Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC THU PHÍ TỔN SỬA ĐƯỜNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào tình hình phát triển giao thông vận tải hiện nay:
Xét cách thu và mức thu phí tổn sửa đường quy định trong nghị định số 145-TTg ngày 15-03-1958 và nghị định số 407-TTg ngày 13-11-1959 hiện nay không còn thích hợp nữa;
Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính:
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 24-5-1962.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Kể từ ngày 1 tháng 08 năm 1962 phí tổn sửa đường sẽ thu theo những quy định của nghị định này.

Điều 2. – Các loại xe dưới đây chạy trên đường công đều phải đóng phí tổn sửa đường, trừ những trường hợp được miễn quy định ở điều 3 của nghị định định này:

a) Các loại xe cơ giới, công và tư, kể cả xe quân sự;

b) Các loại xe thô sơ do súc vật kéo.

Điều 3. – Được miễn phí đóng phí tổn sửa đường:

a) Xe của các cơ quan ngoại giao nước ngoài;

b) Các loại máy kéo và xe vận tải của các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường chuyên hoạt động trên các đường chuyên dùng. Đối với các máy kéo và các xe này chạy trên đường công, liên Bộ Giao thông vận tải và Tài chính sẽ nghiên cứu và quy định cụ thể.

c) Các loại xe vận tải thô sơ và cải tiến do súc vật kéo không kinh doanh vận tải chuyên nghiệp,

d) Các loại xe chuyên dùng vào việc đưa đám ma, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe tưới nước, xe vệ sinh, xe lu cán đường;

e) Xe đạp máy, xe xích lô máy và các loại xe thô sơ do người kéo, đẩy, đạp.

Điều 4. – Đối với xe quân sự và xe Công an nhân dân vũ trang, các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Quốc phòng và Công an nghiên cứu và quy định riêng về mức đóng và cách đóng phí tổn sửa đường.

Điều 5. - Mức phí tổn sửa đường các loại xe phải đóng quy định như sau:

a) Xe ô-tô vận tải hàng hóa có kế hoạch : 0đ01 một tấn xe/km;

b) Xe ô-tô vận tải hàng hóa không có kế hoạch : 40đ một tấn xe/tháng;

c) Xe ô-tô vận tải hành khách (kể cả xe con cho thuê chuyến và xe taxi): 0,0024 một người /km;

d) Xe ô-tô con (xe du lịch, gíp, com-măng-ca) không kinh doanh vận tải: 10đ một xe một tháng;

e) Các loại xe đặc biệt (xe cần trục, xe xúc đất, bánh cao su) : 20đ một xe mỗi tháng;

g) Các loại xe và máy kéo bánh bằng xích : 0đ10 một tấn trọng lượng xe/km;

h) Các loại xe mô-tô : 2đ00 một xe mỗi tháng ;

i) Các loại xe thô sơ do súc vật kéo : 3đ80 một xe mỗi tháng ;

Đối với các loại xe rơ-moóc vận tải hàng hóa hoặc hành khách thì mức đóng phí tổn sửa đường bằng 3/4 mức phí tổn sửa đường đối với xe ô-tô vận tải hàng hóa hoặc hành khách.

Điều 6. – Cách đóng phí tổn sửa đường quy định như sau:

a) Xe ô-tô và rơ-moóc vận tải có kế hoạch đóng mỗi tháng một kỳ hoặc hai kỳ chậm nhất vào năm ngày đầu kỳ sau cho kỳ trước;

b) Xe ô-tô và rơ-moóc vận tải không có kế hoạch, xe ô-tô con, các loại xe đặt biệt và các loại xe thô sơ do súc vật kéo đóng mỗi tháng một kỳ hoặc hai kỳ.

Điều 7. – Các xe đóng phí tổn sửa đường hàng tháng theo đầu xe, sau khi đóng rồi, nếu xe không chạy cũng không được trả lại hay giảm bớt số tiền đã đóng.

Những xe nghỉ hoạt động muốn được miễn đóng phí tổn sửa đường cần phải báo trước cho cơ quan thu phí tổn sửa đường.

Điều 8. - Mỗi khi thu phí tổn sửa đường, cơ quan phụ trách thu phải cấp biên lai. Chủ xe hoặc người lái xe phải mang biên lai theo xe và xuất trình với cơ quan và nhân viên kiểm soát giao thông, thuế vụ, công an khi cần thiết.

Điều 9. - Chủ xe nào man khai, hoặc không đóng phí tổn sửa đường đúng kỳ hạn sẽ bị cảnh cáo hoặc bị phạt thêm một số tiền bằng số phí tổn sửa đường phải đóng, và nếu tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

Nếu việc phạm nhiều lần hoặc có những hành vi chống lại việc thu phí tổn sửa đường, thì người phạm pháp có thể bị truy tố trước Tòa án.

Điều 10. – Phí tổn sửa đường do Bộ Giao thông vận tải tổ chức thu và nộp vào Ngân hàng Nhà nước.

Hàng năm Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính căn cứ vào tình hình đường sá và lưu lượng xe cộ trong từng địa phương, mà trích cấp cho các khu, tỉnh, và thành phố một phần tổng số phí tổn sửa đường thu được trong năm để chi tiêu cho công tác sửa chữa hệ thống đường hàng tỉnh do địa phương quản lý.

Điều 11. - Nghị định này bãi bỏ các nghị định số 145-TTg ngày 15-3-1958 và số 407-TTg ngày 13-11-1959.

Điều 12. – Các ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị định này.

K.T. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 83-CP năm 1962 về việc thu phí tổn sửa đường do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 83-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/08/1962
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 31
  • Ngày hiệu lực: 01/08/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản