghiệm thu kết quả tư vấn, thanh toán và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định trong hợp đồng tư vấn.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động sử dụng dịch vụ tư vấn của mình.

Điều 16. Nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn tư vấn

1. Cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước phải tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn theo quy định pháp luật hiện hành của nhà nước về đấu thầu.

2. Cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ tư vấn bằng nguồn ngân sách nhà nước trong trường hợp không phải đấu thầu do yêu cầu giữ bí mật quốc gia, an ninh, quốc phòng hoặc những công việc có tính chất cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định thì thực hiện tuyển chọn tư vấn theo nguyên tắc sau đây :

a) Phải xác định yêu cầu đặt ra đối với nhà tư vấn bằng một bản điều khoản giao việc trong đó nêu rõ: bối cảnh, mục tiêu, phạm vi, kết quả phải đạt được, yêu cầu về phương pháp thực hiện, về năng lực chuyên môn của tổ chức tư vấn, trình độ, kinh nghiệm của các cá nhân sẽ trực tiếp thực hiện dịch vụ tư vấn;

b) Phải xác định rõ tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà tư vấn và công bố tiêu chuẩn đó đồng thời với bản điều khoản giao việc;

c) Phải thông báo nhu cầu sử dụng tư vấn kèm theo bản điều khoản giao việc cho ít nhất ba (03) tổ chức tư vấn và lựa chọn nhà tư vấn đáp ứng đầy đủ và cao nhất các tiêu chuẩn đã xác định;

d) Phải yêu cầu nhà tư vấn đưa ra bản đề xuất kỹ thuật trong đó nêu rõ dự kiến về cách thức thực hiện dịch vụ, giới thiệu trình độ, kinh nghiệm của các cá nhân tham gia thực hiện và bản đề xuất tài chính trong đó nêu rõ giá cả của dịch vụ, các căn cứ để xác định giá.

MỤC Đ: HỢP ĐỒNG TƯ VẤN

Điều 17. Hình thức hợp đồng tư vấn

Nhà tư vấn và người sử dụng dịch vụ tư vấn phải thể hiện các thoả thuận và cam kết bằng hợp đồng tư vấn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 18. Nội dung hợp đồng tư vấn

1. Hợp đồng tư vấn (sau đây gọi tắt là hợp đồng) có các nội dung chủ yếu sau đây :

a) Tên, địa chỉ, điện thoại, fax, thư điện tử của nhà tư vấn và người sử dụng dịch vụ tư vấn;

b) Mục tiêu của dịch vụ tư vấn, phạm vi và kết quả phải đạt được của dịch vụ tư vấn;

c) Quyền và nghĩa vụ của nhà tư vấn;

d) Nghĩa vụ, quyền của người sử dụng dịch vụ tư vấn;

đ) Thời hạn, tiến độ thực hiện dịch vụ tư vấn;

e) Phí dịch vụ và phương thức thanh toán;

g) Các thoả thuận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả tư vấn;

h) Pháp luật cần áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp;

i) Các trường hợp bất khả kháng;

k) Chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm của các Bên khi chấm dứt hợp đồng;

l) Điều kiện hiệu lực của hợp đồng;

m) Thời hạn hợp đồng, nguyên tắc, thủ tục nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;

n) Các trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giải quyết các vấn đề phát sinh.

2. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, nếu được sự nhất trí của cả hai Bên, có thể điều chỉnh hoặc bổ sung các nội dung khác trong hợp đồng tư vấn.

Nghị định 87/2002/NĐ-CP về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ tư vấn

  • Số hiệu: 87/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/11/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 30/11/2002
  • Số công báo: Số 60
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH