Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định hình thức, phương thức, đối tượng, chính sách về khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam.

3. Các hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp liên quan đến các chương trình, dự án, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết thì tuân theo chương trình, dự án, điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

2. Phương thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp bao gồm: đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền được quy định chi tiết tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Nghị định này.

3. Hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được thực hiện thông qua chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông, chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan.

4. Đối tượng thực hiện chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này.

5. Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp là các tổ chức, cá nhân tiếp nhận công nghệ chuyển giao quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định này.

6. Chương trình khuyến nông là tập hợp các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành và địa phương trong từng giai đoạn, bao gồm: tên chương trình; mục tiêu khái quát; tên các dự án, nhiệm vụ khuyến nông để thực hiện chương trình; địa bàn triển khai; kết quả dự kiến.

7. Dự án khuyến nông trung ương là tập hợp các nội dung hoạt động khuyến nông để thực hiện chương trình khuyến nông trung ương, thời gian thực hiện từ 01 đến 05 năm, gồm: tên dự án; mục tiêu; nội dung hoạt động; địa bàn triển khai; thời gian thực hiện; kết quả dự kiến.

8. Kế hoạch khuyến nông địa phương là kế hoạch về nội dung và dự toán kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động khuyến nông để thực hiện chương trình khuyến nông địa phương.

9. Mô hình trình diễn (sau đây gọi chung là mô hình) là một nội dung của chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ quản lý có quy mô phù hợp để làm mẫu nhân ra diện rộng.

10. Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông là những chỉ tiêu biểu hiện bằng giá trị hoặc hiện vật được sử dụng để thực hiện nội dung hoạt động khuyến nông.

11. Hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông (sau đây gọi là khuyến nông PPP) là sự hợp tác giữa Nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, triển khai hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều 3. Mục tiêu của khuyến nông

1. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường thông qua các nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông.

2. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

3. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khuyến nông

1. Xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp của Nhà nước.

2. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến nông.

3. Dân chủ, công khai, có sự giám sát của cộng đồng và sự quản lý của Nhà nước.

4. Nội dung, hình thức, phương thức hoạt động khuyến nông phù hợp với từng địa bàn và nhóm đối tượng người sản xuất, cộng đồng dân tộc khác nhau.

5. Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chuyển giao phải được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc chấp thuận.

6. Liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp với nông dân và giữa nông dân với nông dân.

7. Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động khuyến nông.

8. Ưu tiên hoạt động khuyến nông ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

9. Ưu tiên phụ nữ, người dân tộc thiểu số; tổ chức có tỷ lệ cao về nữ hoặc người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động khuyến nông.

Điều 5. Đối tượng chuyển giao và đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

1. Đối tượng chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

a) Tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức khuyến nông Nhà nước chuyên trách do cấp có thẩm quyền thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp;

c) Tổ chức, cá nhân khác bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước có tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

a) Nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các cá nhân khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

b) Tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông

  • Số hiệu: 83/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 08/06/2018
  • Số công báo: Từ số 685 đến số 686
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH