Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82-TP/NĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1946

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Chiếu chỉ Sắc lệnh ngày 14 tháng 02 năm 1946 tổ chức lại tòa án quân sự
Để áp dụng sắc lệnh ấy,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

THÀNH LẬP TÒA ÁN QUÂN SỰ

Điều 1: – Tòa án quân sự đặt tại các nơi sau này:

Ở Bắc kỳ tại Hà nội, Hải Phòng, Ninh Bình;

Ở Trung kỳ tại Vinh, Thuận Hóa, Phan Rang;

Ở Nam kỳ tại Sài Gòn, Mỹ Tho.

Điều 2: Ủy ban hành chính Trung kỳ trong địa hạt kỳ ấy có thể đề nghị lên bộ Tư pháp mở thêm tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác.

Ở Nam kỳ, Ủy ban hành chính đồng ý với ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm có thể ra nghị định lập thêm tòa án quân sự ở những nơi cần, rồi sau trình lên bộ Tư pháp duyệt y.

Điều 3:Quản hạt các tòa án ở Bắc kỳ là:

Tòa án quân sự Hải Phòng; Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Hải Dương, Kiến An, Hải Ninh và Quảng Yên.

Tòa án quân sự Ninh Bình: các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên và Thái Bình.

Tòa án quân sự Hà Nội: Thành phố Hà Nội và các tỉnh khác thuộc Bắc Bộ mà chưa kể ở mục quản hạt các tòa án quân sự Hải Phòng và Ninh Bình.

Điều 4:Quản hạt những tòa án quân sự ở Trung kỳ và Nam kỳ sẽ do nghị định của Ủy ban Hành chính kỳ ấn định sau khi thỏa hiệp với ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm.

Điều 5: Các công cáo ủy viên trực tiếp đặt dưới quyền kiểm soát của hai ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng bộ Tư pháp và phải tuân theo huấn lệnh của hai ông ấy cùng ký.

Ở Trung kỳ và Nam kỳ, ông Chủ tịch Ủy ban hành chính kỳ thay mặt ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Chưởng lý tòa Thượng thẩm thay mặt Bộ trưởng bộ Tư pháp giữ quyền kiểm soát và cùng ra huấn lệnh cho các ông công cáo ủy viên.

Điều 6:Trụ sở tòa án quân sự ở nơi nào thì đặt ngay sở tại tòa án đệ nhị cấp hay tòa Thượng thẩm ở nơi ấy.

Tòa án quân sự, theo quyết định của ông chánh án, có thể họp ngoài trụ sở được.

Điều 7: Tòa án quân sự xử công khai. Nếu có duyên cớ đặc biệt tòa có thể quyết định xử kín.

Nhưng dù vào trường hợp nào tòa án cũng thẩm nghị trong phong kín và tuyên bố bản án trước công chúng.

Điều 8: Bị cáo có quyền tự bênh vực lấy hay nhờ luật sư hoặc một người khác bênh vực.

Ông chánh án theo lời yêu cầu của bị cáo có thể cử một người ra bênh vực bị cáo.

Chương 2:

THỦ TỤC

a) Việc điều tra và thụ lý

Điều 9: – Mỗi khi sẩy ra một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì bất cứ ai cũng phải báo ngay cho ty liêm phóng hoặc nhà chức trách địa phương biết.

Ty liêm phóng trình lên công cáo ủy viên để hỏi huấn lệnh. Nếu việc làm cần kíp ông giám đốc liêm phóng có thể lãnh trách nhiệm điều tra ngay trước khi nhận được huấn lệnh của công cáo ủy viên,

Ty liêm phóng khi mở cuộc điều tra thu thập các tài liệu chứng cớ, hỏi các người làm chứng. Ông giám đốc liêm phóng có thể ký lệnh tạm giam bị cáo. Tất cả mọi hành động cũ phải vào biên bản lập hồ sơ kíp gửi lên công cáo ủy viên. Mỗi khi tạm giam một bị cáo ông giám đốc liêm phóng phải báo cáo cho công cáo ủy viên biết.

Điều 10: – Công cáo ủy viên nhận được hồ sơ có nhiệm vụ:

1) Hỏi ngay các bị báo rồi hạ trát tạm giam bị cáo hay ra mệnh lệnh tạm tha;

2) Xem xét các biên bản và tài liệu để bổ khuyết bằng cách hỏi thêm chứng cớ, tự mình hoặc giao liêm phóng điều tra thêm;

3) Ra quyết định đình cứu hay truy tố hay di lý.

Khi ra quyết định đình cứu thì lập tức tha bị cáo và cho lưu trữ hồ sơ.

Khi quyết định truy tố thì giam giữ bị cáo nếu họ không được tạm tha và chuyển hồ sơ sang ông chánh án tòa án quân sự.

Khi quyết định di lý thì sau khi tuyên bố không có thẩm, giao hồ sơ và bị cáo sang ông biện lý địa phương (hay chủ tịch U. B. H. C. nơi nào chưa có tòa án biệt lập).

b) Việc dự thẩm

Điều 11: Nhận được hồ sơ, ông chánh án tòa án quân sự ra lệnh cho lục sự vào sổ thụ lý rồi đòi các bị cáo đến trước mặt để hỏi xem họ có ai bênh vực không hay có xin cử ai bênh vực không; lời hỏi và câu trả lời phải ghi vào một biên bản. Nếu bị cáo xin cử một người bênh vực thì ông chánh án sẽ ra mệnh lệnh cử.

Xong ông chánh án và hai hội thẩm chuyển hồ sơ cho nhau xem. Trong thời kỳ này ông chánh án, tự mình hay theo lời đề nghị của hội thẩm, có thể ra mệnh lệnh cho công cáo ủy viên hay một ông hội thẩm điều tra thêm một điểm, hỏi thêm chứng tá nào hay làm một việc gì có ích cho sự phát minh sự thật. Ông chánh án có thể ra mệnh lệnh cho lục sự gọi thẳng những người chứng mới ra phiên tòa.

Khi hồ sơ coi là đã đủ, ông chánh án ra quyết định ấn định ngày, giờ và nơi xử án, và danh sách những người làm chứng cần hỏi, để lục sự phát trát đòi. Bị cáo hay người bênh vực của hắn, cũng như công cáo ủy viên, có thể xin ông chánh án chờ đợi những người chứng mình nại ra.

Điều 12: – Từ lúc việc đã thụ lý, luật sư hay người bênh vực cho bị cáo được quyền xem hồ sơ tại phòng lục sự, yêu cầu ông chánh án cho điều tra thêm gọi chứng tá thêm hay thi hành những việc có ích cho sự phát minh sự thực, và có thể giao thiệp thẳng với bị cáo bằng thư từ hay tới thăm.

Muốn tới thăm bị cáo bị giam luật sư hay người bênh vực phải xin phép ông chánh án. Khi vào thăm thì được quyền nói chuyên riêng với bị cáo mà không bị kiểm soát.

Điều 13:Trong tời kỳ dự thẩm bị báo hay người bênh vực cho hắn hay một hội thẩm có thể đệ lên ông chánh án đơn nại rằng tòa án quân sự không có thẩm quyền. Chính ông chánh án cũng có thể tự mình nại điều ấy ra.

Khi ấy ông chánh án lập tức mời hai hội thẩm lại họp phiên tòa quân sự trong phòng nghị luận để xét vấn đề thẩm quyền. Lúc họp này công cáo ủy viên có thể đến bày tỏ ý kiến bằng miệng hay tờ trình rồi ra khỏi phòng nghị luận để tòa án biểu quyết riêng.

Nếu tóa quyết nghị rằng việc không thuộc quyền mình thì ông chánh án ra một mệnh lệnh tuyên bố rằng tòa án quân sự không có thẩm quyển, hủy quyết định truy tố của công cáo ủy viên và ra lệnh cho công cáo ủy viên giao bị báo và hồ sơ cho ông biện lý (hay chủ tịch Ủy ban hành chính nơi nào chưa có tòa án biệt lập)

c) Việc xét xử tại tòa

Điều 14:Bị cáo và người bênh vực cho hắn phải nhận được giấy báo ngày và nơi xét xử án của lục sự ít nhất là 2 hôm trước ngày họp phiên toà.

Lục sự phải phát trát đòi các người chứng ra tòa.

Nếu một người chứng không tới hầu tòa, tòa án sẽ quyết nghị có cần phải gọi lần nữa không hay bỏ người chứng ấy đi.

Tòa có thể ra mệnh lệnh cho công cáo ủy viên áp dẫn người làm chứng trốn tránh tời hầu tòa.

Điều 15: Tại phiên tòa ông chánh án điều khiển cuộc tranh luận và giữ trật tự trong hội đồng. Nếu có kẻ làm rối trật tự ông chánh án có thể ra mệnh lệnh tức khắc tống giam trong 48 giờ hay giao sang cho ông biện lý của tư pháp truy tố nếu phạm vào hình luật.

Điều 16:Trong lúc thẩm vấn giữa phiên tòa ông chánh án và công cáo ủy viên có quyền hỏi thẳng bị cáo và các người làm chứng, còn hai hội thẩm và người bệnh vực cho bị cáo thì phải yêu cầu ông chánh án đặt câu hỏi. Chính bị cáo cũng có quyền xin ông chánh án đặt câu hỏi.

Tòa có thể bác lời xin nếu câu hỏi vô ích cho việc tìm sự thực trong vụ xử mà chỉ kéo giài cuộc thẩm vấn.

Điều 17: Chứng tá phải hỏi riêng từng người, trong lúc hỏi một người thì những người chưa khai không đươc dự thính

Có thể đối chất các người chứng với nhau hay với người bị cáo.

Nếu xét có người làm chứng có y khai man để làm sai lạc sự thực thì công cáo ủy viên có thể tự sang ông biện lý tư pháp đề truy tố về tội làm chứng gian.

Điều 18: Tóa án có toàn quyền ra mệnh lệnh để thi hành mọi việc có ích cho sự phát minh sự thực

Điều 19: Sau khi các bị cáo và người làm chứng đã khai xong, công cáo ủy viên đứng lên luận tội rồi đến lượt bị báo và người bào chữa cho bị cáo biện luận.

Bao giờ bị cáo cũng được nói sau cùng.

Sau hết ông chánh án và hai hội thẩm vào hội bàn trong phòng riêng rồi mới ra tuyên án trước công chúng.

Điều 20: Trong lúc thẩm vấn cho đến khi tuyên án, công cáo ủy viên, bị báo hay người bênh vực hắn, co thể nại rằng tòa án quân sự không có thẩm quyền. Chính tòa án cũng có thể tự mình nại điều ấy ra.

Khi ấy ông chánh án mở ngay cuộc tranh luận về vấn đề thẩm quyền rồi tòa quyết nghị trước khi xét tới chính việc.

Nếu tòa quyết nghị không có thẩm quyền thì tuyên án vô thẩm quyền, hủy quyết định truy tố của công cáo ủy viên và ra lệnh cho công cáo ủy viên giao bị cáo và hồ sơ sang ông biện lý (hay chủ tịch Ủy ban hành chính nơi nào chưa có tòa án biệt lập).

Nếu tòa quyết nghị có thẩm quyền thì cuộc thẩm vấn lại tiếp tục liền.

Điều 21: Khi án tuyên tha bổng thì bản án đồng thời ra lệnh cho công cáo ủy viên lập tức tha cho bị cáo về và hoàn lại các tang vật và truyền lục sự lưu trữ hồ sơ. Tiền phí án, công quỹ chịu.

Điều 22: Khi án tuyên tử hình thì bản án phải ghi chép sự thi hành điều 11 của sắc lệnh ngày 14 tháng 2 năm 1946 về quyền xin ân giảm.

Nếu tội nhân xin ân giảm thì ông chánh án kíp gửi hồ sơ lên Chủ tịch Chính phủ, qua bộ Tư pháp chuyển đệ.

Điều 23: Công cáo ủy viên có nhiệm vụ thi hành các bản án.

Điều 24: Sau mỗi phiên tòa viên hội thẩm chuyên môn, ông cáo ủy viên, mỗi người gửi riêng một tờ trình về bộ Tư pháp về những án đã tuyên và về tình hình dư luận cùng ý kến riêng của mình.

Điều 25: Những tranh tụng xẩy ra trong khi thi hành các án của tòa án quân sự sẽ do tòa ấy phân xử.

Điều 26: Nếu mỗi khoản trong sắc lệnh ngày 14 tháng 2 năm 1946 về tòa án quân sự và trong nghị định này không được áp dụng, thì bị cáo, thân nhân hay người bênh vực của hắn có thể đệ đơn khiếu nại lên Chủ tịch Chính phủ.

Ônh chánh án, các hội thẩm và công cáo ủy viên cũng có quyền ấy.

Đơn phải gửi qua bộ Tư pháp.

Vị Chủ tịch có thể, chiếu sắc lệnh số 64 ngày 23 tháng 11 năm 1945, quyết định mang ra tòa án đặc biệt xử những nhân viên nào trong tòa án quân sự đã không tuân theo sắc lệnh và nghị định kể trên.

Tòa án đặc biệt, ngoài sự trừng phạt những nhân viên ấy, sẽ phán định về hiệu lực bản án của tòa án quân sự.

Điều 27: Nghị định này sẽ thi hành 48 giờ sau khi ký.

Điều 28:Ông Đổng lý sự vụ bộ Tư pháp chiếu nghị định thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Trọng Khánh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 82-TP/NĐ năm 1946 về tổ chức lại tòa án quân sự do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành.

  • Số hiệu: 82-TP/NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/02/1946
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Vũ Trọng Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 12/03/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản