Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 87/2001/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

2. Cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định về hôn nhân và gia đình chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định trong pháp luật Việt Nam về hôn nhân và gia đình, thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

3. Đối với những hành vi vi phạm chế độ công vụ của cán bộ, công chức trong khi thi hành nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực hôn nhân gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình chủ yếu nhằm mục đích giáo dục để cá nhân, tổ chức vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đối với người vi phạm là người các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa có xem xét đến ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán để vận dụng cho phù hợp.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

2. Đối với người bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó có dấu hiệu vi phạm hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.

Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt không được áp dụng. Thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm người vi phạm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép.

Ngoài các hình thức xử phạt trên đây, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người vi phạm bị buộc thực hiện một trong các biện pháp: buộc cấp dưỡng, buộc bồi thường thiệt hại thay cho con, buộc thực hiện nghĩa vụ giám hộ theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp áp dụng phạt tiền, thì mức phạt tiền cụ thể đối với một vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, là mức trung bình của khung tiền phạt. Đối với trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt thấp hơn nhưng không dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt; vi phạm có tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức phạt cao hơn nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn tình tiết giảm nhẹ, thì tuỳ theo tính chất mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đó mà áp dụng mức phạt cao hơn, thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt.

Điều 5. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Chương 2:

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 6. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó;

b) Tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn.

Điều 7. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác;

b) Cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;

c) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

d) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;

đ) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.

2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:

Buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cố ý khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khác khi đăng ký kết hôn.

2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:

Tịch thu và tiêu hủy giấy tờ đã bị sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ giả mạo đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về quan hệ giữa cha mẹ và con

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên hoặc xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 11. Hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, các thành viên khác trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về cấp dưỡng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn, anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về giám hộ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cố ý kê khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khác khi đăng ký nuôi con nuôi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi có một trong những hành vi sau đây:

a) Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương;

b) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, người đứng đầu tổ chức, thay đổi trụ sở chính tại nơi thành lập.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi có một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Sửa chữa, làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ, tài liệu để được cấp giấy phép hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Tự ý thay đổi Trưởng Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thay đổi phạm vi nội dung hoạt động, địa bàn hoạt động tại Việt Nam;

d) Tiếp tục hoạt động khi giấy phép đã hết hạn;

đ) Thu lợi bất chính hoặc có hành vi trục lợi khác liên quan đến việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác:

a) Tịch thu và tiêu hủy giấy tờ giả mạo, giấy tờ đã bị sửa chữa, làm sai lệch nội dung đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép đến 6 tháng hoặc tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn đối với trường hợp vi phạm điểm đ khoản 3 Điều này.

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Toà án.

Điều 16. Đề nghị Toà án quyết định áp dụng một số biện pháp theo thẩm quyền và việc xử lý đối với trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm

1. Người nào vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9, Điều 12 và khoản 1 Điều 14 của Nghị định này thì ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định tại các điều đó, cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn kiến nghị Toà án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật đối với người bị xử phạt.

2. Người nào vi phạm quy định tại Điều 6, Điều 7, các điểm a, b khoản 1 Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Chương 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

MỤC 1: THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức cao nhất quy định tại Chương II của Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép.

MỤC 2: THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 18. Đình chỉ hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính

Khi phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 17 của Nghị định này phải yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm đình chỉ ngay hành vi vi phạm hành chính hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định và kịp thời lập biên bản trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Hình thức và thể thức lập biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Biên bản lập xong phải trao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì phải gửi ngay biên bản đó đến người có thẩm quyền xử lý.

Điều 19. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày lập biên bản, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt; nếu có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trên có thể được kéo dài nhưng không được quá ba mươi ngày. Hình thức và nội dung quyết định xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định xử phạt quy định ngày có hiệu lực khác.

3. Việc thu nộp tiền phạt, chế độ quản lý tiền phạt thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 20. Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản

Trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 20.000 đồng, thì người có thẩm quyền xử phạt không tiến hành lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Điều 21. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong quá trình thụ lý vụ vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải hướng dẫn, giải thích cho cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức bị xử phạt những quy định cụ thể của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm để họ tự nguyện thi hành quyết định xử phạt.

2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành khác.

3. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, thì bị cưỡng chế chấp hành và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện biện pháp cưỡng chế. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế. Lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp.

Thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định xử phạt đó là trái pháp luật hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Công dân có quyền tố cáo những vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức và những hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998.

Điều 23. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được khen thưởng theo chế độ chung của nhà nước.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt thẩm quyền quy định, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24.

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Bãi bỏ điểm a khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Điều 25. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

  • Số hiệu: 87/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/11/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản