Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Chương II

KINH DOANH XĂNG DẦU

Mục 1. KINH DOANH XUẤT KH­ẨU, NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

Điều 7. Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên.

3. Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

Sau ba (03) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu năm mươi mốt phần trăm (51%) đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu một phần ba (1/3) nhu cầu dự trữ của thương nhân quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này.

4. Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

Sau hai (02) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu năm mươi mốt phần trăm (51%) đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa tối thiểu là ba nghìn mét khối (3.000 m3).

5. Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu bốn (04) cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu một trăm (100) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

6. Phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

7. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định tại Khoản 5 Điều này nhưng phải có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân.

Điều 8. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

1. Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 1 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 7 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Danh sách cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu, danh sách tổng đại lý, đại lý thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy phép. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 1 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Giấy phép. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 1 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về Bộ Công Thương trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy phép hết hiệu lực.

3. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Bộ Công Thương.

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

c) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo Mẫu số 2 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

5. Thương nhân được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời gian một (01) quý trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

1. Được Bộ Công Thương phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu hàng năm.

2. Được quyền nhập khẩu hoặc mua trong nước nguyên liệu để pha chế xăng dầu. Việc nhập khẩu nguyên liệu phải theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương xác nhận, thông báo cho cơ quan hải quan làm thủ tục và kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu của thương nhân.

3. Được mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác.

4. Được phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc, bao gồm các doanh nghiệp thành viên, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp và thông qua hệ thống thương nhân là tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu; thông qua thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

5. Được thực hiện các dịch vụ cung ứng nhiên liệu bay nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

6. Được áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế để giao dịch, mua bán xăng dầu.

7. Nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn hạn mức tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho cả năm; nhập khẩu đúng tiến độ theo quý hoặc theo văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu chủng loại và mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này.

8. Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu theo quy định tại Nghị định này.

9. Áp dụng thống nhất giá bán lẻ xăng dầu trong toàn hệ thống phân phối của mình, trừ trường hợp bán xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu.

10. Ngoài việc bán buôn xăng dầu cho đơn vị trực tiếp sản xuất, bán lẻ tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc thương nhân, được giao xăng dầu bằng hình thức đại lý quy định tại Luật Thương mại cho thương nhân đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý quy định tại Điều 16, Điều 19 và các thương nhân này không vi phạm quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 18, Khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định này; được bán xăng dầu cho thương nhân đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu quy định tại Điều 13 và các thương nhân này không vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định này; được kinh doanh xăng dầu bằng phương thức nhượng quyền thương mại cho thương nhân đủ điều kiện làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu quy định tại Điều 22 và các thương nhân này không vi phạm quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 23 Nghị định này.

11. Phải đăng ký hệ thống phân phối của mình theo quy định của Bộ Công Thương.

12. Chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu bán ra trên thị trường. Chịu trách nhiệm giám sát, quản lý về đo lường, chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển từ nơi xuất đến nơi nhận. Có nghĩa vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình, thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền để quản lý.

13. Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.

14. Phải quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình và tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối của mình. Việc sử dụng biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải phù hợp với Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.

15. Chỉ được chuyển tải, sang mạn xăng dầu tại các vị trí do Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; chuyển tải, sang mạn xăng dầu từ tàu lớn hoặc phương tiện vận tải khác mà cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận trực tiếp do cơ quan cảng vụ quy định.

16. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

17. Xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

18. Chỉ được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu nội địa của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Không được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu nội địa của thương nhân đầu mối khác.

19. Thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2. SẢN XUẤT, PHA CHẾ XĂNG DẦU

Điều 10. Điều kiện sản xuất xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được sản xuất xăng dầu:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cơ sở sản xuất xăng dầu theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

3. Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu, đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân sản xuất xăng dầu

1. Được mua nguyên liệu trong nước, trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu hoặc ủy thác cho thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện. Việc nhập khẩu nguyên liệu phải theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương xác nhận, thông báo cho cơ quan hải quan làm thủ tục và kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu của thương nhân.

2. Được nhận gia công trong nước và gia công xuất khẩu xăng dầu.

3. Được tiêu thụ tại thị trường trong nước xăng dầu do thương nhân sản xuất thông qua hệ thống phân phối của mình được tổ chức theo quy định tại Khoản 8 Điều này hoặc bán và chỉ được bán cho thương nhân đầu mối khác.

4. Được xuất khẩu xăng dầu do thương nhân sản xuất theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương, phù hợp với dự án đầu tư được phê duyệt.

5. Sản xuất xăng dầu theo kế hoạch đăng ký được Bộ Công Thương xác nhận hàng năm; duy trì mức dự trữ xăng dầu và nguyên liệu cho sản xuất tối thiểu phù hợp với dự án đầu tư được phê duyệt và kế hoạch sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.

6. Sản xuất xăng dầu đưa vào lưu thông phải phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

7. Xây dựng, áp dụng, duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm.

8. Tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, phải tuân thủ các quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 7; Khoản 3, 4, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Điều 9 Nghị định này.

Điều 12. Pha chế xăng dầu

1. Chỉ thương nhân đầu mối được pha chế xăng dầu; pha chế xăng dầu được thực hiện tại nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu xăng dầu nội địa của thương nhân đầu mối.

Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế được pha chế xăng dầu trong kho ngoại quan xăng dầu.

2. Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

3. Thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu phải đăng ký cơ sở pha chế theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mục 3. THƯƠNG NHÂN PHÂN PHỐI XĂNG DẦU

Điều 13. Điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có kho, bể dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

3. Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

4. Có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

5. Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu mười (10) cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

6. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 14. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu

1. Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cho thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo Mẫu số 5 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản sao giấy tờ chứng minh đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định này;

- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 13 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Danh sách hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo Mẫu số 5 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Bộ Công Thương đề nghị cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo Mẫu số 5 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về Bộ Công Thương trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy xác nhận hết hiệu lực.

3. Trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Bộ Công Thương.

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

c) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy xác nhận do không đủ điều kiện, Bộ Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

5. Thương nhân được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục làm thương nhân phân phối xăng dầu; thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một (01) tháng trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; thương nhân không đáp ứng một trong các điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định tại Điều 13 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, vi phạm quy định về tăng, giảm giá bán xăng dầu tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu

1. Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối theo Hợp đồng mua bán xăng dầu.

2. Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức là bên giao đại lý cho đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình và trả thù lao đại lý cho các đại lý đó.

Được kinh doanh xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật.

3. Áp dụng thống nhất giá bán lẻ xăng dầu trong toàn hệ thống phân phối của mình, tuân thủ quy định tại Điều 38 Nghị định này.

4. Ngoài việc bán lẻ tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc thương nhân, nhượng quyền thương mại cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, chỉ được giao xăng dầu bằng hình thức đại lý quy định tại Luật Thương mại cho thương nhân làm đại lý quy định tại Điều 19 và thương nhân này không vi phạm quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.

5. Thương nhân đã ký hợp đồng mua bán xăng dầu với thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý hoặc đại lý cho thương nhân đầu mối; làm đại lý cho tổng đại lý.

6. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu bán ra trên toàn bộ hệ thống phân phối của mình theo quy định.

7. Chỉ được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

8. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

10. Phải quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình và tổ chức kiểm tra, giám sát các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình. Việc đăng ký, sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân phân phối xăng dầu phải phù hợp với Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.

11. Kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình. Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của các thương nhân này trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành của pháp luật.

12. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hành trình của phương tiện vận tải xăng dầu từ nơi giao hoặc nhận đến nơi nhận hoặc giao xăng dầu.

13. Phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với Sở Công Thương địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó.

14. Phải đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương là cơ quan xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

15. Phải xây dựng, áp dụng, duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng; hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm, trừ trường hợp thuê dịch vụ thử nghiệm.

16. Thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 4. TỔNG ĐẠI LÝ KINH DOANH XĂNG DẦU

Điều 16. Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là tổng đại lý):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có kho, bể xăng dầu dung tích tối thiểu hai nghìn mét khối (2.000 m3), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

3. Có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

4. Có hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu mười (10) cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Hệ thống phân phối của tổng đại lý phải nằm trong hệ thống phân phối của một thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.

5. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 17. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

1. Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu cho thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định này và có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Sở Công Thương có thẩm quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu cho thương nhân có trụ sở chính trên địa bàn, có đủ các điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định này và có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn một (01) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 7 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản sao giấy tờ chứng minh đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định này;

- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 16 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Danh sách hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Bản gốc văn bản xác nhận của thương nhân cung cấp xăng dầu cho tổng đại lý có thời hạn tối thiểu một (01) năm, trong đó ghi rõ chủng loại xăng dầu.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 7 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 7 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về cơ quan có thẩm quyền trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy xác nhận hết hiệu lực.

4. Trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền;

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, cơ quan có thẩm quyền có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung;

c) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 8 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy xác nhận do không đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

6. Thương nhân được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

7. Cơ quan cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một (01) tháng trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; thương nhân không đáp ứng một trong các điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

1. Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức là bên đại lý cho một thương nhân đầu mối và được hưởng thù lao đại lý.

2. Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức là bên giao đại lý cho đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình và trả thù lao đại lý cho các đại lý đó.

3. Được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình theo giá bán lẻ do thương nhân đầu mối quy định.

4. Chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối. Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học.

5. Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý khác hoặc thương nhân đầu mối khác.

6. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu bán ra trên toàn bộ hệ thống phân phối của mình theo quy định.

7. Chỉ được thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

8. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là đại lý trong các khâu kinh doanh xăng dầu theo quy định của Bộ Tài chính.

9. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

10. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, nếu sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân đầu mối, phải thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ.

11. Kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý trong hệ thống phân phối của mình. Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của đại lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành của pháp luật.

12. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hành trình của phương tiện vận tải xăng dầu từ nơi giao hoặc nhận đến nơi nhận hoặc giao xăng dầu.

13. Phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với Sở Công Thương địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó.

14. Phải đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Phải gửi thông tin hệ thống phân phối của mình cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối để đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương.

15. Phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

Mục 5. ĐẠI LÝ BÁN LẺ XĂNG DẦU

Điều 19. Điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là đại lý):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 20. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu

1. Sở Công Thương có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho thương nhân có trụ sở chính trên địa bàn, có đủ các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này và có hệ thống từ hai (02) cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên trên địa bàn một (01) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo Mẫu số 10 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

2. Trường hợp thương nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này và có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương nơi thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 10 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

3. Trường hợp thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ có một (01) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu không phải thực hiện việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 9 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản sao giấy tờ chứng minh đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định này;

- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Bản gốc văn bản xác nhận của thương nhân cung cấp xăng dầu cho đại lý có thời hạn tối thiểu một (01) năm, trong đó ghi rõ chủng loại xăng dầu.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 9 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp lại Giấy xác nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 9 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về cơ quan có thẩm quyền trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy xác nhận hết hiệu lực.

5. Trình tự cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền.

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, cơ quan có thẩm quyền có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

c) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 10 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy xác nhận do không đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

7. Thương nhân được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

8. Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục làm đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một (01) tháng trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; thương nhân không đáp ứng một trong các điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 19 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của đại lý bán lẻ xăng dầu

1. Được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình theo giá bán lẻ do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức là bên đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối và được hưởng thù lao đại lý.

2. Chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học.

3. Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác.

Đại lý phải nằm trong hệ thống phân phối của tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.

4. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định.

5. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là đại lý theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

7. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, nếu sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, phải thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ.

8. Phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với Sở Công Thương địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó.

9. Phải đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Phải gửi thông tin hệ thống phân phối của mình cho bên giao đại lý là tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

10. Phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

Mục 6. THƯƠNG NHÂN NHẬN QUYỀN BÁN LẺ XĂNG DẦU

Điều 22. Điều kiện đối với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là thương nhân nhận quyền):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu

1. Được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình theo giá bán lẻ do thương nhân nhượng quyền là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

2. Chỉ được ký hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho một (01) thương nhân đầu mối hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu để bán xăng dầu qua cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu, đồng sở hữu. Nếu thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, thương nhân nhận quyền được ký thêm hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho một (01) thương nhân đầu mối hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học.

3. Thương nhân đã ký hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, làm tổng đại lý hoặc đại lý cho thương nhân đầu mối.

Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu phải nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

4. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định.

5. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là bên nhận quyền theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

7. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, phải sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân nhượng quyền, thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.

8. Phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với Sở Công Thương địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó.

9. Phải đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Phải gửi thông tin hệ thống phân phối của mình cho bên nhượng quyền là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

10. Phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

Mục 7. CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU

Điều 24. Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Cửa hàng xăng dầu có đủ các điều kiện dưới đây được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:

1. Địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu).

3. Được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 25. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu

1. Sở Công Thương có trách nhiệm cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi và cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn có đủ các điều kiện quy định tại Điều 24 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thương nhân chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản kê trang thiết bị của cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định này và tài liệu chứng minh tính hợp pháp về xây dựng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản sao chứng chỉ hoặc giấy tờ tương đương về đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên cửa hàng theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại

Trường hợp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 3 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (nếu có).

d) Trường hợp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại Điểm a Khoản này và gửi về Sở Công Thương trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

3. Trình tự cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu:

a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Sở Công Thương.

b) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

c) Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo Mẫu số 4 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới.

5. Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Sở Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: Thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ một (01) tháng trở lên; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật; không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 24 Nghị định này; thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1. Kiểm soát cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.

2. Thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán hàng gửi Sở Công Thương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó ghi rõ lý do ngừng bán hàng.

3. Niêm yết giá bán các loại xăng dầu và bán đúng giá niêm yết.

4. Tại khu vực bán hàng, chỉ được treo biển hiệu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu. Biển hiệu phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật.

5. Ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng, thuận tiện cho quan sát của người mua hàng.

6. Chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

7. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định.

8. Trước ba mươi (30) ngày, trước khi ngừng lấy hàng của thương nhân cung cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải báo cáo và đề nghị Sở Công Thương điều chỉnh Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Mục 8. KINH DOANH DỊCH VỤ XĂNG DẦU

Điều 27. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, có kho chứa thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu, được xây dựng theo các tiêu chuẩn quy định và theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 28. Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu; bảo đảm các yêu cầu và quy định về vận chuyển xăng dầu, được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cho phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp sử dụng phương tiện vận tải phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu

1. Được kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu và kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu theo hợp đồng đã ký.

Tổng dung tích kho ký tại các hợp đồng cho thuê kho không được vượt quá tổng dung tích thực tế của kho.

2. Chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng xăng dầu trong quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển theo hợp đồng đã ký kết với thương nhân thuê tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển xăng dầu.

3. Chịu sự giám sát, quản lý của thương nhân thuê dịch vụ. Phải trang bị các thiết bị để kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xăng dầu.

4. Nếu có hoạt động kinh doanh khác về xăng dầu (thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu) phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định này về hoạt động kinh doanh đó.

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

6. Phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

Mục 9. DỰ TRỮ XĂNG DẦU

Điều 30. Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu

1. Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc là thương nhân đầu mối.

2. Dự trữ quốc gia về xăng dầu theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

Điều 31. Dự trữ xăng dầu bắt buộc

1. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối trên thị trường trong nước phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.

3. Sau năm 2025, thương nhân quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này có trách nhiệm bảo đảm mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

  • Số hiệu: 83/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 21/09/2014
  • Số công báo: Từ số 865 đến số 866
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH