Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 81-CP NGÀY 1-8-1994 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ vào Điều 79 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi),

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nắm vững bốn nguyên tắc cơ bản của việc bầu cử là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; là cơ sở bảo đảm quyền tự do dân chủ, bình đẳng của mọi người dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong mỗi cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Điều 2.- Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Cách tính tuổi bầu cử và ứng cử theo quy định trong Điều 2 của Luật. Tính từ ngày 20 tháng 11 năm 1994 trở về trước, công dân có đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử, có đủ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử, mỗi tuổi tròn hay 365 ngày.

Điều 3.- Công dân được sử dụng quyền bầu cử và ứng cử vào Hội đồng nhân dân không phân biệt về thời hạn cư trú nhưng phải chú ý việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp theo quy định sau:

a) Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn: Người cư trú thường xuyên có quyền lợi gắn bó với địa phương; nếu mới di chuyển đến địa phương, phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu hoặc có giấy giới thiệu chuyển đến cư trú làm ăn sinh sống tại địa phương mới có quyền bầu cử và ứng cử.

b) Đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và tương đương: Việc công dân di chuyển nơi cư trú trong phạm vi một huyện thì không phân biệt thời hạn cư trú đều có quyền bầu cử và ứng cử. Nếu di chuyển tới huyện khác phải có giấy tờ di chuyển chính thức mới được quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu đến với mục đích thăm hỏi người thân, khi bầu cử phải trở về huyện cư trú để bầu cử.

c) Đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không phân biệt thời hạn cư trú trong phạm vi một tỉnh; người ngoài tỉnh phải có giấy tờ di chuyển chính thức đến làm ăn thì có quyền bầu cử, ứng cử; nếu tạm trú có thời hạn với mục đích thăm hỏi, khi bầu cử phải trở về nơi cư trú chính thức để bầu cử.

d) Đối với các đơn vị cơ động quân đội nhân dân do yêu cầu nhiệm vụ mà di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác thì tuỳ theo điều kiện cụ thể mà có thể tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Điều 4.- Nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn người có năng lực và đạo đức bầu người thay mặt mình làm đại biểu Hội đồng nhân dân là điều có tính then chốt trong việc tham gia bầu cử của cử tri. Cần đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu cần thiết, không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn hoặc ngược lại.

Chương 2:

SỐ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU

Điều 5.- Việc tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cụ thể như sau:

a) Cần lấy số lượng về dân số của địa phương đã được Tổng cục Thống kê Trung ương tính tháng 12 năm 1993 để làm căn cứ tính thống nhất trong cả nước.

b) Khi đã có dân số của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, căn cứ vào quy định tại Điều 9 của Luật Bầu cử để tính số đại biểu được bầu cho cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Điều 6.-

Việc tính số lượng đơn vị bầu cử ở cấp bầu cử.

a) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đơn vị bầu cử được tổ chức ở một huyện hoặc liên huyện.

b) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện thì đơn vị bầu cử được tổ chức ở một xã hoặc liên xã.

c) Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì đơn vị bầu cử sẽ được tổ chức ở một thôn, ấp, bản, xóm, hoặc liên thôn, ấp, bản, xóm.

Để xác định số đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị của từng cấp Hội đồng nhân dân phải tính số bình quân mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó đại diện cho bao nhiêu người.

Điều 7.-

Phân định khu vực bỏ phiếu.

Việc định các khu vực bỏ phiếu phải dựa trên các điều kiện sinh hoạt, cư trú của nhân dân, hoàn cảnh địa dư, khả năng tổ chức của địa phương và theo đúng tiêu chuẩn đã được quy định theo Luật. Khi chia khu vực bỏ phiếu không được xé lẻ các thôn, ấp, bản, xóm, tổ dân phố, trường hợp số cử tri quá đông bắt buộc phải chia một thôn, ấp thành hai khu vực bỏ phiếu thì cũng phải có ranh giới rõ ràng để cử tri dễ nhận biết khu vực bỏ phiếu của mình.

Chương 3:

CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ

Điều 8.-

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân gồm có: Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử.

Hội đồng bầu cử được thành lập ở tỉnh, huyện, xã và các đơn vị hành chính tương đương.

Mỗi đơn vị bầu cử được thành lập một Ban bầu cử.

Mỗi khu vực bỏ phiếu thành lập một Tổ bầu cử.

Khi tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiều cấp cùng một ngày, nếu đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh là huyện thì Hội đồng bầu cử Hội đồng nhân dân huyện kiêm cả nhiệm vụ Ban bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh; nếu đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân huyện là xã thì Hội đồng bầu cử xã làm luôn nhiệm vụ của Ban bầu cử Hội đồng nhân dân huyện.

Điều 9.- Sau khi công bố ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân các cấp chủ động trao đổi với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện; với Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp sớm thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng luật.

Điều 10.- Các tổ chức phụ trách bầu cử phải nghiên cứu, nắm vững Luật Bầu cử, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, phải có chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ. Thành viên của các tổ chức này phải là những người công tâm được dân tín nhiệm, được tập huấn, hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ về công tác bầu cử.

Chương 4:

LẬP DANH SÁCH CỬ TRI

Điều 11.- Lập danh sách cử tri có ý nghĩa chính trị quan trọng để xác nhận quyền bầu cử của mỗi công dân. Cấp chính quyền cơ sở có trách nhiệm lập danh sách cử tri phải tiến hành chu đáo, thận trọng không để sót một người nào có quyền bầu cử không ghi nhầm người không có quyền bầu cử vào danh sách theo Nghị quyết số 590-NQ/HĐNN8 ngày 27-5-1992 của Hội đồng Nhà nước (nay là Uỷ ban thường vụ Quốc hội) về những trường hợp công dân không được bầu cử, và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế số 8-TT/BYT ngày 20-3-1981 về thẩm quyền xác định những công dân bị mất trí không tham gia bầu cử được.

Điều 12.- Chậm nhất 30 ngày trước ngày tiến hành bầu cử phải niêm yết danh sách cử tri ở trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu; cần sử dụng các phương tiện thông tin thích hợp ở địa phương để thông báo cho mọi cử tri biết rõ những người có quyền bầu cử và những người không được bầu cử.

Việc giải quyết những khiếu nại về quyền bầu cử thực hiện theo Điều 25 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chương 5:

LẬP DANH SÁCH ỨNG CỬ VIÊN

Điều 13.- Việc lập danh sách ứng cử viên theo quy định ở Chương V của Luật giao cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan có trách nhiệm thực hiện quy trình này đảm bảo thời gian quy định, thực sự dân chủ không được gò ép, mệnh lệnh. Quy trình lập danh sách ứng cử viên bao gồm các công tác cụ thể theo hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chính quyền các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện giúp đỡ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp làm tốt quy trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 14.- Sau khi công bố danh sách ứng cử viên, chính quyền địa phương cần phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên với các cử tri ở đơn vị bầu cử. Ứng cử viên có thể trả lời các câu hỏi của cử tri và trình bày những dự kiến của mình khi được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Ứng cử viên có quyền vận động cho mình. Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội có thể vận động cho ứng cử viên theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

TRÌNH TỰ BẦU CỬ VÀ KẾT QUẢ BẦU CỬ

Điều 15.- Phải bảo đảm thời gian bỏ phiếu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ cùng ngày như quy định tại Điều 39 của Luật. Tuỳ tình hình địa phương, Luật cho phép Tổ bầu cử bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn giờ quy định nhưng không được bắt đầu trước 5 giờ sáng và kết thúc sau 20 giờ cùng ngày.

Điều 16.- Phòng bỏ phiếu phải bố trí trang trọng, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cử tri đến bỏ phiếu được trật tự và thực hiện đúng nguyên tắc bỏ phiếu kín và trực tiếp.

Điều 17.- Khi công bố kết quả bầu cử phải công bố số người trúng cử và số phiếu bầu cho mỗi ứng cử viên, tỷ lệ phiếu bầu cho từng ứng cử viên so với tổng số phiếu hợp lệ ở đơn vị bầu cử đó.

Điều 18.-

Sau khi kiểm phiếu ở những đơn vị bầu cử không được quá nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách đi bầu và những đơn vị vi phạm nghiêm trọng Luật Bầu cử mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có quyết định huỷ kết quả cuộc bầu cử thì phải tổ chức bầu lại theo quy định của Luật.

Ở những đơn vị bầu cử nếu số người trúng cử chưa đủ 2/3 số đại biểu đã quy định thì phải tổ chức bầu thêm số đại biểu còn thiếu.

Điều 19.-

Tổng kết cuộc bầu cử.

Sau khi tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử do các Ban bầu cử gửi đến, Hội đồng bầu cử phải làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả cuộc bầu cử theo Luật định để toàn thể cử tri biết bằng mọi phương tiện thông tin thường dùng trong địa phương.

Chương 7:

VIỆC BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 20.-

Việc tổ chức bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải được thực hiện đúng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tuỳ theo tình hình và đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương, mỗi cấp mà quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân ở những đơn vị bầu cử khuyết đại biểu, không nhất thiết đơn vị bầu cử nào khuyết cũng phải bổ sung, nhằm giảm bớt sự chi phí sức người, sức của của nhân dân và Nhà nước.

Chương 8:

VIỆC XỬ LÝ NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BẦU CỬ

Điều 21.- Trong mỗi cuộc bầu cử có thể xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật. Do đó để đảm bảo cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt kết quả và an toàn mọi mặt; đồng thời giữ nguyên kỷ cương pháp luật; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các cấp chính quyền và các cơ quan thi hành pháp luật phải thi hành đúng chức trách của mình trong việc xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử của các công dân, các thành viên trong các tổ chức phụ trách bầu cử, các công chức, viên chức Nhà nước theo đúng quy định của Điều 67 và Điều 68 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22.- Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định này có trách nhiệm giúp Chính phủ phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999 và các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khác đảm bảo dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.

Điều 23.- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 24.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 81-CP Hướng dẫn Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân

  • Số hiệu: 81-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/08/1994
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 01/08/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản